Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc trong tháng 4/2023 tiếp tục tăng. Một thạc sĩ ở Thiên Tân đã nộp hơn 100 bộ hồ sơ nhưng chưa nhận được thông báo tuyển dụng ưng ý. Một người trẻ tuổi khác cho biêt, bất kể trình độ học vấn của bạn bè xung quanh họ như thế nào, tỷ lệ thất nghiệp cũng đều rất cao.
Vào ngày 16/5, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu mới nhất cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở lực lượng lao động từ 16 – 24 tuổi đã tăng từ 19,6% trong tháng Ba lên 20,4% trong tháng Tư. Đây là con số cao nhất kể từ khi dữ liệu này được thống kê vào năm 2018.
Do Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn che đậy sự thật, nên thế giới bên ngoài thường nghi ngờ rằng tình hình thực tế nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chính quyền này công bố.
Truyền thông Hong Kong ngày 22/5 đã phỏng vấn cô Hoàng Sở Hàm (Huang Chuhan), sinh viên cao học chuyên ngành kế toán tại một trường đại học ở Thiên Tân và sắp tốt nghiệp vào năm nay. Cô cho biết, từ mùa tuyển dụng năm ngoái (tháng 9 – 11) cho tới nay, cô đã nộp hơn 100 bộ hồ sơ nhưng nhận được chưa đến 10 lời mời phỏng vấn, tới nay cô cũng chưa nhận được thông báo tuyển dụng nào ưng ý nên cảm thấy rất chán nản.
Cô Hoàng cho biết mục tiêu của cô chỉ là mức trung bình trong ngành, tức là đảm nhận vị trí phân tích thị trường trong một công ty ở Thượng Hải, mức lương mong muốn trước thuế cũng chỉ khoảng 10.000 nhân dân tệ (hơn 33 triệu VND), nhưng cạnh tranh rất khốc liệt, “lúc đi phỏng vấn thực sự là sứt đầu mẻ trán”.
Cô Hoàng cũng lo ngại về việc các công ty cắt giảm nhân lực, chẳng hạn như một công ty tư vấn ở Thượng Hải có tuyển dụng vào mùa xuân năm ngoái, nhưng năm nay không có đợt tuyển dụng nào.
Tờ báo Hong Kong cũng cho biết, cô Chu Mẫn Mẫn (Zhu Minmin), một sinh viên đại học ngành khoa học máy tính tại một trường đại học nổi tiếng, đã gửi 60 – 70 bộ hồ sơ trong đợt tuyển dụng mùa xuân (tháng 3 – 4) năm nay, nhưng hầu như không nhận được phản hồi nào; các bạn cùng lớp của cô cũng bắt đầu tìm kiếm việc làm trong tháng 2 nhưng hiện vẫn chưa tìm được. Họ thấy rằng mức lương trung bình hiện nay kém hơn nhiều so với những năm trước. Cô Chu nói, “Tình hình năm nay thực sự không tốt!”.
Ngày 19/5, Đài Á châu Tự do (RFA) cũng phỏng vấn anh Hứa Khoa (Xu Ke), một thanh niên đến từ Thượng Hải đang du học ở tiểu bang Minnesota, Mỹ. Anh Hứa cho biết, trong số những người bạn lớn hơn anh vài tuổi [ở trong nước Trung Quốc], “ước tính có khoảng 40 – 50% là hoàn toàn không tìm được việc làm”. Anh nói, có rất nhiều người khó tìm được việc vì vị trí tuyển dụng ít, mức độ cạnh tranh lại quá mạnh, loại công việc mà ai cũng làm được thì lương lại không cao, phúc lợi đãi ngộ cũng không cao.
Anh Thiền Văn Đào (Shan Wentao), 30 tuổi, người An Huy, nói rằng những người bạn trẻ hơn anh có tỷ lệ thất nghiệp cao, bất kể trình độ học vấn của họ như thế nào, bởi vì môi trường việc làm hiện tại “rất phức tạp”.
Cô Trần (Chen), người đã làm việc ở Thâm Quyến, Quảng Đông trong nhiều năm, cho biết một người họ hàng 17 tuổi của cô đang học tại một trường trung cấp kỹ thuật ở Chu Hải và đã mất ý chí tìm việc sau khi tốt nghiệp. “Cô ấy nói rằng môi trường học tập ở trường trung cấp kỹ thuật quá tệ, cô ấy không học được gì, sau khi ra trường số tiền kiếm được cũng ít, còn không bằng nằm thẳng”.
“Nằm thẳng” là một thuật ngữ phổ biến trên Internet Trung Quốc từ năm 2021. Trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh thi hành chính sách Zero Covid cực đoan khiến nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, người dân bị cùm chân không thể đi lại làm ăn, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao… “nằm thẳng” là cách để những người trẻ tuổi thuộc thế hệ 9x và 2000 bày tỏ thái độ thất vọng với hiện thực, thay vì kiên trì phấn đấu và chạy theo kỳ vọng của xã hội.
“Nằm thẳng” được coi là một cách để chống lại vòng xoáy của xã hội, cụ thể là họ không mua nhà, không mua xe, không yêu đương, không kết hôn, không sinh con, tiêu dùng ở mức thấp, duy trì mức sống tối thiểu, và từ chối làm cỗ máy kiếm tiền cho chính quyền.
Theo NTD tiếng Trung
Minh Lý biên dịch