Bradley A. Thayer
Sự bẽ mặt của Hoa Kỳ khi Trung Quốc đặt căn cứ tại Cuba gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Mỹ, làm suy yếu uy tín và ảnh hưởng của Washington trên trường chính trị toàn cầu, đồng thời kích động thói hăng hăng của Bắc Kinh.
Căn cứ tại Cuba của Đảng Cộng sản Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh Hoa Kỳ bởi 5 lý do chính dưới đây.
Đầu tiên, một điều luôn đúng trong lĩnh vực bất động sản mà cũng đúng trong thu thập thông tin tình báo, đó là vị trí; vị trí rất quan trọng. Với căn cứ ở Cuba, Trung Quốc có thể thu thập thông tin tình báo từ địa điểm chỉ cách bờ biển Hoa Kỳ khoảng 90 dặm (145 km), và có thể thu thập thông tin tình báo trong thời gian dài đối với phần lớn miền đông Hoa Kỳ – điều mà Trung Quốc từng thiếu. Những khu vực tại Mỹ nằm trong phạm vi hoạt động của căn cứ Cuba bao gồm nhiều cơ sở quan trọng như cảng King’s Bay của Hải quân (nơi chứa một nửa hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Hoa Kỳ), căn cứ Không quân Eglin, căn cứ Không quân Tyndall, căn cứ Không quân ở vùng Trung Nam, và các cơ sở của Bộ chỉ huy Hoạt động Đặc biệt tại Căn cứ Không quân MacDill và tại Miami. Căn cứ ở Cuba của Trung Quốc làm tăng gánh nặng lên cộng đồng tình báo và quân đội Hoa Kỳ. Nó yêu cầu tình báo và quân đội Hoa Kỳ phải tìm ra biện pháp để vô hiệu hóa khả năng thu thập thông tin tình báo chống lại họ.
Thứ hai, căn cứ tại Cuba cung cấp cho Trung Quốc khả năng triển khai sức mạnh để tấn công các mục tiêu quân sự và dân sự của Hoa Kỳ, bao gồm các cơ sở hạ tầng như lưới điện và mạng lưới mạng. Cuba mang đến cho Trung Quốc khả năng giám sát và khả năng phá hủy đường liên lạc trên biển (SLOC) của Hoa Kỳ từ Vịnh Mexico đến Đại Tây Dương. Đây sẽ là một phương tiện quan trọng cho các cuộc tấn công của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh chống lại Hoa Kỳ. Về cơ bản, căn cứ tại Cuba làm tăng mối đe dọa đối với đất liền Mỹ và các bên khác, bao gồm cả đồng minh của Mỹ.
Thứ ba, căn cứ này là cơ sở quan trọng có tác dụng hỗ trợ các nhiệm vụ bí mật hay các cuộc chiến tranh mà chính quyền Trung Quốc có thể tiến hành bên ngoài khu vực, hoặc hỗ trợ các nhóm lợi ích và chiến dịch quân sự của Bắc Kinh ở Tây bán cầu, châu Phi hay châu Á. Điều này từng xảy ra trong Chiến tranh Lạnh khi Cuba là căn cứ quan trọng của Liên Xô. Liên Xô cũng từng sử dụng chiến binh ủy nhiệm Cuba ở Angola, Ethiopia, Grenada, Nicaragua và Yemen. Thế giới có thể một lần nữa chứng kiến việc triển khai quân người Cuba vì các lợi ích của Trung Quốc.
Thứ tư, căn cứ tại Cuba là đòn giáng mạnh vào Hoa Kỳ trong chiến tranh chính trị. Công khai cắm cờ Trung Quốc ở Cuba là sự xúc phạm đối với Học thuyết Monroe và Điều 6 của Hiệp ước Rio 1947, vì sự hiện diện của Bắc Kinh đe dọa đến nền hòa bình của bán cầu. Đó là nỗ lực của Bắc Kinh để chứng tỏ rằng Washington là một thế lực yếu và đang suy tàn, vì Hoa Kỳ không thể ngăn chặn việc Bắc Kinh xây dựng một căn cứ ngay trước cửa nhà mình. Căn cứ tại Cuba giúp Trung Quốc cải thiện sức mạnh quân sự với tên lửa và máy bay, đồng thời giúp Trung Quốc tạo ra thế tương đương về chính trị khi điểm gần nhất ở Đài Loan chỉ cách Trung Quốc khoảng 110 dặm (177km).
Thứ năm, cũng trong lĩnh vực chiến tranh chính trị, căn cứ của Trung Quốc tại Cuba buộc Washington phải nhớ lại lịch sử với Havana. Chúng ta hãy cùng xem hai trường hợp sau đây. Đầu tiên, cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962. Cuba là nguồn gốc của những thất bại ngoại giao của Hoa Kỳ, trong đó có thỏa thuận bí mật giữa chính quyền Kennedy với Liên Xô trong cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba để đổi lấy việc đưa tên lửa đạn đạo tầm trung Jupiter ra khỏi Ý và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 04/1963. Thứ hai, vào năm 1979, sự hiện diện của một lữ đoàn chiến đấu của Liên Xô tại Cuba đã bị lộ ra; vụ việc gây khó khăn cho chính quyền Carter. Lữ đoàn đó đã đến Cuba từ năm 1975 hoặc 1976 nhưng đến năm 1979 mới bị phát hiện. Lữ đoàn được coi là một ví dụ về sức mạnh ngày càng lớn mạnh của Liên Xô, mở rộng sự hiện diện toàn cầu của Liên Xô và hỗ trợ mạnh mẽ cho đồng minh Cuba; đồng thời là biểu tượng cho sự suy tàn của Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Jimmy Carter đã không thể khiến lữ đoàn này rời đi. Hiện nay, sự hiện diện của chính quyền Trung Quốc cho thấy rằng vị trí của Cuba vẫn mang tính chiến lược – một địa điểm quan trọng để nhắm mục tiêu vào Hoa Kỳ và khiến Hoa Kỳ bị bao vây. Cuba cũng là biểu tượng chiến tranh chính trị đối với Mỹ và các đối thủ của Washington.
Việc chính quyền Biden ban đầu phủ nhận (sau đó họ đã thừa nhận) sự tồn tại của căn cứ này không hề đem lại tác dụng trấn an. Nó cho thấy rằng chính quyền Mỹ sẽ không có hành động đúng đắn để vô hiệu hóa căn cứ của Bắc Kinh. Vì căn cứ này có giá trị trong chiến tranh tình báo, quân sự và chính trị đối với Trung Quốc, nên mỗi lĩnh vực vừa nêu tên đều phải được xử lý. Như trong Chiến tranh Lạnh, chính quyền Cuba sẽ phải chịu áp lực mang tính cưỡng chế, nếu không có điều đó, Havana sẽ không bao giờ từ chối căn cứ của Trung Quốc.
Sự bẽ mặt của Hoa Kỳ khi Trung Quốc đặt căn cứ tại Cuba gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Mỹ, làm suy yếu uy tín và ảnh hưởng của Washington trên trường chính trị toàn cầu, đồng thời kích động thói hăng hăng của Bắc Kinh. Các đồng minh và đối tác như Đài Loan sẽ nhớ về vụ việc mất uy tín này của Hoa Kỳ – quốc gia mà họ phụ thuộc rất nhiều về mặt an ninh. Những ví dụ đáng lo ngại gần đây nhất là lời nài nỉ [nối lại các tuyến liên lạc giữa hai nước] của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến đi của ông tới Bắc Kinh, và việc Tổng thống Joe Biden hủy bỏ các chuyến thăm tới Papua New Guinea và Úc sau hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Hiroshima.
Ngay bây giờ, Hoa Kỳ phải hành động để đối phó với chiến thắng trong cuộc chiến tranh chính trị mà căn cứ tại Cuba mang lại cho Trung Quốc. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Trung Mỹ, Nam Mỹ và Caribe cần phải bị đảo ngược.
Hoa Kỳ không nên để mình tụt lại phía sau, vì vậy Washington cần có những biện pháp táo bạo.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa lược dịch
Ông Bradley A. Thayer là đồng tác giả của cuốn sách “Understanding the China Threat” (Hiểu về các mối đe dọa từ Trung Quốc) và là người đứng đầu bộ phận Chính sách Trung Quốc tại Trung tâm về Chính sách An ninh có trụ sở tại Mỹ.