Truyền thông nước ngoài đưa tin, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thông báo cho các Đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Trung Quốc không trưng bày “tuyên truyền chính trị” trên các tòa nhà của họ. Các nguồn tin ngoại giao cho biết yêu cầu này dường như nhằm vào các phái bộ nước ngoài treo cờ Ukraine kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết họ sẽ không cúi đầu trước các yêu cầu của Trung Quốc.
Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine mà Nga phát động vào tháng 2/2022 đã vấp phải sự lên án của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, các quốc gia trên thế giới cũng bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với Ukraine dưới nhiều hình thức khác nhau.
Tại Trung Quốc, một số Đại sứ quán nước ngoài đã dán hoặc treo các biển hiệu có hình quốc kỳ Ukraine, một số có dòng chữ “Chúng tôi ủng hộ Ukraine” hoặc “Chúng tôi sát cánh cùng Ukraine” để bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine trước sự xâm lược của Nga.
Trong một thông báo ngày 10/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Không sử dụng các bức tường bên ngoài của các công trình kiến trúc cho mục đích tuyên truyền chính trị hóa, để tránh gây ra xung đột giữa các quốc gia”.
Hãng tin Reuters đã nhận được một bản sao của thông báo trên. Thông báo được gửi tới “tất cả các Đại sứ quán và văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Trung Quốc”.
Trong khi một nhà ngoại giao ẩn danh nói với tờ Reuters rằng trong thông báo trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập rõ ràng đến cờ Ukraine hoặc bất kỳ khẩu hiệu “tuyên truyền” cụ thể nào, thì 4 nhà ngoại giao ẩn danh khác nói với tờ Reuters rằng thông báo này rõ ràng có liên quan đến các Đại sứ quán và tổ chức nước ngoài thể hiện tình đoàn kết với Ukraine.
Khi được hỏi về thông báo trên tại một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết, các Đại sứ quán và văn phòng của các tổ chức quốc tế ở nước ngoài có nghĩa vụ tôn trọng luật pháp và quy định của Trung Quốc. Ngoài ra, ông không đề cập đến thông tin chi tiết về thông báo này.
Một nhân chứng của tờ Reuters cho biết chỉ vài tuần sau khi Nga xâm lược Ukraine, một tấm áp phích cờ Ukraine ở bên ngoài Đại sứ quán Canada đã bị bôi bẩn bằng những hình vẽ graffiti chống Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Các phái bộ của Liên minh châu Âu (EU), Anh, Đức và Ba Lan tại Bắc Kinh cũng trưng bày hình ảnh quốc kỳ Ukraine.
Các phái bộ này cũng không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận của tờ Reuters.
Tờ Kyodo News cũng nhận được tin tức này từ nhiều nguồn ngoại giao. Theo bài báo của hãng tin này, ĐCSTQ cũng tuyên bố trong thông báo gửi các Đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế rằng mặc dù Trung Quốc tôn trọng quyền miễn trừ ngoại giao được quy định trong Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao, nhưng các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế “có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc”.
Tờ Kyodo News cho biết động thái trên của ĐCSTQ đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà ngoại giao ở châu Âu và các nước khác. Theo đó, không có đơn vị nào được cho là đã dỡ bỏ những khẩu hiệu liên quan.
Trong khi đó một nhà ngoại giao châu Âu đã chỉ trích lập trường của Bắc Kinh và nói rằng Trung Quốc không có lý do chính đáng để cản trở một quốc gia bày tỏ ý định của mình và họ sẽ không tuân theo thông báo từ phía ĐCSTQ.
Một mặt, ĐCSTQ kêu gọi hòa bình ở Ukraine, nhưng mặt khác, họ tránh coi chiến tranh Nga – Ukraine là một cuộc xâm lược của Nga. Thay vào đó, ĐCSTQ lại hưởng ứng tuyên truyền chính thức của Nga về cuộc xung đột và đổ lỗi cuộc chiến cho Hoa Kỳ và NATO, làm dấy lên sự chỉ trích từ các nước phương Tây.
Sau khi các nước phương Tây tung ra các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga, ĐCSTQ đã tăng cường giao thương với nước này và mang lại cho Moscow một huyết mạch kinh tế.
Hôm thứ Hai (15/5), Trung Quốc đã cử đặc phái viên Lý Huy (Li Hui) đến Ukraine, Nga, Ba Lan, Pháp và Đức để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine trong bối cảnh bị phương Tây lên án. Nhưng do mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Nga, khả năng đóng vai trò trung gian hòa giải của Bắc Kinh đã làm dấy lên nghi ngờ ở phương Tây.
Ông Victor Cha từng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên do ĐCSTQ tổ chức hơn một thập kỷ trước. Các bên tham gia cuộc đàm phán bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Nga, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Về vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc, ông Cha nói, “nỗ lực này chưa bao giờ thực sự hiệu quả”.
Ông lập luận rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc được thiết kế để tránh rủi ro phát sinh và cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với các cuộc đàm phán về Triều Tiên là mời tất cả các bên gặp mặt thay vì cố gắng định hình nội dung của các cuộc đàm phán.
Ông Cha nói: “Nếu quý vị muốn trở thành một bên hòa giải, quý vị phải đặt cược nhiều hơn vào sự thành công của cuộc đàm phán hơn là chỉ tạo ra một địa điểm để các bên gặp gỡ”.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch