Trung Quốc kết án tù chung thân người Mỹ gốc Hoa thân ĐCSTQ vì tội gián điệp

Teresa Zhang và Nathan Amery

Trung Quốc kết án tù chung thân người Mỹ gốc Hoa thân ĐCSTQ vì tội gián điệp
Cảnh sát bán quân sự đi dọc một bức tường đỏ gần Cổng Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 13/11/2019. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images) Trung Quốc

Lãnh đạo Hoa kiều nổi tiếng bị kết tội làm gián điệp

Hôm 15/05, công dân Hoa Kỳ Lương Thành Vận (John Shing-wan Leung), 78 tuổi, đã bị kết án tù chung thân vì tội gián điệp tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Hồ sơ công khai cho thấy ông Lương, một nhân vật hàng đầu trong cộng đồng người Hoa thân ĐCSTQ ở Texas, từng giữ các chức vụ như Chủ tịch Hội Xúc tiến Thống nhất Hòa bình Trung Quốc (CCPPNR), một tổ chức liên đới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Theo các bài báo của các hãng thông tấn Hoa lục, Tòa án Nhân dân Trung cấp Tô Châu đã kết tội ông Lương tội gián điệp. Họ đã kết án ông mức tù chung thân, tước quyền chính trị của ông suốt đời, và tịch thu tài sản cá nhân trị giá 500,000 nhân dân tệ của ông (khoảng 70,000 USD).

Các tài liệu chính thức đã liệt kê tên tiếng Anh của ông Lương là John Shing-Wan Leung, sinh ngày 01/05/1945. Ngoài ra, họ còn nêu chi tiết số chứng minh thư thường trú tại Hồng Kông của ông, Giấy phép Xuất nhập cảnh cho phép đi đến và từ Hồng Kông và Macao (Giấy phép Hai chiều) và số giấy thông hành Hoa Kỳ. Vào ngày 15/04/2021, Cục An ninh Quốc gia ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, đã bắt giữ ông.

Tuy nhiên, các nhà chức trách đã không tiết lộ “các hoạt động gián điệp” cụ thể mà ông từng tham gia.

Đóng góp cho Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ

Theo các bản tin trước đây, ông Lương đã giữ các chức vụ như Chủ tịch CCPPNR ở Texas và Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Hoa Kỳ (ACFA). Ông Lương đã từng được chụp ảnh với một số quan chức cao cấp của ĐCSTQ và các nhân vật chính trị, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dương Khiết Trì (Yang Jiechi).

CCPPNR là một tổ chức bán chính thức do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ lãnh đạo và có các chi nhánh tại 22 địa điểm trên khắp Hoa Kỳ. Khi ĐCSTQ đưa ra Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông vào năm 2020, CCPPNR Texas và ACFA đã đưa ra các tuyên bố ủng hộ luật này.

Tân Hoa Xã đưa tin, vào tháng 05/2015, một hội nghị chuyên đề được tổ chức bởi Hoa kiều ở miền nam Hoa Kỳ tại Houston, nơi ông Lương tuyên bố rằng “một quốc gia, hai chế độ” không chỉ có thể duy trì sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông mà còn thúc đẩy và duy trì sự thịnh vượng và ổn định của “khu vực Đài Loan.”

Các hành động của ông Lương đã được chính thức công nhận. Trước đó, ấn bản hải ngoại của tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, đã đưa tin về những việc làm “yêu nước” của ông Lương vào năm 2004. Ông được sinh ra ở Hồng Kông, đến Vương quốc Anh du học năm 16 tuổi, và sau đó làm việc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Hoa Kỳ, nơi ông đã định cư kể từ đó. Năm 1985, ông đã thành lập hiệp hội hữu nghị giữa Thành phố Oklahoma và Quảng Châu, đồng thời thành lập và chủ trì Quỹ Trao đổi Văn hóa Lương vào năm 1997.

Tờ Nhân dân Nhật báo đã mô tả ông là người “đam mê Trung Quốc và ủng hộ sự thống nhất của Trung Quốc.” Bắt đầu từ năm 1999, ông đã tích cực thúc đẩy các hoạt động trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, tạo thuận lợi cho các chuyến thăm và trao đổi giữa các nghệ sĩ và giáo viên Trung Quốc và Hoa Kỳ, với sự “trợ giúp tài chính” từ các ban ngành và lãnh đạo liên quan ở Trung Quốc.

Là một người Mỹ gốc Hoa “xuất sắc,” ông Lương đã nhiều lần được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Hoa Kỳ đón tiếp và được chụp ảnh cùng với một số quan chức cao cấp và nhân vật chính trị của ĐCSTQ, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Bản sửa đổi mới nhất mở rộng định nghĩa về luật chống gián điệp

Việc sửa đổi Luật Chống Gián điệp gần đây của ĐCSTQ ở Trung Quốc đã được thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/07. Luật mới này tăng số lượng điều khoản từ 40 lên 71, mở rộng định nghĩa về các hoạt động gián điệp. Luật này mở rộng phạm vi thông tin cơ mật để bao gồm “các tài liệu, dữ liệu, tài liệu, và các mục liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia của các quốc gia khác.” Luật này trao cho chính quyền Trung Quốc quyền kiểm tra đồ đạc cá nhân của những người bị nghi ngờ là gián điệp.

Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), một cựu luật sư Bắc Kinh, và là nhà bình luận các vấn đề thời sự, đã bày tỏ lo ngại về bản sửa đổi Luật Chống Gián điệp, nói rằng các định nghĩa mở rộng và mơ hồ cho phép chính quyền giải thích pháp luật và buộc tội bất kỳ cá nhân nào một cách chủ quan. Ông lo lắng rằng “các hoạt động kinh doanh bình thường của người ngoại quốc đều có thể bị coi là hoạt động thu thập thông tin tình báo.”

Ông Luyện: Kết quả có thể xảy ra của cuộc tranh giành quyền lực trong cộng đồng Hoa kiều thân ĐCSTQ

Nhà truyền thông và học giả Luyện Ất Tranh (Joseph Lian Yi-zheng) tin rằng có một số khả năng tồn tại trong trường hợp này. Theo các nguồn tin của ông, vụ việc này có thể bắt nguồn từ các cuộc tranh giành quyền lực trong cộng đồng Hoa kiều do tranh giành lợi ích. Ông nói rằng các nhà lãnh đạo Hoa kiều có tầm ảnh hưởng thường có quyền lợi với các nhân viên lãnh sự quán Trung Quốc, trước đây thân Đài Loan, sau này thân Trung Quốc, và là những kẻ cơ hội. Họ bị ràng buộc để hình thành phe phái. Khi lợi ích của một số nhóm bị tổn hại, họ sợ thông qua tuyến pháp lý địa phương để giải quyết mâu thuẫn của mình, vì điều đó sẽ phơi bày những hành vi mờ ám của họ, bao gồm tham nhũng và nhận tài trợ từ chính quyền Trung Quốc. Thế là họ “mượn dao sát nhân.” Ông Luyện nhấn mạnh: “ĐCSTQ chính là con dao.” “Các nhà lãnh đạo Hoa kiều cần phải cảnh giác.”

Thanh Tâm biên dịch

Related posts