La Đình Đình
Ông trùm tình báo – Bộ trưởng An ninh Quốc gia Trung Quốc gần đây đã đăng một bài viết yêu cầu tập trung giám sát “mặt trận ẩn”, trước đó ông này còn yêu cầu các quan chức an ninh quốc gia phải chấn chỉnh lòng “không trung thành”.
Đặc vụ Trung Quốc được yêu cầu cam kết trung thành với ông Tập
Tờ báo đảng Thời báo Học tập đã đăng một bài viết của của Bộ trưởng An ninh Quốc gia Trung Quốc Trần Nhất Tân (Chen Yixin) vào ngày 5/6. Trong đó, ông Trần đưa ra một loạt yêu cầu đối với các quan chức an ninh quốc gia.
Ông Trần đặc biệt đề cập rằng cần tập trung vào khó khăn đặc thù, “đánh hạ mặt trận ẩn và tăng cường giám sát”; đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng bố cục giám sát, hợp nhất và thúc đẩy “ba không hủ bại”; thành lập đoàn kiểm tra giám sát, thực hiện kiểm tra giám sát thường xuyên, cũng như điều tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định, kỷ luật.
Vào ngày 28/1 năm nay, không lâu sau khi gia nhập Bộ An ninh Quốc gia, ông Trần Nhất Tân đã đề cập trong một cuộc họp xây dựng đảng rằng, việc tăng cường giám sát các mặt trận ẩn là một khó khăn lớn đối với các cơ quan an ninh nhà nước.
Ông Trần nói, “Những khó khăn trong việc giám sát trên mặt trận ẩn vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn và vấn đề hủ bại tiêu cực thỉnh thoảng vẫn xảy ra”. Ông yêu cầu chấn chỉnh “5 không” của các quan chức an ninh quốc gia, bao gồm: “Không trung thành, không công bằng, không liêm khiết, không hành động và không ngay chính”. Trong đó, “không trung thành” đứng đầu.
Ông trùm an ninh này nói rằng, tuyệt đối không thể khoan nhượng trước việc các quan chức an ninh quốc gia có vấn đề về lòng trung thành với đảng. Nói cách khác, những đặc vụ của chế độ này phải trung thành với đương kim Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình.
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc ‘đại thanh tẩy tàn dư độc hại’
Được thành lập vào năm 1983, Bộ An ninh Quốc gia là cơ quan gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong nhiều năm qua, cơ quan này đã nằm trong tay các đối thủ chính trị của ông Tập Cận Bình, cũng chính là phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, tuy Bộ An ninh Quốc gia đã tiến hành rất nhiều cuộc thanh trừng nhưng chân rết của các đối thủ chính trị đã ăn sâu bám rễ nên nhiều quan chức an ninh vẫn ‘ngoài nóng trong lạnh, bằng mặt không bằng lòng’ với ông Tập.
Từ ngày 7/4 đến ngày 2/6/2022, Đoàn Kiểm tra số 1 Trung ương đã tiến hành kiểm tra thường kỳ Đảng ủy Bộ An ninh Quốc gia. Vào tháng Ba năm nay, Bộ An ninh Quốc gia đã công bố tình hình kiểm tra và chấn chỉnh, còn đặc biệt đề cập đến việc cần thiết phải “thanh trừ toàn diện triệt để tàn dư độc hại của Mã Kiến, Tôn Lực Quân và những người khác”.
Ông Mã Kiến (Ma Jian), cựu Thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia, đã bị kết án tù chung thân vào tháng 12/2018 vì tội hối lộ, ép buộc giao dịch và giao dịch nội bộ. Ông này là thân tín của ông Tăng Khánh Hồng – nhân vật số 2 trong phe Giang Trạch Dân, đồng thời là cựu lãnh đạo cơ quan đặc vụ của ĐCSTQ, phụ trách tạo dựng phe cánh trong Bộ An ninh Quốc gia.
Năm 2007, ông Chu Vĩnh Khang, một thành viên của phe Giang, bắt đầu phụ trách hệ thống an ninh quốc gia của chế độ Bắc Kinh. Ông Mã Kiến từng giúp ông Chu Vĩnh Khang xây dựng kho lưu trữ bí mật về các quan chức ĐCSTQ và thu thập những tài liệu bất lợi của họ. Trong kho dữ liệu này còn bao gồm các Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Trong những năm gần đây, khi hệ thống an ninh quốc gia liên tục được làm sạch, các thành viên phe Giang cũng liên tiếp ngã ngựa.
Ông Tôn Lực Quân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, từng giữ chức Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Quốc gia thuộc Bộ Công an, và cũng có móc nối với Bộ An ninh Quốc gia. Vào tháng 9/2022, ông Tôn bị kết án tử hình treo và án chung thân với các tội danh “nhận hối lộ, thao túng thị trường bất động sản, tàng trữ súng trái phép”.
Vào tháng Một năm nay, ông Lưu Ngạn Bình (Liu Yanping), cựu Thứ trưởng Bộ Công an, cựu Bí thư Ủy ban Kỷ luật thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, cũng bị kết án tử hình treo và bị kết án tù chung thân mà không được giảm hình phạt hoặc ân xá.
Ông Tập Cận Bình cảnh báo: Tình hình an ninh quốc gia ‘phức tạp và nghiêm trọng’
Ông Tập Cận Bình rất coi trọng chức năng gián điệp của Bộ An ninh Quốc gia, và ông càng chú trọng đến cái gọi là an ninh quốc gia.
Hôm 30/5 tại Bắc Kinh, ông Tập đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của Ủy ban An ninh Quốc gia sau Đại hội 20. Tại cuộc họp, ông đề cập rằng cần nhận thức sâu sắc việc an ninh quốc gia đang phải đối mặt với một “hình thế phức tạp và nghiêm trọng”, cần phát huy “tinh thần đấu tranh”, “giữ vững tư duy cốt lõi và tư duy cực hạn, chuẩn bị sẵn sàng để chống lại những khảo nghiệm trọng đại sóng to gió lớn”.
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), Thạc sĩ Luật quốc tế tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, nói rằng an ninh quốc gia mà ĐCSTQ nói đến không phải là an ninh của đất nước Trung Quốc, ở Trung Quốc không tồn tại mối đe dọa xâm lược nào rõ ràng, cái mà ĐCSTQ luôn miệng nói muốn bảo vệ ấy thực sự là chế độ của họ.
Trong một cuộc phỏng vấn với NTDTV vào ngày 1/6, ông Lại Kiến Bình chỉ ra, ông Tập Cận Bình đang nói đến “rủi ro của đảng và chính phủ này. Chế độ độc tài này có thể sẽ bị cách mạng, hoặc có thể không vận hành tiếp được”.
Ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận thời sự thâm niên, cho rằng việc ĐCSTQ liên tục duy trì “an ninh” ở cấp cao cũng phản ánh sự mong manh dễ vỡ của chế độ Bắc Kinh. Kể từ khi thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia, các vấn đề về an ninh không hề thuyên giảm mà dường như ngày càng lan rộng sang các lĩnh vực khác. Không thể không nói rằng đây là một trong những biểu hiện của cuộc khủng hoảng ngày tận thế của ĐCSTQ.
Ông Lưu Thanh (Liu Qing), cựu Chủ tịch Tổ chức Nhân quyền Trung Quốc tại hải ngoại, nói với NTDTV rằng mặc dù nhà cầm quyền Trung Quốc dùng cảnh sát, đặc vụ, bộ an ninh quốc gia và quân đội để kiểm soát chặt chẽ những nguy cơ tiềm ẩn bên trong và đàn áp mạnh mẽ các lực lượng phản kháng hiện hữu, nhưng “có khả năng một ngày nào đó loại đàn áp mạnh mẽ này sẽ dẫn tới sự bùng nổ”.
Minh Lý biên dịch