Thỏa thuận tàu ngầm AUKUS: Ngũ Giác Đài yêu cầu Quốc hội cho phép chuyển giao tàu ngầm

Cẩm An

Ngũ Giác Đài đã yêu cầu Quốc hội cho phép chuyển giao hai tàu ngầm năng lượng hạt nhân cho Úc

Các đề xướng dự luật (pdf), lần đầu tiên được đệ trình hôm 02/05 và được công bố trực tuyến hôm 23/05, được đưa ra khi các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ lập luận rằng mặc dù việc chuyển giao có thể có tác động về ngắn hạn, nhưng chuyển giao sẽ cho phép hợp tác an ninh tàu ngầm AUKUS “giữ những chiếc tàu ngầm đó được sử dụng bởi một đồng minh thân cận để duy trì khả năng phòng thủ tập thể của chúng ta.”

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, “Dự án này, được gọi là AUKUS, sẽ cần sự phối hợp và hợp tác đáng kể giữa các chính phủ Úc, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ, cũng như giữa các cơ sở công nghiệp quốc phòng của họ. Đề xướng này sẽ cho phép thực hiện một số bước cần thiết ban đầu trong quy trình và sẽ báo hiệu cho Úc và Vương quốc Anh rằng đây là một cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với mối bang giao bền chặt từ sự hợp tác ba bên về một số trong số những công nghệ nhạy cảm nhất.”

Việc đệ trình các đề xướng này lên Quốc hội gây bất ngờ sau khi thông báo của AUKUS nêu rõ rằng Úc sẽ mua từ ba đến năm tàu ngầm lớp Virginia vào những năm 2030 như một phần của giai đoạn hai của hiệp ước.

Tuy nhiên, theo đề xướng này, thì dự luật không nêu rõ thời điểm Hải quân Hoa Kỳ sẽ chuyển giao các tàu ngầm lớp Virginia.

Ngũ Giác Đài cho biết đây là do cần có một chút linh hoạt vì việc chuyển giao có thể không diễn ra trong một khoảng thời gian đáng kể sắp tới và sẽ phụ thuộc vào việc Úc đã sẵn sàng vận hành các tàu như vậy một cách an toàn và hiệu quả hay chưa.

“Sự linh hoạt này cũng là cần thiết để nhân viên Hải quân Hoàng gia Úc có thời gian hoàn thành khóa đào tạo tại trường sở và tại chỗ, nhân viên xưởng đóng tàu tư nhân Úc có thời gian để được Hải quân Hoa Kỳ và các nhà thầu Hoa Kỳ đào tạo về sản xuất và sửa chữa tàu ngầm, và Chính phủ Úc cũng như cơ sở công nghiệp quốc phòng của Úc có thời gian để phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ,” Ngũ Giác Đài nêu trong đề xướng.

Các thành viên Đảng Dân Chủ đã hoan nghênh việc đệ trình này, với việc Dân biểu Joe Courtney (Dân Chủ-Connecticut) nói với Defense News rằng ông mong muốn hoàn thành những mục tiêu này. Ông Courtney phục vụ trong ban lực lượng hàng hải của Ủy ban Quân vụ Hạ viện.

“Các đề xướng dự luật của Bộ Quốc phòng là ví dụ mới nhất về cam kết thực hiện thỏa thuận AUKUS của Tổng thống [Joe] Biden,” ông Courtney cho biết.

“Điều quan trọng là các đề xướng này đề ra một lộ trình rõ ràng để tạo thuận lợi cho việc chuyển giao các tàu ngầm lớp Virginia cho Úc đồng thời bảo đảm chúng ta có các căn cứ cần thiết để chấp nhận các khoản đầu tư của Chính phủ Úc nhằm nâng cao năng lực cơ sở công nghiệp tàu ngầm của chúng ta và cung cấp đào tạo cho nhân viên Úc.”

Tổng thống Biden muốn dành cho Úc đãi ngộ ưu ái

Các đề xướng này được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng ông sẽ yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ bổ sung Úc như là một “nguồn nội địa” theo nghĩa của Đề mục III của Đạo luật Sản xuất Quốc phòng.

“Làm như vậy sẽ giúp việc hợp tác cơ sở công nghệ và công nghiệp được dễ dàng hơn, đẩy nhanh và tăng cường thực hiện AUKUS, và tạo những cơ hội mới cho Hoa Kỳ đầu tư vào sản xuất và mua các khoáng sản quan trọng, công nghệ quan trọng, và các lĩnh vực chiến lược khác của Úc,” tổng thống cho biết trong một tuyên bố chung đưa ra với Thủ tướng Úc Anthony Albanese.

Những thay đổi này sẽ cho phép Hoa Kỳ sử dụng các khoản tài trợ của Đạo luật Sản xuất Quốc phòng cho ngành công nghiệp Úc để khai triển các thành phần chia sẻ công nghệ trong hiệp ước AUKUS, được gọi là Trụ cột II.

Những năng lực này khác với thỏa thuận tàu ngầm và bao gồm sự phát triển chung về vũ khí siêu thanh, công nghệ lượng tử, và trí tuệ nhân tạo.

Quốc hội Hoa Kỳ bị cáo buộc lạnh nhạt với AUKUS

Các đề xướng này được đưa ra khi Quốc hội bị cáo buộc lạnh nhạt với thỏa thuận AUKUS sau khi một báo cáo Quốc hội có nhan đề “Mua sắm Tàu ngầm Tấn công Lớp Virginia (SSN-774) của Hải quân: Bối cảnh và các Vấn đề đối với Quốc hội,” những người hoài nghi trong Quốc hội lập luận rằng thỏa thuận này có thể làm suy yếu khả năng răn đe của Hoa Kỳ trước sự hung hăng của Trung Quốc nếu Trung Quốc tin rằng Úc sẽ sử dụng tàu ngầm kém hiệu quả hơn Hải quân Hoa Kỳ.

Hoặc có khả năng Úc sẽ không đưa quân đội của mình, bao gồm cả các tàu lớp Virginia, tham gia vào các cuộc khủng hoảng hoặc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà Úc coi là không liên quan đến các lợi ích quan trọng của Úc.

Báo cáo này đề cập đến các bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles từ tháng 03/2023 khẳng định rằng để đổi lấy các tàu lớp Virginia, chính phủ Úc không hứa hẹn với Hoa Kỳ rằng Úc sẽ trợ giúp Hoa Kỳ trong một cuộc xung đột trong tương lai về vấn đề Đài Loan.

Báo cáo cho biết, “Những người hoài nghi về việc chuyển giao SSN lớp Virginia từ Hoa Kỳ cho Úc có thể lập luận rằng điều đó có thể làm suy yếu khả năng ngăn chặn hành vi gây hấn tiềm ẩn của Trung Quốc nếu Trung Quốc tìm lý do để tin, dù đúng hay sai, rằng Úc có thể sử dụng các tàu lớp Virginia được chuyển giao kém hiệu quả hơn là Hải quân Hoa Kỳ sẽ sử dụng chúng nếu những chiếc tàu này được giữ lại trong biên chế của Hải quân Hoa Kỳ, hoặc Úc có thể không đưa quân đội của mình, bao gồm cả những chiếc tàu lớp Virginia, tham gia vào các cuộc khủng hoảng hoặc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà Úc coi là không liên quan đến các lợi ích quan trọng của Úc.”

“Liên quan đến kịch bản thứ hai, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles hồi tháng 03/2023 được cho là đã xác nhận rằng để đổi lấy các tàu lớp Virginia, chính phủ Úc không hứa với Hoa Kỳ rằng Úc sẽ trợ giúp Hoa Kỳ trong một cuộc xung đột trong tương lai về Đài Loan.”

The Epoch Times đã liên lạc với Bộ trưởng Quốc phòng Úc để yêu cầu bình luận về báo cáo này.

Cẩm An biên dịch

Related posts