Tin thế giới sáng thứ Ba: 17 UAV tấn công Crimea, kho đạn dược Nga bị nổ

17 UAV tấn công Crimea, kho đạn dược Nga bị nổ

17 UAV tấn công Crimea, kho đạn dược Nga bị nổ
Vụ nổ kho đạn do hỏa hoạn tại thao trường huấn luyện quân sự ở quận Kirovsky của Crimea vào ngày 19 tháng 7 năm 2023. (Ảnh: VIKTOR KOROTAYEV/Kommersant Photo/AFP via Getty Images)

Thêm một kho đạn nữa của lực lượng Nga tại Crimea bị tấn công. Quan chức Nga tại Crimea cáo buộc Ukraine đã dùng máy bay không người lái (UAV) tấn công một kho đạn dược ở thành phố Dzhankoi.

Thống đốc Crimea do Nga bổ nhiệm Sergey Aksyonov thông báo trên Telegram: “Chúng tôi quyết định sơ tán cư dân ở các ngôi làng trong bán kính 5 km quanh nơi xảy ra tình huống khẩn cấp ở quận Dzhankoi. Họ sẽ được chuyển tới các trung tâm cư trú tạm thời”.

Chưa rõ kho đạn dược bị máy bay không người lái tấn công trực tiếp hay bị thiệt hại vì mảnh vỡ rơi xuống.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Ukraine triển khai 17 UAV tấn công bán đảo Crimea. Trong đó, 14 UAV Ukraine bị lực lượng tác chiến điện tử ép lao xuống đất và 3 chiếc bị phòng không bắn hạ.

Phía Nga còn cho biết có 1 UAV rơi xuống tòa nhà dân sự nhưng chưa có thông tin về thương vong.

Đây là cuộc tấn công thứ hai nhằm vào kho đạn của Nga ở Crimea chỉ trong vòng ba ngày qua. Trước đó, hôm 22/7, 1 UAV đã gây ra vụ nổ ở kho đạn miền trung bán đảo Crimea. Ít nhất 2000 người ở khu vực lân cận đã phải sơ tán vì lý do an toàn.

Nga có một căn cứ không quân ở Dzhankoi. Giới chức Ukraine nói rằng thành phố này và khu vực xung quanh đã biến thành căn cứ quân sự lớn nhất của Nga trên bán đảo Crimea. Năm 2014, Nga sáp nhập Crimea sau khi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mà phương Tây và Ukraine bác bỏ.

Sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, bán đảo Crimea thường xuyên trở thành đích đến của các cuộc tập kích. Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolai Patrushev đầu tháng 7 cho biết Ukraine hơn 70 lần dùng UAV tập kích Crimea. Dù vậy Kyiv hầu như đều phủ nhận liên quan.

Viên Minh (Tổng hợp)

Gần 200 khu học chánh của Mỹ kiện Facebook, TikTok, Snapchat và YouTube

(Nguồn: Tada Images/ Shutterstock)

Hiện nay có gần 200 khu học chánh của Mỹ đang tham gia các vụ kiện chống lại các công ty mẹ của Facebook, TikTok, Snapchat và YouTube; đồng thời, có hàng trăm gia đình cáo buộc mạng xã hội gây hại cho con cái họ.

Theo WSJ, luật sư của các nguyên đơn đang đại diện cho các hội đồng trường học trên khắp nước Mỹ trong vụ kiện chống lại các công ty truyền thông xã hội, cáo buộc ứng dụng của họ dẫn đến các vấn đề về kỷ luật lớp học và sức khỏe tâm thần, gây lãng phí nguồn lực dành cho giáo dục. Các vụ kiện đã được hợp nhất tại Tòa án Quận ở Oakland, California.

Các khu học chánh cho biết, giáo viên và quản trị viên bị lãng phí thời gian quý báu để giải quyết vấn đề bắt nạt trên mạng và các vấn đề kỷ luật khác, phải bổ sung các chính sách đào tạo mới về việc sử dụng mạng xã hội và tư vấn cho thanh thiếu niên nghiện ứng dụng trực tuyến dẫn đến lo lắng, trầm cảm hoặc có ý định tự tử.

Thành viên Jill Adams của hội đồng quản trị Khu học chánh Tumwater ở bang Washington, cho biết: “Hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng mạng xã hội nằm ngoài tầm kiểm soát. Tôi nghĩ chúng ta nên có một số quỹ để giúp đỡ các em”. Hội đồng đã bỏ phiếu với kết quả thông qua 3-2 để tham gia vụ kiện. Các thành viên hội đồng bất đồng cho biết vụ kiện đã chuyển trách nhiệm từ phụ huynh vào học khu, làm như vậy đã vượt quá thẩm quyền của mình.

Các khu học chánh và gia đình đã đệ đơn kiện cho hay rằng các công ty truyền thông xã hội để cho các bên thứ 3 công bố các sản phẩm gây nghiện, cung cấp nội dung gây tổn hại cho thanh thiếu niên, không đủ điều kiện để được bảo vệ theo Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp (Communications Decency Act).

Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1996, quy định các công ty Internet nói chung không chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung của bên thứ 3 trên trang web của họ. Luật này đã thúc đẩy phát triển các nền tảng truyền thông xã hội lớn như Facebook và YouTube.

Công ty mẹ của Facebook là Meta Platforms, công ty mẹ của Snapchat là Snap, công ty mẹ của Google là Alphabet, và công ty mẹ của TikTok là ByteDance đều đưa ra các động thái bác bỏ vụ kiện, cho rằng những thiệt hại mà các nguyên đơn cáo buộc vẫn được bảo vệ theo Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp.

Trong một cuộc họp chung vào tháng trước, các công ty cho biết: “Những thiếu sót bị cáo buộc chắc chắn liên quan đến việc xuất bản nội dung của bên thứ ba”. Họ lập luận rằng việc cho phép những vụ kiện như vậy sẽ mở ra cơ hội cho nhiều vụ kiện hơn, buộc các dịch vụ trực tuyến phải hạn chế luồng thông tin để tránh trách nhiệm pháp lý.

Các công ty cũng phủ nhận cáo buộc họ đã bỏ qua những mối nguy hiểm mà trẻ em phải đối mặt trực tuyến.

Với hơn 13.000 khu học chánh ở Mỹ, số lượng nguyên đơn có thể sẽ tiếp tục tăng. Luật sư William Shinoff tại công ty luật Frantz (Frantz Law Group) ở California, cho biết ông đã tham dự hơn 100 cuộc họp hội đồng quản trị, công ty của ông đã ký vào bản cáo trạng với 500 học khu.

Gần đây, nhiều vụ kiện quấy rối cộng đồng đã được đưa ra đối với các công ty thuốc lá điện tử như Juul Labs, chính sách tương tự cũng đúng với các công ty truyền thông xã hội. Công ty thuốc lá điện tử Juul bị buộc tội tiếp thị các sản phẩm gây nghiện cho trẻ em và thanh thiếu niên, đã đồng ý trả 1,7 tỷ USD trong một thỏa thuận pháp lý hòa giải liên quan hơn 5.000 vụ kiện từ các khu học chánh.

“Tôi không thể thay đổi luật và tôi không thể tống bất kỳ ai vào tù, nhưng những gì chúng tôi có thể làm là kiện họ trong một vụ kiện lớn và cố gắng bắt họ phải trả rất nhiều tiền”, luật sư Jonathan Kieffer của Missouri nói với hội đồng Trường Công lập Brevard (Brevard Public Schools) của Florida trong một cuộc họp báo về vụ kiện mạng xã hội vào tháng 5. Hội đồng sau đó đã bỏ phiếu nhất trí đệ đơn kiện.

Thành viên Carl Persis của hội đồng trường Quận Volusia của Florida cho biết, hội đồng quyết định tham gia vụ kiện vì họ thấy có cơ hội giải quyết các tệ nạn trên mạng xã hội.

Đồng thời, có 200 người dùng mạng xã hội hoặc người đại diện của họ đã đệ đơn kiện tương tự chống lại các công ty công nghệ, vụ kiện đang chờ thụ lý tại cùng một tòa án liên bang.

Các vụ kiện riêng lẻ nhằm mục đích buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về lỗi hoặc sơ suất trong thiết kế sản phẩm, trong trường hợp vụ kiện cáo buộc từ các trường học bị bác bỏ thì vụ kiện của họ vẫn có thể tiếp tục được thụ lý.

Các nguyên đơn tiêu biểu ví dụ như cha mẹ của một thiếu niên mắc chứng biếng ăn nghiêm trọng đã sử dụng Instagram từ năm 12 tuổi, mẹ của một cậu bé 16 tuổi đã tự bắn mình bằng súng lục ổ quay sau khi đăng video “Cò quay Nga” (Russian Roulette) trên Snapchat…

Có thể kể cha mẹ một nạn nhân đã thành công trong một vụ án tương tự. Vào tháng 5/2021, Tòa phúc thẩm Vòng 9 của Mỹ cho biết vụ kiện Snapchat được tiếp tục, vụ kiện do cha mẹ của hai cậu bé đệ trình, hai cậu bé đã chết trong một vụ va chạm ô tô ở tốc độ hơn 100 dặm/giờ. Các bậc cha mẹ kiện Snapchat vì vấn đề thiết kế sản phẩm, do các cậu bé đã sử dụng tính năng bổ sung của Snapchat cho phép người dùng ghi lại tốc độ lái xe của họ trong khi quay video.

Theo Phù Nhược, Epoch Times

Hoa Kỳ ngừng viện trợ cho Campuchia sau khi ông Hun Sen lại tuyên bố thắng áp đảo trong cuộc bầu cử

Hoa Kỳ ngừng viện trợ cho Campuchia sau khi ông Hun Sen lại tuyên bố thắng áp đảo trong cuộc bầu cử
Thủ tướng Campuchia Hun Sen giơ ngón trỏ cho thấy ông đã bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở tỉnh Kandal trong cuộc tổng tuyển cử hôm 23/07/2023. (Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP qua Getty Images)

Chính phủ Tổng thống Biden tuyên bố họ sẽ đình chỉ một số chương trình viện trợ ngoại quốc ở Campuchia sau khi Đảng Nhân Dân Campuchia (CPP), do Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo, tuyên bố giành chiến thắng vang dội trong một cuộc bầu cử có kết quả nghiêng hẳn về một bên khác hôm 23/07.

Kết quả sơ bộ từ Ủy ban Bầu cử Quốc gia cho thấy CPP giành được 125 ghế, trong khi đảng ủng hộ chế độ quân chủ FUNCINPEC giành được năm ghế. Theo RFA, FUNCINPEC là một trong 16 bên được CPP cho phép tranh cử. Tuy nhiên, do các hành động của CPP nhằm bóp nghẹt bất kỳ tiếng nói đối lập chính trị nào bằng việc đe dọa và các thủ đoạn khác, nên không bên nào trong số đó được cho là sẽ thực sự thách thức CPP.

Hồi tháng Năm, Đảng Ánh Nến của Campuchia, đảng đối lập chính ở nước này với tư cách là đối thủ duy nhất của CPP, đã bị ủy ban bầu cử do CPP chỉ định này truất quyền tham gia vì không nộp các tài liệu ghi danh “thích hợp.” Đảng Ánh Nến cho biết việc truất quyền tham gia này có động cơ chính trị. Đảng Đại Quốc Khmer Thống Nhất (KNUP) cũng bị truất quyền tham gia.

Các kết quả chính thức của cuộc bầu cử dự kiến sẽ được công bố từ ngày 09/08 đến ngày 04/09, theo tin tức địa phương.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller tuyên bố các cuộc bầu cử của nước này là “không tự do và cũng không công bằng,” do những đe dọa và quấy rối mà phe đối lập chính trị, giới truyền thông, và các tổ chức dân sự phải đối mặt trước thềm các cuộc bỏ phiếu.

Ông Miller nói trong một tuyên bố: “Những hành động này đã tước đi tiếng nói và sự lựa chọn của người dân Campuchia để xác định tương lai của đất nước họ.

Ông Miller tuyên bố rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ áp đặt các hạn chế thị thực đối với những người Campuchia mà họ tin rằng đã phá hoại nền dân chủ, nhưng ông không tiết lộ danh tính của các cá nhân phải chịu những hạn chế này.

Ông kêu gọi CPP sử dụng chiến thắng của mình để cải thiện vị thế quốc tế của nước này, bao gồm cả việc khôi phục nền dân chủ đa đảng, chấm dứt các phiên tòa có động cơ chính trị, đảo ngược bản án của những người chỉ trích chính phủ, và cho phép các hãng thông tấn độc lập hoạt động mà không bị can thiệp.

Cùng với Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và các quốc gia phương Tây khác đã từ chối cử quan sát viên đến các điểm bỏ phiếu, nói trước ngày bỏ phiếu rằng cuộc bầu cử này thiếu các điều kiện để được xem là tự do và công bằng. Điều đó khiến các quan chức quốc tế từ phía Nga, Trung Quốc, và Guinea-Bissau phải đến theo dõi.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (ở giữa bên trái) bắt tay với Thủ tướng Guinea-Bissau Nuno Gomes Nabiam sau khi ông Hun Sen bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở tỉnh Kandal trong cuộc tổng tuyển cử hôm 23/07/2023. (Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP qua Getty Images)
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (ở giữa bên trái) bắt tay với Thủ tướng Guinea-Bissau Nuno Gomes Nabiam sau khi ông Hun Sen bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở tỉnh Kandal trong cuộc tổng tuyển cử hôm 23/07/2023. (Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP qua Getty Images)

Ông Hun Sen lên kế hoạch cho con trai thừa kế quyền lực

Ông Hun Sen, 70 tuổi, nổi tiếng là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất ở châu Á, đã cai trị Campuchia trong gần bốn thập niên kể từ năm 1998. Trước đó, ông đã tiết lộ cho truyền thông nhà nước Trung Quốc biết rằng ông có kế hoạch chuyển giao chức vụ thủ tướng cho con trai cả Hun Manet của ông trong vòng ba tuần sau khi tái đắc cử.

Ông Hun Manet, 45 tuổi, là tư lệnh quân đội Campuchia. Ông tốt nghiệp trường West Point với một tấm bằng thạc sĩ của Đại học New York và tấm bằng tiến sĩ của Đại học Bristol ở Vương quốc Anh.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn địa phương Phnom Penh Post hôm 21/07, ông Hun Sen nói rằng ông sẽ đòi lại vị trí lãnh đạo đất nước nếu con trai ông không đáp ứng được kỳ vọng đặt ra cho vai trò này.

“Nếu con trai tôi không đáp ứng được kỳ vọng … tôi sẽ lại đảm đương vai trò thủ tướng của mình,” ông nói.

Khi được hỏi liệu con trai ông có thể điều hành đất nước do cộng sản cai trị theo cách khác hay không, ông Hun Sen vừa cười vừa trả lời: “Theo cách nào? Bất kỳ sự khác biệt nào như vậy đều có nghĩa là phá vỡ hòa bình và hủy hoại những thành tựu của thế hệ cũ.”

‘Trò hề bầu cử’

Ông Ros Sotha, Giám đốc điều hành của Liên minh Hành động Nhân quyền Campuchia, nói với RFA từ các điểm bỏ phiếu rằng ông và nhóm của mình đang theo dõi xem cử tri có nêu ra những lo ngại về các lựa chọn trên lá phiếu của họ.

Ông nói: “Phản ứng không hài lòng của người dân dường như là do việc đảng đối lập chính vắng mặt trong cuộc bầu cử.”

Cựu lãnh đạo phe đối lập đang sống lưu vong Sam Rainsy, người đồng sáng lập Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), đã mô tả cuộc bầu cử này là một “trò hề bầu cử,” lưu ý rằng Campuchia chỉ có một cuộc bầu cử công bằng kể từ năm 1975 — cuộc bầu cử do Liên Hiệp Quốc giám sát năm 1993 chứng kiến sự thất bại của CPP.

“Họ có thể không đạt được gì ngoài việc tạo ra tính hợp pháp cho một trò hề bầu cử mà hiểu theo cách tốt nhất là bóp méo nguyện vọng của người dân và, tệ nhất là đảo ngược nó. Đây là sự phụng sự tồi tệ nhất có thể được trao cho người dân Campuchia,” ông Rainsy viết trong một bài báo đăng trên Nikkei Asia hôm 09/05.

Trong một bài đăng trên Twitter hôm 23/07, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến số lượng phiếu bầu bị hỏng trong kết quả bầu cử, lưu ý rằng nhiều người dân địa phương đang kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp vào các lá phiếu của họ.

Voters writing calls for help from the United Nations on their ballot papers. #Cambodia pic.twitter.com/CQNphDZyGj

— Rainsy Sam (@RainsySam) July 23, 2023

Ông Rainsy đã sống lưu vong ở Pháp từ năm 2015 để tránh phải ngồi tù vì nhiều tội danh phỉ báng. Năm 2017, một tòa án đã giải tán đảng CNRP của ông sau khi đảng này bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ của ông Hun Sen. Năm 2021, ông bị kết án 25 năm tù.

Đảng Ánh Nến là một phiên bản cải cách của Đảng Sam Rainsy, vốn cũng bao gồm các cựu thành viên của CNRP. Đảng này đã là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công ở Campuchia. Tháng 10/2022, một người ủng hộ Đảng Ánh Nến được cho là đã bị một kẻ tấn công không rõ danh tính bắn hạ giữa ban ngày.

Cẩm An biên dịch

Related posts