Milton Ezrati
Ông Tập đã thay đổi các mục tiêu kinh tế của Trung Quốc một cách căn bản và rắc rối đã xuất hiện
Trung Quốc đã nổi bật trong một bài báo gần đây của tạp chí uy tín The Atlantic. Trong những trang viết đó, các chuyên gia về Trung Quốc đến từ Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), ông Dan Blumenthal và ông Derek Scissors, đã phân tích những thay đổi mà ông Tập Cận Bình thực hiện đối với các mục tiêu kinh tế của Trung Quốc kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2013.
Tất cả mọi người tiền nhiệm của ông Tập, từ ông Đặng Tiểu Bình đến ông Hồ Cẩm Đào, đều có những mục tiêu trực diện: thúc đẩy tăng trưởng để phát triển nền kinh tế Trung Quốc ở mọi cấp độ, nâng cao vị thế của Trung Quốc trên toàn cầu, và bảo đảm sự ổn định trong nước bằng cách cải thiện vận mệnh của người dân Trung Quốc.
Ngược lại, ông Tập Cận Bình có những mục tiêu cụ thể hơn và nghiêng về lĩnh vực quân sự hơn. Theo bài phân tích này, mục đích của ông Tập là giảm thiểu sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các quốc gia khác và tối đa hóa khả năng cưỡng chế các quốc gia khác. Các kế hoạch của ông không hề tiến hành một cách suôn sẻ. Không rõ là những kế hoạch đó có từng bao giờ suôn sẻ hay chưa.
Theo hai nhà phân tích này, kế hoạch của ông Tập dựa trên nhận định của ông rằng “trường hấp dẫn mạnh mẽ” của thị trường Trung Quốc do nhà nước kiểm soát sẽ định hình lại các chuỗi cung ứng theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Để thực hiện quyền kiểm soát áp đảo như vậy, ông Tập đã cố gắng thống trị sản xuất toàn cầu trong một số lĩnh vực quan trọng. Trung Quốc đã sản xuất hầu hết các loại xe điện và pin lithium trên thế giới. Cũng có thể nói điều tương tự về phong năng và pin quang năng. Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất các nguyên liệu đầu vào cho nhiều loại dược phẩm trên thế giới. Trung Quốc cũng kiểm soát dòng nguyên tố đất hiếm cần thiết để sản xuất nhiều mặt hàng trong các sản phẩm này.
Chương trình của ông Tập cũng có vẻ sẽ mang lại cho Trung Quốc sự thống trị toàn cầu về vi mạch bán dẫn máy điện toán cấp thấp. Mục đích là để tạo ra tình trạng dư thừa nguồn cung mà sẽ đẩy ngoại quốc ra khỏi cạnh tranh. Các bước tiếp theo trong kế hoạch của ông Tập liên quan đến sự thống trị của Trung Quốc trong các công nghệ tân tiến, trong đó một số công nghệ là có được thông qua tự thân phát triển nhưng phần lớn là có được thông qua sử dụng thương mại để ép buộc chuyển giao từ phương Tây và Nhật Bản, và cũng bằng cả cách trực tiếp đánh cắp. Mức độ kiểm soát mà những nỗ lực này đòi hỏi đã khiến ông Tập trở nên ngày càng ít khoan dung hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, phần lớn là do các doanh nghiệp này khăng khăng chạy theo lợi nhuận thay vì nghe theo các chỉ thị của Bắc Kinh.
Rõ ràng là những kế hoạch này đã nảy sinh nhiều khó khăn. Thứ nhất, cách hành xử quyết đoán hơn của Bắc Kinh đã gây ra phản ứng đối đầu từ phía Hoa Thịnh Đốn, Tokyo, và ở một mức độ thấp hơn là từ phía châu Âu. Hoa Kỳ hiện có luật ngăn chặn dự định bổ sung vi mạch bán dẫn vào danh sách của Bắc Kinh cho các sản phẩm thiết yếu mà Trung Quốc có quyền kiểm soát. Giờ đây, Hoa Thịnh Đốn trợ cấp cho sản xuất vi mạch bán dẫn ở Hoa Kỳ và tiếp tục cấm bán vi mạch bán dẫn và thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn cho Trung Quốc. Nhật Bản và Hà Lan đã tham gia cùng Hoa Thịnh Đốn trong các lệnh cấm này. Đồng thời, Tokyo đã nỗ lực thuyết phục các nước G-7 thu mua tài sản trên khắp thế giới và do đó ngăn chặn Trung Quốc nắm giữ các nguyên tố đất hiếm.
Có lẽ quan trọng hơn những hành động của các chính phủ này là xu hướng rõ rệt của các nhà sản xuất phương Tây và Nhật Bản trong việc chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Ví dụ, Apple đã quyết định chuyển việc lắp ráp iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam. Samsung đang đưa ra các quyết định tương tự liên quan đến việc sản xuất tại Trung Quốc. Nghiên cứu gần đây cho thấy 95% các công ty đa quốc gia lo ngại về rủi ro khi kinh doanh tại Trung Quốc, tăng từ 62% chỉ hai năm trước. Lý do chủ yếu là, việc tiền lương của Trung Quốc tăng mạnh đang khiến đầu tư ngoại quốc giảm đi, nhưng cũng có những lo ngại về độ tin cậy của sản xuất ở Trung Quốc xuất phát từ các hoạt động thương mại cũng như các yêu cầu chuyển giao công nghệ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh.
Thậm chí cách tiếp cận của ông Tập đã bắt đầu đánh mất sự ủng hộ trong nước dành cho ông. Luận điệu chỉ trích của ông về việc các doanh nghiệp tư nhân thiếu lòng yêu nước và không sẵn sàng ủng hộ các chính sách của đảng đã gây khó chịu và, không ngạc nhiên là, làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp về tương lai. Theo đó, các công ty tư nhân Trung Quốc đã hạn chế đầu tư, chỉ tăng 0.6% trong năm qua. Ông Tập nhận thức được những gánh nặng kinh tế mà hành vi này đã gây ra và gần đây đã bắt đầu thu hút các doanh nghiệp tư nhân bằng những lời hoa mỹ nhẹ nhàng hơn, nhưng đến nay hầu như không khởi tác dụng.
Ông Tập vẫn có thể đạt được tiến triển trong các dự định của mình. Xét cho cùng, thị trường nội địa của Trung Quốc đã phát triển lớn đến mức phương Tây và Nhật Bản khó có thể bỏ qua. Nhưng mặt khác, có vẻ như Bắc Kinh đã hành xử hơi thái quá. Nếu chính quyền Trung Quốc kiềm chế không sử dụng mọi đòn bẩy quyền lực, thì lẽ ra họ đã có thể trì hoãn được cái ngày mà Hoa Thịnh Đốn, Tokyo, châu Âu và các doanh nghiệp ngoại quốc thức tỉnh trước thái độ thù địch công khai của Bắc Kinh. Giờ đây thiệt hại đó đã là sự đã rồi. Theo một nghĩa quan trọng, sự bất nhất căn bản trong các kế hoạch của ông Tập mang lại nhiều lý do để nghi ngờ thành công cuối cùng của giới doanh nghiệp ngoại quốc, kể cả khi Bắc Kinh đã chơi một cuộc chơi tử tế hơn với phần còn lại của thế giới phát triển.
Một quốc gia không thể vừa độc lập với thế giới vừa thống trị thương mại cùng một lúc. Để thống trị thương mại, quốc gia ấy phải tham gia vào đó, khiến quốc gia ấy dễ bị tổn thương trước những quốc gia mua và và những quốc gia bán. Chỉ riêng thực tế đó thôi cũng có thể đánh bại ông Tập cho dù ông ta có quyết tâm đến đâu.
Vân Du biên dịch