Các quan chức chính phủ Trung Quốc đang “hết lòng” tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài. Các giám đốc điều hành doanh nghiệp ngoại quốc cũng đang tích cực ủng hộ. Tuy nhiên, thực tế lại là một câu chuyện khác.
Những lời hùng biện – là từ các giám đốc điều hành công ty hay quan chức chính phủ – hiếm khi phù hợp với thực tế. Và sự khác biệt là đặc biệt lớn trong chủ đề đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc. Bắc Kinh nói rằng họ mở cửa cho kinh doanh và hoan nghênh đầu tư nước ngoài trong khi trên thực tế, nó đang khiến việc kinh doanh ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Các giám đốc điều hành công ty nói về việc đẩy mạnh kinh doanh ở Trung Quốc và sau đó gửi đồng đô la, yên, euro, bảng Anh, won hay bất cứ đồng tiền nào khác của họ ở nơi khác. Tình hình gây khó khăn cho tất cả các bên liên quan nhưng hứa hẹn sẽ có tác động mạnh nhất tới Trung Quốc.
Những lời phát biểu ngày nay có vẻ ngọt ngào. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã tuyên bố trong một cuộc họp báo gần đây rằng Trung Quốc “hoan nghênh [các] công ty nước ngoài đầu tư và kinh doanh tại Trung Quốc, khám phá thị trường Trung Quốc và chia sẻ các cơ hội phát triển”. Bà nói thêm: “Trung Quốc cam kết chắc chắn thúc đẩy mở cửa ở cấp độ cao và thúc đẩy môi trường kinh doanh định hướng thị trường, dựa trên luật pháp và được quốc tế hóa”.
Từ phía doanh nghiệp, Giám đốc điều hành JP Morgan Jamie Diamon đã kêu gọi “sự hợp tác thực sự” giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Elon Musk, người có một nhà máy Tesla ở Thượng Hải, đã chia sẻ với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương rằng ông ghê tởm khái niệm tách rời kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược với những bình luận lạc quan như vậy. Đáng chú ý nhất là một loạt các cuộc đột kích gần đây của giới an ninh Trung Quốc đối với các hãng tư vấn, công ty kiểm toán và văn phòng luật có trụ sở tại nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Công ty thẩm định Mintz Group đã báo cáo rằng chỉ mới tháng 3 vừa qua, các nhân viên an ninh Trung Quốc đã đến văn phòng của họ mà không báo trước và bắt giữ 5 nhân viên. Công ty tư vấn Mỹ Bain & Co. đã báo cáo về một cuộc đột kích tương tự vào văn phòng của họ ở Thượng Hải, mặc dù các nhân viên đã bị thẩm vấn nhưng không bị giam giữ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo rằng các cơ quan an ninh đang điều tra nhà tư vấn Capvision Partners.
Trong các sự kiện này, và các sự kiện khác, Bắc Kinh không hề giải thích gì cho hành vi của mình ngoài việc chỉ ra những lo ngại về an ninh quốc gia mơ hồ. Suy đoán về những lý do, ông Michael Hart, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc (AmCham Trung Quốc), tin rằng chúng có liên quan đến thông tin mà các công ty này thu thập trong quá trình kinh doanh của họ. Ông ấy tiếp tục hỏi: “Làm sao bạn có thể lập kế hoạch đầu tư trong tương lai nếu bạn không thể thẩm định các đối tác tương lai của mình?”
Chỉ riêng sự không chắc chắn do các hành vi đó đã đi ngược lại mong muốn tăng đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh. Nhưng có nhiều thứ hơn nữa. Các biện pháp phong tỏa và kiểm dịch đặc biệt nghiêm trọng của Bắc Kinh trong đại dịch COVID-19 và giai đoạn sau đó đã đặt ra câu hỏi về uy tín của độ tin cậy trước đây của nền kinh tế này và do đó làm suy yếu sức hấp dẫn của nền kinh tế với tư cách là nơi thu hút đầu tư nước ngoài. Việc tiền lương của Trung Quốc tăng nhanh hơn tiền lương ở các nước phát triển hoặc phần còn lại của châu Á cũng có ảnh hưởng xấu. Điều làm giảm sức hấp dẫn của Trung Quốc hơn nữa là các mức thuế mà cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt đối với các sản phẩm của Trung Quốc vào Mỹ và Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên. Tất cả đã khiến các doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài ít sẵn sàng chấp nhận các chính sách khác do Bắc Kinh áp đặt, chẳng hạn như việc họ khăng khăng rằng các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc phải chia sẻ công nghệ độc quyền với đối tác Trung Quốc, chưa kể đến các cuộc đột kích an ninh không rõ nguyên nhân.
Cân nhắc và bỏ chạy
Chắc chắn, thái độ của giới doanh nhân ngoại quốc ở Trung Quốc phản ánh sự dè dặt như vậy. Một cuộc khảo sát gần đây do AmCham Trung Quốc thực hiện cho thấy, lần đầu tiên sau 25 năm tổ chức này tiến hành khảo sát, Trung Quốc đã rớt khỏi các vị trí hàng đầu về điểm đến đầu tư. Đề cập đến những người trả lời khảo sát, AmCham Trung Quốc đã tóm tắt vấn đề theo cách này: “Mức độ sẵn sàng tăng cường đầu tư và ưu tiên chiến lược của họ đang giảm dần”. Các cuộc thăm dò tương tự được thực hiện bởi Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho thấy sự thay đổi tương tự trong tâm lý.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tiền của Nhật Bản, Hàn Quốc và phương Tây đã tìm kiếm các điểm đến khác ngoài Trung Quốc. Hàng chục công ty đã phản ứng với việc Bắc Kinh tiếp quản “đặc khu hành chính” Hong Kong, một khu vực từng độc lập và phần lớn là tự do, bằng cách rời tới những nơi khác ở châu Á, chủ yếu là Singapore. Trong số đó có Federal Express, nhưng hầu hết những công ty khác đều có liên quan đến ngành tài chính.
Freight Caviar, một tạp chí tập trung vào ngành vận chuyển, đã thực hiện một cuộc khảo sát không chính thức xác định khoảng 70 công ty đã rời Trung Quốc gần đây để tới các địa điểm khác ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan và đặc biệt là Việt Nam. Trong số này có hai gã khổng lồ Samsung và Apple. Samsung đã đóng cửa hoàn toàn các nhà máy điện thoại trước đây của mình ở Trung Quốc và theo đó, đã cắt giảm triệt để lực lượng lao động Trung Quốc. Samsung hiện đang xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới tại Ấn Độ. Apple đang lên kế hoạch cho một bước đi tương tự và sẽ chuyển một số hoạt động sang Việt Nam trong khi chuyển hoạt động sản xuất đồng hồ và iPad sang Ấn Độ.
Mọi thứ rõ ràng đang không có lợi cho Trung Quốc. Vì phần lớn sự cân nhắc và bỏ chạy của doanh nghiệp nước ngoài đều là các phản ứng trước các hành động của giới lãnh đạo Bắc Kinh, nên người ta có thể nói rằng những vết thương của Trung Quốc là do chính họ tự gây ra – kết luận đó chắc chắn có ý đúng. Tuy nhiên, vấn đề không phải là của một hoặc thậm chí một nhóm các quyết định chính sách mà là kết quả của hệ thống độc đoán của Trung Quốc. Và từ góc độ này, khó có thể tin rằng Bắc Kinh sẽ tìm ra cách xoay chuyển tình thế.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest – một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested – công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).