LHQ cảnh báo về cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng thấy kể từ Đệ nhị Thế chiến

Isabel Van Brugen

Một công nhân người Palestine cầm lúa mì trên tay tại một nhà máy lúa mì truyền thống, ở Rafah, phía nam Dải Gaza, hôm 21/03/2022. Việc Nga xâm lược Ukraine có thể đồng nghĩa với việc ít bánh mì hơn trên bàn ăn đối với nhiều quốc gia nơi hàng triệu người đang phải vật lộn để tồn tại. (Ảnh: Khatib/AFP qua Getty Images)

Hôm thứ Ba (29/03), Giám đốc Tổ chức lương thực của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã cảnh báo rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ có tác động toàn cầu “vượt xa bất cứ điều gì chúng ta đã chứng kiến kể từ Đệ nhị Thế chiến” và cuộc chiến này đã tạo ra “một thảm họa trên cả một thảm họa.”

“Chúng ta sẽ không bao giờ hình dung được rằng bất cứ điều gì như thế này có thể xảy ra,” ông David Beasley, giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc nói với Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Ông Beasley cho biết, giá lương thực vốn đã cao hiện đang tăng vọt vì nhiều nông dân Ukraine, những người sản xuất một lượng lúa mì đáng kể trên thế giới hiện đang phải chiến đấu với người Nga.

Hồi đầu tháng này, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang rình rập, với nguồn cung cấp các loại cây trồng chủ lực quan trọng bị đe dọa trong bối cảnh xung đột tiếp diễn. Nga và Ukraine là những nhà xuất cảng ngũ cốc chủ chốt, cung cấp gần 30% sản lượng lúa mì và gần 20% sản lượng ngô trên thị trường toàn cầu.

Trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine vào ngày 24/02, ông Beasley cho biết cơ quan của ông đang cung cấp lương thực cho 125 triệu người trên toàn cầu.

Cơ quan này hiện đã buộc phải cắt giảm khẩu phần ăn do chi phí thực phẩm, nhiên liệu và vận chuyển tăng vọt, ông giải thích. Theo ông Beasley, chi phí gia tăng đã gây ra sự gia tăng 71 triệu USD mỗi tháng trong chi phí hoạt động của cơ quan.

Cuộc xâm lược Ukraine đang biến “vựa ngũ cốc của thế giới thành nơi chờ cứu tế” đối với hàng triệu người dân của họ, trong khi gây nguy hại cho các quốc gia như Ai Cập vốn thường nhập 85% ngũ cốc từ Ukraine và Lebanon mua 81% vào năm 2020, ông Beasley nói.

Ông Beasley cho biết Chương trình Lương thực Thế giới mua 50% ngũ cốc từ Ukraine.

Bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, nói với Hội đồng rằng mọi thứ sẽ tiếp tục diễn biến xấu đi trên toàn cầu.

Sherman nói: “Chừng nào ông Putin còn tiếp tục cuộc chiến của mình, chừng nào quân đội Nga tiếp tục bắn phá các thành phố Ukraine và chặn các đoàn xe viện trợ, chừng nào dân thường bị bao vây không thể đến nơi an toàn, thì cuộc khủng hoảng nhân đạo này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn – ở Ukraine, đối với người Nga, và trên toàn thế giới.”

Ông Beasley cũng bày tỏ một quan điểm tương tự.

“Nếu chúng ta chấm dứt cuộc xung đột này, giải quyết các nhu cầu, chúng ta có thể tránh nạn đói, sự bất ổn của các quốc gia và các cuộc di cư trên quy mô lớn,” ông nói. “Nhưng nếu chúng ta không làm vậy, thế giới sẽ phải trả một cái giá đắt và điều cuối cùng chúng ta có thể làm với Chương trình Lương thực Thế giới là lấy thực phẩm từ trẻ em đói để cung cấp cho trẻ em đang chết đói.”

Bà Sherman cho biết Nga đã ném bom ít nhất 3 tàu dân sự chở hàng hóa từ các cảng Biển Đen đến phần còn lại của thế giới, trong đó có 1 chiếc do một công ty kinh doanh nông sản thuê.

Bà nói: “Hải quân Nga đang chặn việc tiếp cận các cảng của Ukraine, về căn bản là cắt đứt hoạt động xuất cảng ngũ cốc.”

Bà Sherman cho biết Hoa Kỳ đặc biệt lo ngại cho các quốc gia như Lebanon, Pakistan, Libya, Tunisia, Yemen và Morocco “vốn phụ thuộc nhiều vào nhập cảng từ Ukraine để nuôi sống dân số của họ”.

Các quốc gia đang phát triển ở Bắc Phi và Á Châu là những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào Nga và Ukraine về nguồn cung lúa mì của họ.

Cô Isabel van Brugen là một ký giả từng đạt giải thưởng, hiện đang là một phóng viên tin tức tại The Epoch Times. Cô tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Báo chí tại trường City, Đại học London.

Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Nguyễn Lê biên dịch

Related posts