Trong khi đa số các quốc gia đều mong muốn Trung Quốc trở nên thịnh vượng, cái nhìn chung về quốc gia này lại là một sự tiêu cực. Đặc biệt ở châu Á, khuynh hướng độc đoán của ông Tập và các chiến lược bắt nạt của Bắc Kinh đang khiến hình ảnh của Trung Quốc lao dốc.
Hình ảnh của Trung Quốc đang xấu đi trong con mắt của hầu hết phần còn lại của thế giới, đặc biệt là với những quốc gia châu Á khác. Đó là một kết luận quan trọng từ một cuộc khảo sát toàn cầu quy mô lớn do Trung tâm Nghiên cứu Pew nổi tiếng thực hiện.
Việc Pew thu thập một loạt ý kiến trên toàn cầu về Trung Quốc cho thấy rõ ràng rằng người châu Á, người Mỹ, và ở mức độ thấp hơn là người châu Âu, ngày càng trở nên cảnh giác khi giao dịch với Trung Quốc. Mặc dù các số liệu trong nghiên cứu Pew bắt nguồn từ năm 2019, nhưng các bản cập nhật gần đây hơn, mặc dù chưa đầy đủ bằng, cho thấy rõ ràng rằng xu hướng xấu đi do Pew ghi nhận vẫn đang tiếp tục trong những năm gần đây.
Đa số các nước muốn Trung Quốc thịnh vượng
Bất chấp những quan điểm tiêu cực này, cuộc khảo sát không phát hiện ra thành kiến hay sự thù hận chống Trung Quốc nào. Điều này được thể hiện rõ qua việc người dân toàn thế giới đều mong muốn Trung Quốc thịnh vượng. Bất cứ nơi nào Pew tìm hiểu, mọi người đều tin rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc nhìn chung là một “điều tốt”, và cũng tốt cho phần còn lại của thế giới. Ngay cả ở châu Á, hầu hết những người được hỏi đều hoan nghênh những tiến bộ kinh tế của Trung Quốc.
Ví dụ, ở Australia, mặc dù mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra có lúc trở nên rất căng thẳng, khoảng 65% số người được hỏi vẫn hoan nghênh sự thịnh vượng của Trung Quốc, và chỉ 30% là không. Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác ít thiên lệch trong câu hỏi này hơn nhưng nhìn chung vẫn hoan nghênh sự phát triển của Trung Quốc. Ngoại lệ duy nhất là Ấn Độ. Ở đó, chỉ 20% số người được hỏi coi sự tăng trưởng của Trung Quốc là “điều tốt”, trong khi tới 61% coi đó là điều tiêu cực đối với họ và đất nước của họ cũng như thế giới nói chung. Thực tế thì, các lực lượng vũ trang của Ấn Độ và Trung Quốc đã đối đầu nhau trong các tranh chấp biên giới đầy bạo lực, ý kiến khác biệt của Ấn Độ là điều dễ hiểu.
Giọng điệu bị đảo ngược
Tuy nhiên, giọng điệu đã thay đổi khi các câu hỏi chuyển từ ý kiến chung sang các chi tiết cụ thể liên quan tới Trung Quốc. Khi Pew hỏi mọi người liệu đầu tư của Trung Quốc vào đất nước họ là điều “tốt” hay “xấu”, tỷ lệ phần trăm, ít nhất là ở châu Á, đã thay đổi. Chẳng hạn, khoảng 66% người Úc phản đối đầu tư của Trung Quốc, trong khi chỉ có 30% chấp nhận nó. Đó là một hình ảnh trái ngược hoàn toàn về thái độ của Úc đối với thành công kinh tế của Trung Quốc. Quan điểm của người Nhật Bản thậm chí còn đảo ngược mãnh liệt hơn. Ở đó, chỉ 16% số người được hỏi hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc, trong khi 75% phản đối. Phần còn lại của châu Á ôn hòa hơn nhưng vẫn thể hiện thái độ kém tích cực hơn so với câu hỏi chung chung hơn của Pew. Phần còn lại của thế giới tích cực hơn người Úc và người châu Á nhưng cũng kém nhiệt tình hơn trong câu hỏi này.
Kỳ lạ thay, khác với thái độ chủ yếu là tích cực đối với những lợi ích từ sự tăng trưởng của Trung Quốc, hầu hết thế giới thường thể hiện cảm xúc tiêu cực về Trung Quốc. Những quan điểm tiêu cực không phải là về văn hóa Trung Quốc hay người Trung Quốc. Đó không phải là câu hỏi của Pew. Cảm giác tiêu cực là về quốc gia Trung Quốc như cách nó đang được quản lý. Mỹ Latinh thể hiện ít sự tiêu cực nhất. Những người được hỏi của nó chia đều trong hai quan điểm, với một nửa nói với Pew rằng họ cảm thấy tích cực về Trung Quốc nói chung và một nửa nói với Pew rằng họ thấy tiêu cực.
Tuy nhiên, xa hơn về phía bắc, tại Mỹ và Canada, tỷ lệ tích cực giảm xuống còn khoảng 26%, tương đương với Ấn Độ. Châu Âu – cả phía đông và phía tây – chỉ tích cực hơn một chút, với mức trung bình khoảng 35%. Úc, Hàn Quốc, Indonesia và Philippines có những con số tương tự như châu Âu. Bên cạnh tới 71% tích cực có thể hiểu được của Nga, những cái nhìn tích cực nhất là ở châu Phi và Trung Đông, với khoảng 60 – 70% ở phe tích cực.
Chuyển từ chào đón sang phản đối
Điều nổi bật nhất về công trình nghiên cứu của Pew là cách mọi thứ thay đổi theo thời gian. Có vẻ như khuynh hướng độc đoán của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các chiến lược bắt nạt của Bắc Kinh – về kinh tế, ngoại giao và quân sự – đã khiến thế giới chuyển từ chào đón sang chống lại Trung Quốc.
Bước ngoặt lớn nhất đã xuất hiện ở châu Á. Điều này hầu như không gây ngạc nhiên vì đó là nơi Trung Quốc hoạt động tích cực nhất. Ví dụ, ở Nhật Bản, tỷ lệ phần trăm tích cực đã giảm khoảng 41% từ mức tích cực 55% cách đây 20 năm xuống còn 14% hiện nay. Tỷ lệ tích cực của Hàn Quốc đã giảm xuống 32% từ mức 66% cách đây 20 năm, giảm 34%. Indonesia đã giảm 37% từ 73% tích cực 20 năm trước xuống chỉ còn 36% hiện nay và Philippines đã giảm 21% từ 63% tích cực xuống 42% hiện nay.
Mặc dù phần lớn công trình phức tạp của Pew bắt nguồn từ trước đại dịch, nhưng các thông tin cập nhật, mặc dù không được kỹ lưỡng như cuộc khảo sát ban đầu, cho thấy Bắc Kinh vẫn tiếp tục mất đi vị thế. Sự xuống cấp gia tăng đó chắc chắn là có lý do. Những nghi ngờ về nguồn gốc của COVID-19 đã làm tổn hại uy tín của Trung Quốc. Không những thế, Trung Quốc, trong đại dịch và giai đoạn hậu đại dịch, đã cho thấy mình là một đối tác thương mại kém tin cậy hơn so với các suy nghĩ trước đây.
Bắc Kinh đã không thể cải thiện cho hình ảnh của mình với thái độ bề trên đối với các quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Á và giữa những nước tham gia Vành đai và Con đường, cũng như thông qua việc sử dụng lực lượng vũ trang của mình để đe dọa các nước láng giềng. Hình ảnh của Trung Quốc chắc chắn đã bị ảnh hưởng nhiều hơn nữa từ cách Bắc Kinh sử dụng thương mại như một vũ khí, chẳng hạn như đe dọa cắt đứt không cho Nhật Bản tiếp cận các nguyên tố đất hiếm, chặn hàng hóa của Úc chỉ vì Canberra đặt câu hỏi về nguồn gốc của COVID-19 và chặn hàng hóa của Hàn Quốc vì đặt mua hàng hóa quân sự từ Mỹ.
Đó không phải là một bức tranh đẹp đẽ và chắc chắn là một bức tranh khiến giới lãnh đạo ở Bắc Kinh lo lắng.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest – một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested – công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).