Hải Chung, Lạc Á
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình lần đầu tiên công khai phản đối làm nền kinh tế vỉa hè ở Bắc Kinh trong chuyến thăm gần đây của ông tới Hùng An tỉnh Hà Bắc. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng ông Tập đã ‘dội một gáo nước lạnh’ vào ông Lý Cường, và vai trò Thủ tướng của ông Lý Cường không dễ làm.
Vào ngày 10/5, khi ông Tập Cận Bình thị sát Tân khu Hùng An (Xiongan) ở tỉnh Hà Bắc. Ba thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm Thủ tướng Lý Cường, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Thái Kỳ, Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường, đã tháp tùng ông Tập trong chuyến thị sát này.
Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đã đăng hành một bài báo dài vào ngày 14/5, nêu chi tiết về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Hùng An, cũng như một số lời nhắc nhở của ông Tập dành cho các quan chức.
Khi nói về định vị của Bắc Kinh, ông Tập cho rằng thủ đô trước hết là trung tâm chính trị, không phải là “món thập cẩm”, không thể “lập công xưởng trong ngõ hẻm” hay “kinh tế vỉa hè”.
Đây dường như là lần đầu tiên ông Tập đề cập đến nền kinh tế vỉa hè và ông có thái độ phủ định đối với cách làm này của Bắc Kinh.
“Kinh tế vỉa hè” được cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất khi ông còn đương chức.
Sau khi virus Trung Cộng (virus corona mới, COVID-19) bùng phát vào cuối năm 2019, nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, vào ngày bế mạc kỳ họp lưỡng hội hôm 28/5/2020, ông Lý Khắc Cường đã đề xướng làm kinh tế vỉa hè để giảm bớt áp lực kinh tế. Sau đó, cơn sốt bán hàng vỉa hè nổi lên ở nhiều nơi tại Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, chính quyền đột nhiên thay đổi giọng điệu tuyên truyền, liên tiếp đăng tải những bình luận phản đối nền kinh tế vỉa hè. Đài truyền hình CCTV của ĐCSTQ còn nói rằng ở các thành phố hạng nhất của Trung Quốc, việc thực hiện “nền kinh tế vỉa hè” là không phù hợp. Tại Bắc Kinh, nơi ông Thái Kỳ (một thân tín của ông Tập Cận Bình) đang nắm quyền, tờ Nhật báo Bắc Kinh nói rằng nếu “bán hàng rong có ở khắp phố” thì sẽ không tốt cho việc tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về thủ đô và quốc gia.
Tuy nhiên, tại Thượng Hải, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc phong tỏa thành phố do dịch bệnh, “Quy định quản lý vệ sinh môi trường và diện mạo thành phố” mới được sửa đổi vào ngày 22/9 năm ngoái, đã cho phép phân định một số khu vực công cộng nhất định cho các quầy hàng và các hoạt động khác. Ông Lý Cường, cựu thư ký của ông Tập Cận Bình, phụ trách Thượng Hải vào thời điểm đó.
Vào tháng Ba năm nay, ông Lý Cường chính thức kế nhiệm ông Lý Khắc Cường làm Thủ tướng. Ngoài Thượng Hải, nhiều nơi khác như Hàng Châu, Côn Minh, Lan Châu đã liên tiếp nới lỏng quy định buôn bán trên vỉa hè.
Về việc lần đầu tiên ông Tập Cận Bình công khai phản đối Bắc Kinh làm kinh tế vỉa hè. Tiến sĩ Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), một nhà bình luận các vấn đề thời sự và là phó giáo sư của Khoa Khoa học Nhân văn tại Đại học Phi Thiên (Feitian), đã có phân tích vào ngày 17/5 rằng ông Tập Cận Bình rõ ràng là có ý nhắc nhở ông Lý Cường.
Ông Chương Thiên Lượng nói rằng ngoại giới đang thảo luận rằng ông Lý Cường có thể đảo ngược một số ý tưởng của ông Tập Cận Bình dựa trên mối quan hệ thân thiết của ông ấy với ông Tập, và cũng là để giúp ông Tập giảm bớt áp lực xã hội hiện tại. Nhưng bất ngờ ông Tập Cận Bình đã ‘gõ một gậy’ vào ông Lý Cường, nói rằng Bắc Kinh không thể thực hiện kinh tế vỉa hè, cho thấy vai trò Thủ tướng của ông Lý Cường cũng không phải là dễ làm.
Nhà bình luận chính trị người Mỹ gốc Hoa – ông Trần Phá Không (Chen Pokong) cũng cho biết trong một chương trình video vào ngày 17/5, rằng nền kinh tế Trung Quốc đang hoạt động không tốt và tỷ lệ thất nghiệp rất lớn, đặc biệt là thất nghiệp ở giới trẻ thành thị. Ông Tập Cận Bình yêu cầu những người trẻ tuổi lên núi và về nông thôn, nói rằng ông ấy muốn phát triển nông thôn, nhưng ông Lý Cường đã chọn cách làm của ông Lý Cường, đó là bắt đầu kinh tế vỉa hè. Có vẻ như ông Tập có ý kiến nên đã mượn chuyến đi Tân khu để nhắc nhở ông Lý Cường.
“Trong quá khứ, ông Lý Cường dù có làm bất cứ việc gì thì ông Tập đều phản đối, nhưng ông Lý Cường là tâm phúc của ông ấy, về lý mà nói, ông Lý Cường làm kinh tế vỉa hè thì ông Tập đồng ý, đặc biệt là thiết lập một điển hình trong thời gian nghỉ lễ 1/5, kinh tế vỉa hè ở Truy Bác, tỉnh Sơn Đông bùng nổ. Bây giờ ông Tập lại đích thân nói điều này với ông Lý Cường, mặc dù ông ấy đang nói về Bắc Kinh, điều này chẳng khác nào ‘dội một gáo nước lạnh’ vào nền kinh tế vỉa hè. Nhưng tuyên bố của ông Tập là không thực tế, bởi vì Bắc Kinh là một thành phố lớn, và tất cả các loại hình kinh tế nên cùng tồn tại để bổ sung cho nhau.”
Ông Trần Phá Không cho rằng điều này cho thấy mặc dù Thủ tướng Lý Cường hiện là thân tín của ông Tập Cận Bình, nhưng ông Tập vẫn muốn “đích thân chỉ huy và đích thân bố trí” giống như thời ông Lý Khắc Cường còn đương chức.
Ông Cao Du – một người làm truyền thông kỳ cựu, và một luật sư không tiện nêu tên cùng ngụ tại Bắc Kinh, đều nói với Epoch Times hôm 17/5 rằng họ không thấy một gian hàng vỉa hè nào ở Bắc Kinh.
Ông Cao Du nói rằng ở Bắc Kinh, ngay cả những thứ trong cửa hàng cũng không được phép đặt ngoài cửa.
Ông Trương (Zhang), một cư dân ngoại ô Bắc Kinh, tiết lộ với tờ Epoch Times hôm 17/5 rằng hiện có thể dựng các quầy hàng trên đường phố ở ngoại ô Bắc Kinh, nhưng ở khu vực thành thị thì không được.
“Khu vực đô thị Bắc Kinh chưa bao giờ được phép dựng quầy hàng. Chỉ có một số ít trong khu vực nhất định, nhưng tất cả đều ở những nơi đã được cấp phép, đã có từ ban đầu.”
Năm 2020, Bắc Kinh lấy lý do các quầy hàng ven đường “không có lợi cho hình ảnh thủ đô” để tăng cường trấn áp các quầy hàng trái phép. Tính đến đầu năm nay, ở Bắc Kinh có xu hướng nới lỏng quản lý bày quầy hàng rong.
Ủy ban Cải cách và Phát triển thành phố Bắc Kinh và Văn phòng Thương mại thành phố Bắc Kinh đã cùng ban hành “Phương án làm sạch các rào cản ẩn và tối ưu hóa môi trường kinh doanh và tiêu dùng” hôm 30/1, nội dung chỉ ra rằng Bắc Kinh sẽ xây dựng và thực hiện các quy tắc quản lý hoạt động kinh doanh gian hàng ngoài trời, đồng thời tổ chức và thực hiện các dự án thí điểm gian hàng bên ngoài (thuộc khuôn viên cửa hàng, quán ăn v.v) trong các khu kinh doanh trọng điểm. Tuy nhiên, tờ Nhật báo Bắc Kinh dẫn lời người phụ trách bộ phận liên quan của chính quyền Bắc Kinh cho biết, việc quảng cáo thí điểm “gian hàng ngoài trời” không phải là “gian hàng vỉa hè”.
Nhà kinh tế học Bắc Kinh Lôi Sinh (Lei Sheng, hóa danh) nói với tờ Epoch Times hôm 17/5 rằng bầu không khí chính trị ở Bắc Kinh rất mạnh và bầu không khí kinh doanh rất tệ. “Biển hiệu của nhiều khách sạn và công ty lớn đã bị phá bỏ, nhiều quảng cáo cũng bị phá bỏ. Bắc Kinh có nhiều quyền lực hơn luật pháp, ý chí của lãnh đạo, họ sẽ thay đổi rất nhiều thứ chỉ trong một đêm. Hoàn toàn chính là ý của lãnh đạo (Tập Cận Bình).”
Theo dữ liệu chính thức từ ĐCSTQ, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên toàn Trung Quốc đã đạt mức cao mới vào tháng 4, vượt qua 20%.
Ông Lôi Sinh nói với Epoch Times rằng ông không mấy lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc. “Bởi vì ông Tập Cận Bình đang thụt lùi và trở lại con đường cũ, nên không thể làm cho đất nước trở nên tốt đẹp hơn.”
Theo Hải Chung, Lạc Á / Epoch Times