Chuyến bay giải cứu và ‘tham nhũng có tính Đảng’

Blog VOA

Trần Đông A

2-8-2023

Quang cảnh phiên toà xử vụ “Chuyến bay giải cứu”. Nguồn: Phạm Kiên/TTXVN

Viện sĩ Hoàng Xuân Phú từng viết: “Mọi hoạt động chống tham nhũng phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, đúng với quy định của pháp luật. Nếu cầm quyền mà hành xử phi pháp, thì xét về phương diện pháp lý, cũng chẳng hơn gì kẻ tham nhũng” (1).

Đại án vắng bóng “đại trung tâm”

Phiên tòa sơ thẩm vụ “Chuyến bay giải cứu” đã kết thúc trong sự bất cập về cả ba mặt là chính trị, tuyên truyền và tư pháp (2). Người dân có thể được trấn an, được mơn trớn phần nào rằng, Đảng quyết tâm xử tham nhũng “không có vùng cấm”. Tuy nhiên, nhìn vào những sự tréo ngoe của phiên tòa, có thể thấy, nền tư pháp của Việt Nam là hết sức bất cập và vắng bóng kẻ bị hại. Bị can – Bị hại như là những tác nhân, những “đại trung tâm” của bất cứ vụ án lớn nào. Nhưng trong đại án vừa xử hoàn toàn vắng bóng các tác nhân bị hại. Cái kết luận của tòa hết sức vô trách nhiệm: Hồ sơ không có thông tin, tài liệu về những người đã mua vé của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng hơn 200,000 hành khách đã trả giá cao trong thời điểm dịch bệnh khó khăn trên hàng ngàn chuyến bay hồi hương sẽ tiếp tục mờ tịt về việc có được bồi thường hay không (3).

Vụ án vừa khép lại sớm 12 ngày so với kế hoạch có nhiều “chiều kích” đáng bàn. Nếu như chỉ tiêu nào trong các Nghị quyết của Đảng cũng “vượt mức” như thế này thì ai dám bảo, Việt Nam sẽ thua xa Campuchia và Thái Lan trong nhiều lĩnh vực của sinh hoạt xã hội. Chẳng qua điều không may lần này là Đảng đã chọn sai thời điểm (bad timing). Xử đại án đúng vào lúc Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen đang làm lễ “truyền ngôi” cho Thái tử. Còn Thái Lan thì sau các cuộc bầu cử có ý nghĩa bước ngoặt, dường như người dân và tân chính quyền đang muốn “quay xe” sang dân chủ… Hai sự kiện này càng làm nổi bật lên “sự hụt hơi” cũng như nhiều bất cập trong tính tiên phong của Đảng trên các “đường đua” của khu vực Đông Nam Á (4).

“Sự sửa phạt” lần này ở pháp đình không đến nỗi quá nặng và chủ trương của Đảng vẫn giữ được “chừng mực” đối với các phán quyết. Các thế lực thù địch không thể xuyên tác tính nhân văn, nhân ái mà TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn nhấn mạnh mỗi khi ông “chất củi vào lò”. Chẳng qua là vì Đảng đã “nhỡ” tuyên bố về vai trò lãnh đạo “tuyệt đối và toàn diện” của mình, nên mọi quyết định ở tòa đều vướng vào “gậy ông đập lưng ông”. Thâm tâm, Ban Nội chính Trung ương chẳng bao giờ muốn để lộ ra việc “chạy án” giữa pháp đình như vừa qua. Nay kéo dài nữa thì kẹt, mà “nghỉ giải lao” lâu quá càng bất tiện. Thôi đành che miệng thế gian bằng cách “đánh bùn sang ao” như thế này vậy. Cho đến giờ này thì ai ai cũng thấy, hiếm có quốc gia nào có câu chuyện những chuyến bay giải cứu như Việt Nam trong đại dịch. Sự kiện mà rất nhiều người phải vay nóng, cầm cố, bán tài sản… trong khi các quan chức nhà nước, cả trung lẫn cao cấp, “ngạo nghễ” kiếm chác trên những nối bất hạnh của công dân mình.

Tòa án lương tâm sẽ xử tiếp

Tòa án lương tâm là thuật ngữ dùng để chỉ các chuẩn mực và những giá trị đích thực của nền công lý mà không phải bao giờ cũng được chứng minh xác đáng thông qua quy trình xét xử bởi các toà thông thường, tức là toà án tư pháp (judicial courts) hay bán tư pháp (semi-judicial courts) được thành lập theo luật. Vụ án “chuyến bay giải cứu” diễn ra trông giống như một cái chợ, xét từ góc nhìn “mua bán”, “mặc cả” công khai giữa cơ quan tố tụng và các bị can (5). Hẳn nhiên, vì thế mà phiên tòa thiếu vắng nhiều chuẩn mực và các giá trị nói trên. Cho nên vụ án này sẽ không dừng ở phiên sơ thẩm vừa diễn ra, hay kể cả phiên phúc thẩm sau này. Thay vào đó, tòa án lương tâm, lương tri sẽ còn xử tiếp cả bị can lẫn những kẻ nhân danh công lý để thực thi pháp luật…

Cả lương tâm lẫn lương tri trên pháp đình bao giờ cũng đòi hỏi “trọng chứng hơn trọng cung”, phải quán triệt nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Ấy vậy nhưng tại phiên tòa vừa qua, mọi quy trình có lúc bị đảo ngược. Kiến thức pháp lý của cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng – nay đã trở thành “idol” của giới khoa bảng – có vẻ không thể địch lại nổi các lập luận của các cơ quan tố tụng, nhất là một khi giữa họ đã có sự thống nhất cao. HĐXX vẫn nhận định, hành vi của bị cáo Hoàng Văn Hưng đủ yếu tố cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (6). Nhưng có dư luận cho rằng, bản án tòa danh cho Hưng cũng không hẳn trên cơ sở trọng chứng hay trọng cung, mà thực chất cũng như bao vụ án từ trước đến nay, đó là thông điệp Đảng gửi đến toàn dân. Khi ra trước chốn pháp đình thì tốt nhất là không nên cãi lý với tòa. Điều này nhắc nhở mọi người nhớ lại phát biểu của cựu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương: “Luật của ta xử thế nào cũng được” (7).

Tính Đảng cao nhất tại phiên tòa chính là màn “vách áo cho người xem lưng” trong các lời cáo buộc sinh tử giữa Hưng, Tuấn và Hằng. Những rường cột của các lực lượng tư pháp lại chính là những con “mối chúa” có thành tích chạy án “dày”, đục ruỗng nền pháp lý XHCN… Mở ra phiên tòa là Đảng muốn chứng minh cho tính chính danh trong chiến dịch đột lò của ông Trọng. Nhưng sau 18 ngày theo dõi phiên tòa, người dân mới tá hỏa tam tinh rằng, tòa xử mà không đếm xỉa gì đến quyền lợi của người dân, lại còn trưng ra bao nghịch lý (8). Kẻ chức tước cao (Thiếu tướng) lại phải “chạy vạy” cấp dưới (Trung tá) cho thấy các giá trị đảo lộn đến nhường nào? Các cơ quan tố tụng nghĩ gì về các khoản tiền lớn hiện chưa biết đang nằm ở đâu? 2000 chuyến bay mà chỉ thanh tra có 700 chuyến thì những bị can tiềm năng nào đã được “ưu tiên” cho lọt tội? Nay mai, nếu có chuyện gì xảy ra với Hoàng Văn Hưng thì tòa tính sao?

Các bị cáo chưa phải là chính phạm

Những tình tiết nghi vấn còn nguyên trong vụ đại án như: chứng cứ nào để biết trong cặp có tiền, hay các Thư ký ăn hối lộ một mình chứ không hề chia chác, cho thấy có một tổng đạo diễn “vô hình” đằng sau cả “dây chuyền tham nhũng” ở Việt Nam xảy ra giữa dịch giã Covid-19. Đó là kịch bản giống nhau đến kỳ lạ giữa “chuyến bay giải cứu” và “kit-test Việt Á”! (9) Theo đó, cả 2 công ty Bluesky và Việt Á làm nên 2 đại án kéo theo hàng trăm cán bộ trung cao cấp của Đảng xuống bùn đen đều là những doanh nghiệp nhỏ, hầu như vô danh nhưng lại được chọn để thực thi chủ trương lớn của BCT! Nếu theo dõi quá trình hình thành một “giai cấp mới” – tức là tầng lớp quan liêu, tầng lớp hưởng đặc quyền đặc lợi của Đảng Cộng sản, theo định nghĩa “chỉ mặt đặt tên” của Milovan Dijlas – thì chúng ta mới thấu hiểu được những gì đang diễn ra rất gần với mình, ngay trên chính mảnh đất nơi chúng ta đang hàng ngày sinh sống (10).

Theo bình luận của Thiên Hành trên RFA, sự tha hóa ở đây là tất yếu. Không ai khác, chính Đảng/ Nhà nước đã ấn các điều kiện để dễ dàng tha hóa vào tay các cá nhân và bộ máy thực thi quyền lực. Những tuần qua người dân Việt Nam chứng kiến sự tha hóa của cả một tập thể các cán bộ lãnh đạo cao cấp tại nhiều cơ quan Nhà nước trọng yếu. Những thái độ, những câu nói trơ trẽn tột độ của họ, đối lập gay gắt với chức vụ rất cao mà họ từng giữ khiến những người dân thường hết “trồi” từ sự ngạc nhiên này lại “sụt” xuống sự sững sờ khác. Nhưng chỉ có những lương dân mới sững sờ thôi. Còn họ, các quan chức sống và làm việc theo cơ chế “còn Đảng còn mình” thì họ quan niệm “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” là “chuyện thường ngày ở huyện” (11). Hơn thế, đó cũng chính là nguyên tắc sống còn và lý do tồn tại của Đảng, là nơi thể hiện tập trung nhất tính đảng, tính “giai cấp mới” của bộ máy!

Một câu nói được cho là của Karl Marx: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình…”. Nhưng súc vật chỉ quay lưng thôi, chứ chúng không nỡ lợi dụng đau khổ của đồng loại để hút máu và ăn thịt. Nhưng suy cho cùng, các bị cáo của đại án chưa phải là chính phạm trong “chuyến bay giải cứu” (12). Chúng chỉ là hệ quả phái sinh của “cơ chế xin – cho” mà ĐCSVN đã sinh hạ và nuôi dưỡng. Còn độc tài đảng trị, còn trò hề “công cuộc đốt lò”, thì tham nhũng, hối lộ còn sinh sôi nảy nở. Nhưng nếu Đảng chỉ “nới trói” một chút, “cho dân mở mồm” thì may ra “con bệnh” mới qua được những phút “lâm chung” hiện nay. Hãy để cho báo chí góp phần phát hiện tham nhũng khi nó còn trong kén. Hãy để cho truyền thông giúp thanh lọc bộ máy. Hãy thực hiện điều Hiến pháp đã cho phép lâu nay để người dân được lập các hội thân hữu, tạo nên những luồng gió mới tươi mát đẩy lùi các xú uế của nhũng lạm và hành dân. 600 năm trước Nguyễn Trãi từng dạy: “Lật thuyền là dân mà chở thuyền cũng là dân”. Tiếc rằng, bài học ấy của tiền nhân Đảng ngồi trong những resort “được lại quả” thì không có cách gì mà nhớ được, chứ chưa nói đưa ra thực thi để cứu Đảng, cứu chế độ!

(1) http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=MotSoDieuCanTraoDoiNhanVuTrinhXuanThanh-20170821

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rescue-flight-trial-4-life-sentences-not-enough-07282023192509.html.

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cxrxgql7g0yo

(4) https://www.voatiengviet.com/a/tu-viet-nam-nhin-sang-bau-cu-campuchia/7195222.html

(5) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/court-treats-case-like-buy-and-sell-inferior-to-strictly-compared-to-the-feudal-period-07182023102737.html

(6) https://baophapluat.vn/vu-an-chuyen-bay-giai-cuu-cuu-dieu-tra-vien-hoang-van-hung-khong-oan-post482810.html

(7) https://sangtao.org/2012/02/15/dung-nhan-cua-dang-dien-mao-ke-thu-ii/

(8) https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-bay-giai-cuu-toa-xu-can-bo-khong-co-den-bu-cho-dan/7185622.html

(9) https://vietnamthoibao.org/vntb-trum-cuoi-nao-se-lay-kieu/

(10) https://metaisach.com/giai-cap-moi-milovan-djilas/

(11) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/magic-wand-in-rescue-flight-scandal-07252023104804.html

(12) https://www.rfavietnam.com/node/7708

Related posts