Liên Thành
Ngày tưởng niệm Thảm sát Thiên An Môn ở Trung Quốc đang đến gần, nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn”, một tổ chức gồm các nạn nhân và gia đình của họ, tiếp tục đưa ra 3 yêu cầu đã kiên trì trong hơn 20 năm qua: Sự thật, bồi thường và truy cứu trách nhiệm.
RFI đưa tin, năm nay đánh dấu kỷ niệm 34 năm “Sự kiện Lục Tứ” (hay còn gọi là sự kiện Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989). 7 thành viên của nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn” đã qua đời trong năm qua, nâng tổng số người qua đời trong nhóm lên 71 người, chiếm 38% tổng số thành viên. Tuy vậy, 116 thành viên còn lại thề rằng trên con đường tìm kiếm công lý từ ĐCSTQ và yêu cầu chính quyền này công bố “sự thật, bồi thường, và trách nhiệm”, “tuy chưa thấy hy vọng, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”.
Nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn” đã đăng lễ kỷ niệm của họ lên mạng như thường lệ. Bài văn tế cho biết dù nhiều thành viên của nhóm đã qua đời, nhưng di nguyện của họ vẫn hướng về nhóm “những bà mẹ” và cùng nhau đi tìm công lý. “Mặc dù, chính quyền ĐCSTQ luôn thực hiện các thủ đoạn để kiểm soát và trì hoãn các việc liên quan đến thảm kịch ‘Lục Tứ’, nhằm xóa bỏ ký ức về sự thật tàn khốc này trong tâm trí người dân,” nhưng “Những bà mẹ Thiên An Môn” sẽ tiếp tục duy trì, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và nêu cao chính nghĩa vì các nạn nhân trong cuộc thảm sát. Họ mong rằng chính quyền ĐCSTQ sẽ xin lỗi gia đình của tất cả nạn nhân “Sự kiện Lục Tứ”, và bày tỏ sự ăn năn với người dân.
Nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn” nói rằng ĐCSTQ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và cần nói ra sự thật.
Theo Đài Á Châu Tự Do, vào ngày 4/6/1989, chồng của bà Trương Cảnh Lợi (Zhang Jingli) là ông Lưu Vĩnh Lương (Liu Yongliang) đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh một mình và bị bắn chết. Khi đó ông chỉ mới 26 tuổi, bỏ lại người vợ và đứa con trai 1 tuổi rưỡi. Đến nay đã 34 năm trôi qua, bà Trương Cảnh Lợi đã lên tiếng trên trang Facebook “Những bà mẹ Thiên An Môn” với tư cách là người đại diện cho các nạn nhân.
Bà nói: “Suốt 30 năm dài đằng đẵng, những khó khăn trong cuộc sống tôi đều có thể chịu đựng được, nhưng nỗi khổ đau trong lòng lại không có chỗ để nói ra, nỗi đau tinh thần luôn đeo bám tôi”. Bà đặt câu hỏi, “Có việc gì mà nhất định phải điều động quân nhân trang bị đầy đủ vũ trang, xe tăng với súng đạn thật, để bắn vào sinh viên và người dân tay không tấc sắt trên đường phố Bắc Kinh và Quảng trường Thiên An Môn, thì mới giải quyết được?”
Người phát ngôn Ưu Duy Khiết (You Weijie) của nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn” cho biết, trong năm qua có thêm 7 người thành viên đã qua đời, và trong những năm qua tổng cộng có hơn 70 người đã không còn tại thế. Bà nói rằng mặc dù chính quyền Trung Quốc đang cố gắng xóa bỏ ký ức về sự thật tàn khốc này trong tâm trí người dân, nhưng yêu cầu của gia đình các nạn nhân vẫn không thay đổi, đó là “sự thật, bồi thường và truy cứu trách nhiệm”. “Phải nói rằng chúng tôi rất thành khẩn muốn đối thoại với chính quyền. Họ đã trốn tránh trách nhiệm của mình đối với thảm kịch năm đó. Điều đáng tiếc là khi các thành viên của nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn” còn sống, đã không nghe được lời giải thích của chính quyền đối với gia đình các nạn nhân trong thảm án Lục Tứ. Một người thân của nạn nhân đã qua đời nói rằng chúng ta phải kiên trì, không thể từ bỏ việc này.”
Theo trang web của “Những bà mẹ Thiên An Môn”, đây là tên gọi của một nhóm bắt đầu vào năm 2000. Trước đây, nhóm này thường được gọi là “Nhóm nạn nhân Lục Tứ”, bao gồm người thân của các nạn nhân và một số người khuyết tật trong sự kiện thảm sát ngày 4/6/1989. Nhóm bắt đầu thành lập vào tháng 8/1989 sau vụ thảm sát ngày 4/6 cùng năm, Bắc Kinh vẫn còn chìm trong máu và khủng bố vào thời điểm đó. Hai bà mẹ gồm Đinh Tử Lâm (Ding Zilin) và Trường Tiên Linh (Zhang Xianling) đã mất con trai trong ngày thảm sát ngày 4/6, từ đó họ trở thành bạn cùng cảnh ngộ.
Bà Trương Tiên Linh, một trong những người sáng lập Phong trào Những bà mẹ Thiên An Môn, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), “Là nhà nước đã phạm tội hình sự, nhà nước sử dụng quân đội để giết thường dân. Điều đầu tiên là coi thường mạng sống con người. Đây không chỉ là sự coi thường tính mạng con người một cách thông thường, mà là nhà nước đã phạm tội hình sự.
Yêu cầu thứ 3 trong số 3 yêu cầu được nhóm này đưa ra, là truy cứu trách nhiệm hình sự những người liên quan. Ai là người xúi giục thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự người đó. Chiến tranh thế giới thứ Hai đã kéo dài bao lâu, chẳng phải vẫn đang điều tra tội phạm Đức quốc xã hay sao? Lúc đó tôi nghĩ nên điều tra. Tại sao? Tại vì không thể nói một câu mơ hồ rằng đảng và nhà nước nhận định gì gì đó. Đảng và nhà nước là ai? Dựa vào đâu để nhận định? Bằng chứng là gì? Có đúng hay không? Dựa vào cái gì để đưa ra kết luận? Ai đưa ra kết luận? Cuộc họp nào đưa ra kết luận đó? Chẳng phải là nói rằng quản trị đất nước theo pháp luật sao? Pháp luật là chính, dựa vào luật nào để đưa ra kết luận? Bằng chứng ở đâu? Ai đã làm ra nó (kết luận)? Cần phải làm cho rõ ràng. Chỉ vì có một câu nói mà khiến hàng ngàn người đã mất mạng sao?”
Trong cuốn “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc” đã viết, “Logic về cuộc đàn áp Lục Tứ của ĐCSTQ cũng giống như logic của cường đạo: Nó nói rằng ‘sự đàn áp sinh viên’ kịp thời đã tránh được một cuộc ‘nội loạn’ có thể xảy ra. Vì vậy, so với ‘nội loạn’, thì ‘đàn áp là chính đáng’”. “Trong vấn đề Lục Tứ, ĐCSTQ và những kẻ đồng hành với nó, không xem xét vấn đề liệu kẻ giết người có nên nhận tội hay không, mà đặt câu hỏi cho xã hội, đó là ‘trấn áp tốt hơn hay là nội chiến tốt hơn’”.
Cuốn sách cũng viết: “ĐCSTQ kiểm soát toàn bộ bộ máy nhà nước và các công cụ tuyên truyền. Có thể nói 1,3 tỷ người là con tin bị ĐCSTQ bắt giữ. Chừng nào còn trong tay 1,3 tỷ con tin này, ‘thuyết con tin’ của ĐCSTQ luôn có thể nói rằng nếu không đàn áp một số người, có thể xảy ra nội chiến, quốc gia sẽ lâm vào họa diệt vong. Với cái cớ như vậy, ĐCSTQ có thể đàn áp bất cứ ai mà nó muốn, và đàn áp mọi lúc mọi nơi, hơn nữa nó sẽ luôn “đàn áp là đúng”.
Với việc cưỡng ép dân ý như thế này, còn có tổ chức nào nguy hiểm hơn ĐCSTQ?”.