Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt hơn 300 cá nhân và thực thể của Nga
Hôm 19/5 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào hơn 300 cá nhân và thực thể của Nga liên quan đến cuộc xung đột diễn ra tại Ukraine.
Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 69 công ty Nga, 1 công ty có trụ sở ở Armenia và 1 công ty có trụ sở ở Kyrgyzstan vào danh sách trừng phạt thương mại với lý do hỗ trợ quân đội Nga, đồng thời tạm dừng xuất khẩu hàng loạt mặt hàng tiêu dùng sang Nga.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 22 cá nhân và 104 thực thể, trong khi Bộ Ngoại giao áp đặt trừng phạt đối với gần 200 cá nhân, thực thể, tàu thuyền và máy bay.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và 37 quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chưa từng có đối với Moscow.
Ở một diễn biến khác, tại hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Hiroshima của Nhật Bản từ ngày 19/5, các nền dân chủ giàu có dự kiến sẽ siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt nhằm cố gắng buộc Moscow chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Mặc dù các biện pháp trừng phạt hiện tại đối với Nga là một trong những biện pháp khắc nghiệt nhất từng được áp đặt đối với một nền kinh tế lớn, nhưng G7 có khả năng gia tăng áp lực đáng kể, mặc dù sự chia rẽ trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng.
Rachel Lukasz, thành viên của Nhóm công tác quốc tế về các biện pháp trừng phạt Nga tại Đại học Stanford, nói với Al Jazeera: “Chắc chắn có nhiều không gian để G7 áp đặt thêm các hạn chế và thắt chặt những hạn chế hiện có. Các lĩnh vực quan trọng nhất bao gồm dầu mỏ và năng lượng, các biện pháp trừng phạt thương mại phi năng lượng và khắc phục các lỗ hổng trong lĩnh vực này, cũng như các biện pháp trừng phạt công nghệ”.
Trọng tâm chính của các thành viên G7 – Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Ý – dự kiến sẽ tăng cường thực thi các lệnh trừng phạt hiện có, bao gồm cả việc kiểm soát việc trốn tránh lệnh trừng phạt liên quan đến các nước thứ 3.
Phan Anh
Thủ tướng Nga sắp thăm chính thức Trung Quốc
Theo thông báo từ Điện Kremlin ngày 19/5, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ 23 – 24/5, theo hãng tin Reuters.
Thủ tướng Mikhail Mishustin dự kiến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường. Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của ông Mishustin trên cương vị Thủ tướng Nga.
Theo Điện Kremlin, trong các cuộc hội đàm, hai bên sẽ thảo luận về hợp tác kinh tế và thương mại, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, hạ tầng vận tải và nông nghiệp. Thủ tướng Mishustin cũng sẽ đến thăm Thượng Hải và phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp Nga – Trung. Lãnh đạo nhiều công ty hàng đầu của Nga và Trung Quốc sẽ cùng tham dự sự kiện này.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nga diễn ra trong bối cảnh Moscow và Bắc Kinh liên tục tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong những năm qua. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Moscow hồi tháng 3 và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ở một diễn biến khác, hôm 19/5 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào hơn 300 cá nhân và thực thể của Nga liên quan đến cuộc xung đột diễn ra tại Ukraine.
Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 69 công ty Nga, 1 công ty có trụ sở ở Armenia và 1 công ty có trụ sở ở Kyrgyzstan vào danh sách trừng phạt thương mại với lý do hỗ trợ quân đội Nga, đồng thời tạm dừng xuất khẩu hàng loạt mặt hàng tiêu dùng sang Nga.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 22 cá nhân và 104 thực thể, trong khi Bộ Ngoại giao áp đặt trừng phạt đối với gần 200 cá nhân, thực thể, tàu thuyền và máy bay.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và 37 quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chưa từng có đối với Moscow.
Phan Anh
Hãng Meta đối mặt án phạt kỷ lục
Mức án phạt nhằm vào hãng Meta, công ty mẹ của Facebook, dự kiến sẽ cao hơn khoản phạt 746 triệu EUR mà Amazon buộc phải trả vào năm 2021 vì vi phạm tương tự, theo tờ Politico.
Cụ thể, hãng Meta dự kiến sẽ phải đối mặt với mức phạt kỷ lục về vi phạm quyền riêng tư khi cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu của Ireland xác nhận nền tảng truyền thông xã hội này đã xử lý sai dữ liệu của người dùng khi chuyển dữ liệu đó đến Mỹ.
Thông tin này được tờ Politico dẫn nguồn từ hai người nắm thông tin trực tiếp liên quan đến quyết định sắp tới.
Tuy vậy, Politico không thể xác nhận quy mô của mức phạt, dự kiến sẽ cao hơn khoản tiền phạt 746 triệu EUR mà Amazon buộc phải trả vào năm 2021 vì vi phạm tương tự các tiêu chuẩn về quyền riêng tư của Liên minh Châu Âu – theo nguồn tin trên.
Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu của Ireland dự kiến sẽ công bố phán quyết của mình vào đầu tuần tới. Ngoài án phạt, Ủy ban có thể sẽ yêu cầu nền tảng Facebook của hãng Meta ngừng sử dụng các công cụ pháp lý phức tạp để chuyển dữ liệu của EU sang Mỹ, mà họ gọi là các điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn.
Quyết định sắp tới bắt nguồn từ những tiết lộ vào năm 2013 từ Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), người từng tiết lộ rằng chính quyền Mỹ đã nhiều lần truy cập thông tin của người dùng thông qua các công ty công nghệ như Facebook và Google.
Max Schrems, một nhà vận động quyền riêng tư người Áo, đã đệ đơn kiện Facebook vì không bảo vệ quyền riêng tư của ông, gây ra cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ về tính hợp pháp của việc chuyển dữ liệu người dùng tại EU sang Mỹ.
Tòa án hàng đầu của châu Âu đã nhiều lần tuyên bố rằng Washington không có đủ biện pháp kiểm tra để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng châu Âu, và Mỹ gần đây đã cập nhật các biện pháp bảo vệ pháp lý nội bộ của mình để mang lại cho EU sự đảm bảo chắc chắn hơn rằng các cơ quan tình báo nước này sẽ tuân thủ các quy tắc mới quản lý việc truy cập dữ liệu đó.
Trong một vụ việc tương tự, năm 2021, Ủy ban Bảo vệ dữ liệu quốc gia Luxembourg (CNPD) đã phạt Amazon 746 triệu EUR (880 triệu USD) vì vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể Ủy ban này đã áp đặt mức phạt trên đối với Amazon EURpe Core, công ty con của Amazon.
Trước đó, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (CJEU) đã cho phép các cơ quan giám sát bảo mật dữ liệu của các quốc gia thành viên có hành động pháp lý chống lại các công ty công nghệ dù không phải là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chính.
Phan Anh
Đài Loan cảnh báo không nên đi Trung Quốc nếu không có việc cấp bách
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện chế độ cai trị hà khắc khiến không ít người bị kết án vì vấn đề phát ngôn. Liên quan đến vấn đề này, có cảnh báo từ Đài Loan rằng người Đài Loan không có nhu cầu đặc biệt khẩn cấp thì đừng đến Trung Quốc.
Nhà văn Wang Hao nổi tiếng tại Đài Loan đã cho biết trên Facebook về một số trường hợp gần đây bị cơ quan chức năng ĐCSTQ trấn áp đầy hoang đường: Nam diễn viên “House” (Li Haoshi) của Trung Quốc khi biểu diễn, vì lỡ miệng nói “Tác phong tốt, có thể đánh thắng trận” mà bị buộc tội sử dụng hình ảnh chó hoang để nói bóng gió về quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bị nhà cầm quyền điều tra và cấm biểu diễn vô thời hạn; doanh nhân Đài Loan Fu Cha hoạt động xuất bản cũng bị ĐCSTQ giam giữ khi ông đi thăm người thân ở Trung Quốc; một sinh viên Hồng Kông học tập tại Nhật Bản đã đăng trên Facebook nội dung về tự do và dân chủ cho Hồng Kông, khi trở về Hồng Kông bị cáo buộc vi phạm “Luật An ninh Quốc gia” và bị truy tố.
Ông cảnh báo thực trạng “văn tự ngục” của thời Cách mạng Văn hóa Trung Quốc đã xuất hiện trở lại tại quốc gia này, thậm chí cánh tay trấn áp còn vươn ra nước ngoài, nếu gần đây ai có muốn đến Trung Quốc thì hãy chú ý xem trong 5 năm qua, đã bao giờ đăng những lời lẽ tiêu cực về Trung Quốc trên bất kỳ mạng xã hội nào chưa, thậm chí mức độ chỉ là chuyển tiếp bài viết của người khác. Nếu điện thoại di động có tải các ứng dụng xã hội như Facebook, Twitter, LINE… thì hãy gỡ bỏ trước khi vào Trung Quốc. Khi đến Trung Quốc đừng tùy tiện chụp ảnh vì có thể bị nghi ngờ là gián điệp. Tuy nhiên “tốt nhất là đừng đến Trung Quốc nếu không có nhu cầu đặc biệt khẩn cấp”.
Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, Phó Chủ tịch kiêm người phát ngôn của Hội đồng Vấn đề Đại Lục (MAC) là Zhan Zhihong cũng đề nghị trong cuộc họp báo vào ngày 18/5, rằng người Đài Loan nên đánh giá cẩn thận các rủi ro cá nhân trước khi đến Đại Lục. Ông chỉ ra trong các vụ bắt giữ gần đây ở Đại Lục thì các căn cứ cáo buộc đều xảy ra ở nước ngoài, cho thấy cánh tay quyền tài phán của ĐCSTQ đã mở rộng ra các khu vực nước ngoài – một động thái đã khiến nhiều nước lên án; còn “Luật phản gián” mới của ĐCSTQ có nhiều vấn đề quy định mập mờ. Ví dụ tính mơ hồ về xác định cái gọi là “an ninh quốc gia” của ĐCSTQ, quá trình thực thi khiến người nước ngoài khó lường để tránh phạm “điều cấm kỵ”. Gần đây nhiều học giả, nhà lập pháp, nhà văn hóa, nhà báo và doanh nhân Đài Loan đã bị phía Trung Quốc đối xử không thân thiện, ảnh hưởng đến quyền tự do và an toàn cá nhân, nhưng không có lời giải thích nào từ phía Trung Quốc, MAC phải nhắc nhở người Đài Loan đưa ra những đánh giá và cân nhắc liên quan trước khi sang Đại Lục.
Về vấn đề này, trong họp báo vào ngày 17/5, người phát ngôn Văn phòng Vấn đề Đài Loan của ĐCSTQ là Ma Xiaoguang đã tuyên bố: “Ở Đại Lục không có chuyện bị bắt vì tội gián điệp nếu chụp ảnh các tòa nhà được phép chụp ảnh. Việc nói chuyện liên quan chia rẽ Đài Loan và Đại Lục nhưng với tinh thần xây dựng thiện ý thì không có vấn đề gì, nhưng nếu nhằm mục đích do thám tình báo thì đó là vi phạm pháp luật”. Đáp lại, người phát ngôn của MAC Đài Loan cho biết: xác định thế nào là thiện chí và thế nào là do thám tình báo đều do phía ĐCSTQ quyết định. Ông hỏi: “Có nước nào mà diễn viên nói lỡ vài chữ mà phạt 13,35 triệu nhân dân tệ?”
Giai Kỳ, Vision Times
Nga ra lệnh bắt giữ nhà sản xuất và đạo diễn nổi tiếng chỉ trích chiến tranh Ukraine
Một tòa án ở Moscow đã ra lệnh bắt giữ ông Alexander Rodnyansky, nhà sản xuất phim nổi tiếng, và ông Ivan Vyrypaev, đạo diễn nổi tiếng, vì tội “lan truyền thông tin sai lệch” về quân đội Nga.
Các phiên tòa đầu tiên chống lại ông Rodnyansky và ông Vyrypaev đã diễn ra vào ngày 27/04, nhưng đến thứ 4 (17/05) mới được tòa án thông báo.
Theo bộ phận báo chí của tòa án, ông Rodnyansky và ông Vyrypaev, những người đang sống ở bên ngoài nước Nga, sẽ bị giam giữ sau khi chính quyền Nga bắt được họ hoặc dẫn độ họ. Bộ Nội vụ Nga cũng đưa ông Vyrypaev vào danh sách truy nã liên bang.
Ông Rodnyansky, sinh ra ở Kiev, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong điện ảnh Nga trong những thập kỷ gần đây. Ông rời Nga sau khi nước này tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 02/2022 và đã nhiều lần công khai phản đối cuộc chiến. Tháng 10/2022, Bộ Tư pháp Nga tuyên bố ông Rodnyansky là “đặc vụ nước ngoài”.
Nhà viết kịch, đạo diễn và diễn viên nổi tiếng Vyrypaev đã sống và làm việc ở Warsaw (Ba Lan) trong nhiều năm và cũng từng lên tiếng phản đối cuộc chiến Nga – Ukraine.
Cũng trong hôm thứ 4, một tòa án ở Moscow đã tuyên án 7 năm tù cho nhân vật đối lập và nhà hoạt động phản chiến Mikhail Krieger.
Ông Krieger bị bắt vào tháng 11/2022 với cáo buộc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và kích động hận thù thông qua đe dọa bạo lực. Ông đã đăng nhiều bài viết lên mạng xã hội từ năm 2020, trong đó ông ca ngợi những kẻ tổ chức các cuộc tấn công vào các tòa nhà của Cơ quan An ninh Liên bang Nga.
Tại tòa, ngay trước khi nghe tuyên án, ông Krieger nói rằng ông đang bị truy tố vì “có quan điểm phản chiến và công khai ủng hộ Ukraine”.
Theo The Associated Press
Xuân Hoa biên dịch
Kinh tế Hồng Kông suy thoái, Thâm Quyến sẽ gánh chịu hậu quả trước tiên?
Nền kinh tế Hồng Kông có ổn định hay không đã trở thành yếu tố then chốt quyết định an ninh tài chính của Trung Quốc. Nếu nền kinh tế Hồng Kông suy thoái, Thâm Quyến sẽ trở thành thành phố đầu tiên của Đại Lục phải gánh chịu hậu quả.
Trong thời kỳ chống dự luật dẫn độ, nhiều người Hồng Kông cho rằng Hồng Kông nắm chắc huyết mạch của nền kinh tế Trung Quốc, nên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ không dám mạnh tay với đặc khu này. Tuy nhiên, ĐCSTQ “khát máu” cuối cùng đã đàn áp người dân, nghiền nát “một quốc gia hai chế độ”.
Một bài bình luận gần đây đã phân tích tác động của Hồng Kông đối với kinh tế Trung Quốc. Mở đầu, bài viết đã thẳng thừng tuyên bố “Hồng Kông hiện là điểm yếu lớn nhất của kinh tế Trung Quốc, chứ không phải một trong số đó!” Nếu nền kinh tế Hồng Kông không ổn định và không có “đủ sức đề kháng”, sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh tài chính của Trung Quốc.
Vì vậy, triển vọng kinh tế cho Hồng Kông là gì? Theo dữ liệu từ Cục Điều tra và Thống kê của Chính phủ, vào quý 4 năm 2022, lực lượng lao động ở Hồng Kông có khoảng 3,77 triệu người, dân số có việc làm là 3,65 triệu người – mức giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận vào năm 1985.
Trong vài năm liên tiếp, tổng dân số cũng giảm. Đến cuối năm 2022, dân số Hồng Kông đã giảm xuống còn 7,33 triệu người, so với 7,52 triệu người vào năm 2019, tức là giảm gần 200.000 người.
Bài viết nói rằng thế hệ trẻ ở Hồng Kông, những người có năng lực và có thể tạo ra của cải, đang nhanh chóng rời đi. Thực tế là không có nền kinh tế nào có thể chịu được sự di cư nhanh chóng của thế hệ trẻ, và Hồng Kông cũng không ngoại lệ.
Ngày 2/5, Cục Doanh thu nội địa Hồng Kông (Cục Thuế) thông báo rằng họ đã phát hành khoảng 2,4 triệu tờ khai thuế cá nhân cho năm 2022/2023. Một số kênh truyền thông cho biết, tổng số tờ khai thuế cá nhân đã giảm 370.000 tờ trong 3 năm qua, cho thấy dân số Hồng Kông tiếp tục bị thất thoát nghiêm trọng.
Nhiều người dân ước tính rằng 370.000 tờ khai thuế chỉ phản ánh sự thất thoát của cư dân chịu thuế. Nếu cộng thêm những cư dân không phải đóng thuế như người về hưu, nội trợ và sinh viên, số lượng dân số bị thất thoát có thể còn lớn hơn.
Trong 3 năm tài chính vừa qua, tổng lượng cư dân Hồng Kông ra khỏi sân bay là khoảng 460.000 người. (Năm tài chính của Hồng Kông bắt đầu vào ngày 1/4 và kết thúc vào ngày 31/3 năm sau.) Xu hướng di dân của người Hồng Kông vẫn đang tiếp diễn.
Ngoài dân số, doanh thu tài chính của chính phủ cũng giảm sút. Trong 4 năm từ 2019 đến năm tài chính 2022, tổng thâm hụt tài chính của Hồng Kông lên tới 436,3 tỷ đô la Hồng Kông. Mặc dù Chính phủ Hồng Kông rất lạc quan, nhưng thực tế lại không hề lạc quan.
Bài viết cho biết, có 2 chỉ số kinh tế chính ở Hồng Kông: Một là tài chính, hai là thương mại trung chuyển.
Về tài chính, các quỹ ngoại hối trước đây được tập trung ở Hồng Kông đang dần chảy sang Singapore. Về thương mại trung chuyển, Hồng Kông, với tư cách là trung tâm thương mại trung chuyển lớn nhất ở Trung Quốc Đại Lục, đã trở nên hoạt động kém dần.
Dữ liệu được công bố vào tháng Hai năm nay cho thấy, giá trị xuất khẩu của Hồng Kông đạt mức giảm hàng tháng lớn nhất trong 70 năm qua.
Rắc rối lớn hơn nằm ở sự phụ thuộc biến dạng của nền kinh tế Hồng Kông vào bất động sản. Bài viết cho biết, một phần lớn doanh thu tài chính của chính quyền Hồng Kông đến từ việc bán đất. Nếu cộng thêm thuế trước bạ, doanh thu liên quan đến bất động sản chiếm 40%.
Khoản vay của các ngân hàng Hồng Kông cũng dựa trên bất động sản. Bài viết tin rằng điều này đã ràng buộc nền kinh tế Hồng Kông với thị trường bất động sản. Một khi giá bất động sản giảm mạnh và làn sóng vỡ nợ xảy ra, toàn bộ hệ thống tài chính ở Hồng Kông sẽ sụp đổ chỉ sau một đêm.
Đối với nền kinh tế của Hồng Kông, giá bất động sản chỉ được phép tăng lên, không được phép đứng yên, lại càng không được giảm! Nhưng năm ngoái, thị trường bất động sản Hồng Kông đã giảm 15%.
Từ trước đến nay, vốn nước ngoài thường chảy vào Trung Quốc Đại Lục thông qua hệ thống tài chính của Hồng Kông. Điều này thể hiện qua số liệu thống kê, rằng đầu tư của Hồng Kông vào Đại Lục chiếm hơn 70% lượng vốn nước ngoài được sử dụng thực tế của Đại Lục.
Theo tình hình hiện tại, làm thế nào để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính Hồng Kông, để nó không ảnh hưởng đến Đại Lục đã trở thành một vấn đề thực tế rất nghiêm trọng.
Ngoài ra, ngân hàng tăng lãi suất khiến thị trường bất động sản Hồng Kông khó trụ vững. Ông Nhan Bảo Cương, người từng đứng đầu văn phòng chính của i-Cable Finance, cho biết đợt tăng lãi suất gần đây đã khiến giá bất động sản ở Hồng Kông giảm xuống, điều này không có lợi cho sự phát triển của thị trường trong tương lai.
Trong số đó, 35 khu nhà ở quy mô lớn đã ghi nhận 40 giao dịch trong tuần đầu tiên của tháng này (từ ngày 1 – 7/5), không chỉ giảm gần 30% theo tuần mà còn chạm mức thấp nhất trong 32 tuần qua, nghĩa là lượng giao dịch trên thị trường đã trở lại mức thấp trước khi thông quan vào tháng 9/2022.
Ông Nhan Bảo Cương nhấn mạnh, mối lo tiềm ẩn lớn nhất đối với thị trường bất động sản Hồng Kông và toàn bộ nền kinh tế là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ và giới kinh doanh đều phớt lờ nguy cơ ngân hàng tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP ở Hồng Kông cũng đã tăng từ mức thấp 94,2% trong nửa đầu năm ngoái lên 95,5% trong nửa cuối năm, một mức cao kỷ lục.
Chính phủ Đặc khu cũng đặt nhiều hy vọng vào việc phục hồi kinh tế tại Đại Lục. Tuy nhiên, số liệu phản ánh rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa đồng đều, thậm chí còn có nguy cơ giảm phát.
Nhà bình luận Văn Chiêu (Wen Zhao) tin rằng trong số các thành phố tại Đại Lục bị ảnh hưởng bởi Hồng Kông, Thâm Quyến là thành phố đầu tiên chịu gánh nặng.
Ông nói rằng ĐCSTQ đã chỉ định Thâm Quyến là một đặc khu chuyên hấp thụ vốn chuyển từ Hồng Kông. Vì dân số Hồng Kông tăng nhanh trong những năm 1970 – 1980, giá đất cũng tăng theo, do vậy các doanh nghiệp cần khẩn trương tìm một nơi có đất đai và nhân công rẻ hơn để chuyển các nhà máy đến đó.
Điều này đã cho phép Thâm Quyến phát triển thành một cơ sở gia công nguyên liệu đầu vào, sau đó phát triển các cơ sở hỗ trợ như cầu cảng. Ông nói rằng khi Hồng Kông suy giảm, Thâm Quyến cũng sụt giảm theo.
Ông nhấn mạnh rằng xã hội Trung Quốc đã bước vào thời kỳ suy thoái chung, và cần chờ xem Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu hay Thâm Quyến sẽ tiết lộ tình hình trước. Thị trường bất động sản là một dấu hiệu trong số đó.
Bình Minh