Vụ cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương mất tích đầy bí ẩn và bị bãi chức hôm 25/7 đã gây xôn xao dư luận thế giới. Hầu hết các tin đồn trên mạng đều tập trung vào việc ông Tần ngoại tình với một nhà báo truyền hình nổi tiếng, họ cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc ông ngã ngựa.
Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiết lộ với The Epoch Times rằng nguyên nhân khiến ông Tần bị cách chức, không phải vì ngoại tình, mà vì ông đã vi phạm một điều cấm kỵ của ĐCSTQ và làm dấy lên sự nghi ngờ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hơn nữa, nguồn tin ẩn danh đã liên kết vụ thanh trừng ông Tần với một vụ bê bối gần đây liên quan đến Lực lượng Tên lửa tối mật của Trung Quốc. Những tiết lộ giật gân liên quan đến việc bán các bí mật quân sự, khả năng có điệp viên hai mang và lo ngại về một cuộc nổi dậy trong hàng ngũ của giới tinh hoa quân sự của Trung Quốc.
Sự mất tích bí ẩn của ông Tần Cương
Ông Tần xuất hiện trước công chúng lần cuối vào ngày 25/6, khi ông gặp gỡ các quan chức từ Sri Lanka, Nga và Việt Nam. Sau cuộc gặp đó, ông đột nhiên biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc viện cớ ông có “vấn đề về sức khỏe” khi bỏ lỡ hàng loạt sự kiện quan trọng.
Trong suốt một tháng vắng mặt, có tin đồn lan truyền trên mạng xã hội ở trong và ngoài Trung Quốc rằng ông Tần đã ngoại tình với bà Phó Hiểu Điền – từng là người dẫn chương trình của đài truyền hình Phoenix (một cơ quan truyền thông của ĐCSTQ đăng ký tại Hong Kong) – và hai người đã có một người con chung mang quốc tịch Mỹ.
Điều kỳ lạ là Trung Quốc – một quốc gia kiểm duyệt chặt chẽ ngôn luận trực tuyến – lại cho phép những tin đồn trực tuyến tự do lan truyền. Điều này khiến công chúng Trung Quốc không khỏi phấn khích.
Hôm 25/7, chỉ sau 7 tháng đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng, ông Tần Cương đã bị cách chức và được thay thế bởi người tiền nhiệm của ông, nhà ngoại giao kỳ cựu Vương Nghị.
Hé lộ chi tiết về Lực lượng Tên lửa tối mật của ĐCSTQ
Được coi là nhánh bí mật nhất của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), Lực lượng Tên lửa của Trung Quốc là lực lượng chiến lược và chiến thuật, chịu trách nhiệm về tên lửa đạn đạo thông thường và hạt nhân trên bộ của PLA.
Tuy nhiên, vào ngày 24/10 năm ngoái, Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASI), một cơ quan cố vấn của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, đã công bố một báo cáo dài 242 trang (pdf) nêu chi tiết về cơ cấu tổ chức của Lực lượng Tên lửa.
Tài liệu chứa rất nhiều thông tin, từ hệ thống chỉ huy cấp cao hơn của Lực lượng Tên lửa đến các cơ sở vật chất sản phẩm hậu cần của lực lượng này.
Báo cáo cung cấp các thông tin cụ thể như vị trí căn cứ, các chức năng chính của đơn vị, tên tiếng Trung và tiếng Anh của các quan chức quân sự phụ trách và mã số từng đơn vị. Báo cáo cũng bao gồm một sơ đồ cây thể hiện ảnh, tên và mối quan hệ của những nhân sự chủ chốt phụ trách Lực lượng Tên lửa.
Ngoài ra, báo cáo còn bao gồm một bản đồ minh họa việc triển khai Lực lượng Tên Lửa trên khắp Trung Quốc. Tài liệu cũng bao gồm cách giải mã số định danh được mã hóa của các đơn vị Lực lượng Tên lửa.
Ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu Trung tá phụ trách tham mưu cho Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, hiện sống ở Mỹ, nói với chương trình Pinnacle View của đài NTD TV rằng, mức độ chi tiết trong báo cáo thật đáng kinh ngạc.
Đại tá Diêu Thành cho biết Lực lượng Tên lửa là một trong những đơn vị bí mật nhất của ĐCSTQ, vì vậy rất có thể thông tin chi tiết được lấy từ các bức ảnh vệ tinh. Hơn nữa, do các quy tắc bảo mật nội bộ, thông tin hết sức cụ thể có trong báo cáo sẽ không cung cấp cho những nhân viên cấp thấp hơn.
Thanh trừng quan chức của Lực lượng Tên lửa
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã cách chức một số lãnh đạo quân đội dưới danh nghĩa chống tham nhũng, nhưng cuộc thanh trừng quân đội của ông hiếm khi động đến Lực lượng Tên lửa.
Tuy nhiên, trong vài tháng qua, các phương tiện truyền thông Trung Quốc trong và ngoài nước đã đưa tin rằng nhiều tướng lĩnh của Lực lượng Tên lửa đã bị thanh trừng. ĐCSTQ đang cố gắng ngăn chặn việc rò rỉ thông tin của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.
Gần đây nhất, ngày 27/7, truyền thông nhà nước Trung Quốc The Paper đưa tin, cựu Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Trung Quốc Ngô Quốc Hoa đã qua đời vào ngày 4/7 vì “bạo bệnh”. Trung tướng hưởng thọ 66 tuổi. Lễ truy điệu được tổ chức vào sáng ngày 30/7 tại Nhà tang lễ Bát Bảo Sơn.
Thông báo chính thức, được công bố khoảng một tháng sau cái chết của Tướng Ngô Quốc Hoa, làm dấy lên tin đồn rằng ông đã tự sát chứ không phải chết vì xuất huyết não đột ngột như thông cáo báo chí đã nêu. Hơn nữa, thông báo đã bị xóa khỏi The Paper ngay sau khi được đăng tải.
Ngày 10/7, phương tiện truyền thông NewTalk của Đài Loan đã đưa tin về vụ tự sát có chủ đích, trích dẫn các nguồn tin nội bộ.
Đại tá Diêu Thành cũng đặt câu hỏi về cái chết của Tướng Ngô Quốc Hoa. Ông nhấn mạnh trong một bài đăng ngày 9/7 rằng cái chết của một trung tướng phó tư lệnh không phải là chuyện thường. Là một cựu Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa, ông sẽ được tiếp cận với phương pháp điều trị y tế tốt nhất. Đại tá Diêu tin rằng khó có khả năng các vấn đề sức khỏe của ông Ngô như báo chí đã nêu lại không được chú ý.
Ông nói, ĐCSTQ rất có thể đã che giấu lý do thực sự dẫn đến cái chết của Tướng Ngô, vì sợ điều đó sẽ gây bất ổn cho quân đội.
Đại tá Diêu Thành lập luận rằng do nỗ lực chống tham nhũng của ông Tập, 7 sĩ quan hải quân Trung Quốc đã tự sát. Tất cả đều được cho là đã “chết vì bệnh tật”.
Người trong cuộc: Vụ ông Tần Cương ngã ngựa liên quan đến việc cải tổ Lực lượng Tên lửa
Việc ông Tần Cương bị bãi nhiệm và cuộc thanh trừng Lực lượng Tên lửa diễn ra gần như cùng lúc.
Hôm 26/7, một nguồn tin thân cận với cấp cao nhất của ĐCSTQ nói với The Epoch Times rằng việc ông Tần Cương bị sa thải thực ra là do các sự kiện kịch tính liên quan đến Lực lượng Tên lửa gây ra.
Theo nguồn tin này, con trai của sĩ quan cấp cao của Lực lượng Tên lửa đang học tập và kinh doanh tại Mỹ. Nguồn tin cho biết chính thanh niên này đã bán bản đồ phân bố tên lửa của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc cho Mỹ.
Các đặc vụ của ĐCSTQ tại Mỹ đã biết về vụ rò rỉ và báo cáo vụ việc cho ông Tần Cương. Tuy nhiên, ông Tần Cương lại không báo cáo vụ việc ngay lập tức với ông Tập, theo người trong cuộc.
“Vấn đề mấu chốt nằm ở điểm này”, nguồn tin cho biết.
Trong quá trình điều tra, các điều tra viên của ĐCSTQ đã phát hiện ra rằng bà Phó Hiểu Điền có dính líu đến vụ việc.
Được biết, gia đình của vị quan chức này đã nhờ bà Phó nói chuyện với ông Tần Cương, mong ông Tần giúp đỡ trong việc che đậy sự cố rò rỉ thông tin. Bà Phó biết rõ về gia đình này, nhưng ông Tần thì không.
Theo nguồn tin trên, điều này gây ra sự chậm trễ trong việc báo cáo vi phạm thông tin tình báo.
Theo đó, ông Tần Cương thậm chí có thể đã can thiệp và dành những lời tốt đẹp cho con trai của viên chức, mặc dù điều đó là vô ích.
Cũng theo nguồn tin này, việc ông Tần Cương chậm trễ trong việc báo cáo vụ rò rỉ đã khiến ông Tập cảnh giác và nghi ngờ ông Tần Cương.
Bà Phó Hiểu Điền là điệp viên hai mang?
Nguồn tin ẩn danh – lặp lại tin tức của phương tiện truyền thông – suy đoán rằng bà Phó Hiểu Điền thực sự là một điệp viên hai mang.
“Bề ngoài, bà ấy là nhân viên của Phoenix TV, nhưng thực chất, bà ấy đang làm việc cho Cục 2 của Bộ Tổng tham mưu PLA. Tôi không biết bằng cách nào mà bà ấy lại trở thành điệp viên hai mang, người cũng làm việc cho Mỹ”, người trong cuộc nói.
“Bà ấy tiếp cận ông Tần Cương là có chủ đích”, nguồn tin cho hay.
Cục 2 của Bộ Tổng tham mưu PLA là đơn vị tình báo đặc biệt của quân đội Trung Quốc.
Đối với các điều tra viên, bà Phó Hiểu Điền là chìa khóa để phá toàn bộ vụ án. Theo nguồn tin nội bộ, bà Phó thú nhận rằng bà đã nhờ ông Tần Cương tìm cách che đậy sự cố rò rỉ.
Khi được hỏi tại sao bà Phó lại hãm hại cha của đứa trẻ, nguồn tin suy đoán rằng bà không có ý định làm hại ông Tần Cương. Tuy nhiên, bà đã nỗ lực một cách bất cẩn, cuối cùng làm liên lụy đến người tình của mình. Nguồn tin cho biết: “Đáng lẽ bà ấy phải hoạt động trong bí mật, nhưng bà đã tiết lộ rất nhiều điều cho công chúng”.
Nhiều tuần sau khi ông Tần Cương mất tích, những tin đồn về việc ông ngoại tình với nhà báo xinh đẹp đã lan truyền trên WeChat. Người trong cuộc nhấn mạnh rằng điều này rất bất thường.
“Những vụ bê bối như thế này không thể lan truyền tự do trên WeChat mà không có sự kiểm duyệt. Trên thực tế, theo lệnh của một số lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ, ‘cảnh sát mạng’ đang kích động ở đằng sau hậu trường, nhằm giúp vụ bê bối lan rộng khắp nơi, từ đó khiến công chúng ngày càng đồng cảm với quan điểm rằng ông Tần Cương sẽ bị hạ bệ”, nguồn tin cho hay.
Ông Tần Cương bị ‘Thái tử Đảng’ đố kỵ đâm sau lưng
Người trong cuộc còn suy đoán thêm rằng ông Tần Cương – người được đích thân ông Tập thăng chức – là nạn nhân của những “Thái tử Đảng” đố kỵ, những người đã nhân cơ hội này để xóa sổ ông.
“Tập Cận Bình từ lâu đã là một người hoang tưởng, luôn sợ người khác chống lại mình. Vì vậy, bất cứ ai gây ra mối đe dọa dù là nhỏ nhất đối với ông Tập Cận Bình cũng sẽ bị loại bỏ. Ngay khi ông Tập Cận Bình cho rằng ông Tần Cương có tham vọng, ông ta sẽ kết liễu ông Tần. Bây giờ, ông Tập Cận Bình không chỉ tin rằng ông Tần Cương đang âm mưu che đậy tội ác, mà thậm chí còn nghi ngờ rằng ông Tần đang âm mưu chiếm đoạt ngai vàng”, người trong cuộc cho biết.
Tóm lại, bà Phó Hiểu Điền đã khiến ông Tần Cương ngã ngựa. Người trong cuộc cho biết lời thú nhận của bà, kết hợp với việc đâm sau lưng, đã dẫn đến việc ông Tập phế truất ông Tần Cương.
Người trong cuộc nhận định rằng ông Tần Cương khó có thể có một kết thúc có hậu. Nguồn tin cho hay: “ĐCSTQ rất tà ác khi loại bỏ những người bất đồng chính kiến”.
Hôm 17/7, học giả nổi tiếng Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing) sống ở Úc đã có cuộc phỏng vấn với The Epoch Times về tình hình của ông Tần Cương. Theo ông Viên, các quan chức cấp cao – đặc biệt là những quan chức trong lĩnh vực quân sự và chính trị – không được phép trao đổi liên ngành. Ông Viên lập luận rằng đó là một điều cấm kỵ lớn trong nội bộ ĐCSTQ. Ông Tần Cương đã vi phạm quy tắc này khi tìm cách can thiệp thay cho con trai của một sĩ quan quân đội.
Nhiệm kỳ đầy thăng trầm của ông Tần Cương
Ông Tần, năm nay 57 tuổi, đã được thăng chức ba lần trong vòng chưa đầy một năm, từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023.
Ông Tần được bầu vào Ủy ban Trung ương ĐCSTQ trong Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào tháng 10/2022.
Ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào tháng 12/2022. Ông cũng được bổ nhiệm vào Hội đồng Nhà nước vào tháng 3 năm nay.
Tuy nhiên, “ngôi sao đang lên” Tần Cương chợt lóe sáng rồi vụt tắt nhanh chóng. Sau sự cố của Lực lượng Tên lửa, ông trở thành Ngoại trưởng tại vị trong gian ngắn nhất của Trung Quốc.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch