Vụ chuyến bay giải cứu: Bị cáo duy nhất bị đề nghị tử hình có thoát án tử hình?
Bị cáo Phạm Trung Kiên nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng trước đó đã bị VKS đề nghị tuyên tử hình vào phiên xét xử hôm 17/7.
Đã khắc phục hơn 42 tỷ đồng
Chiều ngày 24/7, báo Vietnamnet dẫn lời luật sư Hà Mạnh Huy, một trong 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), cho biết người nhà của bị cáo đã nộp thêm 7 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án ”chuyến bay giải cứu”.
Trước đó, bị cáo Kiên và gia đình đã nộp lại 23 tỷ đồng. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, truy tố, bị cáo Kiên đã trả lại các doanh nghiệp hơn 12 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền đã khắc phục là hơn 42 tỷ đồng.
Bị cáo Kiên có thoát án tử hình?
Theo cáo trạng, từ tháng 2-12/2021, bị cáo Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ khác với tổng số tiền 42,6 tỷ đồng – là bị cáo nhận nhiều tiền nhất trong vụ án.
Trong phần luận tội ngày 17/7, đại diện VKS xác nhận thời điểm này, bị cáo Phạm Trung Kiên và gia đình đã nộp 15 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nên đề nghị tuyên tử hình bị cáo Kiên vì tội Nhận hối lộ.
Tuy nhiên, đến nay, bị cáo Kiên đã nộp được hơn 42 tỷ đồng trong số 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ, liệu có thoát án tử hình?
Theo Điểm c, Khoản 3, Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi 2017, quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc trường hợp:
“Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Khoản 4, Điều 40 của Bộ Luật này quy định trong trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 40 hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm “thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân”.
Như vậy, bị cáo Kiên đã khắc phục gần hết số tiền nhận hối lộ, nên sẽ được xem xét giảm nhẹ tội. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn do HĐXX.
Theo lịch công bố, tòa sẽ tuyên án các bị cáo vào 14h thứ Sáu, ngày 28/7.
Phạm Toàn
Đường dây cho vay nặng lãi 20,000 tỷ đồng của người Trung Quốc bị phát hiện
Với đường dây cho vay nặng lãi do người Trung Quốc chủ mưu, công an tỉnh Quảng Nam xác định tổng số tiền cho vay tính đến thời điểm bị bắt giữ là 20.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 8.000 tỷ đồng.
Ngày 24/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Cưỡng đoạt tài sản; Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”; quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 45 người có hành vi phạm tội liên quan.
Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện nhiều người dân tại tỉnh này và các tỉnh thành khác bị dẫn dụ cài đặt các App vay tiền nhanh để vay tiền với lãi suất cao.
Bước đầu xác định từ tháng 12/2020 đến tháng 7/2023, nhóm người Trung Quốc chủ mưu, câu kết với người Việt Nam sử dụng nhiều pháp nhân thương mại “ma” để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất 2.346,4%/năm cho trên 1 triệu người thông qua ứng dụng “Great Vay” trên điện thoại di động (trong đó có nhiều ứng dụng nhỏ hơn như Abc Tien, cashGo, Like Tiền, Vi Dong…) và liên kết lưu trữ dữ liệu người vay tại website có địa chỉ https://xxxxxx.com đặt tại sever của Alibaba Cloud Singapore.
Để che giấu hành vi cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, nhóm thành lập hàng chục công ty “ma”, sử dụng hàng nghìn tài khoản ngân hàng để luân chuyển dòng tiền qua lại nhằm mục đích “rửa tiền”, “chuyển tiền trái phép qua biên giới”. Cùng với đó, họ còn sử dụng hoạt động đòi nợ theo kiểu xã hội đen…
Cơ quan An ninh điều tra đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp đối với 3 công ty thanh toán trung gian và 28 địa điểm đồng thời triệu tập 60 người có liên quan để làm việc.
Lực lượng chức năng thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan gồm 2 xe ô tô, 1 xe mô tô phân khối lớn, phong tỏa giao dịch 11 bất động sản (trị giá trên 70 tỷ đồng), hơn 100 máy tính, điện thoại các loại và nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng khác; phong tỏa 88 tài khoản ngân hàng với số tiền hơn 36 tỷ đồng.
Quá trình điều tra ban đầu xác định, tổng số tiền các nhóm phạm tội thông qua các công ty trung gian thanh toán tổ chức cho vay nặng lãi tính đến thời điểm bắt giữ là 20.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính trên 8.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhóm bị can đã tổ chức rửa tiền và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi Việt Nam với số tiền trên 5.000 tỷ đồng.
Phạm Toàn
Bộ Tài Chính và Chùa Ba Vàng tranh cãi về việc báo cáo tiền công đức
Chùa Ba Vàng không báo cáo vấn đề thu, chi tiền công đức và nêu lý do là không được yêu cầu. Trong khi đó, một quan chức thuộc Bộ Tài chính đã lên tiếng phản bác vấn đề này.
Ngày 23/7, truyền thông trong nước dẫn lời bà Vũ Thị Hải Yến – Phó vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết thông tin chùa Ba Vàng không báo cáo về vấn đề thu, chi tiền công đức là Bộ Tài chính báo cáo dựa trên báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh. Do đó, việc Chùa Ba Vàng nói không được yêu cầu báo cáo là không đúng.
Cụ thể vào ngày 23/5, UBND TP. Uông Bí ra văn bản về việc kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử- văn hóa, đình chùa trên tại thành phố. Ban Trị sự Chùa Ba Vàng là một trong những nơi nhận văn bản này do UBND TP. Uông Bí gửi đi.
Một nội dung trong văn bản gửi cho Ban Trị sự Chùa Ba vàng là trước ngày 15/6 phải có báo cáo nội dung quản lý tiền công đức tại chùa này.
Vào ngày 21/7 vừa qua, Bộ Tài chính gửi báo cáo đến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái của Chính phủ Hà Nội về kết quả thực hiện thí điểm công tác kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử- văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, và đề xuất kế hoạch kiểm tra tương tự trên phạm vi toàn quốc.
Trong báo cáo của Bộ Tài chính, Chùa Ba Vàng là một trong hơn 50 di tích không có dữ liệu báo cáo.
Chùa Ba Vàng liền có thông báo cho rằng không có đoàn điểm tra nào đến cơ sở này để trực tiếp kiểm tra việc thu, chi tiền công đức, cũng như không hề nhận được văn bản nào yêu cầu Chùa Ba Vàng nộp báo cáo thu, chi tiền công đức.
Ban Trị sự Chùa Ba Vàng trong thông báo còn nói báo chí Nhà nước đưa tin về việc cơ sở này không báo cáo thu, chi tiền công đức là hoàn toàn sai sự thật, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Chùa Ba Vàng nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung.
Chùa Ba vàng do ông Thích Trúc Thái Minh đứng đầu. Ông được nhiều người biết đến trong vụ cúng “oan gia trái chủ” bị báo chí phát giác hồi năm 2019. Báo Nhà nước đã có những điều tra được công bố công khai, xác định chùa Ba Vàng đã tổ chức “giải vong” cho hàng ngàn người, thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng từ người đến “thỉnh vong”.
Sau khi vụ việc bị phát giác, ông Thích Trúc Thái Minh đã bị bãi nhiệm tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và phải sám hối đại tăng.
Vào năm 2022, Chùa Ba Vàng lại gây “bão” trên mạng xã hội nhân ngày lễ Vu lan báo hiếu được tổ chức tại chùa.
Các hình ảnh và video cho thấy Đại đức Thích Trúc Thái Minh cùng các đệ tử liên tục gom tiền cúng dường của các phật tử nhân lễ này.
Sau đó, giới chức thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, đã yêu cầu gỡ những video hoạt động cúng dường ở chùa Ba Vàng khỏi mạng xã hội vì gây ảnh hưởng không tốt.Chùa Ba Vàng.
Khánh Vy