Theo bài báo của tờ Bloomberg hôm 15/7, Trung Quốc và Nga tiến hành các cuộc tập trận chung vào năm 2022 với quy mô lớn hơn so với hai thập kỷ trước, làm dấy lên lo ngại về khả năng leo thang chiến sự.
Trích dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc của Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ, báo Bloomberg cho hay, hai quốc gia trên đã thực hiện 6 cuộc tập trận quân sự chung vào năm ngoái, con số cao nhất trong 20 năm qua.
Con số này chiếm 2/3 tổng số cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc với các lực lượng vũ trang nước ngoài vào năm 2022, phần lớn diễn ra sau khi Nga phát động xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.
Theo bài báo, các lực lượng vũ trang của Syria và Iran đã tham gia hai trong số các cuộc tập trận chung này.
Hôm 16/7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết một đội tàu hải quân Trung Quốc gồm 5 tàu chiến và 4 máy bay trực thăng trên tàu đã lên đường tham gia huấn luyện quân sự ở Biển Nhật Bản cùng với lực lượng hải quân và không quân Nga.
Trung Quốc, Nga, Iran tập trận hải quân chung tại Oman
Hai tàu chiến Nga tham gia cuộc tập trận đã được huấn luyện riêng với hải quân Trung Quốc hồi đầu tháng này tại Thượng Hải về diễn tập đội hình, liên lạc và cứu hộ trên biển.
Cũng chính những con tàu này đã đi qua Đài Loan và Nhật Bản trước khi cập cảng tại trung tâm tài chính Thượng Hải. Vì lẽ đó nên cả Đài Bắc và Tokyo phải để mắt đến các tàu tuần dương Nga.
‘Kỷ nguyên khủng hoảng mới’
Trong dự thảo báo cáo quốc phòng thường niên, Nhật Bản đã nêu quan ngại về hợp tác quân sự của Trung Quốc với Nga, cáo buộc rằng Bắc Kinh và Moscow đã thực hiện 5 chuyến bay hợp tác ném bom chung gần nước này kể từ năm 2019.
Ấn phẩm cũng cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế đã bước vào “kỷ nguyên khủng hoảng mới” do cuộc xung đột kéo dài của Nga ở Ukraine, vốn đã làm xáo trộn trật tự quốc tế trên khắp châu Âu và châu Á.
“Nga dường như đã chịu thiệt hại đáng kể về các lực lượng quân sự thông thường của mình, khiến sức mạnh quốc gia của họ [vốn có khả năng cao hơn] có thể suy giảm trong trung và dài hạn và cán cân quân sự với các nước láng giềng có thể thay đổi”, báo cáo viết.
Chỉ vài ngày trước khi Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24/2/2022, Điện Kremlin và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuyên bố hợp tác “không giới hạn”. Kể từ đó, ĐCSTQ đã kiềm chế không lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, viện dẫn “những lo ngại chính đáng của Nga về các vấn đề an ninh” để biện minh.
Theo tuyên bố chung Trung – Nga, Nga sẽ công nhận Đài Loan là “một phần không thể tách rời của Trung Quốc” và sẽ phản đối nền độc lập của Đài Loan “dưới mọi hình thức”, trong khi ĐCSTQ ủng hộ việc Nga phản đối sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm dấy lên đồn đoán rằng nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình có thể nối bước Tổng thống Nga Vladimir Putin và tiến hành xâm lược Đài Loan. Vào tháng 1/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) cũng cảnh báo rằng Trung Quốc “có nhiều khả năng” sẽ thực hiện một hành động quân sự chống lại hòn đảo này vào năm 2027. Ông Ngô cho hay, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể coi việc gây hấn với Đài Loan là một cách để lại di sản từ nhiệm kỳ thứ ba của ông.
“Đối với tôi, năm 2027 là năm mà chúng ta cần đề phòng… vì tình hình quyền lực trong nước ở Trung Quốc”, ông Ngô Chiêu Nhiếp nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với đài Sky News vào ngày 18/1.
“Năm 2027, ông Tập Cận Bình có thể sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ tư. Và nếu trong ba nhiệm kỳ trước, ông ấy không thể tuyên bố bất kỳ thành tích nào trong khi cầm quyền, thì ông ấy có thể cần nghĩ về điều gì đó khác để ông ấy tuyên bố là thành tích hoặc di sản của mình”, ông nói thêm.
Ông Ngô Chiêu Nhiếp cũng chỉ ra tình hình nguy cấp mà chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt.
“Nếu quý vị nhìn vào tình hình Trung Quốc lúc này, nền kinh tế đang đi xuống. Người dân không hạnh phúc; kinh doanh bất động sản dường như đang trên đà sụp đổ”.
“Nếu ông Tập Cận Bình không thể thay đổi tình hình trong nước ở Trung Quốc, thì [ông ấy] có thể muốn sử dụng vũ lực hoặc tạo ra một cuộc khủng hoảng bên ngoài để chuyển hướng sự chú ý trong nước hoặc để cho người dân Trung Quốc thấy rằng ông ấy đã đạt được thành tựu gì đó”.
Hôm 6/7, ông Tập đã thị sát Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động ở các khu vực như Eo biển Đài Loan, đồng thời thúc giục quân đội “tăng cường lập kế hoạch chiến tranh và tác chiến” để tăng cơ hội chiến thắng trong thực chiến.
Phát biểu tại một sự kiện tại Đại học Georgetown ở Washington hôm 2/2, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns cho biết, Trung Quốc đại diện cho “thách thức địa chính trị lớn nhất” mà Hoa Kỳ hiện đang phải đối mặt và sự cạnh tranh toàn cầu với ĐCSTQ có thể “dữ dội hơn” so với Liên Xô.
“Cạnh tranh với Trung Quốc là độc nhất về quy mô, và quý vị biết đấy, cạnh tranh thực chất diễn ra trên mọi lĩnh vực, không chỉ ở phương diện quân sự và ý thức hệ, mà cả trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ, mọi thứ từ không gian mạng, cho đến cả không gian vũ trụ. Đó là một cuộc cạnh tranh toàn cầu theo những cách thậm chí còn khốc liệt hơn so với cuộc cạnh tranh với Liên Xô”, ông nói.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch