Tháng Ba Gãy Súng. Hồi ký Hoàng Nga

Hoàng Nga

Trước năm bảy lăm, tôi chỉ mới xấp xỉ bước qua tuổi mười sáu, sống ở thành phố lớn, ngoài học đường, sách vở, bạn bè, chuyện tôi “quan tâm” nhất thuở ấy chỉ là… con trai. Con trai đồng lứa, khác lứa. “Thằng” nào đẹp trai, anh nào lãng tử, anh nào “có tâm sự đi nói cùng cây cỏ”.
Ðời sống như viên thuốc bọc đường thình lình vỡ vụn, tôi bị kéo lê mười ba năm dài đăng đẳng với nghèo khó, nếm đủ mọi loại chất đắng dưới thiên đường chủ nghĩa. Như bao người, xã hội dập vùi tôi không thương tiếc đã đành, cuộc hôn nhân khập khễnh còn đá tôi lăn lóc. Qua được tới Úc, niềm hạnh phúc duy nhất của tôi là được đọc sách báo Việt Ngữ mượn ở thư viện về. Nhưng sống ở tỉnh nhỏ, người Việt ít, thư viện cũng bé, nên có bao nhiêu cuốn tôi đều đọc hết. Nếu không muốn nói là đọc đi đọc lại nhiều lần, từ sách đến báo cũ. Sau này quen nhà văn Tưởng Năng Tiến, tôi nhắc nhiều chi tiết trong truyện ngắn “Thằng Lính Bạc Tình” của anh đã khiến anh ngạc nhiên vì tôi đã nhớ kỹ quá.
Tôi nói với anh truyện về lính, về người lính Việt Nam Cộng Hoà, sau bảy lăm đương nhiên hoàn toàn mất dấu, nên khi được đọc truyện ngắn ấy lần đầu tiên, tôi đã xúc động đến muốn khóc thì làm sao tôi không thể nhớ được. Ðã vậy tôi còn đọc rất nhiều lần nữa là khác. Anh Tiến bảo nếu vậy thì em đọc thêm những thằng bạn anh đi.
Anh Tưởng Năng Tiến đi biệt kích dù, những người bạn viết lách của anh, Oki thám báo, Nguyễn Nam An nhảy dù, Cao Xuân Huy thuỷ quân lục chiến… Anh giới thiệu họ với tôi. Và tôi đọc Tháng Ba Gãy Súng của anh Cao Xuân Huy vào thời đó.
Anh Cao Xuân Huy không nhận mình là nhà văn. Anh nói chỉ muốn kể lại chuyện cũ, chuyện thật của một tháng Ba đau thương năm nào. Anh viết “Tôi muốn nói lên một điều đau lòng cho những thằng cầm súng, những khẩu súng mà không có đạn thì giá trị không bằng một khúc củi mục” (Tựa “Tháng Ba Gãy Súng” xuất bản năm 1985). Anh viết về những chuyện thật, thật đến lạnh người.
Tôi không là người phê bình, nhận xét về sách, nên tôi không viết về những điều anh kể lại trong Tháng Ba Gãy Súng. Nhưng tôi muốn nói tôi đã đọc cuốn sách của anh với tất cả nỗi ngậm ngùi và đau lòng. Mặt trận mà anh Cao Xuân Huy đã chiến đấu để giữ cho đến lúc phải bỏ súng, tan hàng, cũng là nơi mà tôi từng sống, nên nỗi ngậm ngùi, nỗi đau lòng ấy tăng lên gấp đôi, gấp ba, gấp bội phần. Sau này khi anh làm chủ nhiệm tờ Văn Học thay cho anh Nguyễn Mộng Giác, tôi thân hơn với anh, thỉnh thoảng tôi hay trêu anh như thường trêu những tiền bối khác, tôi nói mỗi năm tới tháng Ba, anh giết đi giết lại em nhiều lần.
Năm nay lại tháng Ba đang về, và tôi lại nhớ đến anh, nhớ bài viết ngắn về ngày anh ra đi…
oOo
Ở Ðức, tôi viết thư qua cho anh Cao Xuân Huy, nói, “anh Triều Hoa Ðại rủ em và Lê Minh Hà sang Florida mà bảo chỉ bao ăn phở, không bao nước uống, nên kỳ này em đi Bolsa”. Ðương kim chủ bút Văn Học lúc ấy trả lời “Ừ, thì sang đây. Thủy Quân Lục Chiến ngon hơn Bộ Binh. Tụi em sang đây, anh dẫn đi ăn phở, tô xe lửa. Và cho uống cả cà phê nữa”.
Lê Minh Hà không xin được visa, tôi đi một mình. Mấy anh em gặp nhau ngoài ngưỡng cửa quán cà phê Factory. Anh Huy nhìn tôi gật gù “trông cũng được đấy chứ”. Tôi la làng với anh, “em đẹp thế này mà anh chỉ bảo là cũng được”. Anh Huy hết gật, mà lắc. “văn thì hiền mà người thì xem chừng láu cá”.
Gì chứ bị chê láu cá tôi đâu có ngán. Ai gặp tôi mà không nói như vậy. Nên tôi cười. “Vì vậy anh phải nhớ lời hứa đấy nhé, nhớ cả phở lẫn cà phê đấy nhé”.
Hôm ấy tôi được chừng hơn nửa tiểu đội văn nghệ sĩ Bolsa dẫn đi ăn phở, uống cà phê. Ngồi nghe anh Hồ Thành Ðức và anh Huy kể chuyện tiếu lâm cười muốn chảy nước mắt. Ðược một lát, anh Huy quay sang Nguyễn Nam An, bảo “con bé này hay đi nhà thờ, bắt nghe in ít như thế chắc đủ rồi”.
Nắng lên cao. Chưa kịp tan hàng, vợ chồng anh chị Nguyễn Mộng Giác và chủ bút Hợp Lưu Ðặng Hiền nghe tôi tới, chạy ra. Và sau đó lại lục tục kéo nhau đi ăn trưa. Anh Huy hỏi quán nào, tôi bảo nếu như chưa lên ngôi thì đi Nguyễn Huệ, đã đăng quang thì qua Quang Trung. Tôi tiếp, quán nào cũng được, hôm nay em uống rượu với anh. Anh Huy cười, lắc đầu, anh bịnh quá, hết uống nổi rồi.
Tôi láu cá, đã nghe có người kể anh bịnh, nên xạo sự trêu anh. Rượu ngon không có bạn hiền. Một hồi bị trêu quá, anh bèn nói lần sau em sang, anh hết bịnh thì uống không xỉn không làm người.
Tôi cười. Nghĩ bụng, cỡ tôi, đẩy chừng hai cái nắp đã xỉn. Lần sau anh hết bịnh chắc tôi phải đào hầm mà trốn anh.
Tôi nghĩ không ra anh bịnh. Càng không thể nghĩ anh bịnh nặng đến vậy. Tháng chín năm ngoái anh réo tôi khi anh xuống miền Nam Bán cầu, “em đang ở đâu trên cái đất Sydney này vậy, ra mà dẫn anh đi ăn phở đi chứ”. Thật là trớ trêu. Tôi gào lên với anh, “em đang ở Mỹ”. Anh kêu, “ê, ê, chơi gì kỳ vậy. Anh sang đây còn em thì sang bên kia”. Tôi cãi, anh đi không chọn ngày em biết làm sao. Và tôi tiếp thôi cho tôi khất nợ anh một kỳ. Anh độ lượng ừ. Sau đó tôi hẹn tháng mười một khi về lại LA, tôi sẽ đến thăm anh. Anh lại ừ.
Anh đi, chẳng chọn ngày chọn tháng gì cả. Cũng không thèm thông báo cho tôi biết anh sang Úc. Nên anh làm tôi mắc nợ. Rồi cái hẹn của tôi, tháng mười một năm ngoái xuống tới LA, chộn rộn, tôi lại không đi thăm anh.
Không thăm viếng. Không trả nợ trả nần. Tôi càng không tin nổi mình sẽ chẳng bao giờ còn có thể đưa anh đi ăn bát phở ở Sydney. Cũng không thể nào ghé lại Bolsa trêu anh, rủ anh uống rượu.
Tháng 11. Nhanh và ngắn như bàn tay mở ra đóng lại. Nhanh như anh lại lần nữa, lên đường không biết chọn ngày chọn tháng. Không kịp cả nghe tôi nói, em sắp ghé lại rồi…

Hoàng Nga

Related posts