EU cảnh báo cấm nền tảng Twitter trên toàn khối
Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo sẽ cấm Twitter trên toàn khối nếu nền tảng mạng xã hội này không tuân thủ các quy định mới về chống thông tin sai lệch, theo hãng tin RT.
Twitter sẽ bị cấm trên toàn Liên minh châu Âu (EU) nếu nền tảng mạng xã hội này không tuân thủ các quy định mới về chống thông tin sai lệch. Đây là cảnh báo được Bộ trưởng Viễn thông và Chuyển đổi kỹ thuật số Pháp Jean-Noel Barrot đưa ra ngày 29/5 trong bối cảnh Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU sẽ có hiệu lực đầy đủ vào ngày 25/8.
“Thông tin sai lệch là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đè nặng lên các nền dân chủ của chúng ta”, Bộ trưởng Barrot nói với đài phát thanh France Info. “Tôi hy vọng rằng Twitter tuân thủ các quy tắc của Châu Âu trước ngày 25/8. Nếu không, họ sẽ không còn được chào đón ở châu Âu nữa. Twitter, nếu liên tục không tuân theo các quy tắc của chúng tôi, sẽ bị cấm ở EU”, ông Barrot nhấn mạnh.
Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số yêu cầu các công cụ tìm kiếm và nền tảng lớn, chẳng hạn như Twitter, YouTube và TikTok, ban hành các biện pháp để giảm thiểu “thông tin sai lệch hoặc thao túng bầu cử, bạo lực mạng đối với phụ nữ hoặc gây hại cho trẻ vị thành niên qua trực tuyến”. Ủy ban Châu Âu có thể phạt những người vi phạm tới 6% doanh thu hàng năm trên toàn thế giới.
Tuần trước, Ủy viên Thị trường Nội bộ EU Thierry Breton đã thông báo rằng Twitter đã rút khỏi Quy tắc Thực hành thông tin sai lệch của khối, vốn mang tính chất tự nguyện.
“Nhưng nghĩa vụ vẫn còn. Bạn có thể chạy đi nhưng không thể lẩn trốn”, ông Breton nói, đồng thời cho biết thêm rằng các điều khoản của DSA sẽ sẵn sàng để thực thi khi đến thời hạn tuân thủ vào tháng 8.
Ông Breton khi đó cũng cảnh báo sẽ không dễ dàng bỏ qua việc tỷ phú Elon Musk rút Twitter khỏi Quy tắc thực hành tự nguyện của EU về thông tin sai lệch (CPD).
“Ngoài các cam kết tự nguyện, chống lại thông tin sai lệch sẽ là nghĩa vụ pháp lý theo Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số kể từ ngày 25/8”, quan chức này nhắc nhở ông Musk, đề cập đến đạo luật sắp tới sẽ yêu cầu Twitter và 7 nền tảng truyền thông xã hội khác buộc phải “chống thông tin sai lệch” trong EU hoặc đối mặt với những mức tiền phạt lớn.
Twitter gia nhập CPD vào năm 2018 dưới thời cựu CEO Jack Dorsey. Trong khi CPD mang tính chất tự nguyện, thì đạo luật DSA đề ra quy tắc ứng xử bắt buộc đối với các nền tảng trực tuyến, lập luận rằng họ phải chịu trách nhiệm đảm bảo môi trường Internet an toàn cho nền dân chủ nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả tài chính nghiêm trọng. Twitter có ba tháng để tuân thủ các nghĩa vụ của mình.
Trên thực tế, Twitter đã triển khai các quy tắc về chống thông tin sai lệch từ trước khi tỷ phú Musk mua lại nền tảng này vào năm ngoái. Tuy nhiên, giới chức EU yêu cầu họ phải tăng cường đáng kể việc kiểm duyệt nội dung và “giải quyết thông tin sai lệch một cách quyết đoán”.
Sau khi mua lại Twitter vào năm ngoái, tỷ phú công nghệ Elon Musk cũng đã cam kết sẽ loại bỏ khỏi nền tảng các thông tin sai lệch và nội dung thù địch, nhưng cũng đề cao quyền tự do ngôn luận và mang lại sự minh bạch hơn.
“Nền tảng này cố gắng trở thành nguồn thông tin ít sai sự thật nhất”, ông Musk viết trên Twitter vào đầu tháng 5.
Phan Anh
Nam Hàn, Úc nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng
Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn và Úc hôm thứ Ba (30/5) đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết, theo Reuters.
Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Lee Jong-sup đã gặp người đồng cấp Australia Richard Marles bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Quần đảo Thái Bình Dương khai mạc tại Seoul.
Ông Lee cho biết quân đội Hàn Quốc sẵn sàng tham gia Indo-Pacific Endeavour, một cuộc tập trận quân sự đa quốc gia do Australia dẫn đầu, cũng như Operation Render Safe, một cuộc tập trận chống mìn dưới nước ở Thái Bình Dương.
Hai nước cũng nhất trí tổ chức các cuộc họp cấp chuyên viên như một phần trong các bước sửa đổi biên bản ghi nhớ được ký năm 2011 nhằm tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng.
Ông Marles cũng đã gặp Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol và thảo luận về những nỗ lực chung nhằm mở rộng hợp tác với các quốc gia Quần đảo Thái Bình Dương, một phát ngôn viên của Tổng thống cho biết.
Nhật Minh
UAV rơi gần nơi ở của TT Putin
Tạ Linh
Theo danh sách được công bố về các địa điểm máy bay không người lái rơi ở khu vực Matxcova, một trong số chúng được cho là đã bị bắn hạ gần nơi ở của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nghị sĩ Nước Nga Thống nhất Alexander Khinshtein đã công bố danh sách sơ bộ các địa điểm gần Moscow mà máy bay không người lái rơi vào sáng 30/5. Theo ông, đây là những khu định cư Illinske, Tymoshkino, Rozdory, Romashkovo và Greenfield.
Nhà báo đối lập Farida Rustamova lưu ý rằng nếu thông tin này là sự thật thì một trong những máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở làng Rozdory gần Moscow.
Bà viết trên Telegram: “Đây là một phần của Rublyovka, nơi có các biệt thự nhà nước, nhà riêng của các quan chức và doanh nhân. Dinh thự Novo-Ogaryovo của ông Putin (ở làng Usovo) cách đó 10 phút lái xe ”.
Theo nhiều báo cáo khác nhau của truyền thông đại chúng, khoảng 25 đến 32 máy bay không người lái đã tấn công Matxcova vào rạng sáng 30 tháng 5, ít nhất hai tòa nhà cao tầng bị hư hại, có thông tin cho rằng hầu hết các máy bay không người lái đã bị bắn hạ trên đường tiếp cận thủ đô Nga.
Truyền thông Mỹ: Chính ông Tập tạo ra khủng hoảng đảo chính
Liên Thành
Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã phá vỡ các quy tắc bất thành văn về chuyển giao quyền lực được thiết lập sau Cách mạng Văn hóa, bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, và từ chối chỉ định người kế nhiệm.
Tờ Wall Street Journal hôm 25/5 đã đăng một bài báo dài phân tích rằng, cách tiếp cận của ông Tập không chỉ khiến ông bị đảng xa lánh mà thậm chí ông còn gieo mầm đảo chính.
Bài báo này cho rằng ĐCSTQ hiện đang bí mật về vấn đề người kế nhiệm, ông Tập Cận Bình đã phá vỡ thông lệ cai trị của ĐCSTQ trong 10 năm sau Cách mạng Văn hóa.
Đội quân họ Tập đã trải rộng khắp đảng, nhưng xét về tuổi tác và trình độ, những tay chân này đều không đủ điều kiện để trở thành người kế vị ông. Đây thực chất là một mê cung do ông Tập cố tình sắp đặt.
Bài báo cho rằng, giống như sự tan rã của Liên Xô năm 1991, một chính phủ tưởng chừng như vững chắc nhưng lại mong manh một cách đáng ngạc nhiên; ông Tập lấy chính mình làm hạt nhân để chuyển hóa ĐCSTQ, và kết quả có thể là chính ông sẽ trở thành “mắt xích yếu nhất” của chế độ này.
Theo Wall Street Journal, một nhà nghiên cứu thảo luận về sức khỏe của ông Tập Cận Bình với hai quan chức tình báo chính phủ đã phát hiện ra rằng, sau khi ông Tập bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng bí thư ĐCSTQ vào năm 2018, các cơ quan tình báo nước ngoài đã tăng cường nỗ lực nghiên cứu sức khỏe của ông. Nhà nghiên cứu cho biết, bởi vì ĐCSTQ không chọn người kế vị, nên họ lo ngại và không thể chắc chắn điều gì sẽ xảy ra nếu ông Tập có mệnh hệ gì.
Trong trường hợp ông Tập đột ngột ra đi, cho dù là qua đời vì bệnh tật hay là từ chức, thì quá trình xác định lãnh đạo đảng tiếp theo có thể tạo ra nhiều tranh cãi chính trị. Vì Trung Quốc là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nên một khi khủng hoảng liên tiếp xuất hiện sẽ làm rung chuyển toàn cầu.
Trả lời về vấn đề kế vị của ĐCSTQ do Wall Street Journal nêu ra, phó giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (冯崇义/Feng Chongyi) nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) vào ngày 26/5 rằng, ông Tập Cận Bình có thể lên nắm quyền nhờ thân phận là thế hệ đỏ thứ 2.
Lãnh đạo Trần Vân (Chen Yun) của ĐCSTQ từ lâu đã nói rằng, quốc gia chỉ có thể được giao lại cho con cái của thế hệ đỏ thứ hai, nhưng sau thế hệ này, ĐCSTQ không có thế hệ đỏ thứ ba nào có thể tiếp quản. Những đứa trẻ của thế hệ đỏ thứ hai được hưởng một nền giáo dục khác, hầu hết chúng đều làm trong giới kinh doanh và chúng hiếm khi tham gia vào chính trị.
Ông Tập Cận Bình không có người mà ông tin tưởng, và ông ấy không có cách nào để buông xuôi. Do đó, chế độ ĐCSTQ và ông Tập hiện đang đấu tranh trong một tình thế tuyệt vọng.
Uganda phạt tử hình một số trường hợp đồng tính luyến ái
Ngày 29/05, Tổng thống Uganda đã ký thành luật dự luật “Chống Đồng tính Luyến ái 2023”. Động thái này đưa Uganda trở thành quốc gia chống đồng tính luyến ái cứng rắn nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Hơn 30 trong số 54 quốc gia của châu Phi đã có luật trong đó hình sự hóa đồng tính luyến ái, bao gồm cả Uganda. Những nước này coi hoạt động tình dục “trái với trật tự tự nhiên” là một hành vi phạm tội.
Theo luật mới của Uganda, những người bị phát hiện có ý định đồng tính luyến ái phải đối mặt với án tù lên đến 10 năm. Luật này cũng áp dụng án tử hình trong một số trường hợp và bỏ tù người có hành vi khuyến khích đồng tính luyến ái.
Một số hoạt động và nhiều quan chức chính phủ ở nước ngoài đã lên án luật này, gọi đó là biện pháp chống đồng tính luyến ái cứng rắn nhất trên thế giới.
Twitter của chính phủ Uganda đã đăng bức ảnh Tổng thống Yoweri Museveni ký ban hành luật vào ngày 29/05. Vị tổng thống 78 tuổi trước đây đã gọi đồng tính luyến ái là “sự khác biệt so với bình thường”.
Đồng tính luyến ái trầm trọng
Luật mới áp dụng án tử hình đối với cái gọi là “đồng tính luyến ái trầm trọng” (aggravated homosexuality), áp dụng trong nhiều trường hợp.
Án tử hình được áp dụng khi đồng tính luyến ái được thực hiện đối với trẻ vị thành niên hoặc người thân hay người phụ thuộc của người đó.
Nó cũng bao gồm các trường hợp khi người phạm tội “phạm tội hàng loạt” – những người mà luật định nghĩa là “đã có tiền án về tội đồng tính luyến ái hoặc các tội liên quan”.
Luật về “đồng tính luyến ái trầm trọng” cũng được áp dụng khi một người thực hiện hành vi đồng tính luyến ái và rồi làm lây nhiễm bệnh nan y cho người khác, chẳng hạn như HIV/AIDS. Nó cũng áp dụng cho một người thực hiện hành vi đồng tính luyến ái với một người khác mà hậu quả là người đó bị khuyết tật hoặc mắc bệnh tâm thần.
Hình phạt tử hình cũng sẽ được áp dụng khi hành vi tình dục được thực hiện đối với người khác “bằng các biện pháp đe dọa, ép buộc, làm sợ hãi bởi các tổn hại thân thể, cưỡng bức hoặc gây ảnh hưởng quá mức, đe dọa dưới bất kỳ hình thức nào, hoặc thông qua việc bóp méo/miêu tả sai bản chất của hành vi”.
Cuối cùng, án tử hình được áp dụng khi quan hệ đồng giới liên quan đến một người ở vị trí dễ bị tổn thương hơn. Theo luật, điều này có nghĩa là hành vi tình dục được thực hiện đối với những người ở dưới quyền của người kia hoặc đối với người khuyết tật, bệnh tâm thần, tuổi cao hoặc trong tình trạng “bất tỉnh hoặc … trạng thái tinh thần không bình thường … làm suy giảm khả năng phán đoán của anh ấy hoặc cô ấy”.
Khuyến khích đồng tính luyến ái
Luật mới có một phần xử phạt tội “khuyến khích đồng tính luyến ái” lên đến 20 năm tù. Trong trường hợp pháp nhân bị kết tội, pháp nhân đó có thể bị phạt tiền, cũng như bị đình chỉ giấy phép hoạt động trong 10 năm hoặc hủy bỏ hoàn toàn giấy phép.
Một người bị coi là “khuyến khích đồng tính luyến ái” nếu họ khuyến khích hoặc thuyết phục người khác tham gia đồng tính luyến ái hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính để khuyến khích hoặc bình thường hóa hành vi đó.
Họ cũng bị kết tội nếu cố ý xuất bản hoặc phát sóng tài liệu khuyến khích đồng tính luyến ái, hay điều hành một tổ chức khuyến khích đồng tính luyến ái.
Và cuối cùng, nếu họ “cố ý cho thuê hoặc cho thuê lại, sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng” bất kỳ ngôi nhà, tòa nhà hoặc cơ sở nào với mục đích tham gia hoạt động đồng tính luyến ái hoặc các hoạt động khuyến khích hành vi đó, họ cũng sẽ bị kết tội.
Sự thiêng liêng của gia đình
Bà Anita Annet Among, người phát ngôn của quốc hội Uganda, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những lo lắng của người dân đất nước và đã thông qua luật để bảo vệ sự thiêng liêng của gia đình”.
“Chúng tôi đã mạnh mẽ đứng lên để bảo vệ văn hóa, giá trị và nguyện vọng của người dân đất nước”, bà viết. Bà cũng cảm ơn tổng thống Uganda vì “hành động kiên định của ông ấy vì lợi ích của người dân Uganda” và cảm ơn các đồng nghiệp của bà vì đã “chịu đựng mọi áp lực vì lợi ích của đất nước”.
“Bằng cách hành động, chúng tôi đã sống theo phương châm của mình: Vì Chúa và vì Đất nước của chúng tôi”, bà nói.
“Chúng tôi sẽ luôn ủng hộ và thúc đẩy lợi ích của người dân Uganda… người dân Uganda đã lên tiếng và nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là thực thi luật pháp một cách công bằng, kiên định và mạnh mẽ”.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch
Bắc Kinh nâng cấp kiểm soát Quảng trường Thiên An Môn trước ngày 4 tháng 6
Liên Thành
Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ tưởng niệm 34 năm vụ thảm sát Thiên An Môn (Tiananmen), xảy ra vào ngày 4/6 năm 1989 tại Bắc Kinh (Beijing), Trung Quốc. Trong sự cố đó, chính phủ Trung Quốc đã huy động xe tăng và đạn pháo nã vào hàng loạt sinh viên, trí thức không được vũ trang, khiến ký ức đau thương về ngày này và sự uất hận đeo bám người dân Trung Quốc suốt hơn 30 năm qua mà chưa được chính phủ giải trình trách nhiệm.
Do đó, ngày “4 tháng 6 ” đã trở nên vô cùng nhạy cảm đối với ĐCSTQ. Việc kiểm soát an ninh xung quanh Quảng trường Thiên An Môn đã được nâng cấp.
Một cư dân mạng đã quay một video và tiết lộ rằng, để vào Quảng trường Thiên An Môn cần qua ít nhất ba điểm kiểm tra: thứ nhất, là quẹt thẻ ID để đăng ký, thứ hai là xác minh thẻ ID, thứ ba là vượt qua hàng rào cảnh sát canh gác.
Theo các quy định do chính quyền ĐCSTQ ban hành, trước khi vào Quảng trường Thiên An Môn, khách du lịch phải đặt chỗ trực tuyến, rồi phải qua các bước kiểm tra an ninh.
Một khách du lịch đã đăng trên Weibo, mô tả trải nghiệm của anh khi đi du lịch ở Quảng trường Thiên An Môn và những nơi khác ở Bắc Kinh, Sound of Hope dẫn lời như sau:”Đây có phải là du lịch không? Thật là đau đầu. Ở Bắc Kinh đông đúc, khi vào quảng trường Thiên An Môn tôi chỉ nhớ là phải qua vô số lần kiểm tra an ninh và bị khám xét thân thể. Tôi thực sự muốn nói rằng, thật không dễ dàng cho người dân, đi tham quan thủ đô mà khó khăn như vậy sao? Thật khó để nói rằng tôi yêu Bắc Kinh. Cuối cùng tôi đã đến Cung điện mùa hè và cảm thấy thật tuyệt, nhưng trời tối và tôi không nhìn thấy gì…Hôm nay tôi chỉ đi bộ, đi tàu điện ngầm, đi xe buýt và tôi gần như bị kiệt sức. Đi du lịch ở đâu thì đi chứ đừng đến Bắc Kinh, đặc biệt là đừng đi chung thành một nhóm”.