Tin VN sáng thứ Năm: Lừa đi XKLĐ, GĐ công ty xây dựng chiếm đoạt tiền của hàng trăm nạn nhân

Kon Tum: Chi 13 tỷ đồng mua máy kiểm định sâm Ngọc Linh nhưng ‘ế’ khách

Nhằm phân biệt sâm Ngọc Linh thật hay giả, tỉnh Kon Tum chi 13 tỷ đồng đầu tư thiết bị kiểm định. Tuy nhiên, hiện chưa có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đến liên hệ, gửi mẫu đến để phân tích, kiểm định sâm. (Ảnh: baokontum.com.vn)

Nhằm phân biệt sâm Ngọc Linh thật giả, tỉnh Kon Tum chi 13 tỷ đồng đầu tư thiết bị kiểm định. Tuy nhiên, hiện chưa có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đến liên hệ, gửi mẫu đến để phân tích, kiểm định sâm.

Hồi tháng 12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho biết tỉnh đã quyết định đầu tư mua sắm hệ thống máy móc thiết bị, dụng cụ vật tư hóa chất để phân tích ADN sâm Ngọc Linh; phân tích hàm lượng saponin và các hoạt chất sinh học khác trong sâm Ngọc Linh.

Việc làm trên nhằm phân biệt sâm Ngọc Linh thật giả; bảo vệ thương hiệu “Quốc bảo sâm Ngọc Linh”.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 624/QĐ-UBND phê duyệt dự án Cải tạo, sửa chữa phòng thí nghiệm, kiểm định và mua sắm thiết bị tại Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học và công nghệ (gọi tắt “Trung tâm”, trực thuộc Sở KH&CN) với tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thiết bị là hơn 8,3 tỷ đồng.

Báo cáo số 589 ngày 6/7/2023 của Sở KH&CN (chủ đầu tư dự án) cho biết, đến ngày 28/2/2023, đơn vị đã hoàn thành các khâu đầu tư, mua sắm trang thiết bị của hai hệ thống, gồm Hệ thống thiết bị phục vụ tách chiết, nhân bản, kiểm tra ADN (có 25 thiết bị chủ yếu) và Hệ thống thiết bị kiểm định thành phần hoạt chất sinh học saponin sâm Ngọc Linh (với 11 thiết bị chủ yếu).

Hiện nay, cả hai hệ thống này đã được bàn giao cho Trung tâm quản lý, vận hành.

Trung tâm cũng đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp và Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đào tạo 4 cán bộ về vận hành thiết bị; chuyển giao quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định ADN sâm Ngọc Linh và hàm lượng saponin trong sâm Ngọc Linh.

Đồng thời, Trung tâm phối hợp với hai doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh (đã được công nhận vườn sâm gốc) là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum để lấy mẫu sâm để phân tích, xây dựng bộ chỉ thị chuẩn, làm cơ sở phân biệt với các loại sâm khác.

Cũng theo đại diện Sở KH&CN, đến nay, hệ thống máy móc, thiết bị đã được trang bị đầy đủ; các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm làm chủ được 2 quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định phục vụ phân biệt sâm Ngọc Linh thật giả.

Tuy nhiên, cả hai hệ thống đang trong tình trạng “ế ẩm” vì không có khách hàng.

Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII, hồi đầu tháng 7/2023, lãnh đạo Sở KH&CN thừa nhận tình trạng “ế ẩm” trên.

Đại diện Sở cho biết hiện chưa có đánh giá cụ thể về nguyên nhân “ế ẩm”.

Để tháo gỡ, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định 2350/UBND-KTTH, yêu cầu Sở KH&CN “khẩn trương sớm hoàn thành việc xây dựng biểu phí, giá dịch vụ và quy trình kiểm định, xét nghiệm đối với sản phẩm củ sâm Ngọc Linh”“tổ chức thông tin rộng rãi bằng nhiều hình thức phù hợp để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết Trung tâm đã hoàn thành việc trang bị máy móc, thiết bị và làm chủ quy trình kỹ thuật, vận hành; đủ năng lực và điều kiện cung cấp dịch vụ xét nghiệm, kiểm định để xác định sâm Ngọc Linh thật, giả”.

Kon Tum hiện có trên 1.730 ha sâm Ngọc Linh, tập trung ở huyện Tu Mơ Rông. Đây cũng là vựa sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới. Chính vì sâm quý hiếm nên các tổ chức, cá nhân tìm đủ chiêu trò để trục lợi.

Đó là tình trạng gắn mác sâm Ngọc Linh cho các loại củ có vẻ ngoài giống sâm Ngọc Linh như Tam Thất, sâm Trung Quốc, sâm Lai Châu để bán cho khách với giá trên trời; làm khống bản xác nhận có liên kết trồng sâm với dân hay lợi dụng giấy xác nhận vùng trồng, liên kết để mang đi mua bán, kinh doanh…

Minh Long

Vụ nữ sinh Trường HUFLIT bị xâm hại: Cựu admin UEH Confessions hầu tòa

Tòa án quân sự quân khu 7. (Ảnh: google-maps)

Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt em Nguyễn Lê Tấn Tài 12 tháng cải tạo không giam giữ, liên quan đến vụ nữ sinh Trường HUFLIT bị xâm hại khi học quân sự.

Em Nguyễn Lê Tấn Tài (SN 2004) bị Tòa án Quân sự Quân khu 7 xét xử sơ thẩm về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính” vào hôm 26/7.

Em Tài bị cáo buộc đưa tin sai sự thật vụ “nữ sinh Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM (HUFLIT) đang học giáo dục quốc phòng – an ninh tại Trường Quân sự Quân khu 7 nhảy lầu tự tử do bị xâm hại”

Theo cáo trạng, em Tài là quản trị viên của fanpage UEH Confessions. Khoảng 0h30 ngày 11/1/2023, Tài dùng máy tính chỉnh sửa bài viết do người không rõ lai lịch gửi đến.

Nội dung bài viết “bịa đặt” về việc tại Trường Quân sự Quân khu 7 xảy ra vụ hiếp dâm nữ sinh viên học giáo dục quốc phòng, an ninh vào lúc 22h30 ngày 10/1 tại Đại đội 6, Tiểu đoàn 3, Trung tâm giáo dục Quốc phòng và An ninh (Trường Quân sự Quân khu 7) và nhiều vụ việc hiếp dâm trước đây.

Tài đăng tải bài viết lên fanpage UEH Confessions lúc 19h ngày 11/1/2023. Dù sau đó Tài đã xóa bài đăng nhưng bài viết đã có hàng trăm nghìn lượt tương tác, gây hoang mang dư luận.

Đại diện VKS Quân khu 7 cho rằng hành vi của Tài trực tiếp xâm phạm đến quy định về quản lý môi trường mạng, làm giảm uy tín của Trường Quân sự Quân khu 7, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, uy tín của quân đội.

Xem xét vụ án, HĐXX tuyên phạt Tài 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Trước đó, tối ngày 11/1, các mạng xã hội Facebook, Zalo lan truyền 2 nữ sinh viên của Trường HUFLIT bị xâm hại tình dục tập thể trong thời gian học quân sự tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng – an ninh Trường Quân sự Quân khu 7. Sau đó, 2 nữ sinh đã nhảy lầu tự tử, một người chết, một người bị thương nặng.

Kèm theo thông tin trên là 2 video, trong đó một video có tiếng la hét thất thanh của một người nữ và giọng quát của một người nam; video còn lại ghi lại cảnh một nhóm người đang khiêng một người đi từ bên ngoài vào trong một tòa nhà.

Ghi nhận riêng trên trình duyệt Google ở Việt Nam, hơn 200.000 lượt tìm kiếm cụm từ “HUFLIT quân sự”, đứng top 1 nhóm từ khóa trong ngày 11/1. Ngoài ra, các hashtags #baovesinhvienHUFLIT, #HuflitNgungBungBit, #ngưng_tẩy_trắng, #không_im_lặng, #Huflit lan truyền mạnh trên mạng xã hội.

Sau buổi làm việc vào sáng 12/1, chiều cùng ngày, Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM và Trường Quân sự Quân khu 7 tổ chức họp báo, khẳng định thông tin đang lan truyền dữ dội nói trên là sai sự thật.
Trang UEH Confessions là một diễn đàn có tiếng với giới trẻ trên mạng xã hội Facebook. Theo báo Thanh Niên, ban đầu thì đây chỉ là diễn đàn dành cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (tức UEH) được chia sẻ những điều khó nói; tuy nhiên sau đó, trang này trở nên phổ biến với giới trẻ khắp nơi. Phương thức hoạt động của các trang “confessions” là đăng ẩn danh. Tức là người có nhu cầu cần đăng bài sẽ gửi bài đăng và admin trang sẽ lựa chọn và đăng lên trang. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp ở một số trang, admin tự viết và tự đăng ẩn danh với nhiều mục đích khác nhau.

Minh Long

Lừa đi XKLĐ, GĐ công ty xây dựng chiếm đoạt tiền của hàng trăm nạn nhân

Bị can Phạm Viết Giáp tại cơ quan công an. (Ảnh: Công an Nghệ An)

Liên quan vụ lừa đi xuất khẩu lao động tại Úc và Hàn Quốc, hiện cơ quan công an đã làm việc với hơn 300 nạn nhân, còn khoảng 200 người nữa chưa rõ thông tin lai lịch.

Ngày 26/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã ra thông báo tìm người bị hại của vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra năm 2007-2008 tại tỉnh Nghệ An bằng hình thức lừa đi xuất khẩu lao động tại Úc và Hàn Quốc.

Trong hồ sơ vụ án thể hiện năm 2007, nhóm Phạm Viết Giáp (SN 1973, trú xã Hưng Đông, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An – Giám đốc Công ty cổ phần Thép xây dựng Nghệ An); Phạm Thị Thu (SN 1963, hiện ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) và Triệu Thúy Quỳnh (SN 1973, trú phường Yên Hòa, Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã cùng tham gia tư vấn, tuyển dụng, nhận tiền của người lao động để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Úc thông qua Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Công ty SONA).

Sau khi nộp tiền và trong thời gian làm thủ tục, người lao động được cho đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa tư nhân Thăng Long ở huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội Nhưng không được đi xuất khẩu lao động tại Úc theo lời hứa và cam kết.

Từ năm 2007 đến năm 2008, Phạm Viết Giáp tiếp tục cùng với nhóm 13 người môi giới ở các tỉnh thành như Nghệ An, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…, tổ chức tư vấn, làm thủ tục cho người lao động vào làm việc tại nhà máy thép của Công ty TNHH POSCO Việt Nam ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rồi đi sang lao động tại Hàn Quốc.

Trong thời gian làm thủ tục, người lao động được tổ chức học nghề hàn tại Trường Trung cấp nghề và Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tuy nhiên, sau khi nộp tiền và học nghề, người lao động cũng không được đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc như đã cam kết.

Theo cơ quan chức năng, nạn nhân của vụ án trên rải rác khắp 20 tỉnh thành trên cả nước.

Đến nay, cơ quan công an đã làm việc với hơn 300 nạn nhân trong vụ lừa đảo trên, còn khoảng 200 người nữa chưa rõ thông tin lai lịch.

Công an tỉnh Nghệ An thông báo ai là nạn nhân trong vụ án trên hãy đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An (địa chỉ xóm 13A, xã Nghi Kim, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) liên hệ với cán bộ Nguyễn Hồng Thành – Điều tra viên Đội 5, Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An, điện thoại số 0973.717.598 để cung cấp thông tin cho việc điều tra.

Ngọc Mai

Hà Giang: Không có tiền tiêu xài, anh trai bán em gái ruột sang Trung Quốc làm vợ

Các nghi phạm tại cơ quan công an. (Ảnh: congan.hagiang.gov.vn)

Bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ rồi bị trục xuất về Việt Nam vì không có giấy tờ tùy thân, nạn nhân tố giác nhóm người đã bán mình cùng 3 cô gái khác qua Trung Quốc vào năm 2009.

Ngày 25/7, thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Giang cho biết đang điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu tội phạm “Mua bán người dưới 16 tuổi” xảy ra cách đây 14 năm tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang).

Trước đó, ngày 12/7, chị L.T.C. (SN 1993, trú xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc) gửi đơn tố giác đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Giang về việc chị cùng 3 chị em khác cùng xã bị một nhóm người bán sang Trung Quốc làm vợ vào tháng 1/2009.

Chị C. bị một người đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ với giá 60.000 Nhân dân tệ (khoảng hơn 198 triệu đồng) và chị đã sinh được 2 người con.

Đầu năm 2023, cơ quan chức năng bên Trung Quốc kiểm tra, chị C. không có giấy tờ cá nhân nên bị trục xuất về nước. Ba người cùng đi với chị C. vẫn đang còn ở bên Trung Quốc và hiện không rõ ở đâu.

Nhận đơn tố giác của chị C., Công an tỉnh Hà Giang đã triệu tập Lầu Mí Chứ (SN 1979), Ly Mí Pó (SN 1978, cùng trú xã Khâu Vai) để xác minh.

Hai nghi phạm trên khai nhận khoảng tháng 1/2009 đã cùng với Sùng Mí Lử (trú thị trấn Mèo Vạc) đưa 4 cô gái gồm: L.T.C, Hờ Thị Pà, Lầu Thị Mỷ và Vừ Thị May sang Trung Quốc bán lấy tiền chia nhau tiêu xài.

Đáng nói, trong số 4 nạn nhân bị bán có Lầu Thị Mỷ là em gái ruột của Lầu Mí Chứ.

Hiện, cơ quan công an đang tạm giữ hình sự Lầu Mí Chứ, Ly Mí Pó, Sùng Mí Lử để tiếp tục điều tra.

Thạch Lam

Related posts