Hoa Kỳ và Canada hành động nhưng Úc vẫn thờ ơ trước các đồn công an trái phép của Trung Quốc

Cindy Liu

Đội cảnh viên Trung Quốc đeo khẩu trang tại ga xe lửa Bắc Kinh vào ngày 04/04/2020 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Chính phủ Úc vẫn không quan tâm đến các đồn công an ở hải ngoại của Bắc Kinh trên lãnh thổ của đất nước này, mặc dù Hoa Kỳ và Canada đang đưa ra hành động.

Cuối năm 2022, hai đồn công an Trung Quốc ở Úc được tổ chức nhân quyền quốc tế Safeguard Defenders xác định đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng.

Các đồn công an này, được gọi là “trung tâm dịch vụ”, nằm trong số 102 đồn công an bất hợp pháp do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành tại 53 quốc gia đã được một tổ chức nhân quyền phi chính phủ có trụ sở tại Tây Ban Nha công bố.

Mặc dù các đồn công an này được cho là phục vụ các mục đích hành chính như gia hạn giấy phép lái xe của Trung Quốc và giải quyết các loại văn bản giấy tờ chính thức, nhưng các cơ sở này còn có “mục tiêu thâm độc hơn” là “hợp tác với công an Trung Quốc trong việc thực hiện các hoạt động trị an trên lãnh thổ ngoại bang,” theo báo cáo.

Những đồn này cũng có thể được nhà cầm quyền cộng sản sử dụng để “sách nhiễu, đe dọa, uy hiếp, và buộc các mục tiêu phải quay về Trung Quốc để chịu bức hại.”

Từ tháng 04/2021 đến tháng 07/2022, ước tính có khoảng 230,000 công dân Trung Quốc ở hải ngoại đã bị “thuyết phục quay trở lại” Trung Quốc để đối mặt với các cáo buộc hình sự.

Địa điểm ở Eastwood được liệt kê là một đồn công an ở hải ngoại. (Ảnh: Cindy Li/The Epoch Times)
Địa điểm ở Eastwood được liệt kê là một đồn công an ở hải ngoại. (Ảnh: Cindy Li/The Epoch Times)

Tháng 12/2022, The Epoch Times đưa tin rằng một địa điểm ở Eastwood, Sydney đã được một cục công an địa phương của Trung Quốc liệt kê là tiền đồn công an ở hải ngoại vào tháng 07/2020.

Eastwood là nơi sinh sống của một cộng đồng người Hoa nhập cư lớn, bao gồm cả những người Trung Quốc bất đồng chính kiến, những người đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về nơi có khả năng cao là tiền đồn công an này, đặc biệt là kể từ khi có rất nhiều người chứng kiến các hoạt động hàng ngày của họ bị can thiệp.

Hai người đàn ông bị bắt ở Hoa Kỳ vì điều hành đồn công an của ĐCSTQ

Hồi tháng Tư, lực lượng FBI tại Hoa Kỳ đã bắt giữ hai người đàn ông với cáo buộc điều hành một đồn công an bí mật cho ĐCSTQ ở thành phố New York.

Các công tố viên cho biết ông Lư Kiến Vương (Lu Jianwang), 61 tuổi và ông Trần Cận Bình (Chen Jinping), 59 tuổi, đã thông đồng với nhau để hoạt động như những điệp viên Trung Quốc và nhận lệnh của nhà cầm quyền cộng sản để truy lùng và đàn áp những người Hoa bất đồng chính kiến sống ở Hoa Kỳ.

Theo Biện lý Liên bang Breon Peace, Hai bị cáo đã thành lập đồn công an bí mật ở New York theo lệnh của ĐCSTQ và tiến hành các chương trình đàn áp xuyên quốc gia với sự phối hợp của Bộ Công an của chế độ này.

“Việc truy tố này cho thấy chính quyền Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia của chúng ta bằng cách thiết lập một đồn công an bí mật ở trung tâm thành phố New York,” ông Peace nói trong một cuộc họp báo ở Brooklyn.

“Hãy tưởng tượng đến cảnh NYPD mở một đồn cảnh sát bí mật không khai báo ở Bắc Kinh mà xem.”

Ngoài ra, Bộ Tư pháp (DOJ) cũng thông báo rằng họ đang buộc tội 40 quan chức và công an Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch sách nhiễu phối hợp nhằm vào người Hoa sống ở Thành phố New York và các nơi khác ở Hoa Kỳ.

Hiệp hội Trường Lạc Mỹ quốc ở New York vào ngày 06/10/2022. Một tiền đồn công an Hoa kiều ở New York được gọi là Quầy Dịch vụ ở Hải ngoại của Công an Phúc Châu, nằm bên trong tòa nhà văn phòng của hiệp hội này. (Ảnh Samira Bouaou/The Epoch Times)
Hiệp hội Trường Lạc Mỹ quốc ở New York vào ngày 06/10/2022. Một tiền đồn công an Hoa kiều ở New York được gọi là Quầy Dịch vụ ở Hải ngoại của Công an Phúc Châu, nằm bên trong tòa nhà văn phòng của hiệp hội này. (Ảnh Samira Bouaou/The Epoch Times)

Cảnh sát Canada đóng cửa đồn công an của ĐCSTQ và tiếp tục điều tra

Tại Canada, Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) đã đóng cửa một số đồn công an của ĐCSTQ đang hoạt động ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước và họ dự tính tiếp tục điều tra vấn đề này.

“RCMP đã đưa ra hành động quyết đoán để đóng cửa những cơ sở được gọi là đồn công an này,” Bộ trưởng An toàn Công cộng Marco Mendicino cho biết trong phiên điều trần hôm 27/04 trước Ủy ban về Thủ tục và Sự vụ của Hạ viện.

“Canada là một trong những quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ nhất khi lên án bất kỳ chế độ độc tài nào và bất kỳ ai chống lại nhân quyền.”

Ông Mendicio cho biết chỉ cần tìm thấy thêm đồn công an mới nào, RCMP sẽ tiếp tục hành động để đóng cửa những cơ sở đó.

Ông nói: “Kỳ vọng của chúng tôi là nếu những hoạt động đó biểu hiện rõ ràng là có sự can thiệp của ngoại quốc, thì RCMP sẽ có hành động quyết đoán như họ đã làm trong quá khứ.”

RCMP đã xác nhận với The Epoch Times hôm 28/04 rằng họ “tiếp tục tích cực điều tra các báo cáo trên toàn quốc về hoạt động tội phạm liên quan đến cái gọi là đồn ‘công an’ này.”

Điều này xảy ra khi Bộ Ngoại giao Canada tuyên bố nhà ngoại giao Trung Quốc Triệu Nguy (Zhao Wei), người được cho là có liên quan đến việc nhắm mục tiêu vào một nghị sĩ và đe dọa thân nhân của ông ở Hồng Kông, là người không được hoan nghênh. Trong khi Bắc Kinh sớm trả đũa bằng cách trục xuất một nhà ngoại giao Canada khỏi Trung Quốc, một nghị sĩ Đảng Tự Do cho biết ông kỳ vọng là sẽ có thêm nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc bị trục xuất khỏi Canada.

Bộ trưởng An ninh Công cộng Marco Mendicino nói tại Tiền sảnh của Hạ viện, hôm 26/04/2023 tại Ottawa. (Ảnh: Báo chí Canada/Adrian Wyld)
Bộ trưởng An ninh Công cộng Marco Mendicino nói tại Tiền sảnh của Hạ viện, hôm 26/04/2023 tại Ottawa. (Ảnh: Báo chí Canada/Adrian Wyld)

Chính phủ Úc vẫn không quan tâm

Trong khi đó, Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) cho biết họ không quan tâm đến việc xem xét vấn đề này trên đất nước mình.

Khi Thượng nghị sĩ James Paterson, Bộ trưởng Chống Can thiệp Ngoại quốc hỏi ông Ian McCartney, Phó Ủy viên của AFP trong phiên điều trần về dự toán ngân sách của Thượng viện vào cuối năm 2022, thì ông cho biết mặc dù ông có nghe tin về báo cáo này nhưng ông chẳng bận tâm gì về đầu mối liên lạc ở Sydney.

Tôi không tin cơ sở này đang hoạt động,” ông nói với ủy ban.

Phản ứng này vẫn không thay đổi, AFP nói với The Epoch Times rằng họ vẫn không quan tâm đến vấn đề này mặc dù các quốc gia khác đã hành động.

“AFP không có bình luận [về] hành động của các cơ quan chức năng quốc tế,” một phát ngôn viên nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua thư điện tử hôm 16/05.

“Trước đây, AFP và các cơ quan khác của Úc đã nhận được nhiều câu hỏi về việc liệu có lo ngại về các hoạt động tương tự ở Úc hay không.”

“Các phương tiện truyền thông được chỉ dẫn đến phần ghi chép của dự toán ngân sách, trong đó cho thấy AFP không lo ngại về vấn đề này. Quan điểm này vẫn không thay đổi.”

Các cơ quan an ninh nội địa và đại diện chính trị khác cũng đưa ra một phản ứng nhẹ nhàng, Bộ Nội vụ nói với The Epoch Times trong một thư điện tử, “Đây không phải là vấn đề của Bộ Nội vụ — quý vị có thể cân nhắc việc liên hệ với AFP.”

Trong khi đó, ông Jerome Laxale, Nghị sĩ Đảng Lao Động của khu vực bầu cử Bennelong, vốn bao gồm cả khu Eastwood, đã không phúc đáp các nghi vấn báo chí của The Epoch Times về đồn công an này.

Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO) cũng nói với The Epoch Times hôm 17/05 rằng họ không có bình luận nào về vấn đề này.

Toàn cảnh biểu tượng của Cảnh sát Liên bang Úc trong một cuộc họp báo ở Melbourne, Úc hôm 30/09/2014. (Ảnh: Scott Barbour/Getty Images)
Toàn cảnh biểu tượng của Cảnh sát Liên bang Úc trong một cuộc họp báo ở Melbourne, Úc hôm 30/09/2014. (Ảnh: Scott Barbour/Getty Images)

Lập trường này đã thu hút sự chỉ trích gay gắt của một số chuyên gia về Trung Quốc.

“[Họ] là những người nhẹ dạ cả tin. Chỉ đơn giản là không biết gì,” Tiến sĩ Tần Tấn (Chin Jin), Chủ tịch Liên đoàn Vì một Trung Quốc Dân Chủ (hay Mặt trận Dân chủ Trung Quốc) có trụ sở tại Sydney, cho biết. “Bắc Kinh đã thâm nhập vào phương Tây một cách thầm lặng.”

Ông Tần cũng chỉ trích AFP vì sự ngây thơ của nó.

“Phó Ủy viên Úc này chỉ biết mỗi cảnh sát Úc, không biết về công an Trung Quốc, không biết về Trung Quốc, chứ đừng nói đến chính trị.”

“Vị phó ủy viên này sẽ không nhìn thấy được sự thật là cơ sở đó đang hoạt động. Những gì ông ta có thể nhìn thấy là một huyễn tưởng nhạt nhòa.”

Chuyên gia: Sự hiện diện của công an Trung Quốc tại Úc là không thể chấp nhận được

Ông Michael Shoebridge, Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức Phân tích Chiến lược Úc, cho biết việc AFP “không bận tâm” về các đồn công an hải ngoại của Bắc Kinh ở Úc khiến ông không an tâm.

Ông nói: “Rất đáng tin cậy là các trung tâm công an như vậy đang được công an Trung Quốc điều hành ở Úc và những trung tâm này có tác dụng đe dọa và giám sát công dân Trung Quốc ở đây cùng với công dân Úc.”

“Có nguy cơ AFP đang đánh giá quá cao sự liên kết của lực lượng cảnh sát mà họ có với Bộ Công an Trung Quốc, từ đó miễn cưỡng hành động hoặc nói theo cách có thể gây rủi ro cho sự hợp tác đó.”

“Công an Trung Quốc đang sử dụng các phương pháp đơn giản là không thể chấp nhận được ở Úc, và họ cũng hoạt động như một cánh tay đắc lực, thân cận của chế độ độc tài đàn áp của ông Tập Cận Bình, như chúng ta đã thấy rõ ràng về vụ thâu đoạt Hồng Kông.

“Điều đó không phù hợp với cách thức hoạt động của cảnh sát ở Úc — trong một hệ thống dân chủ, tự do cá nhân, và pháp quyền.”

Trong khi đó, ông Kevin Carrico, giảng viên cao cấp về Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Monash, đã kêu gọi Chính phủ Úc phản ứng với “sự quyết đoán và quyết tâm.”

“Phản ứng duy nhất mà Chính phủ Úc có thể đưa ra một cách hợp lý để bảo vệ chủ quyền của đất nước và bảo vệ quyền của công dân và cư dân chúng tôi là bảo đảm rằng đồn công an này phải bị đóng cửa, để chắc chắn rằng bất kỳ ai có liên đới với đồn đó đều bị kết án hoặc bị xét xử vì tội liên quan đến tổ chức ngoài pháp luật này, cho dù chúng ta đang nói về hoạt động gián điệp hay sách nhiễu,” ông nói với The Epoch Times trước đó.

“Cần phải có một cuộc điều tra rất kỹ lưỡng về tình huống này để xem những hình thức đe dọa và xuất cảng quyền kiểm soát nào khác đang tồn tại ở Úc.”

Nguyễn Lê và Tịnh Nhi biên dịch

Related posts