Nghĩ vụn về con “i xê”

Lê Huyền Ái Mỹ

8-7-2023

Việc bắt bớ quan chức nói chung, phẩm trật cỡ ban sở cho đến nay, với nhân dân hình như đã không còn mấy “sức hút”. Nhiều quá hình như đâm ra “nhờn”, đô đã cao nên cần “trình” cũng phải bự, phải lớn.

Trong khi, đối với nhiều cán bộ, công viên chức thì vẫn tiếp tục “trời đất” và “lặng trong… sợ hãi”. Rõ là những khuôn mặt quen quen, đã thấy họ ngồi ở những cuộc họp, có tiếng nói nặng ký về chuyên môn…. Vì trong hệ thống, công việc, sự vụ có khi liên quan, họ cũng nhiệt tình hỗ trợ. Đùng một cái, sau mấy năm, có khi nhiều năm quên béng cái tên ấy, nay nổi lên với các cáo buộc “gây hậu quả nghiêm trọng”. Ừ thì cũng lờ mờ hiểu cái nhân gây ra, hẳn nhiên phải có, phải dính rồi nhưng, trong “tình cảm” quen quen ấy, một chút ngậm ngùi, một chút giật bắn.

Lần này, cái con “i xê” có độc lực cao dữ. Nói nào ngay, khi nó chưa phát tán thành vi rút, là cái thuở nó còn mang vẻ “lành tính”, lại được toàn đại chuyên gia kê toa nên ai dám không theo “phác đồ”. “Dám nghĩ” để biết sai, có nhập nhem, nhơ nhuốc nhưng có “dám nói” – phản biện, phản bác và “dám làm” – từ chối, không đồng tình, không nhận “trả ơn”, quà Tết hay không thì chuyện không dễ.

Cũng cốt là, trước giữ ghế, giữ thế; sau giữ… của.

Nhìn đường đi của con “i xê”, khác với Quảng Ninh, Cần Thơ, Đồng Nai, khi nó phát tán tại TP.HCM lại từ Trung tâm công nghệ sinh học. Với tính chất “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “việc thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm TTCNSH gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” thì đường đi của con “i xê” này trước sau gì cũng dẫn tới cấp trên, trên nữa.

Do đó, việc bắt giam cựu phó giám đốc sở kế hoạch đầu tư hôm nay là bước đi kế tiếp. Cũng chẳng phải đợi đến khi anh cựu kế toán trưởng hồi hương đâu.

Ảnh: Bà Trần Thị Bình Minh, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT thành Hồ, bị bắt. Nguồn: Bộ Công an

Điều đáng lưu ý: Trong cuộc họp hôm 6.6, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo đối với vụ việc sai phạm liên quan các dự án, gói thầu do Công ty AIC và các đơn vị thành viên thực hiện trên địa bàn TPHCM (giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2022); thì việc truy tìm nguồn lây của con “i xê” này sẽ không dừng lại ở lĩnh vực công nghệ sinh học.

Giáo dục, y tế với những đơn hàng đi kèm trang thiết bị là “đặc sản” của AIC. Điều gì đã xảy ra trong hơn 10 năm điều hành ấy của các vị lãnh đạo các sở ngành liên quan?

Tập đếm trước mấy con số từ tỉnh bạn: các cựu giám đốc sở Y tế Đồng Nai nhận 14,8 tỷ, giám đốc sở Y tế Cần Thơ nhận 3 tỷ, giám đốc sở Giáo dục – Đào tạo Quảng Ninh nhận 14 tỷ…

Một tiếng thở dài rất cũ, từ giáo dục, y tế sang khoa học, đầu tư… đâu đâu cũng nhem nhuốc.

Còn bao nhiêu con “i xê” đã – đang lẩn, luồn và đội lốt trong guồng máy công vụ?

Related posts