Triều Tiên hôm thứ Tư (31/5) xác nhận rằng vụ phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này đã thất bại và tên lửa đã lao xuống biển. Cùng ngày, quân đội Hàn Quốc tuyên bố họ đang trục vớt vật thể được cho là một phần của ‘phương tiện phóng không gian’ mà Triều Tiên tuyên bố ở vùng biển cách đảo Eocheong 200km về phía Tây.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết, Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ quốc gia (NADA) của nước này đã phóng vệ tinh quân sự Malligyong-1, gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1, tại Bãi phóng Vệ tinh Sohae của tỉnh Bắc Pyongan lúc 6h27 sáng 31/5 theo đúng kế hoạch đã định.
Tuy nhiên, sau khi hoàn tất việc tách rời tầng một, tên lửa đẩy ‘Chollima-1’ đã gặp sự cố khi khởi động động cơ ở tầng hai. Do đó, tên lửa bị mất lực đẩy và rơi xuống vùng biển Hoàng Hải ở phía tây bán đảo Triều Tiên. Các nhà khoa học đang tiến hành phân tích chuyên sâu nguyên nhân thất bại của vụ phóng.
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) sáng ngày 31/5 cho biết Triều Tiên đã phóng một vật thể được cho là tên lửa đẩy vũ trụ từ khu vực xã Dongchang (huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan) về phía Nam bán đảo Hàn Quốc vào 6 giờ 29 phút cùng ngày và rơi xuống biển cách đảo Eocheong 200km về phía Tây. Hàn Quốc xác nhận, vật thể của Triều Tiên đã “hạ cánh một cách bất thường” ngoài bờ biển phía tây nước này.
Theo hãng thông tấn Yonhap, hiện tại quân đội Hàn Quốc đã thu thập được một số mảnh vỡ còn sót lại của tên lửa đẩy và có thể sẽ kiểm tra nguồn gốc các thành phần của tên lửa và trình độ công nghệ của tên lửa đẩy này. Hình ảnh vật thể nghi thuộc tên lửa đẩy Triều Tiên trong vụ phóng vệ tinh thất bại và được quân đội Hàn Quốc trục vớt ở vùng biển ngoài khơi đảo Eocheongdo, Hàn Quốc, ngày 31/5/2023. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc/Getty Images)
Quan chức JSC Lee Kwangsub cho biết: “Vào lúc 8h05 sáng, chúng tôi đã trục vớt được một số bộ phận nghi ngờ từ vụ phóng của Triều Tiên tại vùng biển cách đảo Eocheong khoảng 200 km về phía Tây. Quân đội của chúng tôi hoàn toàn cảnh giác trước bất kỳ hành động khiêu khích nào nữa của Triều Tiên, chẳng hạn như một vụ phóng vệ tinh khác”.
Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết: “Các vụ phóng tên lửa lặp đi lặp lại của Triều Tiên đe dọa đến sự an toàn và an ninh của đất nước chúng tôi, khu vực và cộng đồng quốc tế. Kiểu phóng tên lửa đạn đạo này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhật Bản đã gửi đơn khiếu nại chống lại Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao ở Bắc Kinh, Trung Quốc”.
Mặc dù Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa trong năm nay, nhưng lần phóng tên lửa vào vũ trụ gần đây nhất của họ là vào tháng 2/2016. Triều Tiên tuyên bố đã phóng một vệ tinh quan sát lên quỹ đạo như một phần của “chương trình không gian hợp pháp” vào thời điểm đó. Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng vệ tinh này chưa bao giờ đi vào quỹ đạo.
Ngay khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng, còi báo động phòng không và cảnh báo trên điện thoại đã vang lên tại nhiều khu vực của Hàn Quốc và Nhật Bản, kêu gọi người dân trú ẩn. Tuy nhiên, sau đó, các cảnh báo lần lượt được gỡ bỏ và không có bất kỳ báo cáo thiệt hại nào được đưa ra.
Tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, còi báo động vang lên qua loa công cộng và các tin nhắn khẩn cấp yêu cầu sơ tán được gửi liên tục vào điện thoại của người dân. Sau đó là chuỗi tin nhắn xác nhận cảnh báo không chính xác vì lý do Triều Tiên đã thất bại trong vụ phóng tên lửa vũ trụ lần này.
Chính phủ Nhật Bản đã kích hoạt một hệ thống cảnh báo tên lửa ở quận Okinawa, nơi được cho là nằm trong đường phóng của tên lửa. Các nhà chức trách sau đó đã dỡ bỏ lệnh sơ tán.
Một quan chức cấp cao của Triều Tiên nói với hãng tin AP rằng Triều Tiên cần một hệ thống giám sát trong không gian để đối phó với các mối đe dọa an ninh đang gia tăng từ Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã lên án gay gắt vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vì cho rằng nước này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Adam Hodge cho biết Tổng thống Biden và các nhân viên an ninh quốc gia của ông đang theo dõi tình hình với sự cộng tác của các bạn bè và đối tác của Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Adam Hodge cho biết Tổng thống Biden và nhóm an ninh quốc gia của ông đang theo dõi tình hình với sự phối hợp với các đồng minh và đối tác của nước này.
Không rõ liệu các vệ tinh do thám của Triều Tiên có tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ của nước này hay không. Theo nhiều nguồn tin, vệ tinh này dường như không đủ phức tạp để tạo ra những hình ảnh có độ phân giải cao. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nó vẫn có thể phát hiện chuyển động của quân đội và các mục tiêu lớn như tàu chiến và máy bay chiến đấu.
Theo ông Lee Choon-geun, một thành viên cao cấp tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, Triều Tiên có thể đã chế tạo được 3 đến 5 vệ tinh do thám. Bình Nhưỡng đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống giám sát không gian có khả năng giám sát bán đảo Triều Tiên trong thời gian thực.
Vệ tinh do thám là một trong những hệ thống vũ khí công nghệ cao mà ông Kim Jong-un đã công khai tuyên bố đang phát triển. Ông cũng cam kết chế tạo tên lửa nhiều đầu đạn, tàu ngầm hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn và tên lửa siêu thanh.
Kể từ đầu năm 2019, các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ đã bị đình trệ. Trong khi đó, Triều Tiên đang tập trung vào việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình. Kể từ đầu năm 2022, Triều Tiên đã tiến hành hơn 100 vụ thử tên lửa, phần lớn trong số đó có thể mang đầu đạn hạt nhân và có khả năng vươn tới lục địa Hoa Kỳ.
Triều Tiên tuyên bố vụ thử tên lửa là một biện pháp tự vệ nhằm đáp trả các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng khẳng định đó là một cuộc tập trận xâm lược. Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết các cuộc tập trận của họ về bản chất là phòng thủ và được tăng cường nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Triều Tiên.
Lam Giang tổng hợp