Lê Học Lãnh Vân
1) Hổm rày các trang mạng, và cũng báo chí chính thống nữa, dù có nhẹ nhàng hơn những trang mạng tự do, tường thuật phiên tòa xử vụ án liên quan tới chuyến bay giải cứu cho thấy sự suy thoái đạo đức công quyền đã tới mức khủng khiếp như thế nào!
Đọc sử cách mạng thấy các nhà cách mạng tiền bối đã biến phiên tòa thực dân thành nơi lên án chế độ bóc lột. Bây giờ người ta chứng kiến các quan chức cách mạng đang biến phiên tòa xử mình tham nhũng thành nơi tấu hài. Nhìn tác phong, những lời khai và giãi bày tại tòa, người ta thấy sự ngây ngô khó tin, không chỉ khó tin vì ngây ngô, mà còn khó tin vì lời ngây ngô đó được các vị thốt ra tại nơi tôn nghiêm là pháp đình! Sự bất ngờ làm bật tiếng cười. Gọi tấu hài bởi vì người bị lôi ra vành móng ngựa trước vừa diễn xong thì người bị lôi ra sau diễn tiếp, giống như những tung hứng mà một người được đào tạo trong xã hội tôn trọng giá trị đạo đức công quyền và đạo đức thông thường, khi chứng kiến, phải sững sờ trong cay đắng! Ôi, những quan chức cầm cân nảy mực tự cho thấy tác phong, trình độ kiến thức, đạo đức thấp kém tới vậy sao!
Kẻ mang thời cuộc trong lòng xem hài kịch đó mà thấy cả một vầng mây đen khi ngó về tương lai! Và không thể không tự hỏi: cộng đồng, với cách tổ chức xã hội như thế này, có năng lực giải quyết quốc nạn tham nhũng không?
2) Cùng lúc, có một vụ tấu hài nhỏ hơn, ít được chú ý hơn vì bị vở đại hài kịch kia che lấp.
Đó là trường hợp một nhà giáo trong vụ gian lận Genius Olympiad. Chắc nhiều người biết vụ gian lận này liên quan tới ba nhân vật: hai học sinh và một thầy giáo, là người là giám sát hai bạn học sinh trong cuộc thi dành cho học sinh trung học Mỹ tên Genius Olympiad. Một học sinh khiếu nại khi thấy bài thi của mình bị “đánh cắp”, tráo sang thành bài của học sinh kia. Chính vị thầy giáo là thủ phạm! Ban đầu, vị thầy giáo đôi co vòng quanh, và ngôi trường nơi thầy làm việc cũng tham gia bênh vực thầy. Nhưng sự gian dối khôn lỏi đã va vào vách đá kiên quyết của giá trị trung thực và liêm chính khoa học quốc tế: giáo sư Fehmi Damkaci và Ban tổ chức cuộc thi đã nhanh chóng tiến hành điều tra, chỉ hai ngày đã có kết quả cho thấy khiếu nại là đúng và hành vi của vị thầy giáo kia là gian lận!
Tới lúc này, vị thầy giáo mới chấp nhận mình sai, lên tiếng xin lỗi!
Lời xin lỗi, theo Tuổi Trẻ Online ngày 13/7/2023, có những đoạn như sau:
“Thật sự thầy làm công tác hướng dẫn, đồng hành các em tham gia cuộc thi với tư cách cá nhân, bằng niềm đam mê, bằng nhiệt huyết, bằng khả năng của mình và tự hào, hạnh phúc khi thầy trò chúng ta đồng hành thực hiện dự án gần một năm và đạt kết quả, nhưng do những nguyên nhân chủ quan, khách quan, thầy lại để ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của nhà trường và đã làm tổn thương tâm lý, sức khỏe của các em rất nhiều.”
Khi “gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến với hai gia đình cha mẹ học sinh của các em”, vị thầy không quên nhấn mạnh “nhưng những lời xin lỗi này chỉ mong rằng quý cha mẹ học sinh hiểu giúp thầy là thầy luôn quan tâm, trách nhiệm chứ không trốn tránh, thờ ơ.”
Và ông mong sẽ xây dựng lại niềm tin đã bị mất để “có thể tiếp tục được đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức, bài học làm người cho các em.”
3) Phân tích hành vi và tâm lý của hành vi, việc xin lỗi của ông cho ta thấy gì?
Trước hết, việc gian lận được ủ mưu và tiến hành trong một thời gian dài. Phải có kế hoạch, mục tiêu, chương trình hành động. Phải có “quyết tâm chính trị” gian lận…
Khi sự việc được khiếu nại bởi chính người bị hại, việc đầu tiên ông làm là vòng vo trốn tránh. Chẳng những “cả vú lấp miệng em” mà còn huy động tập thể có tiếng nói cùng “ra trận” bênh vực hành vi sai trái…
Lời xin lỗi chỉ được đưa ra hai ngày sau khi giáo sư Fehmi Damkaci, người khởi xướng và tổ chức cuộc thi, cùng với ban tổ chức cuộc thi ra thông cáo đồng ý với lời khiếu nại sự gian lận.
Lòng hối hận sâu sắc về hành vi xâm phạm giá trị cốt lõi không cho phép người hối hận kể lể công lao bởi vì tất cả tâm tư đang hướng về lỗi đạo đức quá lớn của mình. Người hối hận chân thành cũng không thể tuyên bố sẽ “tiếp tục được đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức, bài học làm người cho các em” bởi vì các chữ “bài học làm người” thốt trên môi quá mâu thuẫn với tội gian lận chính tay ông vừa gây ra! Phân tích này không cản đường quay về nẻo phải của bất kỳ ai, chỉ biết sự thành tâm hối cải cần được chứng minh qua thời gian, được xác nhận bởi cộng đồng và người mang lòng hối thật sự nên lặng lẽ, thành tâm hành động và nhường quyền nhận xét cho cộng đồng khi đã đủ thời gian thử thách!
Lời xin lỗi thực lòng hướng về người bị hại phải chứa đầy hối tiếc về thiệt hại đã gây ra, chứ không dài dòng giải thích và yêu cầu người mình xin lỗi phải hiểu này hiểu nọ cho lòng tốt của mình!
Vậy thì, về sự việc này, người quan sát có cảm nhận đương sự quyết tâm gian lận, vòng vo tránh tội, và cuối cùng đưa ra lời xin lỗi quá dễ dàng không?
4) Nếu không có sự điều tra hiệu quả cùng lời phán xét công khai và công minh của giáo sư Fehmi Damkaci và Ban tổ chức, nếu mọi việc tổ chức tại Việt Nam chúng ta có thể nghĩ rằng sự việc sẽ được ém đi chăng? Ém bởi tiền bạc, bởi sự trấn áp ở một dạng nào đó, bởi các ràng buộc quen biết vốn thường mạnh hơn Sự Thật, lòng Công Chính. Trường hợp gian lận thi cử xảy ra một cách có hệ thống, cùng lúc trên nhiều tỉnh Miền Bắc, kéo dài trong thời gian nhiều năm mà sự xử lý sau đó là quá nhẹ vẫn còn ám ảnh cộng đồng!
Chúng ta đã biết nhiều vụ việc vi phạm được cho qua, người vi phạm tiếp tục được thăng chức, để rồi ở vị trí cao gây tác hại rất lớn cho cộng đồng. Cho nên trong khi mở rộng cửa cho tất cả, xã hội cũng cần sáng suốt phân biệt giữa “đầu môi chót lưỡi” và sự chân thành, giữa thực tâm quay lại bờ và lươn lẹo, dối trá. Nếu sự việc không được điều tra và phán xử bên ngoài Việt Nam, và nếu tưởng tượng một ngày nào đó danh sách các vị bộ trưởng lại được điền tên những người xuất thân từ sự gian lận này hay gian lận khác…
Bài viết xin đặt một câu hỏi: có mối liên hệ xã hội học giữa những việc gian lận trong môi trường giáo dục như thế này với phiên tòa đang xét xử vụ án của những chuyến bay giải cứu chấn động thiên kinh địa nghĩa hay không? Tính biện chứng giữa nguyên nhân và hậu quả là như thế nào?
Ngày 14 tháng 7 năm 2023