Mỹ ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của ASEAN nhằm tăng cường hợp tác hòa bình với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Biển Đông, bao gồm cả nỗ lực chung tay xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một khối chính trị và kinh tế của các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Tuần này, ASEAN đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh và tuyên bố rằng tổ chức này được khích lệ trước “những nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc”, cũng như những nỗ lực của khối này nhằm xây dựng một “Bộ Quy tắc Ứng xử” ở Biển Đông. Trung Quốc và nhiều thành viên ASEAN đều tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ chồng lấn ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo ngày 11/5, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết chính quyền ông Biden ủng hộ các sáng kiến trên và tin rằng các khuôn khổ như vậy là một lộ trình trọng yếu để duy trì hòa bình trong khu vực.
“…vì vấn đề này liên quan đến Biển Đông và ranh giới hàng hải cũng như đường phân định quốc tế, Hoa Kỳ tin rằng cần có không gian quan trọng để [tạo điều kiện thuận lợi] cho các cuộc đàm phán này, cũng như đề xuất một số khuôn khổ và quy tắc đi biển vì nó liên quan đến phần này của thế giới”, ông Patel nói với The Epoch Times.
Tuy nhiên, ông Patel nhấn mạnh rằng ông không biết về thông báo cụ thể, nhưng không cho biết liệu các thành viên khác của chính quyền ông Biden có biết về những nỗ lực của ASEAN trước khi đưa ra tuyên bố này hay không.
ASEAN đi đầu trong nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc
Điều này không có nghĩa là mối quan hệ của ASEAN với ĐCSTQ không tồn tại thách thức.
Các thành viên ASEAN bao gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền đối với nhiều khu vực khác nhau trên Biển Đông. Đó cũng là nơi mà Trung Quốc đã cố tình mở rộng quyền kiểm soát của mình một cách có hệ thống bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo và triển khai các đội tàu đánh cá trái phép quy mô lớn.
Tuyên bố do khối ASEAN này đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh tuần này đã đề cập đến vấn đề là “tình hình ở Biển Đông” nhưng không nêu tên cụ thể Trung Quốc.
“…một số Quốc gia Thành viên ASEAN đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo đất và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực, bao gồm cả thiệt hại đối với môi trường biển, làm xói mòn lòng tin và sự tín nhiệm, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”, tuyên bố cho biết.
Việc khối ASEAN theo đuổi hòa bình với Trung Quốc về vấn đề này dường như ít liên quan đến việc thiết lập mối quan hệ nồng ấm thực sự với Trung Quốc, mà liên quan nhiều hơn đến việc ngăn chặn sự leo thang chiến sự trong khu vực, chẳng hạn như khi một tàu dân quân Trung Quốc đã “chiếu tia laser cấp độ quân sự” vào một Tàu tuần duyên Philippines hồi đầu năm.
Theo đó, hôm 13/2, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức lên án việc Trung Quốc được cho là đã chiếu “tia laser cấp độ quân sự” vào một tàu của Lực lượng Tuần duyên Philippines ở Biển Đông. Vào thời điểm đó, tàu của Philippines đang hỗ trợ nhiệm vụ tiếp tế cho hải quân nước này tại Bãi Cỏ Mây.
Vụ việc diễn ra vào ngày 6/2, khi chiếc tàu BRP Malapascua của Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) đang hỗ trợ hải quân nước này vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm tới một tiền đồn quân sự trên Bãi cạn Thomas thứ Hai (Bãi Cỏ Mây) xa xôi thuộc Quần đảo Trường Sa.
Khi tàu cách Bãi Cỏ Mây 10 hải lý (khoảng 20 km) thì một tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5205 bất ngờ chiếu tia laser 2 lần, gây “mù tạm thời” (trong khoảng 10 – 15 giây) với thủy thủ đoàn đang làm nhiệm vụ trên tàu, các quan chức Manila cho biết.
Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Phản ứng trước sự việc này, hôm 13/2 Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích các hành động của Bắc Kinh và gọi các hành động này là “khiêu khích và không an toàn”.
Để đạt được mục tiêu theo đuổi hòa bình với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim bày tỏ hy vọng rằng ASEAN có thể tránh vướng vào “sự cạnh tranh giữa các cường quốc”, ám chỉ sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, theo hãng truyền thông Malaysia Astro Awani.
Bất chấp thực tế này, Trung Quốc về cơ bản vẫn tiếp tục nỗ lực tăng cường tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng trong khu vực, phần lớn thành công bằng cách đe dọa các quốc gia nhỏ.
Về phần mình, Hoa Kỳ khẳng định các yêu sách của ĐCSTQ ở Biển Đông là bất hợp pháp và các chuyên gia nhìn nhận rằng tham vọng bành trướng của chế độ này rõ ràng là vi phạm luật pháp quốc tế.
“Tất cả những điều này rõ ràng là bất hợp pháp, đi ngược lại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc đã giúp đàm phán”, ông Greg Poling, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết vào năm ngoái.
“Chúng ta đang tiến rất gần đến nguy cơ mất tự do hàng hải ở Biển Đông”, ông lập luận.
Lam Giang biên dịch