Nguy cơ toàn cầu từ tội phạm trực tuyến gốc Trung Quốc đang lan rộng tại Đông Nam Á

Cửa khẩu biên giới Trung Quốc – Myanmar (Ảnh: yeangxi / Shutterstock)

Trong một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Mỹ (United States Institute of Peace), các nhóm tội phạm có tổ chức đến từ Trung Quốc hoạt động dọc biên giới Thái Lan – Myanmar đang đe dọa người dùng Internet trên toàn thế giới bằng các trò lừa đảo trực tuyến, chúng phạm tội thông qua buôn người để dùng làm “nô lệ mạng”.

Theo báo cáo, các nhóm này đã bị chính quyền Trung Quốc đuổi ra khỏi Trung Quốc và hiện đang hoạt động ở các nước Đông Nam Á lân cận như Campuchia, Lào và Myanmar. Bất chấp những gì báo cáo mô tả là “mối đe dọa an ninh toàn cầu”, có rất ít hành động để ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng của các nhóm tội phạm này.

Nói với VOA, Giám đốc Tower (Jason Tower) nghiên cứu về Myanmar tại Viện Hòa bình Mỹ chỉ ra rằng, các trò gian lận và lừa đảo trực tuyến đối với công dân Trung Quốc “hiện đang mở rộng nhắm mục tiêu trên toàn cầu”.

Báo cáo được công bố hôm thứ Hai (26/6) với tiêu đề “Loại tội phạm ương ngạnh lan rộng ở Đông Nam Á” (A Criminal Cancer Spreads in Southeast Asia), cho biết các tổ chức tội phạm từng chủ yếu tham gia vào cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp hiện đang sử dụng một hình thức tội phạm được gọi là hình thức lừa đảo mới được gọi là “bàn mổ heo” (pig butchering).

Ông Tower cho biết những trò gian lận này được gọi là “bàn mổ heo” vì mục đích là “vỗ béo” mục tiêu trước khi “giết thịt”. Chúng nhắm vào cả người từ nhiều nước khác bao gồm cả Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Ông Tower giải thích rằng kiểu lừa đảo này bắt nguồn từ Trung Quốc, thủ phạm qua tiếp xúc lâu dài trên mạng với nạn nhân xây dựng được mối quan hệ sâu sắc, thường là lãng mạn.

Ông cảnh báo: “Thông thường, kẻ lừa đảo sẽ giới thiệu một số hình thức kế hoạch đầu tư và không ngừng dụ dỗ nạn nhân với ấn tượng rằng sẽ có khả năng thu được lợi nhuận lớn. Một khi kẻ lừa đảo chắc chắn rằng nạn nhân đã đầu tư tất cả các nguồn tài chính của họ là lúc ‘lợn sắp bị xử’, tức là kẻ lừa đảo sẽ biến mất cùng với số tiền, khiến nạn nhân bị tổn thương tâm lý và thiệt hại tài chính nặng nề”.

Tại Myanmar, các vụ lừa đảo chủ yếu thực hiện ở Shwe Kokko, một thị trấn mới được xây dựng ở bang Kayin giáp Thái Lan là một khu phát triển tự trị được thành lập trong vài năm qua. Theo báo cáo của Viện Hòa bình Mỹ, ở đó có ít nhất 17 khu vực tội phạm khác nhau, hiện có khoảng 5 triệu mét vuông diện tích văn phòng dọc theo sông Moei trên biên giới Myanmar với Thái Lan được những kẻ tội phạm dùng.

Khu vực này được kiểm soát bởi các nhà đầu tư tội phạm Trung Quốc hợp tác với Lực lượng Biên phòng địa phương (BGF) – một lực lượng dân quân người tộc thiểu số Karen dưới sự kiểm soát của quân đội Myanmar. Ông Tower cho biết: “Không chỉ ở trấn Shwe Kokko … toàn bộ khu vực đang bị biến thành một loạt khu ổ tội phạm”.
Nguy cơ nô lệ mạng ở trấn Shwe Kokko

Báo cáo do Priscilla Clapp và Jason Tower đồng tác giả, mô tả trong thời gian đại dịch COVID-19 thì những người công nhân Trung Quốc tại vùng này trở về nước, khi đó các nhóm tội phạm đã tìm cách dùng “công việc công nghệ cao hấp dẫn, thu hút những người tìm việc từ khắp nơi trên thế giới”, sau đó những người tìm việc này được đưa vượt biên để tham gia vào hệ thống nô lệ trên mạng thực hiện các kế hoạch gian lận tài chính.

“Nhiều nạn nhân của nô lệ mạng cuối cùng đều đến trấn Shwe Kokko”, Tower nói với VOA, “Họ đến từ những nơi như Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia và Indonesia và được hứa hẹn những công việc lương cao”.

Trấn Shwe Kokko là một thị trấn cờ bạc bất hợp pháp lớn ở biên giới Myanmar – Thái Lan, ban đầu được phát triển bởi Tập đoàn Cổ phần Yatai (Yatai International Holdings) – một tổ chức do tên tội phạm có tiếng người Trung Quốc là Xa Trí Giang (She Zhijiang) đứng đầu. Theo báo cáo của Viện Hòa bình Mỹ, She Zhijiang và các tội phạm xuyên quốc gia khác đã thông đồng với lực lượng biên phòng địa phương để giành “đất đai và hỗ trợ” từ các lực lượng do chính phủ quân sự Myanmar hậu thuẫn. Sau khi She Zhijiang bị bắt vào năm 2022, bộ đội biên phòng Myanmar đã nắm quyền kiểm soát đế chế tội phạm rộng lớn này giúp tăng cường đáng kể của cải và quyền lực.

“Ban đầu, liên minh bất chính của bộ đội biên phòng với tổ chức tội phạm Trung Quốc này đã tham gia vào việc xây dựng các tòa nhà để tổ chức các hoạt động đánh bạc và lừa đảo trực tuyến, chủ yếu nhắm vào công dân Trung Quốc”, ông Tower nói, “Công dân của hơn 30 nước đã bị bán vào khu vực dọc theo sông Moei”.

Theo ước tính từ tờ Straits Times của Singapore, khoảng 1000 người Malaysia đã bị buộc phải làm việc trong các rãnh nước. Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, hồi tháng 5 Đại sứ quán Indonesia tại Yangon nhờ trợ giúp của người dân địa phương đã chuộc được một số người Indonesia khỏi thị trấn biên giới này.

Để đảm bảo an toàn, các nguồn tin thân cận với lực lượng biên phòng muốn giấu tên nói với VOA rằng, 20 công dân Indonesia được trả tự do, mỗi người đã trả cho lực lượng biên phòng khoảng 8500 USD tiền chuộc.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, vào tháng 2 đã giải cứu được 8 người Philippines bị ép làm nô lệ trên mạng.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trong một tuyên bố: “Những người này được tuyển dụng trực tuyến để làm việc trong bộ phận hỗ trợ khách hàng ở Thái Lan, nhưng họ đã bị đưa đến Myanmar và buộc phải thực hiện các vụ lừa đảo đầu tư tiền điện tử”.

Thanh thiếu niên cũng nằm trong số nạn nhân của nạn buôn người. Một cậu bé Myanmar 16 tuổi làm việc ở trấn Shwe Kokko đã mô tả trải nghiệm của mình với VOA qua điện thoại: “Trấn Shwe Kokko có nhiều tòa nhà chứa máy tính với khoảng 200 nhân viên trong mỗi tòa nhà…. Tôi được yêu cầu làm việc trước máy tính từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối hàng ngày để thực hiện các âm mưu gian lận tài chính trực tuyến, tiền lương sẽ bị giảm tương ứng nếu không hoàn thành công việc với tốc độ quy định. Chúng tôi đã tạo ra các trang Mua sắm trực tuyến giả mạo, Amazon và Shopee giả mạo để lừa đảo và chiếm đoạt tiền của những người mua sắm trực tuyến. Chúng tôi cũng tạo ra các trò chơi trực tuyến để lừa đảo và tống tiền người chơi”.
Trung Quốc chọn nhầm đối tác

Ông Tower nói: “Đối với Trung Quốc thì vấn đề này có hai phương diện… vừa là thủ phạm nhưng cũng là nạn nhân. Nhà chức trách Trung Quốc trong khoảng hai thập niên đã thúc đẩy cuộc chiến chống lại một số mạng lưới tội phạm này. Vì vậy những tên tội phạm xuyên quốc gia có liên hệ chủ yếu với Trung Quốc bị đuổi ra khỏi Trung Quốc, nhưng vẫn có thể tiếp tục phạm tội ở các khu vực pháp lý khác”.

Nhà chức trách Trung Quốc cho biết họ đã làm việc với chính phủ quân sự của Myanmar để giải quyết tội phạm dọc biên giới. Ngày 2/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương thăm Myanmar và gặp tướng Min Aung Hlaing của chính phủ quân sự. Trang web của Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra một tài liệu vào ngày thứ hai sau cuộc gặp, nói rằng ông Tần Cương kêu gọi chính quyền Myanmar thực hiện các biện pháp cụ thể để chống lừa đảo mạng, nỗ lực phối hợp với các bộ phận khác nhau để thúc đẩy các hoạt động tác chiến chung Trung Quốc – Myanmar – Thái Lan, kịp thời giải cứu các công dân Trung Quốc bị mắc kẹt.

Tuy nhiên, ông Tower cảnh báo rằng chính quyền quân sự Myanmar “đơn giản là không có ý chí chính trị và năng lực để giải quyết những vấn đề này”.

Theo yêu cầu của chính phủ quân sự, vào đầu tháng Sáu văn phòng điện lực địa phương của Thái Lan đã cắt nguồn cung cấp điện cho trấn Shwe Kokko, ông Tower nói, “Nhưng vì họ có máy phát điện nên vẫn tiếp tục thực hiện tội ác. Vì vậy, dù nhà chức trách Trung Quốc đã cố gắng thực thi một số hình thức trấn áp nhưng thực ra đã chọn sai đối tác ở Myanmar, quân đội Myanmar không thể giải quyết những vấn đề này”.

Ngày 31/5, ấn phẩm Global New Light thuộc sở hữu nhà nước của Myanmar tuyên bố rằng “Trung Quốc và Myanmar đang hợp tác để chống tội phạm xuyên quốc gia”.
Cần hành động toàn cầu

Ông Tower nói với VOA rằng vấn đề cưỡng bức lao động và nô lệ trên mạng do các tổ chức lừa đảo gây ra không chỉ là vấn đề ở Myanmar, thực tế đã lây lan khắp Đông Nam Á và lan sang các khu vực khác trên thế giới. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi hành động chung toàn cầu.

Các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), như chủ tịch hiện tại là Indonesia và Malaysia gần đây đã nỗ lực kiềm chế loại tội phạm xuyên quốc gia này bằng một diễn đàn không ràng buộc được gọi là “Tiến trình Bali”, trước đây vào năm 2002 diễn đàn này được thành lập nhằm chống nhập cư bất hợp pháp và buôn bán người.

Tuy nhiên ông Tower nói với VOA: “Myanmar là nơi khả năng ứng phó yếu kém nhất. Đó thực sự là vấn đề rất phức tạp giữa các nước này, một số kêu gọi phải hành động nhiều hơn nữa. Đối với Myanmar, hầu như không có ý chí chính trị nào để giải quyết vấn đề này”.

Mộc Vệ (theo VOA)

Related posts