Quang Nhật
Đồng nhân dân tệ (CNY) giao dịch ở nước ngoài rơi vào trạng thái suy yếu trầm trọng, vượt qua mức 7 CNY đổi lấy 1 USD; chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022. CNY suy yếu là kết quả tất yếu của tăng trưởng kinh tế suy yếu sau đại dịch. Nhưng bất chấp CNY yếu đi, NHTW Trung Quốc (PBoC) vẫn buộc phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, rất nhiều hệ luỵ có thể diễn ra sau đó…
Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài suy yếu, vượt mốc 7 CNY đổi lấy 1 USD; mốc quan trọng với ổn định tiền tệ của Bắc Kinh.
Tỷ giá CNY so với USD đã chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2022. Dữ liệu kinh tế vĩ mô về tăng trưởng đáng thất vọng đã dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế Trung Quốc. Tình trạng giảm phát diễn ra tháng thứ 3 liên tiếp (lạm phát so cùng kỳ chỉ còn 0,1% vào tháng 4/2023, tháng trước đó là 0,7% và 1%) cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã bị mất niềm tin về tiêu dùng và đầu tư trầm trọng. Thêm vào đó, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, chỉ số đơn hàng nhà sản xuất PMI thu hẹp dưới mức 50 điểm vào tháng 4/2023 (49,5 điểm) cho thấy nền kinh tế này đang có dấu hiệu bị thu hẹp dù đã mở cửa trở lại sau COVID.
CNY mất giá cũng nằm trong dự báo của các nhà kinh tế. Trong khi ngân hàng trung ương (NHTW) của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực và thế giới đều thắt chặt chính sách tiền tệ khiến đồng nội tệ của họ tăng giá (để chiến đấu với lạm phát) thì Trung Quốc lại buộc phải nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng và giải quyết các vấn đề thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.
Chu kỳ kinh tế của Trung Quốc dường như đi ngược lại với nền kinh tế đối thủ khi tăng trưởng thấp nhưng lại bị giảm phát sau đại dịch. Điều này khiến PBoC phải duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, việc làm. Ngoài ra, một lý do nữa khiến PBoC buộc phải mở rộng chính sách tiền tệ của mình là nợ xấu. Nợ xấu từ các doanh nghiệp phát triển BĐS, từ trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu phát triển đô thị của chính quyền địa phương đang nằm trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) nước này đang tạo áp lực lên thanh khoản NHTM. PBoC liên tiếp giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, duy trì chính sách lãi suất thấp để bơm tiền cho hệ thống ngân hàng.
Việc bơm tiền với khối lượng khổng lồ và bất thường không tạo ra làm phát ngay có thể lý giải do tiêu dùng nội địa quá yếu khiến giá cả không tăng được; có thể hàng hoá nội địa [Trung Quốc] vẫn bán theo mức giá của hàng hoá tồn kho trước đó, vốn tích tụ suốt 3 năm nền kinh tế đóng cửa vì Covid-19. Tình trạng dư cung đang buộc Trung Quốc phải tái cấu trúc nền sản xuất cũng giải thích một phần cho lý do giá cả tại Trung Quốc giảm phát bất chấp PBoC bơm tiền.
Như vậy, điều xấu nhất mà Trung Quốc phải đối mặt không phải là tăng trưởng thấp mà là rơi vào bẫy “mất niềm tin” trong cả tiêu dùng và đầu tư (của khối kinh tế tư nhân cũng như nước ngoài).
Mặc dù CNY mất giá nhưng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa phát đi thông điệp vẫn tiếp tục duy trì mức lãi suất cho vay cơ bản ổn định trong tháng thứ 9 liên tiếp. Lãi suất cho vay không thay đổi ở mức 3,65%/năm, trong khi lãi suất 5 năm, tham chiếu cho các khoản thế chấp, được giữ nguyên ở mức 4,3%, theo Trading Economics.
Ông Ren Zhongdao, một nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Kinh tế chính trị Thiên Quân, đã viết một bài báo với tiêu đề: “Rắc rối lớn trong việc quốc tế hóa CNY là khó giữ tỷ giá hối đoái”. Bài viết của chuyên gia kinh tế này chỉ ra rằng tỷ giá hối đoái của CNY so với USD đã vọt lên mức trên 7. Từ góc độ kinh tế vĩ mô, nguyên nhân chính là do nền kinh tế Trung Quốc đang sa sút tại tất cả các ngành. Mặc dù Tổng cục Thống kê Trung Quốc có đưa ra dữ liệu “đẹp” đến đâu cũng khó có thể làm giảm sự thật là nền kinh tế đang chìm vào bóng tối, theo Vision Times.
Đặc biệt, dữ liệu của tháng 4/2023 cho thấy sự phục hồi sau khi từ bỏ “zero-covid” vào tháng 12 năm ngoái đã chậm lại, mức tiêu thụ không được cải thiện do nhu cầu trong nước quá suy yếu. Mặc dù PBoC đã bơm lượng tiền lớn cứu thanh khoản cho hệ thống tài chính, nhưng nền kinh tế thực không được hưởng lợi từ việc này, thay vào đó, hiện tượng tài chính nhàn rỗi xảy ra; tức là tiền bắt đầu đầu cơ vào các sản phẩm tài chính trong hệ thống. Theo ông Ren, mặc dù lĩnh vực bất động sản cũng phục hồi đôi chút nhưng ngay sau đó lượng giao dịch trên thị trường bất động sản sụt giảm. Ngoài ra, cầu thế giới giảm cũng khiến xuất khẩu chậm lại.
Bài báo cũng chỉ ra rằng một lý do khác khiến đồng CNY mất giá là do tham vọng quốc tế hoá loại tiền tệ này. Thị trường đồng CNY ở nước ngoài khác với thị trường CNY trong nước. Các đối tác của giao dịch là các nhà đầu tư quốc tế. Cái gọi là quốc tế hóa CNY có nghĩa là có nhiều đồng CNY hơn trên thế giới, điều này có thể trở thành một con bài thương lượng để bán khống CNY. Nếu PBoC muốn bảo vệ tỷ giá hối đoái, họ chỉ có thể ra lệnh cho các ngân hàng như Ngân hàng Trung Quốc (Hồng Kông) bán USD và hấp thụ CNY, từ đó ổn định tỷ giá hối đoái của CNY. Theo một ước tính sơ bộ, hàng trăm tỷ USD đã được tiêu thụ theo cách này trong những tháng gần đây, theo ông Ren.
Về lý thuyết, việc phá giá CNY là tốt cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, nhưng thực tế không phải vậy. Các công ty xuất khẩu dựa vào sự mất giá của CNY để tăng thu nhập, nhưng nếu họ sử dụng quá nhiều nguyên liệu thô và phụ tùng nhập khẩu, họ cũng sẽ tăng chi phí do CNY mất giá, dẫn đến lợi nhuận thấp hơn.
Trong quá trình phá giá CNY vào năm ngoái, PBoC đã tiếp tục can thiệp vào xu hướng tỷ giá hối đoái của CNY, bao gồm hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại hối và ra lệnh cho các ngân hàng quốc doanh bán USD và hấp thụ CNY ở thị trường nước ngoài.
Hiện tại, các công cụ can thiệp vào tỷ giá hối đoái CNY của PBoC bao gồm điều chỉnh “yếu tố ngược chu kỳ”, dự trữ rủi ro ngoại hối, dự trữ tiền gửi ngoại hối, hối phiếu CNY ở nước ngoài.
Quang Nhật