Nguồn: Francis Fukuyama, “A Country of Their Own”, Foreign Affairs, 01/04/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Một cuộc sống tốt đẹp
Sự phê phán của chủ nghĩa bảo thủ dành cho chủ nghĩa tự do, về cốt lõi, chứa đựng một hoài nghi hợp lý trước sự nhấn mạnh của chủ nghĩa tự do đối với quyền tự chủ cá nhân. Các xã hội tự do giả định sự bình đẳng về nhân phẩm, một loại phẩm giá bắt nguồn từ khả năng lựa chọn của một cá nhân. Vì lẽ đó, xã hội tự do tận tâm bảo vệ quyền tự chủ như một quyền cơ bản. Nhưng dù quyền tự chủ là một giá trị tự do cơ bản, nó không phải là điều duy nhất tự động vượt qua mọi tầm nhìn khác về cuộc sống tốt đẹp.
Phạm vi của những gì được xem là quyền tự chủ đã dần mở rộng theo thời gian, đi từ khả năng lựa chọn tuân theo các quy tắc trong khuôn khổ đạo đức hiện có, đến việc tự tạo ra các quy tắc đó cho chính mình. Nhưng tôn trọng quyền tự chủ là nhằm quản lý và kiểm soát sự cạnh tranh của những niềm tin đã ăn sâu vào tâm trí, chứ không phải để thay thế hoàn toàn những niềm tin đó. Không phải người nào cũng cho rằng tối đa hóa quyền tự chủ cá nhân là mục tiêu quan trọng nhất của cuộc sống, hoặc việc phá vỡ mọi hình thức quyền lực hiện có quả thực là một điều tốt đẹp. Nhiều người sẵn lòng giới hạn quyền tự do lựa chọn của họ bằng cách chấp nhận các khuôn khổ tôn giáo và đạo đức vốn kết nối họ với những người khác, hoặc bằng cách sống theo các truyền thống văn hóa được kế thừa. Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Mỹ là nhằm bảo vệ quyền tự do tôn giáo, chứ không phải bảo vệ công dân khỏi tôn giáo.
Các xã hội tự do thành công có nền văn hóa riêng và cách diễn giải riêng về thế nào là một cuộc sống tốt đẹp, ngay cả khi tầm nhìn đó có thể không bền chặt bằng các xã hội bị ràng buộc bởi một học thuyết duy nhất. Chúng không thể giữ thái độ trung lập đối với các giá trị cần thiết để duy trì một xã hội tự do. Chúng ưu tiên tinh thần quần chúng, sự khoan dung, cởi mở, và tích cực tham gia các hoạt động công, nếu muốn tạo ra sự gắn kết. Chúng cần khuyến khích sự đổi mới, tinh thần kinh doanh, và chấp nhận rủi ro, nếu muốn phát triển thịnh vượng về mặt kinh tế. Một xã hội của những cá nhân hướng nội chỉ quan tâm đến việc tối đa hóa tiêu dùng cá nhân sẽ hoàn toàn không phải là một xã hội.
Các quốc gia có vai trò quan trọng không chỉ vì chúng là trung tâm của quyền lực chính danh và là công cụ để kiểm soát bạo lực. Chúng còn là nguồn cộng đồng duy nhất. Chủ nghĩa tự do phổ quát ở một cấp độ nào đó mâu thuẫn trực tiếp với bản chất hòa đồng của con người. Con người ta sẽ cảm thấy mối quan hệ tình cảm bền chặt nhất với những ai gần gũi nhất với mình, chẳng hạn bạn bè và gia đình. Khi vòng tròn thân quen đó mở rộng, ý thức về nghĩa vụ của họ chắc chắn sẽ giảm đi. Khi xã hội loài người phát triển rộng lớn hơn và phức tạp hơn sau nhiều thế kỷ, ranh giới của sự đoàn kết đã mở rộng đáng kể, từ các gia đình, làng mạc, và bộ lạc ra toàn bộ quốc gia. Nhưng ít có người nào lại thực sự yêu toàn thể nhân loại. Đối với hầu hết mọi người trên khắp thế giới, quốc gia vẫn là đơn vị đoàn kết lớn nhất mà họ phải trung thành theo bản năng. Thật vậy, lòng trung thành đó đã trở thành nền tảng quan trọng cho tính chính danh, và theo đó là khả năng cai trị của nhà nước. Trong một số xã hội, bản sắc dân tộc yếu có thể gây ra những hậu quả tai hại, như những gì thể hiện ở một số quốc gia đang phát triển đang gặp khó khăn, chẳng hạn như Myanmar và Nigeria, và ở một số quốc gia thất bại, chẳng hạn như Afghanistan, Libya và Syria.
hướng tới Chủ nghĩa dân tộc tự do
Lập luận này có vẻ tương tự với lập luận của Hazony, học giả bảo thủ người Israel, trong cuốn sách năm 2018 của ông, The Virtue of Nationalism (Giá trị của Chủ nghĩa Dân tộc), trong đó ông ủng hộ một trật tự toàn cầu dựa trên chủ quyền của các quốc gia-dân tộc. Hazony đã đưa ra một điểm quan trọng khi cảnh báo rằng các quốc gia tự do, chẳng hạn như Mỹ, có xu hướng đi quá xa trong việc tìm cách định hình phần còn lại của thế giới theo hình ảnh của chính họ. Tuy nhiên, ông đã sai khi cho rằng các quốc gia là các đơn vị văn hóa được phân định rõ ràng, và rằng có thể đạt được một trật tự toàn cầu hòa bình bằng cách chấp nhận các quốc gia đó như hiện tại. Các quốc gia ngày nay là những cấu trúc xã hội vốn là sản phẩm phụ của các cuộc tranh đấu lịch sử thường liên quan đến chinh phạt, bạo lực, cưỡng bức đồng hóa, và sự thao túng có chủ ý các biểu tượng văn hóa. Bản sắc dân tộc có nhiều hình thức cả tốt lẫn xấu, và các xã hội có thể thực hiện quyền tự quyết của mình trong việc lựa chọn chúng.
Cụ thể, nếu bản sắc dân tộc dựa trên các đặc điểm cố định như chủng tộc, sắc tộc, hoặc di sản tôn giáo, thì nó sẽ trở thành một phạm trù có tính loại trừ, vốn vi phạm nguyên tắc tự do về bình đẳng nhân phẩm. Dù không nhất thiết phải có mâu thuẫn giữa nhu cầu về bản sắc dân tộc với chủ nghĩa tự do phổ quát, nhưng vẫn tồn tại một điểm căng thẳng tiềm tàng giữa hai nguyên tắc này. Khi dựa trên những đặc điểm cố định, bản sắc dân tộc có thể biến thành chủ nghĩa dân tộc hung hăng và có tính loại trừ, như đã xảy ra ở châu Âu trong nửa đầu thế kỷ 20.
Vì lý do này, các xã hội tự do không nên chính thức công nhận các nhóm dựa trên tiêu chí cố định như chủng tộc, sắc tộc, hoặc di sản tôn giáo. Tất nhiên, có những lúc việc này là không thể tránh khỏi và các nguyên tắc tự do không thể đem ra áp dụng. Ở nhiều nơi trên thế giới, các nhóm sắc tộc hoặc tôn giáo đã chiếm giữ cùng một lãnh thổ suốt nhiều thế hệ, và đã xây dựng truyền thống văn hóa và ngôn ngữ phong phú của riêng mình. Ở Balkan, Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á, bản sắc dân tộc hoặc bản sắc tôn giáo thực sự là một đặc điểm thiết yếu đối với hầu hết mọi người, và việc đồng hóa chúng vào một nền văn hóa quốc gia rộng lớn hơn là điều cực kỳ không thực tế. Dù vậy, có thể tổ chức một hình thức chính trị tự do xoay quanh một số đơn vị văn hóa. Ví dụ, Ấn Độ công nhận nhiều ngôn ngữ quốc gia, và trong quá khứ đã từng cho phép các bang tự đặt ra các chính sách liên quan đến hệ thống giáo dục và luật pháp của mình. Chủ nghĩa liên bang và đi kèm với nó là sự phân chia quyền lực cho các đơn vị địa phương thường là điều cần thiết ở các quốc gia đa dạng như vậy. Quyền lực có thể được chính thức phân bổ cho các nhóm khác nhau, được phân định bởi bản sắc văn hóa trong một cấu trúc mà các nhà khoa học chính trị gọi là “chủ nghĩa hiệp nhất” (consociationalism). Dù mô hình này đã hoạt động khá tốt ở Hà Lan, nhưng nó lại tạo ra thảm họa ở những nơi như Bosnia, Iraq, và Lebanon, khi mà các nhóm bản sắc thấy mình bị khóa chặt trong một trò chơi có tổng bằng không. Do đó, trong các xã hội mà các nhóm văn hóa chưa trở thành các đơn vị riêng biệt (self-regarding units), tốt hơn hết nên đối xử với công dân trên tư cách cá nhân, chứ không phải là thành viên của các nhóm bản sắc.
Mặt khác, có những khía cạnh khác của bản sắc dân tộc có thể được chấp nhận một cách tự nguyện, theo đó có thể được chia sẻ một cách rộng rãi, chẳng hạn như truyền thống văn học, chuyện kể lịch sử, ngôn ngữ, ẩm thực, và thể thao. Catalonia, Quebec, và Scotland đều là các khu vực có truyền thống lịch sử và văn hóa riêng biệt, và cả ba đều có những đảng phái dân tộc chủ nghĩa đang tìm cách tách biệt hoàn toàn khỏi đất nước mà hiện nay họ đang liên kết. Nếu họ thực sự tách ra, thì cũng có rất ít nghi ngờ về việc các khu vực này sẽ tiếp tục là các xã hội tự do tôn trọng quyền cá nhân, giống như Cộng hòa Séc và Slovakia đã làm sau khi trở thành hai quốc gia riêng biệt vào năm 1993.
Bản sắc dân tộc cho thấy những nguy hiểm hiển nhiên, nhưng nó cũng là một cơ hội. Nó là một cấu trúc xã hội, và nó có thể được định hình để hỗ trợ, thay vì làm suy yếu, các giá trị tự do. Trong lịch sử, nhiều quốc gia đã được hình thành từ các nhóm dân cư đa dạng, những người mà ý thức cộng đồng mạnh mẽ của họ được dựa trên các nguyên tắc hoặc lý tưởng chính trị, hơn là các nhóm tất định. Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, và Mỹ là các quốc gia trong những thập niên gần đây đã tìm cách xây dựng bản sắc dân tộc dựa trên các nguyên tắc chính trị hơn là chủng tộc, sắc tộc, hay tôn giáo. Nước Mỹ đã trải qua một quá trình lâu dài và đau đớn nhằm xác định lại ý nghĩa của việc thế nào là một người Mỹ, từng bước loại bỏ các rào cản đối với quyền công dân dựa trên giai cấp, chủng tộc, và giới tính – dù quá trình này vẫn chưa hoàn thành và đã trải qua nhiều thất bại. Ở Pháp, việc xây dựng bản sắc dân tộc bắt đầu với Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp, trong đó đã thiết lập một lý tưởng về quyền công dân dựa trên một ngôn ngữ và văn hóa chung. Vào giữa thế kỷ 20, Australia và Canada là những quốc gia thống trị bởi nhóm đa số người da trắng và có các đạo luật đặt ra giới hạn về nhập cư và quyền công dân, chẳng hạn như chính sách “Nước Úc trắng” (White Australia) khét tiếng, nhằm ngăn cản những người nhập cư từ Châu Á. Tuy nhiên, cả Australia và Canada đều đã tái tạo lại bản sắc dân tộc của họ theo hướng phi chủng tộc kể từ sau những năm 1960, và bắt đầu mở cửa cho phép nhập cư ồ ạt. Ngày nay, cả hai quốc gia đều có khối dân sinh ra ở nước ngoài lớn hơn Mỹ, nhưng lại không trải qua sự phân cực và phản ứng tiêu cực từ người da trắng (white backlash) như ở Mỹ.
Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp khó khăn của việc tạo dựng một bản sắc chung trong các nền dân chủ bị chia rẽ mạnh mẽ. Hầu hết các xã hội tự do đương đại đều được xây dựng từ các dân tộc mà hiểu biết về bản sắc dân tộc của họ đã được tạo ra thông qua các phương pháp phi tự do. Pháp, Đức, Nhật Bản, và Hàn Quốc đều là các dân tộc trước khi trở thành các nền dân chủ tự do; Mỹ, như nhiều người đã chỉ ra, là một quốc gia trước khi nó trở thành một dân tộc. Quá trình xác định dân tộc Mỹ theo thuật ngữ chính trị tự do đã kéo dài rất lâu, với nhiều gian khổ, và thường xuyên gặp phải bạo lực. Thậm chí ngày nay, quá trình đó đang bị thách thức bởi những cá nhân thuộc cả cánh tả lẫn cánh hữu với những diễn ngôn cạnh tranh nhau gay gắt về nguồn gốc của đất nước.
Chủ nghĩa tự do sẽ gặp rắc rối, nếu mọi người coi nó không hơn gì một cơ chế để quản lý sự đa dạng một cách hòa bình, mà không có ý thức rộng hơn về mục đích dân tộc. Những người từng sống với bạo lực, chiến tranh, và chế độ độc tài thường mong muốn được sống trong một xã hội tự do, như người châu Âu đã làm trong giai đoạn sau năm 1945. Nhưng khi mọi người đã quen với cuộc sống yên bình dưới chế độ tự do, họ có xu hướng cho nền hòa bình và trật tự đó là điều hiển nhiên, và bắt đầu khao khát một nền chính trị sẽ hướng họ đến những mục tiêu cao hơn nữa. Vào năm 1914, châu Âu hầu như không có xung đột tàn khốc nào suốt gần một thế kỷ, và nhiều người đã vui mừng hành quân ra trận bất chấp những tiến bộ to lớn về vật chất đã đạt được trong thời gian đó.
Lịch sử nhân loại có lẽ đã đến gần một thời điểm tương tự: chúng ta đã thoát khỏi chiến tranh quy mô lớn giữa các quốc gia trong ba phần tư thế kỷ, và đồng thời, chứng kiến tăng trưởng to lớn của thịnh vượng toàn cầu mà từ đó đã tạo nên những thay đổi xã hội lớn không kém. Liên minh châu Âu được thành lập như một liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa dân tộc đã dẫn đến các cuộc thế chiến, và theo nghĩa đó, nó đã thành công vượt mọi hy vọng. Nhưng cuộc xâm lược Ukraine của Nga lại trở thành điềm báo cho nhiều xáo trộn và bạo lực đang chờ phía trước.
Tại thời điểm này, hai kịch bản tương lai rất khác nhau đã xuất hiện. Nếu Putin thành công trong việc hủy hoại nền độc lập và dân chủ của Ukraine, thế giới sẽ quay trở lại kỷ nguyên của chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến và không khoan dung, gợi nhớ giai đoạn đầu thế kỷ 20. Mỹ sẽ không thể tránh khỏi xu hướng này, vì những người theo chủ nghĩa dân túy như Trump đang khao khát sao chép đường lối độc tài của Putin. Mặt khác, nếu Putin đưa nước Nga rơi vào cảnh thất bại về quân sự và kinh tế, chúng ta sẽ còn cơ hội để học lại bài học tự do rằng quyền lực không bị luật pháp kiềm chế sẽ dẫn đến thảm họa quốc gia, và để hồi sinh các lý tưởng về một thế giới tự do và dân chủ.
Francis Fukuyama là Nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại Đại học Stanford. Bài viết này được tóm gọn từ cuốn sách sắp xuất bản của ông “Liberalism and Its Discontents” (Farrar, Straus and Giroux, 2022).