Báo cáo: Trung Quốc chi hàng tỷ USD để lan truyền tin giả nhắm vào khán giả toàn cầu

Báo cáo: Trung Quốc chi hàng tỷ USD để lan truyền tin giả nhắm vào khán giả toàn cầu
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 06/01/2020. (Ảnh: Mark Wilson/Getty Images)

Theo một báo cáo công bố hôm 28/09, hàng năm, Trung Quốc đang chi hàng tỷ dollar để phổ biến tin giả và tuyên truyền trên khắp thế giới, và với những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, chế độ cộng sản này sẽ có thể sớm “nhắm mục tiêu chính xác vào khán giả ngoại quốc” bằng các hoạt động gây ảnh hưởng của mình.

Trong báo cáo của mình, Trung tâm Hợp tác Toàn cầu (GEC) của Bộ Ngoại giao đã chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có lịch sử lâu dài về việc bóp méo sự thật. GEC giải thích rằng giờ đây họ đang rao bán “nội dung sai sự thật hoặc thiên vị ủng hộ PRC” trên toàn cầu trong khi ngăn chặn những tiếng nói bất đồng chính kiến — đề cập đến từ viết tắt tên chính thức của nước này, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Báo cáo của GEC cho biết, “Kể từ khi thành lập vào năm 1921, ĐCSTQ đã dùng cách thao túng thông tin để bảo đảm sự tồn tại của chế độ và gia tăng quyền lực của mình. Ngày nay, khi CHND Trung Hoa (PRRC) tìm cách định hình lại trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho mình, thì Bắc Kinh xây dựng di sản này bằng cách tận dụng tuyên truyền và kiểm duyệt.”

Để truyền bá tốt hơn những câu chuyện được ưa chuộng của mình, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện một cách tiếp cận tập trung hơn trong thập niên qua, với nhiều tài trợ hơn dành cho Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD), một cơ quan nhà nước chủ chốt chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng ở ngoại quốc.

Báo cáo của GEC cho biết: “Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông ta đã tăng đáng kể nguồn tài trợ cho UFWD và nâng cao sự phối hợp tập trung trong các nỗ lực của tổ chức này nhằm định hình môi trường quốc tế — bao gồm cả lĩnh vực thông tin — theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.”

Mặc dù Trung Quốc đã đang chi hàng tỷ USD mỗi năm để xây dựng một hệ sinh thái thông tin mà trong đó tuyên truyền và tin giả của Trung Quốc “đã chiếm thế thượng phong,” nhưng báo cáo lưu ý rằng số tiền cấp cho các hoạt động gây ảnh hưởng của nước này “đang tăng lên.”

Báo cáo cảnh báo rằng nếu như Trung Quốc vẫn không kiểm soát các nỗ lực của mình, thì điều đó sẽ tạo ra “những sự thiên vị và sự khác biệt, mà thậm chí có thể khiến các quốc gia đưa ra những quyết định đặt lợi ích kinh tế và an ninh của họ lệ thuộc vào kinh tế và an ninh của Bắc Kinh.”

Báo cáo của GEC cho biết thêm: “Việc tiếp cận dữ liệu toàn cầu kết hợp với những phát triển mới nhất trong công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ cho phép CHND Trung Hoa nhắm mục tiêu chính xác là vào khán giả ngoại quốc và do đó có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế và an ninh có lợi cho họ.”

X và TikTok

Trong một ví dụ về các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc, báo cáo này đã chỉ ra cách hơn 1,000 trương mục ủng hộ Trung Quốc trên X, trước đây gọi là Twitter, đã cố gắng che giấu một báo cáo năm 2022 của nhóm vận động Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha. Báo cáo năm 2022 đó tiết lộ rằng Trung Quốc đã bí mật điều hành hơn 100 đồn công an ở 53 quốc gia, trong đó có một số đồn ở Hoa Kỳ.

Báo cáo của GEC cho biết: “Các trương mục ủng hộ CHND Trung Hoa đã tạo ra các bài đăng rác từ các trương mục có cùng tên với trương mục của Safeguard Defenders, có thể là đang tìm cách kích hoạt phản hồi giảm tiếp cận tự động của Twitter.”

Hồi tháng Tư, một đồn công an Trung Quốc ở Hoa Kỳ bị đưa ra ánh sáng, khi FBI bắt giữ hai cá nhân với cáo buộc điều hành đồn này ở thành phố New York, nơi các đặc vụ được cho là đã nhận lệnh từ ĐCSTQ để truy lùng và bịt miệng những người ​​Trung Quốc bất đồng chính kiến.

Logo của TikTok trên iPhone ở London hôm 28/02/2023. (Ảnh: Dan Kitwood/Getty Images)
Logo của TikTok trên iPhone ở London hôm 28/02/2023. (Ảnh: Dan Kitwood/Getty Images)

Báo cáo của GEC cũng nêu bật ứng dụng chia sẻ video TikTok do Trung Quốc sở hữu, cho biết đây là một ví dụ về cách các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc có thể trở thành công cụ để ĐCSTQ kiểm duyệt quan điểm và quảng bá các luận điệu của mình. TikTok thuộc sở hữu của đại công ty công nghệ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc.

“Theo thông tin của chính phủ Hoa Kỳ, tính đến cuối năm 2020, ByteDance đã duy trì một danh sách nội bộ được cập nhật thường xuyên xác định những người có khả năng bị chặn hoặc bị hạn chế khỏi tất cả các nền tảng của ByteDance, trong đó có TikTok, vì những lý do chẳng hạn như ủng hộ nền độc lập của người Duy Ngô Nhĩ,” báo cáo của GEC cho biết. “ByteDance đã chỉ thị rằng các cá nhân cụ thể được thêm vào danh sách này nếu họ được xem là gây nguy hại đến tinh thần của công chúng, có khả năng là để ngăn chặn những lời chỉ trích chính phủ Trung Quốc lan truyền trên các nền tảng thuộc sở hữu của ByteDance.”

Hồi tháng Ba, công ty an ninh mạng Internet 2.0 đưa tin rằng TikTok đã đang thu thập dữ liệu của người dùng, bao gồm vị trí, danh bạ, và mật khẩu.

Mối lo ngại an ninh quốc gia ngày càng tăng về TikTok đã khiến một vài quốc gia, bao gồm Úc, Canada, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ, cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị của chính phủ.

Các chiến thuật

Báo cáo của GEC cho biết ĐCSTQ cũng đã tìm cách hợp tác với các quốc gia khác để lan truyền các nội dung ưa thích của mình, dẫn ra việc Bắc Kinh và Moscow đã đồng ý “chung tay chống lại tin giả” hồi tháng 07/2020.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, là một phần trong nỗ lực “chống tin giả,” Bắc Kinh và Moscow sẽ hợp tác để “đưa ra một báo cáo chính xác về các dữ kiện và sự thật” cũng như “bảo vệ công lý và các nguyên tắc pháp lý.”

Báo cáo của GEC giải thích rằng những gì Bắc Kinh xem là “ tin giả” thực ra là nói đến “những thông tin mà họ cho là đe dọa đến lợi ích của mình.”

Theo báo cáo của GEC, sau khi Moscow xâm lược Ukraine, Bắc Kinh đã lan truyền tin giả của Nga, chẳng hạn như lặp lại các cáo buộc của Moscow nói rằng Hoa Kỳ “đang leo thang chiến tranh ở Ukraine.” “Nga đã đáp lại sự ưu ái này bằng việc quảng bá tuyên truyền của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan và các lợi ích khác của CHND Trung Hoa.”

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (Trái) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở Moscow hôm 21/03/2023. (Ảnh: Sergei Karpukhin/Sputnik/AFP qua Getty Images)
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (Trái) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở Moscow hôm 21/03/2023. (Ảnh: Sergei Karpukhin/Sputnik/AFP qua Getty Images)

Theo báo cáo của GEC, để gây ảnh hưởng đến những cộng đồng người nói tiếng Hoa ở ngoại quốc, ĐCSTQ đã khai thác ứng dụng nhắn tin WeChat của Trung Quốc, biến ứng dụng này thành “một kênh lan truyền tin giả.” Các trương mục do nhà nước Trung Quốc điều hành trên WeChat tìm cách “cô lập cộng đồng Hoa kiều khỏi xã hội sở tại, tăng cường lòng trung thành với [CHND Trung Hoa], và làm giảm tính hợp pháp của các hệ thống dân chủ trong mắt cộng đồng Hoa kiều.”

Hồi tháng 05/2020, cơ quan giám sát kỹ thuật số Citizen Lab có trụ sở tại Canada tiết lộ trong báo cáo của họ rằng WeChat đã theo dõi liên lạc giữa những người dùng bên ngoài Trung Quốc để cải thiện thuật toán kiểm duyệt các trương mục tại Trung Quốc.

Theo báo cáo của GEC, ĐCSTQ cũng được biết là gán các bài viết cho “nhân vật ngụy tạo,” đặt cho họ những danh hiệu như “nhà bình luận các vấn đề quốc tế” để trông tưởng như là quảng bá nội dung của họ.

Báo cáo của GEC cho biết, “Những nhân vật được ngụy tạo này bóp méo môi trường thông tin ngoại quốc bằng cách che đậy các luận điệu tuyên truyền của ĐCSTQ thông qua các hãng truyền thông địa phương để gây ảnh hưởng đến khán giả ngoại quốc ở cấp độ chi tiết, vốn làm suy giảm tính toàn vẹn của không gian thông tin trên toàn cầu.”

Báo cáo của GEC nói về một ví dụ là cái tên “Yi Fan”, một nhân vật được tạo ra đã xuất hiện trên dòng tên tác giả của các ấn phẩm ngoại quốc, đồng thời cho biết thêm rằng “Các lập luận của nhân vật Yi rất phù hợp với các tuyên truyền của ĐCSTQ về nhiều chủ đề trên toàn cầu, tìm cách khắc họa Bắc Kinh với tư cách là một chủ thể có trách nhiệm và là một cường quốc.”

Báo cáo của GEC nêu rõ rằng cho đến nay, Trung Quốc đã đạt được “những kết quả khác nhau” với hoạt động tuyên truyền và kiểm duyệt của mình, mặc dù báo cáo này cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu ĐCSTQ thắng thế.

“Nguy cơ là cao: nếu như cuối cùng các tuyên truyền toàn cầu của CHND Trung Hoa chiếm ưu thế, thì nước này sẽ gặp ít sự phản kháng hơn trong việc định hình lại trật tự quốc tế nhằm gây tổn hại đến các quyền tự do cá nhân và chủ quyền quốc gia trên toàn thế giới.”

Related posts