Jessica Mao • Olivia Li
Ba tháng sau khi tuyên bố ý định triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/6 tuyên bố đã chuyển giao lô vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên tới nước này. Các nhà quan sát cho rằng động thái của ông Putin đã giáng một đòn mạnh vào nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và phá vỡ nỗ lực hòa giải cuộc chiến của chính quyền Trung Quốc.
Nguyên do là bởi ông Putin đã đơn phương phá vỡ một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Nga về việc phản đối chuyển giao vũ khí hạt nhân cho một quốc gia thứ ba.
Phát biểu trước giới truyền thông ngày 13/6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết: “Chúng tôi đã có tên lửa và bom nhận từ Nga. Những quả bom này mạnh gấp ba lần bom (đã thả) xuống Hiroshima và Nagasaki”.
Tuyên bố của Tổng thống Belarus đề cập đến thảm kịch lịch sử xảy ra ở Nhật Bản vào giai đoạn cuối Thế chiến II. Mỹ đã ném 2 quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima (ngày 6/8/1945) và Nagasaki (ngày 9/8/1945) của Nhật Bản, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và chịu những di chứng của phóng xạ sau này.
Ông cũng cho biết hiện chưa cần triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược ở Belarus. Đây là lần đầu tiên Nga triển khai vũ khí hạt nhân tầm ngắn, kém uy lực hơn bên ngoài lãnh thổ của mình kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Tổng thống Belarus, một đồng minh thân cận của ông Putin, cũng nói với truyền hình nhà nước Nga rằng Belarus có nhiều cơ sở lưu trữ hạt nhân còn sót lại từ thời Liên Xô và đã khôi phục 5 hoặc 6 cơ sở trong số đó. Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng Belarus có cơ sở vật chất để triển khai tên lửa tầm xa nếu cần.
Hôm 9/6, tại một diễn đàn kinh tế Nga ở St. Petersburg (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận việc triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus khi các cơ sở lưu trữ đặc biệt cần thiết ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ được hoàn tất vào đầu tháng tới.
“Các đầu đạn hạt nhân đầu tiên đã được chuyển tới lãnh thổ Belarus. Nhưng chỉ những cái đầu tiên, phần đầu tiên. Tuy nhiên chúng tôi sẽ hoàn tất công việc này vào cuối mùa hè hoặc cuối năm nay”, ông Putin nói.
Động thái này đã làm leo thang cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và liên minh quân sự NATO, vốn đã cung cấp vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine để giúp Ukraine đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.
Tuyên bố chung Trung – Nga trở thành lời hứa suông
Tuyên bố chung Trung – Nga ký kết vào ngày 21/3 nêu rõ “tất cả các cường quốc hạt nhân không được triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ quốc gia của họ”.
Ngay sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập đã có chuyến thăm Nga từ ngày 20/3 đến ngày 22/3 và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Trung – Nga trong chính sách đối ngoại của cả hai nước.
Hôm 21/3, ông Tập và ông Putin đã ký và công bố tuyên bố chung, trong đó nêu rõ rằng: “Mối quan hệ Đối tác Phối hợp Chiến lược Toàn diện Trung – Nga trong Kỷ nguyên Mới đã đạt đến mức cao nhất trong lịch sử và tiếp tục phát triển với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hai bên”. Theo tuyên bố, Trung Quốc và Nga coi nhau là “đối tác hợp tác ưu tiên” và Nga cần Trung Quốc cũng như Trung Quốc cần Nga.
Về vấn đề vũ khí hạt nhân, cả hai bên tái khẳng định trong tuyên bố rằng “không ai giành chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến không bao giờ được phép khơi mào” và “tất cả các cường quốc hạt nhân không được triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ quốc gia của mình và phải rút toàn bộ vũ khí hạt nhân đặt ở nước ngoài”. Hai bên cũng nhấn mạnh cam kết và tiếp tục hợp tác đối với Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Nỗ lực đóng vai trung gian hòa giải của Bắc Kinh ‘đổ sông đổ bể’
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô của Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của ông Putin ở Belarus thực chất là một cuộc biểu tình đối với Hoa Kỳ và xã hội tự do, ngụ ý rằng nhà lãnh đạo Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu gặp bất lợi trên chiến trường. Điều này cũng trực tiếp dẫn đến sự phá sản của thói “đạo đức giả” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với tư cách là một trung gian hòa giải chiến tranh.
Theo ông Lý Nguyên Hoa, thỏa thuận do ông Putin và ông Tập ký kết là kết quả của sự lợi dụng lẫn nhau giữa hai nước và không ai coi trọng thỏa thuận đã ký.
“Nga đã thất hứa, nhưng những lời hứa của ông Tập Cận Bình với ông Putin có thể không trở thành hiện thực và cả hai bên đều nhận thức rõ điểm này. Hiệp ước chỉ là một biện pháp bề mặt, được phô trương để các nước khác thấy”.
Ông nhấn mạnh rằng một cường quốc hạt nhân như Nga ngày nay đang phải đối mặt với một cuộc phản công mạnh mẽ từ Ukraine, điều này khiến Moscow gặp bất lợi về mặt quân sự.
“Giờ đây, Nga không chỉ triển khai vũ khí hạt nhân trong nước mà còn triển khai chúng bên ngoài lãnh thổ của mình. Nó thực sự cho thấy Nga có ý định đối đầu với thế giới tự do. Hơn nữa, giờ đây việc Nga đơn phương phá vỡ thỏa thuận là một cái tát trắng trợn vào mặt ĐCSTQ, vốn đã phá sản trong nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải trong chiến tranh. Vụ việc này cũng nhắc nhở thế giới rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân của các chế độ độc tài là mối đe dọa lớn đối với hòa bình thế giới”.
Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) nói với The Epoch Times vào ngày 17/6 rằng khi ông Putin và ông Tập ký thỏa thuận, điều khoản “vũ khí hạt nhân không được triển khai ở nước ngoài” thực sự nhằm vào Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất đã triển khai một số vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu. Tuy nhiên, đó là di sản của Chiến tranh Lạnh để chống lại mối đe dọa hạt nhân của Liên Xô.
“Ông Putin hiện đang triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài trong các cuộc xâm lược các quốc gia khác, đó là một cái tát vào mặt ông Tập Cận Bình. Nói cách khác, ông Putin không chỉ ngang nhiên phá vỡ lời hứa của chính mình và hiệp ước quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân, mà còn cho thấy rằng ông ta không thực sự coi trọng ông Tập Cận Bình”, ông Đường Tịnh Viễn nói.
Động thái của ông Putin là dấu hiệu leo thang
Theo ông Đường, lý do cốt yếu nhất khiến ông Putin triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus là Nga ngày càng trở nên bị động trên chiến trường Ukraine. Với đòn phản công của Ukraine, Nga có thể mất không chỉ khu vực mà họ đã chiếm đóng mà có thể mất cả quê hương của mình. Do đó, ông Putin phải thực hiện một động thái như một kiểu tống tiền quân sự để buộc NATO hạn chế viện trợ quân sự cho Ukraine.
“Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, một cường quốc hạt nhân đã triển khai vũ khí hạt nhân ở các quốc gia khác, điều này làm suy yếu nghiêm trọng hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và có thể buộc một số nước yếu hơn phải quan tâm hơn đến việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine”, ông Đường nói.
“Mặt khác, động thái này đã phơi bày điểm yếu của ông Putin, cho thấy tình hình chiến trường ngày càng khó khăn đã làm suy yếu nghiêm trọng đến chiếc ghế quyền lực của ông Putin. Việc mở rộng triển khai vũ khí hạt nhân về cơ bản là quân bài cuối cùng của ông ấy, nói đúng ra là ông Putin không thực sự muốn sử dụng vũ khí hạt nhân để giành chiến thắng trong chiến tranh, mà sử dụng vũ khí hạt nhân để duy trì vị thế của mình”, ông nói thêm.
Ông cũng nói rằng cách tiếp cận của Putin vừa tốt vừa xấu đối với ĐCSTQ.
Tin tốt là Nga đã tăng cường việc tống tiền hạt nhân, điều này thu hút sự chú ý của Mỹ và châu Âu, đồng thời giảm áp lực lên chính ĐCSTQ
Tin xấu là ông Putin không thực sự tôn trọng ông Tập Cận Bình, và không quan tâm đến việc lợi ích của ĐCSTQ có bị tổn hại hay không. Ông Putin chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, điều này chắc chắn sẽ làm suy yếu đáng kể nền tảng liên minh Trung – Nga chống Mỹ. Hơn nữa, nếu quân đội Nga bị thất bại nặng nề, ĐCSTQ không thể loại trừ khả năng ông Putin hành động liều lĩnh, kéo ĐCSTQ vào một cuộc xung đột ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến khủng hoảng chế độ cho chính ĐCSTQ.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch