Andrew Thornebrooke
Mỹ đã viện trợ hàng chục tỷ USD vũ khí cho Ukraine. Giờ đây, giới chức Hoa Kỳ cho biết, các kho vũ khí quan trọng của chính quốc gia này đã cạn kiệt, nghiêm trọng đến mức họ có thể không còn khả năng chiến đấu nếu một cuộc chiến lớn nổ ra.
Khi lính dù Nga đổ bộ xuống Kyiv và cố gắng chiếm sân bay Antonov hồi tháng 02/2022, các nhà lãnh đạo phương Tây đã nói họ sẽ đảm bảo an toàn cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nếu ông bỏ trốn ngay lập tức.
Ông Zelenskyy khi đó có câu trả lời nổi tiếng rằng, điều ông cần là đạn dược, “không phải là một chuyến đi”.
Kể từ đó, Hoa Kỳ đã chi hàng chục tỷ USD cho ông Zelenskyy.
Giờ đây, giới chức Hoa Kỳ cho biết, các kho vũ khí quan trọng của chính quốc gia này đã cạn kiệt, nghiêm trọng đến mức họ có thể không còn khả năng chiến đấu nếu một cuộc chiến lớn nổ ra.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth từng cho hay năng lực sản xuất súng và đạn dược của Hoa Kỳ đã được đẩy lên “giới hạn cao nhất”.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley thì nói rằng nước Mỹ cần rất nhiều thời gian để tái lấp đầy kho dự trữ vũ khí đang cạn kiệt nghiêm trọng của mình.
Vào đầu tháng 8 năm ngoái, một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc nói với tờ Wall Street Journal rằng kho đạn pháo quan trọng của Mỹ đang ở mức “thấp một cách khó chịu”.
Lầu Năm Góc từ chối cung cấp cho The Epoch Times thông tin về tình trạng kho dự trữ đạn dược hiện tại của họ. Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói rằng việc cung cấp bất kỳ chi tiết cụ thể nào về vấn đề này có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Tuy nhiên, người này cho biết Hoa Kỳ đang có những bước tiến lớn trong việc xây dựng lại những gì đã mất.
“Đáng chú ý, Lầu Năm Góc đã cho phép đẩy nhanh việc sản xuất đạn 155mm, từ khoảng 14.000 viên/tháng vào tháng 02/2022 lên hơn 20.000 viên/tháng vào thời gian gần đây, với kế hoạch sẽ sản xuất hơn 70.000 viên/tháng vào năm 2027”, người phát ngôn nói với The Epoch Times.
“Đây là mức tăng 500%”.
Vấn đề với triển vọng lạc quan mà Lầu Năm Góc đưa ra là: Ngay cả khi sản lượng tăng 500% vào năm 2027, Mỹ vẫn mới chỉ đi được nửa chặng đường.
Đó là bởi vì, vào cuối tháng 8 năm ngoái, Hoa Kỳ đã gửi hơn 800.000 viên đạn pháo 155mm tới Ukraine. Con số đó hiện nay đã tăng lên hơn 2 triệu, theo một tờ thông tin do Lầu Năm Góc cung cấp cho The Epoch Times.
Tức là Lầu Năm Góc cần 130.000 viên/tháng – gần gấp đôi so với con số 70.000 mà Lầu Năm Góc hy vọng đạt được trong 5 năm.
Cần thời gian 15 năm
Chắc chắn rằng Lầu Năm Góc vẫn đang thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng “xuất huyết” các kho vũ khí quan trọng của họ. Đáng chú ý nhất, cơ quan này đã tận dụng mọi cơ hội để mua đạn dược cho Ukraine từ các quốc gia khác thay vì lấy từ kho của chính mình.
Việc Lầu Năm Góc có thể duy trì tài trợ đạn dược cho Ukraine trong bao lâu vẫn là vấn đề còn đang được tranh luận. Rốt cuộc, các kho dự trữ của đồng minh cũng không phải là vô hạn và một số đối tác cũng lo ngại về an ninh của chính họ.
Ví dụ, đồng minh chủ chốt của Lầu Năm Góc là Hàn Quốc đã từ chối bán vũ khí cho Hoa Kỳ, với lý do lo ngại về sự xâm lược từ Triều Tiên.
Mỹ hiện đi xa đến mức phải rút các thiết bị từ các đơn vị đóng quân ở Israel và Hàn Quốc để có thể cung cấp đầy đủ vũ khí cho Ukraine mà không làm cạn kiệt kho dự trữ trong nước.
Quân đội Hoa Kỳ đang đề nghị quốc hội nước này cấp cho 18 tỷ USD để mở rộng và hiện đại hóa khả năng sản xuất vũ khí, đạn dược của họ trong vòng 15 năm tới. Theo Bộ trưởng Lục quân Wormuth, nỗ lực này sẽ giúp tái bổ sung lượng vũ khí sát thương trị giá hơn 20 tỷ USD đã được chuyển trực tiếp từ kho dự trữ của Hoa Kỳ cho Ukraine.
Tuy nhiên, ngay cả điều đó có thể vẫn chưa đủ. “Phán đoán của tôi là chúng ta sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa”, bà Wormuth nói trong phiên điều trần vào ngày 30/03 của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện.
“Một điều mà cuộc chiến ở Ukraine cho chúng ta thấy là những ước tính mà chúng ta đưa ra về số lượng súng và đạn dược [cần thiết] cho các cuộc xung đột trong tương lai là rất thấp”.
Ý tưởng rằng sẽ mất 15 năm để Mỹ hiện đại hóa khả năng sản xuất vũ khí, đạn dược khiến một số nhà lập pháp nước này lo lắng, đặc biệt là đối với những người muốn ngăn chặn cuộc xâm lược Đài Loan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Không đủ để ngăn chặn cuộc xâm lược Đài Loan
Ủy ban Chọn lọc Hạ viện Mỹ về Đảng Cộng sản Trung Quốc được giao nhiệm vụ giám sát cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Washington với Bắc Kinh. Một phần quan trọng của cuộc cạnh tranh này là ngăn chặn cuộc tấn công của ĐCSTQ vào Đài Loan mà nhiều người tin rằng Bắc Kinh có thể phát động vào năm 2027.
Để cuộc chiến đó không xảy ra, Hoa Kỳ cần vũ khí để trang bị cho Đài Loan. Nước này cũng cần vũ khí để tự sử dụng nếu chiến tranh nổ ra và họ tham chiến.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ông Mike Gallagher (Cộng hòa – Wisconsin) – Chủ tịch của Ủy ban Chọn lọc Hạ viện – bày tỏ sự thất vọng khi được thông báo rằng kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí của Hoa Kỳ sẽ mất 15 năm.
“15 năm là quá muộn”, ông Gallagher nói với The Epoch Times. “Tôi nghĩ rằng 5 năm đã là quá muộn”.
Ông Gallagher đề cập đến 10 khuyến nghị chính sách mà ủy ban đã thông qua vào ngày 24/05. Nếu được quốc hội Mỹ thông qua, các khuyến nghị này được cho là sẽ giúp ngăn chặn ĐCSTQ xâm lược Đài Loan.
Ông Gallagher cho biết báo cáo có tựa đề “10 điều cho Đài Loan” (pdf), trong đó nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ chỉ có 2 năm chứ không phải 15 năm để xây dựng lại kho vũ khí và để cung cấp vũ khí cho Đài Loan nếu nước này muốn tránh một cuộc xung đột thảm khốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Nếu quý vị xem xét các khuyến nghị của chúng tôi, thì đó là những gì chúng ta có thể làm trong 2 năm tới để thực sự tăng cường một cách có ý nghĩa khả năng răn đe của chúng ta ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Gallagher nói. “Nếu chúng ta muốn có hy vọng ngăn chặn Thế chiến III, chúng ta cần trang bị vũ khí cho Đài Loan đến tận răng ngay bây giờ”.
Tất nhiên, ông Gallagher nhận thức rõ vấn đề rằng Washington không thể trang bị vũ khí cho Đài Bắc nếu Mỹ không có đủ vũ khí. Ông nói, để vượt qua rào cản đó, Hoa Kỳ sẽ cần phải sử dụng các loại đạn dược cũ kỹ hoặc lỗi thời cho các mục đích mới.
“Đó là lý do tại sao quý vị thấy rằng một số khuyến nghị có tính sáng tạo [trong báo cáo của chúng tôi] là về việc tận dụng/cải tạo một số hệ thống tên lửa nhất định mà chúng ta có ý định để lâu trong kho chứa, rồi sau đó trao chúng cho người Đài Loan”, ông Gallagher nói.
Nói cách khác, cho đến khi Hoa Kỳ có thể tái lấp đầy các kho vũ khí đang cạn kiệt nghiêm trọng, thì họ sẽ phải trở nên sáng tạo với những gì họ đang có sẵn.
Việc đảm bảo rằng Hoa Kỳ liên tục đầu tư và cung cấp các loại vũ khí mới một cách đúng hạn trong nhiều năm là điều rất khó, đặc biệt với một quốc hội bị chia rẽ sâu sắc và luôn sẵn sàng đôi co về bất kỳ phần nào của ngân sách liên bang.
Ông Gallagher nói: “Điều đó còn khó khăn hơn đối với các loại đạn quan trọng vì các loại đạn quan trọng luôn bị lờ đi và thế chỗ bởi các loại vũ khí khác”. “Đôi khi chúng [đạn dược] không cuốn hút như tàu, máy bay và những thứ tương tự”.
Không đủ dùng cho 1 tuần chiến tranh với Trung Quốc
ĐCSTQ tuyên bố rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ, mặc dù chế độ này chưa bao giờ thực sự kiểm soát hòn đảo. Bắc Kinh đã thề sẽ thống nhất Đài Loan với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết. Các hành động đe dọa quân sự thường xuyên của họ đối với quốc đảo dân chủ thường xuyên bị quốc tế lên án.
Do đó, cần phải hiểu rằng, Mỹ không chỉ thiếu các loại đạn pháo mà còn thiếu cả những loại đạn sẽ được sử dụng trong một cuộc chiến tranh đổ bộ.
Theo tờ thông tin của Lầu Năm Góc mà The Epoch Times có được, Hoa Kỳ đã chuyển giao 1.600 hệ thống đất đối không Stingers và 38 bệ phóng tên lửa HIMARS cho Ukraine, cả hai đều rất quan trọng để duy trì khả năng phòng thủ của Đài Loan.
Ngoài ra, còn có một vấn đề sâu xa hơn, đó là Mỹ hiện không có khả năng thực sự sản xuất các loại vũ khí mà họ cần, nhiều hệ thống vũ khí cần phải đặt hàng trước nhiều năm trước khi có thể mua.
Báo cáo hồi tháng 1 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho thấy, Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng cạn kiệt các loại súng và đạn dược quan trọng trong cuộc chiến với Trung Quốc vì tương lai của Đài Loan.
“Cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ thiếu năng lực đột biến thích hợp cho một cuộc chiến tranh lớn”, theo báo cáo.
Kho dự trữ ở mức thấp, trong khi quy trình sản xuất và mua sắm lại chậm, có thể khiến Mỹ thiếu các loại vũ khí quan trọng như tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) trong vòng chưa đầy 1 tuần sau khi chiến tranh nổ ra, theo báo cáo.
“Cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ không được chuẩn bị đầy đủ cho môi trường an ninh đầy cạnh tranh hiện tại”, trích báo cáo. “Trong một cuộc xung đột khu vực lớn — chẳng hạn như chiến tranh với Trung Quốc ở eo biển Đài Loan — lượng đạn dược Hoa Kỳ sử dụng có thể sẽ vượt quá kho dự trữ hiện tại của Bộ Quốc phòng, dẫn đến vấn đề ‘thùng rỗng kêu to’”.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch