Mỹ cần sự ủng hộ của G-7 nếu muốn kìm hãm Trung Quốc

Anders Corr

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki (thứ 2 từ phải sang) có bài phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G-7 tại Phòng Hội nghị Quốc tế Toki Messe ở Niigata, Nhật Bản, vào ngày 11/05/2023. (Ảnh: Kimimasa Mayama/Pool/AFP qua Getty Images)

Nếu Mỹ trừng phạt Trung Quốc mà không nhận được sự hưởng ứng, Mỹ có thể bị cô lập về kinh tế và chính trị trong khi Bắc Kinh có thể gia tăng ảnh hưởng. Ngoài ra, Ý và các đồng minh của NATO nên rút khỏi các tổ chức cho Trung Quốc dẫn dắt ngay lập tức.

Lập trường của châu Âu đối với Trung Quốc từ lâu đã trở nên mềm yếu. Đây là một vấn đề đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Nếu Mỹ muốn Bắc Kinh chấm dứt các hành vi gây hấn lãnh thổ và vi phạm nhân quyền, Mỹ cần sự phối hợp hành động chống lại nền kinh tế Trung Quốc của càng nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới càng tốt. Những động thái gần đây của Đức, Pháp và Ý cho thấy những tiến bộ trong vấn đề này.

Ví dụ, nếu Mỹ trừng phạt và áp thuế đối với Trung Quốc mà không nhận được sự hưởng ứng tương tự từ các quốc gia G-7 khác, thì Trung Quốc có thể chuyển hoạt động thương mại của mình từ Mỹ sang châu Âu và Nhật Bản. Điều đó sẽ cô lập nước Mỹ về kinh tế và chính trị và giúp Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng kinh tế giữa các đồng minh của Mỹ.

Nhóm G-7 – bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Vương quốc Anh, Ý và Canada – là các nền kinh tế dân chủ lớn nhất thế giới. Nhóm này sẽ cố gắng tránh vấp phải cạm bẫy trên bằng cách phối hợp chặt chẽ trong các chính sách về Trung Quốc tại cuộc họp tiếp theo của nhóm bộ trưởng tài chính bắt đầu từ ngày 19/05 tại Nhật Bản.

Tín hiệu lẫn lộn

Hầu hết các nước G-7 hiện đang gửi những tín hiệu lẫn lộn tới Trung Quốc bằng mồi nhử hợp tác. Nỗ lực xoa dịu siêu cường châu Á này là nhằm thỏa mãn các lợi ích kinh doanh trong nước, tìm kiếm sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc kiềm chế cuộc chiến của Moscow chống lại Ukraine, và tạo vốn liếng chính trị để gây sức ép buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngừng ý đồ xâm lược Đài Loan.

Chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng trước và lời khẳng định rằng Pháp sẽ không làm “chư hầu” trong vấn đề Trung Quốc hay phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD là ví dụ rõ ràng nhất. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm khu vườn tư dinh Tỉnh trưởng Quảng Đông, Trung Quốc, vào ngày 07/04/2023. (Ảnh: Jacques Witt/Pool/AFP qua Getty Images)

Ông Macron đang cố gắng làm cho châu Âu độc lập về mặt chiến lược khỏi Mỹ và trở thành một “cực thứ ba” trên trường quốc tế. Nhưng Brussels vốn vẫn được coi là một cực thứ ba, và ông Macron đã nhanh chóng rút lui khỏi các luận điểm ủng hộ Trung Quốc sau khi đại sứ Trung Quốc tại Pháp khiến ông khó xử khi phủ nhận chủ quyền của Ukraine và các nước cộng hòa hậu Xô Viết khác.

Vào ngày 10/05, các ngoại trưởng Pháp và Đức đã cùng nhau thúc ép Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc với Moscow để thúc đẩy Nga rút quân khỏi Ukraine. Họ ủng hộ việc ‘giảm thiểu rủi ro’ và ‘hạn chế sự phụ thuộc quá mức’ vào Trung Quốc nhưng vội vàng nói rằng đây không phải là “sự tách rời”.

Tuần trước, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đảm bảo với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy rằng bà ủng hộ việc rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử của mình vào năm ngoái, bà nói rằng việc Ý tham gia BRI là “một sai lầm lớn”.

Ý là thành viên G-7 duy nhất tham gia BRI. Thủ tướng Ý cho biết, việc rút khỏi BRI hiện đang được cân nhắc. Bà Thủ tướng phải đưa ra quyết định trước năm 2024, khi tư cách thành viên tự động gia hạn khi không có thông báo rút lui trước ba tháng.

Mối quan hệ của châu Âu và Trung Quốc

Mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc bắt đầu rạn nứt vào năm 2021 khi Brussels (nơi đặt trụ sở Liên minh châu Âu) quyết định hủy bỏ hiệp ước đầu tư với nước này sau các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng liên quan tới nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ. Hiệp ước được cho là có lợi cho các nhà sản xuất Đức, bao gồm cả Volkswagen.

Năm ngoái, Bắc Kinh đã mạnh tay cưỡng chế kinh tế Litva vì nước này ủng hộ Đài Loan. Điều này đã dẫn đến việc Liên minh châu Âu thông qua chính sách trả đũa bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, nếu các nước này cố gắng sử dụng biện pháp cưỡng chế kinh tế đối với một quốc gia thành viên EU.

Giờ đây, các nước châu Âu chủ yếu đang tức giận với Bắc Kinh về việc nước này ủng hộ cuộc chiến của Moscow chống lại Ukraine. Các thành viên hàng đầu của EU đang cân nhắc bắt đầu áp dụng các biện pháp để tách rời khỏi Trung Quốc. Điều này được thực hiện dưới cái tên dễ nghe hơn là “giảm thiểu rủi ro một cách thông minh” trong thương mại. Quá trình tách rời sẽ dần dần diễn ra, việc “giảm thiểu rủi ro” chỉ khác chút ít so với việc tách rời trong các bước thực tế tiếp theo của nó.

Các biện pháp bao gồm các hạn chế đối với việc xuất khẩu chip máy tính mạnh nhất của Hà Lan. Đây là sản phẩm có ứng dụng kép trong quân sự, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính.

Sự nguy hiểm của việc phụ thuộc kinh tế vào các nhà độc tài hiếu chiến đã được minh họa khi Moscow hủy bỏ hoạt động xuất khẩu năng lượng sang châu Âu trong nỗ lực gây áp lực buộc Brussels không phản đối cuộc chiến ở Ukraine. Nước cờ của Moscow đã thất bại nhưng đã cảnh báo châu Âu về mối nguy hiểm của sự phụ thuộc thương mại, bao gồm cả việc phụ thuộc vào Trung Quốc.

Vấn đề cần lưu ý

Các quốc gia và công ty đã tự cho phép mình ủng hộ ĐCSTQ và các chính sách diệt chủng và gây hấn lãnh thổ của nó thông qua mối quan hệ thương mại trong quá khứ. Đây là các đối tượng sẽ phải trả cái giá đắt nhất cho việc tách rời hiện nay. Giao dịch với các kẻ thù của nền dân chủ cần phải bị hạn chế để ngăn chặn giao dịch phi đạo đức trong tương lai.

Ý và các đồng minh, bạn bè và đối tác khác của NATO nên rút khỏi tất cả các tổ chức do Trung Quốc lãnh đạo ngay lập tức, không chỉ bao gồm BRI, mà cả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản, Philippines và New Zealand nên lưu ý vấn đề này.

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. – nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).

Related posts