Alex Wu
Hôm 17/07, Amazon đã bất ngờ thông báo trong những ngày gần đây rằng họ sẽ đóng cửa trang web tiếng Trung amazon.cn và cửa hàng ứng dụng chính thức của họ tại Trung Quốc mà không nêu ra bất kỳ lý do nào. Các nhà quan sát tin rằng việc đóng cửa báo hiệu sự rút lui hoàn toàn của đại công ty thương mại điện tử Hoa Kỳ này khỏi Trung Quốc và việc phương Tây tiếp tục tách rời khỏi nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trong một thư điện tử gửi cho người dùng hôm 23/05, trang web chính thức của Amazon tại Trung Quốc đã nói với khách hàng ở Trung Quốc như sau: “Từ ngày 17/07, Amazon Trung Quốc sẽ không còn cung cấp dịch vụ trên cửa hàng ứng dụng. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào, vui lòng liên hệ với dịch vụ khách hàng của Amazon.” Amazon đã đóng cửa thị trường thương mại điện tử nội địa tại Trung Quốc vào năm 2019, với lý do các nền tảng nội địa đã thống trị thị trường.
Một phát ngôn viên của Amazon cho biết công ty sẽ hợp tác chặt chẽ với người bán để bảo đảm một quá trình chuyển đổi suôn sẻ và tiếp tục cung cấp “trải nghiệm khách hàng tốt nhất.”
Những người bán hàng ở Trung Quốc có ý định bán sản phẩm của họ ra ngoại quốc có thể tiếp tục làm như vậy thông qua nền tảng toàn cầu của công ty Amazon, và người dân vẫn có thể mua sản phẩm từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, và Nhật Bản thông qua cửa hàng toàn cầu của Amazon, tùy thuộc vào việc kiểm tra của chính quyền Trung Quốc về hàng hóa và thuế nhập cảng.
Hồi tháng 06/2022, Amazon cũng đã thông báo rằng họ sẽ kết thúc hoạt động của cửa hàng sách trực tuyến Kindle tại Trung Quốc hôm 30/06 năm nay. Chẳng bao lâu nữa, người dùng sẽ không còn có thể mua hoặc tải xuống sách điện tử mới, nhưng họ có thể tải xuống sách điện tử hiện có trước ngày 30/06 để đọc trên thiết bị của mình.
Amazon Appstore đã có mặt ở khoảng 200 quốc gia kể từ khi ra mắt hôm 22/03/2011. Amazon Appstore đã có mặt ở Trung Quốc vào năm 2013, chủ yếu cung cấp nội dung tải xuống, chẳng hạn như các ứng dụng và các trò chơi. Tất cả các ứng dụng này phải được mua và tải xuống từ cửa hàng ứng dụng trên trang web tiếng Trung chính thức của Amazon dành cho những cư dân ở phía sau bức tường lửa Internet của nhà cầm quyền Trung Quốc ở Hoa lục.
Cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc và trang web tiếng Trung chính thức của Amazon đều sẽ ngừng hoạt động hôm 17/07.
Các công ty rút lui hàng loạt khỏi Trung Quốc
Việc Amazon đóng cửa thị trường tại Trung Quốc đánh dấu một cuộc rút lui khác của các đại công ty công nghệ phương Tây khỏi Trung Quốc — nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp phương Tây đã rút khỏi thị trường Trung Quốc. Cuối tháng 05/2022, Airbnb thông báo sẽ rút toàn bộ danh sách nhà cho thuê ở Trung Quốc và tập trung vào nhu cầu của hành khách Trung Quốc du lịch ra ngoại quốc. Tháng 11/2021, Yahoo đã kết thúc dịch vụ của mình tại Trung Quốc.
Tháng 10/2021, LinkedIn, một nền tảng xã hội dành cho người đi làm chuyên nghiệp thuộc sở hữu của Microsoft, đã thông báo rằng họ sẽ đóng nền tảng cho người dùng địa phương ở Trung Quốc do môi trường hoạt động ngày càng khó khăn và những trở ngại do các quy định của nhà cầm quyền gây ra.
Ngày 09/05 năm nay, LinkedIn đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa tất cả các hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc và sẽ sớm bắt đầu sa thải nhân viên tại Trung Quốc. Sau khi ngừng hoạt động, LinkedIn đã rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp ngoại quốc ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn khi kinh doanh ở Hoa lục do các hạn chế hà khắc về COVID-19 của chính quyền và sự kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh đối với Internet và thông tin.
Liên quan đến sự rút lui gần đây nhất của Amazon, nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ Thạch Đào (Shi Tao) đã cho biết trong chương trình trò chuyện “Thạch Đào TV” của ông rằng, hành động này cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình trong việc tiếp tục chính sách tách Trung Quốc khỏi cộng đồng quốc tế và tách khỏi phương Tây.
Ông Thạch nói: “Trong quá trình thiết lập vương triều của mình, ông Tập cảm thấy Trung Quốc cộng sản đã đủ mạnh và ông không cần phương Tây cũng như các công ty ngoại quốc nữa, và sẽ tiếp tục đẩy họ ra ngoài.” Vân Du biên dịch