29-5-2023
Nếu tính cả tác giả Dương Thu Hương, diễn viên Quan Kế Huy, thì mùa hè 2023 có vẻ như là giai đoạn thật sự là bội thu, mang lại sự hãnh diện của người Việt Nam, qua những giải thưởng nghệ thuật quốc tế. Ngày 27 tháng 5, tất cả tin tức trên báo chí và hãng tin lớn của thế giới đều xướng tên hai người Việt Nam đoạt giải tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76. Đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất, và đạo diễn Phạm Thiên Ân đến từ Việt Nam được tặng giải ‘Ống kính vàng’ dành cho phim đầu tay hay nhất.
Đạo diễn Trần Anh Hùng, người lừng danh từ nhiều thập niên trước, và được giới điện ảnh Châu Âu đánh giá như một tài năng độc đáo, khởi đầu với bộ phim ‘Mùi đu đủ xanh’. Ông xuất hiện không nhiều, nhưng mỗi lần ra mắt một phim mới, luôn được chờ đợi và bàn tán. Giải thường năm nay của Trần Anh Hùng ‘La Passion de Dodin Bouffant’ tại Liên hoan phim Cannes, chuyển thể từ tiểu thuyết La Vie et la passion de Dodin-Bouffant (Cuộc sống và đam mê của Dodin-Bouffant) nói về nghệ thuật ẩm thực Pháp.
Một người Việt khác là đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân cũng đoạt giải thưởng Camera d’Or (Ống kính vàng) với bộ phim Inside the Yellow Cocoon Shell (Bên trong vỏ kén vàng), một bộ phím tâm lý và giả tường, được trình chiếu trong hạng mục “Quinzaine des Cinéastes” do Hiệp hội các đạo diễn thành lập từ 1969. Đạo diễn Phạm Thiên Ân, sinh năm 1989, sau đó định cư tại Hoa Kỳ vào năm 2015. Phim này anh quay về nước, lấy bối cảnh Việt Nam để thực hiện.
Câu chuyện của những người Việt Nam bước ra thế giới và thành danh, dường như đều có chung những điều khó nói trên báo chí trong nước. Quan Kế Huy khi được truyền thông Việt Nam rầm rộ đưa tin, nhấn mạnh là gốc Việt, thì không thể thuyết minh được hành trình của ông có mặt tại Hoa Kỳ. Tác phẩm Chốn Vắng của Dương Thu Hương thì tất cả các nhà báo trong nước nhận được lệnh không được đề cập đến. Với Phạm Thiên Ân thì có vẻ nhẹ nhàng và không “vấn đề”, nhưng đó có thể là chuyện của giai đoạn, vì sống trong một môi trường điện ảnh tự do và luôn có khuynh hướng thách thức các rào cản, không biết được Phạm Thiên Ân rồi sẽ có thêm những tác phẩm nào, có thể bị nhìn ngó bằng “con mắt khác”.
Cũng tương tự như vậy, với đạo diễn Trần Anh Hùng (sinh năm 1966), ông cũng chỉ là một người sáng tạo nghệ thuật thuần túy. Nhưng chính bản thân ông cũng từng bị báo chí trong nước – dường như có tổ chức – mở những cuộc tấn công dữ dội vào tác phẩm Xích Lô của ông, bởi cũng bị nhìn ngó bằng những “con mắt khác”, trước khi được phục hồi trong im lặng.
Năm 1994, Trần Anh Hùng bắt tay vào thực hiện bộ phim Xích Lô ở Việt Nam, với sự tham gia của diễn viên Lương Triều Vỹ từ Hồng Kông. Trần Anh Hùng học đại [học] Triết ở Pháp, rồi lấy bằng đại học điện ảnh Lumière. Chính vì vậy phim của Trần Anh Hùng ngoài những thủ pháp độc đáo, còn là những cấu tứ đầy tính triết lý – mà Xích Lô thể hiện rõ phong cách này. Tháng Chín năm 1995, phim nhận giải Sư tử vàng ở Liên hoan phim Venise lần thứ 52 ở Ý.
Trong những năm tháng còn đầy khó khăn thông thương tại Việt Nam, những gì bên ngoài vừa diễn ra, người Việt chỉ có thể nghe và đoán. Phim Xích Lô được báo chí nhà nước mô tả như là một cuốn phim đầy âm mưu chống phá, mô tả đất nước đầy bạo lực. Đạo diễn bị gán là “một kẻ nguy hiểm”. Dĩ nhiên, đã nguy hiểm thì phải cấm. Trần Anh Hùng bị cấm vào nước trong nhiều năm.
Năm 1997, tôi được tham gia buổi giao lưu văn hóa giữa Tòa tổng lãnh sự (TLS) Đức với báo chí và các thành phần trí thức ở Sài Gòn, được chứng kiến câu chuyện liên quan về đạo diễn Trần Anh Hùng. Lúc đó, đạị diện tòa tổng lãnh sự Đức phát biểu, trong đó có nhắc và ca ngợi sự thành đạt của điện ảnh người gốc Việt Trần Anh Hùng trên quốc tế. Bất ngờ, nữ nhà báo NNNL (báo Sài Gòn Giải Phóng) đột ngột đứng lên phản đối. Bà nói, đó là tên phản động, xuyên tạc đất nước, nên phía Đức không được nói hắn ta là người Việt. Vị đại diện TLS Đức sau khi nghe dịch, thoáng ngập ngừng một chút rồi nói tiếp, mà không xin lỗi. Có lẽ ông ta tin rằng, người Việt thì cũng có nhiều thành phần, bao gồm cả thành phần như bà ta. Kể như vậy, để biết bộ phim này đã gây niềm hứng khởi tấn công từ phía các người làm báo tận tụy với công việc tư tưởng như thế nào.
Làm phim ở Việt Nam “khổ” ra sao, những người trong nghề đều hiểu, và phải co giãn bằng tất cả sức của mình để tác phẩm có thể được hình thành. Một đạo diễn phim kể rằng, anh quay một phân đoạn những kẻ xấu trong xã hội ngồi đánh bạc và hút thuốc. Sau khi duyệt, ở trên có ý kiến, để đánh bạc vậy là tạo hình ảnh xấu không được khuyến khích trong xã hội. Thế là những kẻ đánh bạc được tổ chức cho quay lại, ngồi uống café và hút thuốc.
Nhưng tháng sau, phía kiếm duyệt lại nói, hiện đang có chiến dịch chống hút thuốc nên để hình ảnh hút thuốc trực diện vậy, dễ bị phê bình, nên thay trước khi có ý kiến và bị phạt. Dĩ nhiên, buộc phải thay. Người kiểm duyệt trực tiếp kết luận “vậy thôi, biết sao giờ”. Đạo diễn nhẩm tính phí tổn quay lại, xong chặc lưỡi “vậy thôi, biết sao giờ”. Giữa những ý kiến kiểm duyệt chập chờn, mọi thứ với nghệ thuật luôn chỉ “biết sao giờ”.
Đạo diễn Trần Anh Hùng cũng rất nhẫn nại trong phân cảnh của Xích Lô, khi đứa bé đầy sơn đỏ chạy ra đường và bị tai nạn. Phía kiểm duyệt nói phải đổi, vì màu đỏ nhạy cảm lắm – nhưng không giải thích nhạy cảm thế nào. Thế là đứa bé được đổi màu sơn xanh. Khi phim được giải ở Venise, thay vì gọi Trần Anh Hùng chuyển bản gốc để chiếu cho phía PA25 Công an văn hóa và Cục điện ảnh xem, thì cuộc xét duyệt được tổ chức với băng video tự tìm được. Sau buổi kiểm duyệt một không khí căng thẳng xuất hiện, tựa như Trần Anh Hùng đã “lừa” mọi người. Lý do là đọc kịch bản thì có vẻ đơn giản, nhưng sau khi dựng hình ảnh, âm nhạc, âm thanh phối hợp, tác phẩm có vẻ như sống động và hoàn toàn khác. Thậm chí, lúc đó âm thanh stereo đi kèm, không quen thuộc khiến các nhân viên trong đoàn kiểm duyệt phản ứng.
Ông Thái Kế Toại, nhân viên an ninh trực tiếp kiểm duyệt phim Trần Anh Hùng khi thành phẩm lúc đó, viết lại: “Bây giờ thì cái kiểu âm thanh đó đã trở nên bình thường vì người ta đã quen với âm thanh surround hay các phim bom tấn của Mỹ của châu Âu, nhưng lúc đó tôi thấy mấy gương mặt thật tội nghiệp. Có người còn la hét đòi giảm âm lượng. Âm thanh của phim gây sốc cho những người thần kinh yếu. Trong không khí oi bức, nhộn nhạo với cách tổ chức chiếu phim cẩu thả, Xích Lô đã tạo ra một ấn tượng để tự giết nó. Cuối cùng có một cuộc hội ý nhưng lộn xộn và ý kiến không thống nhất, đợi bàn lại với một buổi chiếu bản phim nhựa”.
Nhưng buổi xem lại bằng phim nhựa không đến kịp với làn sóng tấn công từ báo chí. Thói quen “tiên hạ thủ vi cường” – đánh trước là tốt, khiến những đòn nhận định sắc bén, sao chép từ kinh sách ngôn luận chống thế lực thù địch diễn ra. Bài viết với tên thật cũng có, tên nặc danh cũng có, đẩy Trần Anh Hùng vào thế của một kẻ chống phá, sâu độc. Và với ngôn luận đó, Liên hoan phim Venise lần 52 cũng bị đặt vấn đề là có âm mưu gì khi trao giải cho một bộ phim mô tả cực xấu về Việt Nam như vậy.
Trần Anh Hùng cũng được gợi ý viết để “minh oan” cho mình. Ông viết trong bản thảo nhanh “Khi tôi làm phim Cyclo, tôi không hề nghĩ đến chuyện bôi nhọ đất nước của tôi. Tôi là một nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài. Và Tổ quốc Việt Nam rất thiêng liêng đối với tôi. Nếu ai không hiểu về tôi mà kết luận vội vàng về tôi thì đó là một ác cảm ghê tởm tôi không thể tưởng tượng nổi… Mục đích của tôi khi làm phim này là để đưa vào nền Điện ảnh thế giới một tác phẩm nghệ thuật do một người Việt Nam làm.
Và tôi chọn một con đường đi cực kỳ khó khăn là vì phim Cyclo không phải là một loại phim dễ thương. Sự giằng xé giữa cái thiện và cái ác là một đề tài rất nặng nề, rất khó xử. Đã nói đến cái thiện và cái ác thì đừng nói đến sự cân bằng giữa hai khái niệm này. Cái ác thường phô trương một cách ly kỳ. Còn cái thiện thì không. Cái thiện không phải là loại sức mạnh biểu hiện ở bên ngoài. Phim Cyclo gắn bó rất chặt chẽ với cái ý này. Để tránh sự giả tạo và để gần sự thật, phim Cyclo dành cho cái thiện một chỗ đứng đặc biệt, đó là giữa hai hình ảnh, giữa hai cảnh, ở khoảng trống giữa hai hàng chữ. Phong cách mô tả cái thiện qua âm bản tạo cho tâm hồn thèm muốn cái thiện và đi tìm nó. Ai cũng biết trong xã hội nào cũng có mảng sáng và mảng tối. Đó cũng có nghĩa là thiện và ác. Tôi muốn thể hiện cái ác ghê gớm bao nhiêu thì sự tồn tại và giá trị của cái thiện càng lớn bấy nhiêu”.
Đọc những dòng tự bạch của đạo diễn Trần Anh Hùng, và trải qua những gì đã có trên đất nước, người ta chợt hiểu rằng, kiểm duyệt ở Việt Nam là những ý tưởng lem luốc về chính trị, và phần lớn bao gồm những gì người kiểm duyệt không đủ sức hiểu nổi. Họ cắt, cấm, chận, bỏ… những điều họ không đủ trình độ thu nạp, mà mục đích là an toàn trên hết. An toàn trong sự chật chội của trí tưởng nông cạn và hèn nhát.
Cách đây vài năm, một người bạn từng học chung ở Nhạc Viện, làm ở Sở Thông tin và Truyền Thông tại Sài gòn gọi cho tôi, hỏi một cách dè dặt, về chữ “eo sèo” trong một bài hát của Phạm Duy. Có vẻ bạn ấy đang vào đợt kiểm duyệt chương trình âm nhạc. “Chữ đó có ý gì chống chế độ không?”, bạn ấy hỏi. Tôi lúc đó đã phải dùng hết khả năng giải thích về tiếng Việt với người Việt, để nói rõ rằng “eo sèo” không có chút bà con họ hàng nào về chính trị. Dẫu vậy, trước khi cúp máy, người bạn ấy vẫn còn lưỡng lự “Ờ, thôi để kiểm tra thêm”. Rõ là vậy, kiểm duyệt bao gồm lệnh nhận được, và sự kém cỏi và mơ hồ ra lệnh.
Năm 2011, đạo diễn người Thụy Sỹ gốc Việt Siu Phạm ra mắt phim “Đó… hay Đây” tại Viện Văn Hóa Pháp, Quận 1, Sài Gòn. Sau khi chiếu hết phim, người đạo diễn này đề nghị ai có ý kiến gì về bộ phim, xin cứ trao đổi thẳng với bà. Ngay sau đó, một đạo diễn của một hãng phim truyện Việt Nam (xưng tên và chức vụ đủ), hỏi như chất vấn rằng “Xin cho hỏi, bộ phim này ý nói về điều gì?”. Thật đáng buồn, vì đó là một câu chuyện điện ảnh được quay ở ven biển miền Trung Việt Nam, nói tiếng Việt. Phim “Đó… hay Đây” trong năm đó cũng lọt vào vòng chung kết của Liên hoan phim Busan lần thứ 16, trong hạng mục New Currents Award.
Trên những diễn đàn hay các cuộc bàn luận về tin tức nghệ thuật, vui mừng về người Việt bước ra thế giới, cũng có câu hỏi đặt ra là các hội nghệ thuật âm nhạc, điện ảnh, văn chương… được nhà nước tung mỗi năm hàng ngàn tỷ nuôi dưỡng, cùng vô số hội hè, sao không thấy ai có thể chạm ngõ được thế giới nghệ thuật truyền thống của thế giới, mà chỉ có những người đi xa nhà mới nhận được sự vinh danh? Hay chỉ ở bên ngoài, sự dung nạp mới đủ sâu rộng và nhận biết trí tuệ người Việt Nam khi không còn rào cản nào?
Các giải thưởng đây đó bên ngoài Việt Nam, cho người Việt Nam – cho đến nay điểm lại thì đã rất nhiều – cho thấy trí tuệ người Việt như con diều luôn khao khát bay cao, bay xa, nhưng sợi dây để dắt đưa nó bay lên, chắc chắn không thể là sợi dây kiểm duyệt tù đọng. Rõ là đã có những con diều Việt Nam đành cứ phải mượn nhờ những sợi dây khác, dắt đưa lên cao, những sợi dây không phải ở quê hương mình.