Chúng ta đang chứng kiến cái chết của các trung tâm mua sắm trong nhà tại Mỹ. Có thể, ta sẽ không tránh được cảm giác hoài niệm, khi đây chính là dấu hiệu của các vấn đề sâu sắc và mang tính hệ thống của kinh tế Mỹ.
Là một đứa trẻ của thời Chiến tranh Lạnh, tôi lớn lên trong sự bao quanh của những ý tưởng, kinh nghiệm và thể chế mà tôi cho là những dấu hiệu của sự tiến bộ lâu dài, trong số đó có các trung tâm mua sắm trong nhà. Trên thực tế, tôi có một ký ức rõ ràng về thời điểm các trung tâm thương mại chuyển từ trung tâm mua sắm ngoài trời sang trở thành cung điện thương mại trong nhà.
Chúng có vẻ huy hoàng: nhộn nhịp, có máy lạnh, đầy ắp các chương trình và chủ đề theo mùa, với vô số nhà hàng và cửa hàng bán lẻ. Khi cha tôi tìm kiếm một địa điểm để biểu diễn cho dàn nhạc cộng đồng mới thành lập của ông, trung tâm mua sắm đã sẵn sàng chấp nhận. Là một đứa trẻ chơi kèn trombone trong nhóm đó, tôi nhớ có hàng trăm khán giả. Nó là một trải nghiệm tuyệt vời.
Những đứa trẻ sẽ tụ tập ở đây vì đó là một nơi an toàn cho chúng. Cha mẹ yêu trung tâm mua sắm trong nhà vì lý do này.
Vì vậy, sau nhiều năm làm những công việc lặt vặt, khi đến lúc tôi thực sự dấn thân vào một nghề, nếu điều đó là có thể ở tuổi 17, tôi đã đi thẳng đến trung tâm thương mại và cụ thể là cửa hàng quần áo nam. Tôi thiết lập cửa hàng ở đó và trau dồi kỹ năng của mình với tư cách là một nhân viên bán hàng, một nhà tư vấn thời trang và một người giám tuyển trang phục.
Trung tâm mua sắm trong nhà thật tuyệt vời vì bạn sẽ có rất nhiều khách hàng đến đó chỉ để xem chứ không nhất thiết phải mua. Điều này hoàn toàn khác với cửa hàng thông thường, nơi mọi người bước vào cửa đều có ý định mua sắm những gì bạn cung cấp. Trung tâm mua sắm đã mời chào tất cả mọi người vào chỉ để thỏa mãn trí tò mò bẩm sinh, và trong đó ẩn chứa cơ hội bán hàng.
Tôi đã sớm học được cách không bao giờ đánh giá khách hàng qua vẻ bề ngoài. Những người ăn mặc đẹp nhất hiếm khi có những đơn hàng đắt tiền. Và đôi khi, tiền bán được nhiều nhất đến từ những người đi thong thả vào cửa hàng mặc quần bò và đi ủng lao động dính bùn. Điều này cung cấp một bài học quan trọng về giai cấp, sự phân biệt đối xử và bản thân cuộc sống.
Cuối cùng tôi đã làm việc ở một số cửa hàng trong cùng một trung tâm mua sắm. Những nhân viên ở đó đã hình thành một loại cộng đồng, khi các đội bảo trì tương tác với những người đầu bếp, vốn là bạn của những người bán hàng và những sinh viên làm việc vào hè phát triển mối quan hệ cố vấn với các chuyên gia lâu năm. Nhìn lại, tất cả dường như là một điều không tưởng. Người mua sắm tới tham quan qua các cửa hàng tại trung tâm mua sắm trong nhà Brookfield Place vào ngày 27/12/2021 ở Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Scott Heins/Getty Images)
Khung cảnh kinh hoàng
Một hình ảnh đáng sợ sẽ không thể rời khỏi tâm trí tôi đến từ tháng 06/2020, khi tôi đến thăm mẹ tôi ở Texas. Tôi tò mò về trung tâm mua sắm của thị trấn, nơi từ lâu đã là trung tâm của thương mại và cộng đồng. Như tại nhiều trung tâm thương mại trong cả nước, hàng ngày các nhóm người lớn tuổi tụ tập để tập thể dục ở đó. Tôi tự hỏi việc kiểm soát đại dịch sẽ ảnh hưởng đến nơi này như thế nào.
Những gì tôi nhìn thấy thật đáng kinh ngạc, thậm chí kinh hoàng. Rạp chiếu phim đã đóng cửa. Tất cả các cửa hàng lớn cũng đã đóng cửa. Bãi đậu xe trống, vì vậy tôi là người duy nhất đậu ở đó. Các cửa không khóa nên trung tâm mua sắm có vẻ như mở, nhưng bên trong là bóng tối và sự đóng cửa. Không có gì hoạt động. Có một số thương nhân có gian hàng vẫn đang cố gắng kinh doanh ngay cả trong môi trường này, nhưng không có khách hàng. Một vài người lang thang xung quanh đeo khẩu trang kín mít và ăn mặc như những người đang đi sám hối thời trung cổ.
Nếu có một bản nhạc phim cho bối cảnh đó – chẳng có âm nhạc nào tại đó cả – thì đó hẳn là từ một bộ phim kinh dị. Những cảnh tượng ngày hôm đó hoàn toàn nghiền nát tinh thần của tôi. Tôi biết chắc chắn rằng loại virus đáng sợ này đã được định sẵn để quét qua toàn bộ dân số nhưng chỉ ảnh hưởng đáng kể về mặt sức khỏe đối với người già và người ốm yếu, những người thường không tới trung tâm thương mại. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát và sự điên rồ của công chúng đã dẫn đến sự hủy diệt của thứ một thời sôi động từng là cốt lõi trong đời sống cộng đồng.
Cái chết của trung tâm mua sắm trong nhà
Cuối cùng, trung tâm mua sắm đã mở cửa (tôi đã ghé thăm lại một năm sau đó), nhưng nhiều cửa hàng trong số đó đã không bao giờ quay trở lại. Doanh thu bị mất quá nhiều và các khoản vay từ chính phủ gần như không đủ để bù đắp cho hoạt động kinh doanh bị mất. Trung tâm mua sắm đó vẫn mở cửa, thật không thể tin được, và có lẽ là do sự cạnh tranh hạn chế ở các thị trấn lân cận. Nhưng nhiều trung tâm đang đóng cửa.
Vào những năm 1980, có 2.500 trung tâm mua sắm trong nhà ở Mỹ. Những trung tâm đó đang đóng cửa. Những con số mới nhất cho thấy có khoảng 700 trung tâm còn sống sót và dự đoán trong 10 năm nữa, sẽ chỉ còn 150.
Nếu đây là thị trường tự do đang hoạt động, sẽ không có lý do gì để lo lắng. Mọi thứ đến và đi. Thị trường tập trung vào sự hủy diệt sáng tạo. Sự sụp đổ của một loại hình địa điểm mua sắm và trải nghiệm không có gì đáng tiếc.
Nhưng đây có thực sự là do thị trường? Ở đây tồn tại một câu hỏi quan trọng. Trong phần lớn năm 2020 và 2021, các trung tâm thương mại đã bị buộc phải đóng cửa bởi chính quyền tiểu bang và địa phương trên toàn nước Mỹ theo chỉ thị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Bộ máy hành chính liên bang coi khuyến nghị tàn bạo này là con đường đúng đắn để giảm thiểu dịch bệnh. Cuối cùng khi chúng được mở cửa trở lại, thì đeo khẩu trang đã trở thành bắt buộc. Chính quyền Biden cũng cố gắng bắt mọi nhân sự trong các công ty lớn ở Mỹ phải tiêm chủng.
Những địa điểm này không thực sự có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường cho đến năm 2023. Đó là gần ba năm điều tiết bắt buộc. Không có gì ngạc nhiên khi chúng đang gặp rắc rối sâu sắc ngày hôm nay. Đây là một vụ tàn sát của chính phủ, không phải bởi thị trường. Trong khi đó, mua sắm trực tuyến phát triển mạnh và các cửa hàng lớn như WalMart và Home Depot cũng vậy. Đó là những cửa hàng không đóng cửa vì chúng được coi là thiết yếu.
Khi chính quyền các cấp gọi một mô hình kinh doanh là không thiết yếu, không có gì lạ khi ngày nay nó gặp rắc rối. Thay vì là bằng chứng về một thị trường thương mại sôi động và đang thay đổi, cái chết của trung tâm mua sắm trong nhà bắt nguồn từ các cuộc tấn công của chính phủ, thứ đã gây tổn hại nghiêm trọng không chỉ cho các trung tâm mua sắm trong nhà mà còn cả các doanh nghiệp nhỏ trên khắp đất nước, thực sự là hàng triệu doanh nghiệp. Đây là một sự chuyển giao của cải bắt buộc. Đó là cố ý hay vô tình?
Tệ hơn, môi trường suy thoái của thời kỳ phong tỏa từ tháng 03/2020 trở đi chưa bao giờ thực sự rời bỏ nước Mỹ. Tốc độ tăng trưởng 1 và 2 phần trăm nằm trong phạm vi sai số thống kê có thể xảy ra và mọi dấu hiệu chúng ta có ngày hôm nay đều ám chỉ sự tiếp diễn dài hạn của tình hình. Sự sôi động thương mại từng lan rộng khắp nước Mỹ đã giảm đi đáng kể. Nếu bạn sống ở Florida, có lẽ bạn không cảm nhận được điều đó, và tôi mừng cho bạn. Nhưng nếu bạn sống ở bất cứ nơi nào ở New England hoặc Bờ Tây, bạn sẽ biết diện mạo và cảm giác của sự suy tàn.
Sự sụp đổ của trung tâm mua sắm trong nhà không phải là một dấu hiệu đáng hoan nghênh đối với doanh nghiệp Mỹ. Đó là một dấu hiệu khác của các vấn đề sâu sắc và có hệ thống. Vì vậy, vâng, tôi có một hoài niệm lãng mạn về trung tâm mua sắm trong nhà, một thành tựu to lớn của một nền kinh tế tự do hào nhoáng với một đặc tính đẹp đẽ: Mọi người đều được mời tham gia vào sự vĩ đại của văn hóa thương mại. Số lượng đóng cửa ngày càng tăng khiến chúng có vẻ là một điềm xấu cho tương lai.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.