Bảo Ninh kể về việc đối mặt với chấn thương tâm lý ở Việt Nam

Washington Post

Cù Tuấn, dịch

19-6-2023

Ảnh trên mạng

Tóm tắt: Nhà văn nổi tiếng người Việt Nam tâm sự về tập truyện mới “Hà Nội lúc 0 giờ” và về những đổi thay trên đất nước ông.

Bảo Ninh được quốc tế biết đến vào năm 1991 với việc phát hành tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”. Cuốn sách đã bị cấm ở quê hương của ông trong 15 năm do những mô tả gai góc, thường là tàn bạo của Chiến tranh Việt Nam – được biết đến ở Việt Nam với tên gọi kháng chiến chống Mỹ. Ninh phục vụ trong Quân đội Bắc Việt trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc chiến. “Nỗi buồn chiến tranh” là tác phẩm duy nhất của ông được xuất bản bằng tiếng Anh trong hơn 30 năm; cho đến tập truyện ngắn “Hà Nội lúc 0 giờ,” do Texas Tech University Press phát hành đầu năm nay.

“Hà Nội lúc 0 giờ” là một tác phẩm đánh giá lại mang tính tự sự về cuộc chiến và tác động của chiến tranh đối với những người mà đã bị mắc kẹt trong cuộc chiến. Gồm 10 câu chuyện được viết trong 40 năm qua, cuốn sách khám phá một Việt Nam bị chiến tranh tàn phá về môi trường, vật chất và tâm lý. Câu hỏi ngụ ý xuyên suốt: Làm thế nào để một người tiếp tục sống sau khi đã phải trải qua sự khủng khiếp của chiến tranh? Đó là một vấn đề vượt ra ngoài chiến tranh và câu hỏi đó có thể được bất kỳ ai từng trải qua tổn thương hoặc mất mát sâu sắc, ghi nhận.

Thường xuyên tránh ánh đèn sân khấu, Ninh đã đồng ý phỏng vấn này qua email. Câu trả lời của ông, được các biên tập viên Hà Mạnh Quân và Cab Trần của “Hà Nội lúc 0 giờ” dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, đã được chỉnh sửa để làm rõ ý.

* Trong “Nỗi buồn chiến tranh”, ông đã viết về sự cần thiết phải hoàn thành nghĩa vụ của mình với tư cách là một nhà văn. Nhiệm vụ đó là gì?

Thời phổ thông, rồi những năm đi lính (1969 đến 1976), tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc trở thành nhà văn. Sau khi chiến tranh kết thúc, vào năm 1975, tôi đã dành một năm để thu nhặt và chôn cất xác liệt sĩ ở miền Nam. Bên cạnh xác chết của những người lính [Quân đội Bắc Việt], nhóm của tôi cũng chôn xác những người lính và thường dân [Nam Việt Nam]. Nhiệm vụ của tôi chỉ kéo dài một năm, nhưng nó cho tôi cảm nhận về mức độ khốc liệt của chiến tranh, sự tàn phá mà nó để lại, đối với tôi dường như còn phi nhân tính hơn nhiều so với sáu năm tôi ở chiến trường với tư cách là một người lính.

Tôi xuất ngũ năm 1976, và từ năm 1979 đến năm 1986 tôi làm lụng vất vả để nuôi sống bản thân và gia đình. Cha tôi là giáo sư Việt ngữ học. Năm 1986, tôi nghe theo lời khuyên của cha, nộp hồ sơ vào Trường viết văn Nguyễn Du và học với hai tác giả có tư tưởng tiến bộ là Nguyên Ngọc và Hoàng Ngọc Hiến. Tôi bắt đầu viết văn từ năm 1987, lúc 35 tuổi, vào thời điểm Việt Nam không còn chiến tranh. Người Pháp đã rời khỏi đây vào năm 1954, sau đó là người Mỹ năm 1975. Chúng ta cũng không nên quên cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc từ năm 1979 đến 1990.

Tôi nhận ra rằng nếu tôi không tham gia chiến tranh và không là một người lính, tôi sẽ chọn một con đường khác và không trở thành một nhà văn. Đó là lý do tại sao kể từ khi tôi bắt đầu viết, tôi luôn viết về nỗi đau khổ của người Việt Nam và cách họ sống trong chiến tranh. Nhưng tôi cũng viết về chiến tranh để chống lại chiến tranh; viết về chiến tranh là viết về hòa bình – về hòa giải, tình yêu, niềm vui, sự tha thứ và những ý tưởng nhân văn khác.

* Ông đã viết về mối quan tâm của ông đối với tương lai của thế hệ tiếp theo. Theo ông mọi thứ đã diễn ra như thế nào đối với thế hệ trẻ Việt Nam?

Thế hệ của tôi và những người đã chiến đấu trong cuộc chiến đã trở thành một phần của lịch sử. Thế hệ ngày nay, hầu hết ở độ tuổi đôi mươi, cảm thấy đã tách rời khỏi những cuộc chiến tranh đẫm máu của thế kỷ trước. Việc họ có sống cuộc sống viên mãn hay không phụ thuộc vào việc họ có thể từ bỏ lối suy nghĩ của thế hệ của tôi hay không; thế hệ của của tôi thường cố gắng áp đặt thế giới quan của chúng tôi lên thế hệ trẻ.

Giống như tất cả các thế hệ trẻ trên khắp thế giới của chúng tôi, những người Việt Nam sinh ra sau chiến tranh — đặc biệt là sau năm 2000 — hoàn toàn khác với thế hệ của tôi. Văn học của họ và cách họ thể hiện bản thân thông qua nghệ thuật của họ khác với cách thể hiện của thế hệ tôi. Không ai có thể đe dọa họ, bảo họ phải làm gì hoặc bảo họ phải hành động như thế nào. Họ trải nghiệm thế giới và sống cuộc sống của họ theo cách riêng của họ, và khi họ viết về nó – về những nhận thức và trải nghiệm này – họ làm như vậy mà không bị bất kỳ một hệ tư tưởng quy định nào áp đặt.

* Giới văn nghệ sĩ Việt Nam đã bày tỏ sự bức xúc với chế độ kiểm duyệt ở Việt Nam. Ông có nghĩ rằng có sự thiếu tự do ngôn luận?

Vào nửa sau thế kỷ 20, Việt Nam là tâm điểm của Chiến tranh Lạnh. Chính trị của Việt Nam được hệ tư tưởng cộng sản chi phối, và quốc gia này được phân loại là một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Trong quá khứ, văn học được biến thành vũ khí để chống Pháp và sau đó là chống Mỹ. Văn học cũng là một vũ khí tư tưởng được sử dụng để chống lại các học thuyết tư bản, và là một phương tiện để thúc đẩy lý tưởng cộng sản. Vì vậy, bất kỳ tác phẩm văn học nào đi chệch khỏi chương trình nghị sự đó đều bị kiểm duyệt.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Việt Nam khởi xướng chính sách Đổi mới vào năm 1986, mở cửa với các nước ngoài khối cộng sản. Văn học và các nhà văn Việt Nam từ đó được trao nhiều quyền tự do hơn.

* Trong câu chuyện đầu tiên trong “Hà Nội lúc 0 giờ”, ông đã mô tả tác động của chất độc hóa học da cam. Ông muốn người đọc biết gì về nó?

Chất dioxin mà người Mỹ sử dụng trong chiến tranh đã – và vẫn là – một vũ khí diệt chủng. Nhiều người Việt Nam thuộc các thế hệ sau chiến tranh đã bị nó ảnh hưởng nặng nề và bị nó giết hại.

Kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, Mỹ đã cố gắng giúp Việt Nam giảm thiểu các tác động tàn phá, nhưng phải mất vài năm nữa mới đạt được. Mặc dù chúng ta trong thế kỷ 21 đã cố gắng bảo vệ các hệ thống sinh thái trong môi trường của mình, nhưng khoản đầu tư của chúng ta vào việc này là rất nhỏ so với những gì chúng ta đã đầu tư vào chiến tranh. Đối với tôi, đây là đặc điểm tự mâu thuẫn và ghê tởm nhất, vô nhân đạo và ngớ ngẩn nhất của loài người chúng ta.

* Tại sao người dân Việt Nam rất thân thiện và chào đón người Mỹ, kể cả những người lính đã tham chiến?

Tháng 11 năm 2000, tôi thấy Tổng thống Bill Clinton và phu nhân đi dạo ở Hà Nội, và họ được hàng ngàn người Việt Nam trên đường phố chào đón nồng nhiệt. Tương tự, năm 2018, Tổng thống Obama và phu nhân được người Việt ở Sài Gòn chào đón nồng nhiệt.

Từ khi ra đời cách đây hơn 2.000 năm cho đến những thập kỷ cuối của thế kỷ 20, Việt Nam đã không ngừng tự bảo vệ mình trước sự xâm lăng của ngoại bang. Tất cả các quốc gia xâm lược này đều vượt trội về quân sự so với người Việt Nam. Nhưng mỗi lần bị xâm lăng, đất nước này lại phải hứng chịu những hậu quả thảm khốc: đất đai bị biến thành tro tàn và cái chết rình rập khắp nơi. Sau mỗi cuộc xâm lược, người dân Việt Nam, để tồn tại, không chỉ phải làm việc cật lực để xây dựng lại nhà cửa và cộng đồng, mà còn phải đương đầu với những cơn ác mộng và những chấn thương tâm lý tái phát do chiến tranh mang lại. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải học cách nhanh chóng “gác lại quá khứ”. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi cần làm hòa với những kẻ thù cũ của mình và không có ác cảm với họ, bởi vì ác cảm như vậy có thể có hại.

* Ông cảm nhận thế nào về người Mỹ?

Năm 1998 và 2005, tôi được một nhóm nhà văn, nhà thơ Mỹ là cựu chiến binh Việt Nam mời sang thăm Mỹ. Họ đưa tôi đến các tiểu bang khác nhau, nơi tôi gặp một số người Mỹ và gia đình của các cựu chiến binh Mỹ. Tương tự như vậy, nhiều nhà văn, nhà báo, khách du lịch và cựu chiến binh Mỹ đã đến thăm tôi tại Hà Nội. Giống như những người Việt Nam khác, tôi đã phát triển mối quan hệ thân thiết thực sự với người Mỹ. Khi tiếp xúc với họ, tôi có cảm giác rằng hầu hết người Mỹ cũng giống như người Việt Nam bình thường: chân thành, thân thiện, hào phóng; không khoe khoang hay kiêu ngạo. Tôi vui mừng khi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam đang được cải thiện hàng ngày và hai nước luôn tôn trọng lẫn nhau.

Một mặt, tôi rất vui khi thấy sự tôn trọng lẫn nhau này. Nhưng mặt khác, khi gợi lại quá khứ, lòng tôi vẫn đau đáu những nỗi buồn – và niềm vui tôi cảm nhận được không xóa nổi nỗi buồn do chiến tranh gây ra hơn nửa thế kỷ trước.

* Ông có hy vọng gì cho tương lai của Việt Nam?

Hòa bình mãi mãi. Chiến tranh và những đau khổ của chiến tranh phải kết thúc.

Related posts