Tin VN sáng thứ Sáu: Từ 1/9, TP.HCM thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè, trừ đám cưới, ma chay

Thanh tra tài chính nửa đầu năm 2023: Hơn 43 nghìn tỷ đồng cần xử lý

Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra thuế là gần 37.500 tỷ đồng; 124/146 cán bộ vi phạm bị kiểm điểm rút kinh nghiệm. Ảnh minh họa: Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: quangninh.gov.vn)

Thanh tra trong nửa đầu năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị xử lý tài chính 43.029,5 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước trong kỳ là 8.380,3 tỷ đồng.

Tại hội nghị sơ kết công tác thanh tra tài chính vừa tổ chức đầu tháng 7/2023, ông Lê Viết Thắng – Trưởng phòng, Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Thanh tra Bộ Tài chính cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng cộng 31.579 cuộc thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện, kiểm tra 363.154 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan.

Cơ quan thanh tra kiến nghị xử lý tài chính 43.029,5 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi nộp 11.167,6 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 29.331,8 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 2.530 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) trong kỳ là 8.380,3 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thuế, số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 37.494,3 tỷ đồng. Trong đó, tiền truy thu, truy hoàn là 5.932,037 tỷ đồng; giảm lỗ là 28.060,632 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.065,66 tỷ đồng, ban hành 26.818 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2.435,99 tỷ đồng.

Số tiền đã nộp NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) là 6.092,63 tỷ đồng.

Với 384 cuộc kiểm tra nội bộ, toàn ngành thuế phát hiện 38 đơn vị vi phạm với số tiền thuế vi phạm là 13,733 tỷ đồng, số tiền đã thu nộp NSNN là 10,756 tỷ đồng. 146 cán bộ thuế vi phạm phát hiện qua kiểm tra bị kiến nghị xử lý hành chính, đã xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm 124 người.

Trong lĩnh vực hải quan, tổng số tiền kiến nghị truy thu là 68,074 tỷ đồng; ban hành 34 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 10,152 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN là 126,876 tỷ đồng (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính).

Qua 53 cuộc kiểm tra nội bộ (16 cuộc từ kỳ trước chuyển sang, 37 cuộc triển khai trong năm 2023), các đơn vị đã thu nộp NSNN 6,641 tỷ đồng.

Toàn hệ thống hải quan đã thực hiện 822 cuộc kiểm tra sau thông quan (trong đó có 314 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 508 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan), số tiền ấn định thuế là 260,688 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính là 63,905 tỷ đồng; đã thu vào NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) là 253,78 tỷ đồng.

Về điều tra chống buôn lậu, lực lượng kiểm soát hải quan toàn hệ thống phát hiện, bắt giữ và xử lý 6.540 vụ vi phạm với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính là 2.125,6 tỷ đồng; số tiền thu nộp NSNN là 294,5 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan Hải quan đã tiến hành khởi tố 12 vụ, 59 vụ được chuyển cơ quan khác khởi tố.

Trong lĩnh vực kho bạc Nhà nước, với 522 cuộc thanh tra, kiểm tra (gồm 440 cuộc theo kế hoạch và 82 cuộc đột xuất), tổng số tiền kiến nghị xử lý tài chính là 3,021 tỷ đồng. Trong đó, số tiền kiến nghị thu hồi là 971 triệu đồng; số tiền kiến nghị xử lý khác 2,05 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 65 triệu đồng. Các đơn vị đã thu nộp NSNN 389 triệu đồng.

Trong lĩnh vực dự trữ Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2023, các Cục Dự trữ nhà nước khu vực đã triển khai 69 cuộc kiểm tra.

Trong lĩnh vực chứng khoán Nhà nước, với 16 cuộc thanh tra, kiểm tra (9 cuộc theo kế hoạch và 7 cuộc đột xuất), UBCKNN đã ban hành 187 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 71 tổ chức và 116 cá nhân với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 18,353 tỷ đồng. 9 trường hợp (3 tổ chức và 6 cá nhân) vi phạm bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung; 2 trường hợp tổ chức công bố thông tin sai lệch bị yêu cầu khắc phục hậu quả.

Nguyễn Minh

Hà Nội: Ô tô lao lên vỉa hè tông 3 người ngồi uống trà đá, một người tử vong

Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: vtc.vn)

Đang di chuyển, bất ngờ ô tô mất lái lao lên vỉa hè ngay trước số nhà 165 Phạm Văn Đồng, tông vào 3 người đang ngồi uống trà đá, phải nhập viện cấp cứu.

Sáng ngày 27/7, Công an quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) cho biết đang phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ điều tra nguyên nhân vụ tai nạn trên đường Phạm Văn Đồng khiến một người tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện E.

Nạn nhân tử vong là anh N.M.T. (SN 1991, quê Thái Bình).

Trước đó, khoảng 20h55 ngày 26/7, xe ô tô 4 chỗ hiệu Toyota Camry màu đen mang BKS 29A-68.010 do tài xế Nguyễn Trọng V. (SN 1963, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) điều khiển đi trên đường Phạm Văn Đồng, hướng từ cầu Thăng Long – Bến xe Mỹ Đình.

Xe ô tô trên khi di chuyển đến số nhà 165 Phạm Văn Đồng thì bất ngờ mất lái, lao thẳng lên phía trước, va chạm với 1 xe máy rồi tiếp tục lao lên vỉa hè, đâm vào 3 người đang ngồi uống trà đá là N.M.T., V.H.L. và N.P.A. Cả 3 nạn nhân bị thương được đưa đến Bệnh viện E cấp cứu.

Sau tai nạn, đầu ô tô bị móp méo, nắp ca pô biến dạng. Các vật dụng của quán trà đá như ghế, cốc… vỡ vụn, văng khắp vỉa hè.

Cơ quan chức năng đã kiểm tra tài xế ô tô Camry. Kết quả người này không có chất ma túy, nồng độ cồn trong cơ thể.

Được biết, thời điểm xảy ra tai nạn, tài xế ô tô đang đi cùng vợ.

Đại diện Bệnh viện E cho biết vào lúc 21h15 ngày 26/7, Khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận 4 nạn nhân tai nạn giao thông, trong 4 bệnh nhân cấp cứu có 1 bệnh nhân bị thương nặng đã tử vong là anh N.M.T.

Nạn nhân T. vào viện trong tình trạng hôn mê, vết thương lóc da đầu thái dương đỉnh phải dài hơn 10cm chảy máu, biến dạng cẳng tay phải, bầm tím ngực phải, được chẩn đoán đa chấn thương: chấn thương sọ não, chấn thương tay phải, chấn thương ngực kín. Sau 1 giờ cấp cứu, bệnh nhân đã ngừng tim, tử vong.

Nạn nhân nữ (SN 2005) vào viện trong tình trạng tỉnh, xây xát đùi cẳng chân 2 bên, bầm tím mất vận động, sưng nề đùi 2 bên, được theo dõi và cố định tạm thời xương đùi 2 bên.

Nạn nhân nam (SN 2001) vào viện tỉnh, bầm tím cẳng chân, được sơ cứu ổn định và về nhà điều trị.

Nạn nhân nữ (SN 1975) là vợ tài xế ô tô gây tai nạn, ngồi ghế phụ, vào viện tỉnh, biến dạng khuỷu và cổ tay phải. Nạn nhân được nẹp cố định tạm thời cánh cẳng tay phải. Người nhà bệnh nhân xin chuyển Bệnh viện Việt Đức tiếp tục điều trị.

Ngọc Mai

VCPMC đề nghị thu hồi giấy phép biểu diễn của BlackPink tại Việt Nam

Nhóm nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc – BlackPink sẽ đến Việt Nam biểu diễn tại concert Born Pink ở Hà Nội vào ngày 29-30/7. (Ảnh: IME Vietnam/Facebook)

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đề nghị thu hồi giấy phép concert BlackPink tại Hà Nội do vi phạm bản quyền.

Trưa ngày 27/7, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết đã gửi văn bản tới UBND TP. Hà Nội, Sở Văn hóa – Thể thao, đề nghị thu hồi giấy phép đêm diễn của BlackPink vào đêm ngày 29 và 30/7 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Đề nghị này được đưa ra do Công ty TNHH Âm nhạc IME (Công ty IME – đơn vị tổ chức đêm diễn) đã vi phạm nghiêm trọng bản quyền tác giả; có hành vi đi ngược lại các cam kết với VCPMC và những chỉ đạo mà cơ quan chức năng quản lý nhà nước Việt Nam đã đề nghị Công ty IME thực hiện trước khi diễn ra chương trình.

Theo VCPMC, ngày 21/7, Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA) đã gửi thư tới VCPMC để khẳng định và yêu cầu VCPMC phối hợp chặn đứng hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc thuộc thành viên KOMCA trong chương trình biểu diễn của nhóm BlackPink tại Việt Nam.

KOMCA cũng gửi thư cho ông Đặng Đình Tâm, Chủ tịch Công ty IME, và ông Lim Kean Hwa, Giám đốc Công ty IME. Trong đó, Chủ tịch KOMCA khẳng định việc ủy quyền VCPMC theo thỏa thuận song phương giữa KOMCA/VCPMC được ký ngày 1/5/2009.

Trong đó, KOMCA trao cho VCPMC quyền độc quyền để cấp phép quyền biểu diễn trước công chúng đối với tất cả các tác phẩm âm nhạc có trong kho tác phẩm của KOMCA được biểu diễn trên lãnh thổ của VCPMC, bao gồm nhưng không giới hạn ở tác phẩm do các tác giả thành viên của KOMCA sáng tác. VCPMC là bên duy nhất tại Việt Nam vào thời điểm này được trao quyền.

KOMCA cũng nêu quan điểm: “Trong trường hợp giấy phép bản quyền âm nhạc không được cấp trước khi diễn ra chương trình biểu diễn, KOMCA đề nghị Công ty IME ngừng biểu diễn các tác phẩm âm nhạc thuộc kho tác phẩm của KOMCA”.

VCPMC cho biết khi có thông tin nhóm BlackPink sẽ có chuyến lưu diễn ở Hà Nội vào cuối tháng 7, VCPMC đã liên hệ với Công ty IME để yêu cầu thực hiện xin phép và trả tiền bản quyền trước khi chương trình diễn ra theo quy định của pháp luật về quyền tác giả.

Tuy nhiên, đến ngày 19/7, Công ty IME vẫn chưa thực hiện quyền tác giả. Ngày 21/7, cơ quan chức năng quản lý nhà nước Việt Nam cũng đã có buổi làm việc ba bên nhằm giải quyết thỏa đáng những vấn đề tồn tại.

VCPMC nêu rõ: “Để đảm bảo quyền và lợi ích của các tác giả – chủ sở hữu tác phẩm, trên nguyên tắc tôn trọng các cam kết hợp tác song phương giữa VCPMC và KOMCA, cùng bản tối hậu thư mà KOMCA đã gửi cho Công ty IME, VCPMC đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước thu hồi giấy phép biểu diễn của nhóm BlackPink do Công ty IME tổ chức vì đã vi phạm nghiêm trọng bản quyền tác giả; có hành vi đi ngược lại các cam kết với VCPMC và những chỉ đạo mà cơ quan chức năng quản lý nhà nước Việt nam đã đề nghị IME thực hiện trước khi diễn ra chương trình”.

Sáng 27/7, VCPMC cho biết đã nhận được thư điện tử từ người tên Phạm Tâm, Quản lý dự án của công ty IME, với nội dung vẫn chưa thống nhất được với phía công ty quản lý ca sĩ về việc tác quyền, vì các bài hát trong chương trình đều thuộc bản quyền công ty YG – đơn vị đang cung cấp nghệ sĩ biểu diễn.

“Đã biểu diễn tại rất nhiều quốc gia trên thế giới và đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền tại các quốc gia đó, nhưng đến Việt Nam thì IME lại đưa ra lý do ‘vì các bài hát trong chương trình điều thuộc bản quyền công ty YG’. Tại sao biểu diễn các nước khác thực hiện bản quyền âm nhạc, nhưng đến Việt Nam thì không thực hiện”, đại diện VCPMC cho biết.

Hà Nội là điểm dừng chân cuối cùng của BlackPink tại châu Á trong khuôn khổ tour lưu diễn toàn cầu Born Pink. Tour khởi động từ cuối năm ngoái, đến nay đạt doanh thu khoảng 163,8 triệu USD, với hơn 900.000 vé tiêu thụ. Trung bình mỗi đêm diễn, nhóm nhạc này thu về hơn bốn triệu USD với khoảng 22.600 khán giả.

BlackPink ra mắt năm 2016, gồm bốn thành viên Jennie, Lisa, Jisoo, Rose. Sau bảy năm hoạt động, dù mới phát hành hai album, nhóm nữ khuấy đảo làng nhạc với nhiều bản hit như Ddu-Du Ddu-Du, Kill This Love, Pink Venom. Họ có kênh YouTube đạt lượt xem cao nhất với 30 tỷ lượt. Ngoài âm nhạc, bốn cô gái của nhóm còn là những người có sức ảnh hưởng trong làng thời trang.

Minh Long

Từ 1/9, TP.HCM thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè, trừ đám cưới, ma chay

Một quán ăn vỉa hè ở quận 4, TP.HCM, tháng 6/2023. (Ảnh: Scout901/Shutterstock)

Từ ngày 1/9/2023, tại TP.HCM, tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè để kinh doanh phải nộp phí. Danh mục tuyến đường thu phí do UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức quyết định.

Ngày 26/7, UBND TP.HCM ra quyết định ban hành Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 1/9/2023, thay thế Quyết định 74/2008 của UBND TP.

TP.HCM quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.

Các trường hợp được sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường và đóng phí như làm nơi tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm trông giữ xe có thu phí; nơi tổ chức hoạt động văn hóa và giữ xe phục vụ hoạt động này; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải…

Một số trường hợp không phải cấp phép (miễn thu phí) như tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; điểm để xe 2 bánh không thu tiền trông, giữ xe; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, giải phân cách, đảo giao thông và bố trí đường dành cho xe đạp… nhưng phải thông báo cho UBND cấp xã, phường.

Nguyên tắc khi sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè là phải đảm bảo không gây mất trật tự, an toàn giao thông; không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức.

Chiều rộng hè phố dành cho người đi bố (không tính phần bó vỉa) tối thiểu từ 1,5m.

Nếu sử dụng ngoài mục đích giao thông phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông; trường hợp đặc biệt do UBND TP.HCM quyết định.

Tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải nộp phí theo quy định; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo phương án đã được cơ quan quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chấp thuận; thu dọn các phương tiện, thiết bị, vệ sinh và hoàn trả nguyên trạng lòng đường, hè phố khi kết thúc sử dụng.

Danh mục các tuyến đường sử dụng tạm thời một phần lòng đường làm điểm trông giữ xe, đỗ xe có thu phí do Sở Giao thông vận tải TP.HCM ban hành sau khi thống nhất với Công an TP.HCM và UBND cấp huyện, Sở TN-MT TP.HCM…

Danh mục các tuyến đường sử dụng tạm thời hè phố làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ do UBND cấp huyện ban hành.

Theo dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố do Sở GTVT TP trình lên UBND TP trước đó, cơ quan này đề xuất mức thu sử dụng vỉa hè để kinh doanh dao động từ 20.000-100.000 đồng/m2/tháng và mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe từ 50.000-350.000 đồng/m2/tháng, tùy theo quận trung tâm và vùng ven.

Sở GTVT TP tính toán việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường có thể mang lại nguồn thu khoảng 1.522 tỷ đồng/năm, dự kiến nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.

Phản biện về dự thảo đề án, ông Phạm Văn Phố, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 6 cho rằng việc thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè không nên chỉ chú trọng vào việc tăng thu ngân sách mà phải hài hòa lợi ích các bên, khi đối tượng bị tác động trực tiếp là các hộ kinh doanh và người mua bán hàng rong.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hội Luật gia huyện Hóc Môn cho rằng chính quyền TP cần thí điểm trên một vài tuyến đường, vỉa hè, sau khi đánh giá hiệu quả mới nên nhân rộng chứ không thể áp dụng ngay một cách đại trà.

Nguyễn Quân

Vụ Việt Á: Cựu Phó Chủ tịch Quảng Ninh lĩnh 3 năm tù treo

Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành (ngồi giữa) bị tuyên 3 năm tù treo. (Ảnh: Minh Cương/vtc.vn)

Sau hơn 1 ngày xét xử, bị cáo Phạm Văn Thành bị tuyên 3 năm tù treo, thời gian thử thách 5 năm vì liên quan đến sai phạm mua vật tư, sinh phẩm xét nghiệm của Việt Á, gây thiệt hại hơn 7,2 tỷ đồng.

Hôm nay (27/7), TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thành 3 năm tù và cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng tội danh trên, TAND tỉnh Quảng Ninh cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Bình (cựu Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều) 24 tháng tù, hưởng án treo; bà Nguyễn Thị Thanh Hảo (cựu Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch thị xã Đông Triều) 30 tháng tù, hưởng án treo; ông Nguyễn Thành Định (cựu Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều) 30 tháng tù, hưởng án treo và ông Nguyễn Xuân Tiến (cựu Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều) 24 tháng tù, hưởng án treo.

Theo cáo trạng, khoảng cuối tháng 1/2021, thị xã Đông Triều cần tìm nguồn vật tư sinh phẩm xét nghiệm để phân luồng dập dịch sau khi dịch COVID-19 bùng phát và lây lan.

Bị cáo Phạm Văn Thành (lúc này đang là Bí thư Thị uỷ kiêm Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều) đã thỏa thuận thống nhất với Công ty Việt Á (đại diện Phan Quốc Việt – Tổng Giám đốc) về việc mua vật tư, sinh phẩm xét nghiệm của công ty này.

Công ty Việt Á cung cấp test kit cho Đông Triều để xét nghiệm phục vụ kịp thời cho phòng, chống dịch, sau đó hợp thức hồ sơ thanh toán.

Từ tháng 1 đến tháng 3/2021, Công ty Việt Á cung cấp ống môi trường, que tăm bông cho Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều để tổ chức lấy mẫu, còn kit xét nghiệm và kit tách chiết chuyển đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (TP. Uông Bí, Quảng Ninh) để xét nghiệm cho thị xã Đông Triều theo quy định phân luồng xét nghiệm của tỉnh.

Các bị can đã ký các tài liệu, thủ tục và hoàn tất việc thanh toán cho Công ty Việt Á tăng vượt 16.539 kit xét nghiệm và 16.548 kit tách chiết, gây thiệt hại hơn 7,2 tỷ đồng.

Cáo trạng cũng cho biết trong vụ án bị cáo Phạm Văn Thành đã “thiếu kiểm tra, giám sát do tin tưởng các thông tin không xác thực và số liệu do Công ty Việt Á đưa ra, đã chấp nhận Việt Á cũng là đơn vị xét nghiệm trên thực tế”, nên ông Thành “không chỉ đạo cấp dưới thu thập, đối chiếu triệt để các thông tin xác thực với đơn vị có liên quan được giao nhiệm vụ xét nghiệm và đã làm thủ tục thanh toán vượt số lượng sinh phẩm xét nghiệm”.

Các bị can Hảo, Tiến, Định và Dung khi thấy việc thanh toán có vướng mắc (chưa có số liệu đối chiếu với Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển) đã không tham mưu, đề xuất với lãnh đạo UBND thực hiện mọi biện pháp thu thập, đối chiếu số liệu theo quy định.

Trước khi vụ án bị phát hiện khởi tố, bị cáo Thành và Bình đã sử dụng tiền cá nhân và nhờ các doanh nghiệp hỗ trợ nộp hơn 18 tỷ đồng khắc phục toàn bộ hậu quả.

Phạm Toàn

Related posts