Lê Học Lãnh Vân
Chiều 31-5, phát biểu thảo luận về kinh tế – xã hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết: “Mức lương trung bình công chức trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Trong khi ở Thái Lan là 56,7 triệu, Malaysia 29 triệu, Campuchia 17 triệu đồng” (tuoitre.vn, 31/05/2023).
Mức lương của công chức Việt thấp so với nước khác, rất thấp so cả với mặt bằng chi phí cuộc sống bình thường trong nước, là điều ai cũng biết. Ngoài hậu quả là những công chức mẫn cán và liêm chính, những công chức ở mức thấp hay mức không thể “kiếm thêm” gánh chịu đời sống quá khó khăn, sự so sánh mức lương không phản ánh được nhiều điều…
A) Mức lương khác với mức thu nhập. Công chức ở vị trí tiếp xúc trực tiếp với dân, nơi người dân phải lui tới nộp đơn “xin” này xin nọ, mức thu nhập có thể rất khác với mức lương trung bình mà bà Mai nêu ở trên. Công chức trực tiếp làm việc với quỹ này quỹ nọ trong ngân sách nhà nước, mức thu nhập cũng có thể rất khác! Tài sản và cách chi tiêu không cần che đậy của các vị này cho thấy điều đó!
B) Trở lại với mức lương biểu kiến được nêu trên. Ngân sách trả lương công chức (NSLCC) sẽ bằng:
NSLCC = (lương trung bình công chức) x (số công chức)
Nếu giữ nguyên Ngân sách trả lương, chỉ cần số lượng công chức Việt Nam giảm còn 1/4 (tương đương với số công chức/đầu người của Hoa Kỳ), lương công chức Việt Nam sẽ cao gấp bốn lần! Nếu số công chức giảm còn 1/3, lương công chức Việt sẽ tăng gấp ba lần, tương đương với Mã Lai!
Để tăng lương cho công chức Việt Nam, điều đầu tiên Việt Nam phải làm là cải tổ bộ máy hành chánh từ năng suất làm việc của giới công chức để có thể giảm số lượng!
C) Số lượng công chức Việt Nam càng cao cho thấy năng suất làm việc của công chức Việt Nam càng thấp. Theo quy luật thị trường, hàng nào chất lượng đó, hàng chất lượng thấp phải có giá thấp. Giá cao hay giá thấp không phải chỉ tính trên số tiền, mà phải tính trên số tiền liên kết với chất lượng. Nếu thị trường lao động Việt có tính tư do cao, chưa chắc người dân chịu bỏ tiền mua nhiều dịch vụ hành chánh công của nhà nước. Như vậy, lương công chức Việt là cao hay thấp? Người dân Việt phải mua dịch vụ hành chánh công giá mắc hay giá rẻ?
Nói tới chất lượng, năng suất làm việc của công chức Việt là nói tới trách nhiệm của giới có trách nhiệm, không phải trách nhiệm từng cá nhân. Không biết các nhà quản trị đất nước có suy nghĩ cách nâng cao năng suất làm việc của công chức Việt Nam không? Tất nhiên việc nâng cao năng suất phải là để đạt mục tiêu làm lợi cho dân chúng, cho toàn thể quốc gia chứ không phải vì mục tiêu làm lợi cho một phe phái riêng biệt nào!
D) Số lượng công chức cao quá sẽ có hậu quả tai hại cho quốc gia.
1. Quốc gia nào cũng vậy, nếu người dân thực sự có quyền làm chủ, công chức là người làm thuê và lãnh lương của họ. Không người chủ nào muốn thuê dư người so với nhu cầu, với mục tiêu của họ. Không người chủ nào muốn phung phí đồng lương cho những người họ cảm thấy không cần. Nếu tiền của họ bị phung phí vào bộ máy hành chánh quá đông, sự bất mãn là đương nhiên.
Sự bất mãn trong dân chúng là điều nguy hại rất lớn cho quốc gia
2. Bộ máy hành chánh công đông quá sẽ tạo điều kiện giới công chức lười nhác, sáng cắp ô vào trễ, chiều cắp ô về sớm. Thời giờ dư thừa được dùng để “vi bất thiện”. Một trong các “bất thiện” này có thể là tìm cách vòi vĩnh, là tham nhũng, là áp chế người dân mà họ lãnh lương để phụng sự! Đó là suy thoái đạo đức, hệ quả dương nhiên của bộ máy công chức đông mà người dân không có quyền cắt giảm!
Lòng bất mãn và khi dễ của dân chúng càng tăng!
3. Bộ máy hành chánh công quá đông thu hút lực lượng lao động cần cho sự phát triển kinh tế.
Nguồn lực lớn phát triển quốc gia bị đánh mất.
Nêu vấn đề đồng lương là nên. Nhưng rộng hơn, thiết thực hơn là vấn đề đồng lương phải gắn với năng lực công chức Việt. Và quan trọng hơn nữa là người nêu đang trong tâm thế gì? Có trong tâm thế phụng sự người dân mà mình tự xưng là đại biểu không? Bởi vì nếu đứng ngoài tâm thế đó thì dù người nêu có thực tâm hay không, việc nêu vấn đề chỉ là nói cho có mà thôi!
Ngày 02 tháng 6 năm 2023