Cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM bị tuyên phạt 4 năm tù
Với cáo buộc ký các quyết định hoàn thuế trái quy định gây thất thoát 331 tỷ đồng, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh bị tuyên phạt 4 năm tù.
Ngày 30/6, TAND TP.HCM tuyên án đối với 67 bị cáo trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) và các đơn vị có liên quan.
HĐXX xác định bị cáo Trịnh Tiến Dũng (đang bị truy nã) có vai trò chủ mưu. Từ năm 2016 đến 2020, bị cáo Dũng chỉ đạo các bị cáo khác thành lập, sử dụng nhiều doanh nghiệp ở trong và ngoài nước (Mỹ, Hồng Kông, Malaysia..) để phục vụ cho hành vi phạm tội.
Để có thể chuyển một số lượng lớn tiền qua biên giới, Trịnh Tiến Dũng đã điều hành, chỉ đạo các bị cáo khác tạo lập hồ sơ, tài liệu, sử dụng các pháp nhân công ty mua bán linh kiện điện tử là hàng giả, nâng khống giá trị của các hợp đồng mua bán.
Ngoài ra, bị cáo Dũng còn thực hiện sử dụng các công ty trong nước mua bán lòng vòng linh kiện điện tử rồi xuất khẩu cho các công ty của mình ở nước ngoài để từ đó thông qua Thủ Đức House, Công ty Sài gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh chiếm đoạt 365 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng tại Cục Thuế TP.HCM.
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh với cương vị là phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM đã chỉ đạo, ký các quyết định hoàn thuế cho Thủ Đức House đối với 15 kỳ (từ tháng 4/2018 đến tháng 6/2019) trái quy định, gây thất thoát 331 tỷ đồng.
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hạnh 4 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Bị cáo Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (cựu tổng giám đốc Thủ Đức House) đã ký hồ sơ thủ tục đề nghị hoàn thuế GTGT của Thủ Đức House trái pháp luật, giúp Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt 365 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo này còn có hành vi giả mạo, khai man chứng từ kế toán, gây thiệt hại cho Thủ Đức House số tiền 7,7 tỷ đồng.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Hoàng 4 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 năm tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt chung là 6 năm tù.
Đối với ba bị cáo là cựu các cán bộ chi cục thuế, HĐXX tuyên Đào Thị Nga (cựu cán bộ Chi cục thuế quận 1) bốn năm tù; Ngô Huỳnh Lũy (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 5) bốn năm tù; Nguyễn Phương Nam (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 3) 12 năm tù cùng về tội Nhận hối lộ.
Đối với 7 công chức hải quan, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Hoàng Trung Kiên, Nguyễn Duy Linh, Trần Văn Thành, Nguyễn Lê Hùng, Hồ Hoàng Hải, Bùi Hữu 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Bị cáo Phạm Duy Bình bị tuyên 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Phạm Toàn
Vụ trùm buôn lậu Mười Tường: Cựu Trưởng phòng cảnh sát kinh tế bị bắt
Ông Hồ Văn Tấn bị điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Chiều 30/6, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hồ Văn Tấn (cựu Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh An Giang) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngoài ông Tấn, ông Nguyễn Minh Trí (cựu điều tra viên, là thuộc cấp của ông Tấn) cũng bị bắt, khởi tố về tội danh trên.
Hai người này được xác định liên quan đến vụ án của trùm buôn lậu Mười Tường – Nguyễn Thị Kim Hạnh.
Trước đó, cũng liên quan đến Mười Tường, ông Lê Tấn Tài (cựu Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh An Giang) cũng bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hồi tháng 11/2022, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở lại phiên xử phúc thẩm và tuyên Nguyễn Thị Kim Hạnh 8 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Tiếp đó, hồi tháng 1/2023, bà Hạnh tiếp tục bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 14 năm tù về tội Buôn lậu hơn 200.000 tấn đường.
Ngoài ra, bà trùm Mười Tường còn bị điều tra trong nhiều vụ án khác với cáo buộc có hành vi Buôn lậu ít nhất 51kg vàng, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (200.000 USD năm 2020), Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và rửa tiền (năm 2021)…
Phạm Toàn
Hàng chục học viên và giáo viên Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T kêu cứu
Hàng chục học viên, giáo viên của Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa) đã đến Sở GTVT Đồng Nai kêu cứu.
Ngày 30/6, hàng chục học viên, giáo viên của Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T (trụ sở tại phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tập trung cùng xe ô tô tập lái và băng rôn.
Những người này mong muốn trung tâm này giải quyết công bằng cho giáo viên cũng như hàng trăm học viên đã đầu tư, đăng ký hồ sơ và đóng học phí để học lái xe tại trung tâm này.
Lực lượng Công an phường Tân Tiến có mặt thuyết phục giáo viên và học viên tại đây bình tĩnh, giữ trật tự, phối hợp với cơ quan ban ngành giải quyết.
Sau đó, nhóm người này kéo đến Sở GTVT tỉnh Đồng Nai.
Tại đây, đại diện giáo viên và học viên liên hệ gặp đại diện Sở GTVT, cầu cứu về việc hồ sơ tồn đọng tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T.
Đồng thời, các học viên cũng yêu cầu ông chủ tịch hội đồng thành viên của trung tâm đứng ra giải quyết hoạt động của trung tâm. Trong đó, có việc ký cho học viên được thi sát hạch và giải quyết lương, chế độ liên quan cho giáo viên…
Nói với Người Đưa Tin, anh Đỗ Ngọc Bình, học viên Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T cho biết anh nộp hồ sơ từ tháng 5/2022, đến nay đã hoàn thành lý thuyết, thực hành, chạy date thành công. Tuy nhiên, gần tới ngày thi tốt nghiệp thì giám đốc trung tâm bị bắt và trung tâm tạm dừng hoạt động.
Từ đó đến nay, anh Bình không nghe động thái gì từ trung tâm. “Tôi gọi điện miết nhưng không ai trả lời. Việc ai làm người đó chịu chứ bắt học viên chịu theo đâu có được”, anh nói và mong muốn trung tâm sớm giải quyết sớm nhất quyền lợi cho học viên.
Trong khi đó, anh Phạm Hoàng Hiệp, giáo viên tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T cho biết đã nhận khoảng 30 bộ hồ sơ đăng ký thi bằng lái của học viên.
Hồ sơ và chi phí sau đó anh đã nộp cho trung tâm đầy đủ nhưng đến nay chưa thể mở lớp. Do đó, anh Hiệp mong muốn nếu trung tâm nếu không khai giảng thì trả lại tiền cho giáo viên để họ trả tiền cho học viên.
Đối với hạng B1,b2 thời gian học kể từ ngày khai giảng đến ngày thi sát hạch kéo dài khoảng 4 tháng rưỡi đến 5 tháng. Đến thời điểm này hàng trăm học viên đã hoàn thành các môn học lý thuyết và thực hành gần 2 năm mà vẫn chưa được thi để được cấp bằng.
“Bây giờ rất áp lực, ngày nào học viên cũng gọi hỏi khi nào được thi hoặc đòi hoàn tiền. Bản thân tôi thất nghiệp 2 tháng nay nên cũng không có tiền trả cho học viên. Còn hỏi thì trung tâm nói công an đang điều tra, chưa cho học lại”, anh Hiệp nói.
Cùng tâm trạng trên, anh Nguyễn Văn Thọ, giáo viên và nhà đầu tư ở Trung tâm dạy nghề lái xe Sài gòn 3T, cho biết, “ăn không ngon, ngủ không yên” 2 tháng nay và sợ nghe điện thoại.
Theo anh Thọ, một số học viên đã hoàn thành khóa học, thi tốt nghiệp rồi nhưng chưa được thi sát hạch khiến họ rất nóng ruột.
Mặt khác, nhiều giáo viên vay mượn tiền, đầu tư hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mua xe đưa vào trung tâm. Tuy nhiên, sau khi giám đốc trung tâm là ông Hồ Đình Thái Hòa bị bắt vào tháng 4, trung tâm vẫn chưa hoạt động lại. Điều này khiến xe bị “giam” không thể hoạt động, giáo viên thất nghiệp. Cuộc sống của những nhà đầu tư này không chỉ chật vật mà còn lo sợ bị thu hồi xe.
Trước đó, ngày 28/4, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về hành vi “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T và một số địa phương liên quan.
Đồng thời, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Hồ Đình Thái Hòa (Giám đốc trung tâm) để điều tra về hành vi giả mạo trong công tác.
Khánh Vy
Nữ nghi phạm ở Sơn La vận chuyển trái phép 12.000 viên ma túy tổng hợp
Nghi phạm Dừ Thị Chư bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La bắt quả tang khi đang vận chuyển 12.000 viên ma túy tổng hợp.
Ngày 29/6, lực lượng phòng chống ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã phát hiện, bắt giữ một nghi phạm vận chuyển trái phép 12.000 viên ma túy tổng hợp tại khu vực biên giới xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Cụ thể, vào lúc 23h30 cùng ngày, tại khu vực bản Căng Tỵ, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, lực lượng phòng chống ma túy Sơn La một số lực lượng chức năng bắt quả tang nghi phạm Dừ Thị Chư (SN 1978, trú tại bản Căng Tỵ, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) vận chuyển trái phép chất ma túy.
Chỉ trong thời gian từ ngày 18/6 đến sáng ngày 30/6, lực lượng phòng chống ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã phát hiện và bắt giữ 6 nghi phạm tại khu vực biên giới thuộc các xã của huyện Sông Mã, Mộc Châu về hành vi sử dụng, vận chuyển 3.257 viên ma túy tổng hợp, 0,4 gram heroin và 12 tép heroin.
Hiện, các vụ việc đang được tiếp tục điều tra.
Ngọc Mai
Giám đốc công ty chuyển phát đánh tráo hàng hóa đắt tiền ‘quá cảnh’ Nội Bài
Để tráo đổi hàng hóa đắt tiền thay bằng hàng hóa rẻ tiền trên ô tô vận chuyển, các nghi phạm mở cửa thùng xe bằng cách tháo vít cửa, để hiện trạng kẹp chì của hải quan vẫn nguyên vẹn, không hư hỏng.
Ngày 30/6, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội cho hay đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Hòa (SN 1992, Giám đốc Công ty TNHH chuyển phát HB) và Nguyễn Đức Dũng (SN 1991, trú huyện Mê Linh, Hà Nội) để điều tra vụ liên quan đến hành vi tráo đổi hàng hóa tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài.
Theo điều tra, vào khoảng 17h30 ngày 13/6, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội phát hiện Nguyễn Trung Hiếu (SN 1997, trú thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh) điều khiển xe ô tô mang BKS 29H-793.09 vận chuyển hàng hóa đi từ kho NCTS sân bay quốc tế Nội Bài đến địa chỉ tổ 5, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh tại khu công nghiệp Quang Minh. Ngoài ra, còn có Nguyễn Đức Dũng điều khiển xe Madza mang BKS 30G-339.33 đi cùng với Hiếu để áp tải số hàng hóa trên xe.
Tổ công tác thấy dấu hiệu nghi vấn xe này vận chuyển hàng hóa qua biên giới nên tiến hành kiểm tra hành chính.
Ngay thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng thấy ô tô 29H-793.09 đã bị mở cửa hông bên phải thùng xe, trên xe không có hàng hóa.
Lúc này, tại khu vực bãi đất trống bên phải xe có 7 pallet hàng hóa và khu vực phía cuối góc trái của xe cũng có 7 pallet hàng hóa, tất cả được quấn nilon đen, kích thước khác nhau, có dán vận đơn số 988-48687763.
Nghi phạm Hoà và Dũng thừa nhận đã tự ý mở cửa thùng xe tải bằng cách tháo vít cửa, để hiện trạng kẹp chì của hải quan vẫn nguyên vẹn, không hư hỏng với mục đích lấy hàng hóa trên xe như đồ điện tử, điện thoại, máy tính bảng, thực phẩm chức năng… đắt tiền, để thay bằng các mặt hàng khác như nước giặt, nước tẩy rửa… loại rẻ tiền, được đóng thùng carton, pallet, tương tự như hàng thật để tiếp tục vận chuyển đến nhập kho ngoại quan chờ xuất khẩu đi Trung Quốc.
Khi việc tráo đổi hoàn tất, hàng hóa sẽ được vận chuyển đi giao cho người khác ở TP.HCM thông qua Công ty chuyển phát Việt Linh.
Đây là hành vi vận chuyển hàng hóa qua biên giới trái pháp luật với trị giá lớn, phạm vào tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Theo lực lượng chức năng, đây là thủ đoạn mới của các nghi phạm vận chuyển hàng hóa có giá trị lớn từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua hình thức tạm nhập tái xuất, trong quá trình chờ xuất đi nước thứ ba, thực hiện tráo đổi bằng các loại hàng hóa rẻ tiền để trục lợi.
Vụ việc đang được tiếp tục điều tra để xử lý.
Ngọc Mai