Ngày 19/5, truyền thông Mỹ dẫn lời những người trong cuộc cho biết, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã giao cho Bộ trưởng An ninh quốc gia (Bộ Quốc an) Trần Nhất Tân (Chen Yixin) phụ trách việc trấn áp các công ty nước ngoài. Một số công ty nước ngoài ở Trung Quốc đã được lệnh ngừng một số công việc nhất định, và các nhà quản lý của Mintz Group cũng đã được sơ tán khỏi Trung Quốc.
Vào ngày 19/5, tờ Wall Street Journal đã đăng một bài viết cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chú trọng đến an ninh hơn là tăng trưởng kinh tế. Theo những người quen thuộc với vấn đề này, để xóa sạch mọi nghi ngờ, ông Tập đã giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc an Trần Nhất Tân phụ trách việc này.
Ông Trần Nhất Tân (63 tuổi) trong nội bộ ĐCSTQ được coi là người thực thi ý chí của ông Tập Cận Bình bằng bàn tay sắt. Đầu năm 2020, sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán không lâu, ông Tập đã từng cử ông Trần Nhất Tân đi giám sát việc phong tỏa nghiêm ngặt thành phố này.
Ông Lester Ross, luật sư tại công ty luật WilmerHale ở Bắc Kinh, chuyên tư vấn cho các công ty Mỹ ở Trung Quốc, cho biết: “Các quan chức an ninh này không chú trọng nhiều đến đầu tư nước ngoài. Họ cho rằng các công ty nước ngoài này cấu thành sự đe dọa vượt qua giá trị mà công ty đó mang lại.”
Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, cùng với việc đại hội ĐCSTQ được tổ chức vào cuối năm ngoái dọn đường cho nhiệm kỳ thứ ba của mình, ông Tập muốn một chương trình nghị sự “an ninh quốc gia” ngày càng mở rộng bao trùm tất cả các khía cạnh của xã hội Trung Quốc. Ngoài các cơ quan an ninh, các cơ quan chính phủ khác đã tham gia hỗ trợ nỗ lực của ông Tập nhằm gây áp lực lên các công ty nước ngoài.
Theo các báo cáo đó đây của Bloomberg và các phương tiện truyền thông khác, các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước ngừng sử dụng dịch vụ của các công ty kế toán Big Four trên thế giới, bởi vì chính quyền Bắc Kinh cố gắng hạn chế ảnh hưởng của các kế toán viên phương Tây. Báo cáo dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng các cơ quan chính phủ như Bộ Tài chính Trung Quốc đã đưa ra cái gọi là hướng dẫn không chính thức đối với một số doanh nghiệp nhà nước, thúc giục họ chấm dứt hợp đồng với PricewaterhouseCoopers, Ernst & Young, KPMG và Deloitte khi hết hạn.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý an ninh mạng của Trung Quốc đã hành động, chuyển sang hạn chế quyền truy cập của nước ngoài vào các cơ sở dữ liệu khác nhau, bao gồm thông tin đăng ký kinh tế, tài chính và công ty, cũng như bằng sáng chế, tài liệu mua sắm, tạp chí học thuật và niên giám thống kê chính thức.
Hành động trấn áp do chính quyền Bắc Kinh phát động đang nhắm vào các công ty đa quốc gia, đặc biệt là các công ty Mỹ. Lần này, không giống như tình hình cách đây không lâu, không có nhân vật tầng quyết sách nào của ĐCSTQ, và các quan chức kinh tế khác như phó thủ tướng Quốc vụ viện, người phụ trách Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, v.v, đứng ra cố gắng xoa dịu các nhà đầu tư nước ngoài. Trước đó, thân tín của ông Tập, cựu Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người đã nghỉ hưu hồi tháng 3, đã nhiều lần đóng vai trò hòa giải.
Cho đến nay, Bộ Quốc an Trung Quốc đã tiến hành đột kích kiểm tra các công ty nước ngoài, bao gồm văn phòng Trung Quốc của Mintz Group và tiến hành tra hỏi các nhân viên của công ty tư vấn Bain & Company. Theo nhiều quản lý cấp cao của các doanh nghiệp, một số công ty phương Tây đã đình chỉ nghiên cứu ở Trung Quốc, đặc biệt là công việc liên quan đến công nghệ và các lĩnh vực nhạy cảm khác.
Vào ngày 10/5, bà Suzanne Clark, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (U.S. Chamber of Commerce), đã thẳng thừng tuyên bố trong một bài phát biểu tại Washington, rằng các công ty Mỹ ở Trung Quốc đang phải đối mặt với ngày càng nhiều rủi ro. Các chính sách và cách làm theo đuổi an ninh tuyệt đối của ĐCSTQ đã khiến thế giới trở nên kém an toàn hơn.
Reuters đã công bố một báo cáo độc quyền vào ngày 19/5, nói rằng một số nhân viên của Mintz Group có trụ sở tại Hồng Kông đã được sơ tán. Cuộc đàn áp của Bắc Kinh đã khiến các công ty nước ngoài giao dịch với Trung Quốc cảm thấy ớn lạnh, cùng với việc chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị đưa vào thực thi luật chống gián điệp nghiêm ngặt hơn, nhiều công ty không rõ ranh giới đỏ nằm ở đâu.
Các nguồn tin cho biết, việc do sự không chắc chắn xung quanh cuộc điều tra của cảnh sát Trung Quốc, sơ tán là một biện pháp tạm thời để đảm bảo an toàn cho nhân viên và có liên quan đến khoảng 6 nhân viên, bao gồm nhân viên điều tra và người đứng đầu văn phòng Hồng Kông. Mintz Group đã tiến hành thẩm định doanh nghiệp và cho đến năm nay, công ty đang điều tra khả năng sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng liên quan đến khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
Không thể xác định liệu công việc của Mintz Group ở Tân Cương có phải là nguyên nhân khiến cảnh sát Trung Quốc điều tra họ hay không. Nhưng trong những tháng gần đây, ít nhất hai giám đốc điều hành cấp cao khác tại các công ty thẩm định quốc tế có hoạt động tại Trung Quốc nói với Reuters rằng họ đã được chính quyền cảnh báo rõ ràng là không được làm công việc như vậy.
Theo hai giám đốc điều hành chuyên trách tại các công ty quốc tế và có nhiều giao dịch ở Trung Quốc cho biết, các quan chức an ninh Trung Quốc bố trí các cuộc họp định kỳ trong những năm gần đây để đưa ra những cảnh báo rõ ràng về những lĩnh vực cần tránh trong các cuộc điều tra của công ty. Một giám đốc điều hành cho biết, “Họ sẽ cho chúng tôi biết chính xác khu vực nào là khu vực bị cấm, Tân Cương là một trong số đó”.
Lý Chính Hâm, Vision Times