Các cuộc biểu tình ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn dù ĐCSTQ đã cố gắng đàn áp

Tác giả Mary Hong

Các cuộc biểu tình ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn dù ĐCSTQ đã cố gắng đàn áp
Những người về hưu tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối việc cắt xén tiền bảo hiểm y tế của những người về hưu, tại Vũ Hán, hôm 15/02/2023. (Ảnh chụp màn hình video)

Những người biểu tình không đầu hàng trước hành động tàn bạo của công an, đứng lên đòi quyền tự do

Kể từ khi “cuộc cách mạng giấy trắng” nổ ra hồi tháng Mười Một năm ngoái ở Trung Quốc, các cuộc biểu tình quy mô lớn đã lan rộng khắp đất nước. Nhà cầm quyền nước này đã cố gắng đàn áp các cuộc biểu tình đang diễn ra trên toàn quốc, tiến hành một chiến dịch nhằm mục đích sách nhiễu những người có khả năng tham gia biểu tình. Tuy nhiên, cuộc biểu tình rầm rộ của những người cao niên ở Vũ Hán hôm 15/02 là một minh chứng cho thấy nỗ lực của nhà cầm quyền đã thất bại. Người dân Trung Quốc đang dần thức tỉnh.

Những người về hưu ở Vũ Hán nói với The Epoch Times rằng mặc dù công an đã tiến hành một chiến dịch cảnh báo và cưỡng chế quy mô lớn đối với những người về hưu ở địa phương trong tuần trước đó, nhưng cuộc biểu tình ngày 15/02 vẫn diễn ra nhằm phản đối việc chính quyền Trung Quốc cắt giảm phúc lợi y tế dành cho người cao niên.

The Epoch Times đã nói chuyện với một số người từng tham gia vào các cuộc biểu tình trong những tháng gần đây.

Hai người về hưu ở Vũ Hán đã nói về việc họ tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối những thay đổi không được lòng dân về bảo hiểm y tế của nhà cầm quyền cộng sản.

Anh Lâm, một cư dân Thượng Hải ở độ tuổi 20, đã bị [công an] bắt giữ trong phong trào giấy trắng hồi tháng 11/2022. Những gì anh đã thể nghiệm về sự tàn bạo của công an vẫn ám ảnh anh ngay cả trong giấc mơ.

‘Khủng bố trắng’

Ông Lưu là một công dân hưu trí ở Vũ Hán cũng tham gia cuộc biểu tình phản đối các cải cách bảo hiểm y tế hôm 08/02.

Ông nói, chỉ vài ngày trước cuộc biểu tình hôm 15/02, công an bắt đầu đến gõ cửa nhà những người được xem là mục tiêu “duy trì ổn định”.

Ông Lưu cho biết “khủng bố trắng” — một thuật ngữ đề cập đến những hành động nhằm tạo ra bầu không khí sợ hãi — đã khiến việc kháng cự lại bạo quyền trở nên rất khó khăn.

Ông Lý, cũng là một người về hưu ở Vũ Hán, nói rằng chính quyền đã lắp đặt thêm các camera giám sát trong bán kính 2km (xấp xỉ 1.2 dặm) giữa Công viên Trung Sơn và Quảng trường Thủ Nghĩa, nơi diễn ra các cuộc biểu tình.

Ông cho biết Vũ Hán đã vận động gần như toàn bộ lực lượng công an hôm 15/02. Kể từ ngày xảy ra cuộc biểu tình này, nhờ có công nghệ nhận dạng khuôn mặt nên công an đã có thể sách nhiễu những người có mặt tại hiện trường.

Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ giám sát. Vẫn từ “Cuộc Chiến Cuối Cùng: Âm Mưu 100 Năm Để Đánh Bại Mỹ Quốc.” (Sản phẩm Nguyên bản của Epoch Times)
Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ giám sát. Vẫn từ “Cuộc Chiến Cuối Cùng: Âm Mưu 100 Năm Để Đánh Bại Mỹ Quốc.” (Sản phẩm Nguyên bản của Epoch Times)

Theo ông Lý, công an đã lôi một người bạn của ông ra khỏi căn hộ và đưa ông này đến đồn công an.

Ông nói: “Vào ngày 18, họ lôi ông ấy lên xe và dí đầu ông ấy xuống sàn xe. Họ đã thẩm vấn ông ấy trong vài giờ.” Mãi đến khi có những nỗ lực từ phía thân nhân của vị này ở Vũ Hán và Bắc Kinh, và một nhà ngoại giao ngoại quốc can thiệp thay mặt vị ấy, thì công an mới trả tự do cho bạn ông.

Ông Lý nói rằng chính quyền Vũ Hán hiện đang cố gắng hết sức để trả đũa và trừng phạt những người tham gia.

Mặc dù một số người lớn tuổi đã bị bắt, nhưng ông Lưu nói rằng chính quyền Vũ Hán đang tập trung vào việc bắt giữ những người trẻ tuổi tại hiện trường. “Tôi không biết có bao nhiêu người đã bị bắt, nhưng tôi chắc chắn một điều là cho đến nay không có một thanh niên bị bắt nào được phóng thích.”

Ông cho biết, hiện giờ chỉ có nhà chức trách mới có quyền quyết định xem vụ việc này sẽ được giải quyết theo hình thức nào. “Không [có] thủ tục pháp lý nào cho các thân nhân của những thanh niên bị bắt.”

The Epoch Times đã cố gắng liên lạc với Cục Công an Vũ Hán để hỏi về việc bắt giữ những người biểu tình, nhưng các cuộc gọi đều không kết nối được. The Epoch Times cũng đã thử gọi cho Trung tâm Chỉ huy của Cục Công an Vũ Hán. Họ nhấc máy lên rồi lại cúp máy.

Những cơn ác mộng lặp đi lặp lại

Theo một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trả đũa phong trào giấy trắng bằng cách bắt giữ nhiều người biểu tình.

Hôm 14/02, anh Lâm nói với The Epoch Times rằng sau khi xem các video và hình ảnh trực tuyến về các cuộc biểu tình ở Thượng Hải hồi năm ngoái, anh đã được truyền động lực và quyết định tham gia vào phong trào giấy trắng.

Sáng sớm ngày 27/11, anh đã chứng kiến ​​các cuộc biểu tình tại Đường Ô Lỗ Mộc Tề của Thượng Hải — một địa điểm mà mọi người bày tỏ lòng thương tiếc đối với các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Ô Lỗ Mộc Tề.

Tại hiện trường, anh đã thấy cách công an đối phó với những người biểu tình.

“Tôi đạp xe về phía ngã tư Đường Ô Lỗ Mộc Tề; ở đó tôi thấy một thanh niên bị bốn người đàn ông ép lên xe cảnh sát,” anh nói. Anh đã lấy điện thoại di động ra để quay cảnh đó, nhưng ngay lập tức hai người đàn ông tiến đến và chỉ tay ra hiệu cho anh rằng “Không được quay phim.” Anh cho hay mình đã lập tức nhấn nút dừng quay và bỏ điện thoại vào túi.

Tuy nhiên, sau khi anh chụp được một vài bức ảnh, sáu viên công an đã tấn công anh một cách thô bạo. Anh nói, “Tôi thấy có mấy người đang quay phim tôi. Tôi đã kháng cự với lực lượng công an … Tôi cố gắng câu giờ lâu nhất có thể, hy vọng họ [sẽ] ghi được khoảnh khắc ấy và lan truyền trên mạng Internet.”

Anh cho biết, cuối cùng thì công an cũng tống bằng được anh vào trong xe cảnh sát và đánh vào đầu anh.

Tại đồn công an, anh nhìn thấy bốn thanh niên biểu tình khác trạc tuổi anh. Anh cũng tình cờ nghe được một cuộc nói chuyện giữa công an và lính canh, nói rằng có rất nhiều người đã bị bắt từ tối ngày 26/02 đến rạng sáng ngày 27/02 và những người này đã bị chuyển đến nhiều đồn công an khác nhau.

Anh Lâm nói rằng công an đã chụp vài bức hình chân dung của anh khi bị bắt, lấy dấu vân tay, và lòng bàn tay của anh. Họ không quét được mống mắt của anh do máy bị trục trặc. Công an tìm cách thu thập mẫu máu, chữ ký, và ghi âm giọng nói của anh, nhưng anh từ chối hợp tác.

Trong hình thức tra tấn có tên là “ghế cọp” được miêu tả trong bức vẽ này, hai chân bị kê cao dần lên theo thời gian gây ra những cơn đau dữ dội. (Minghui.org)
Trong hình thức tra tấn có tên là “ghế cọp” được miêu tả trong bức vẽ này, hai chân bị kê cao dần lên theo thời gian gây ra những cơn đau dữ dội. (Minghui.org)

Anh nói rằng công an đã dúi đầu anh vào bức tường bê tông, và một viên công an đã đá anh mạnh đến nỗi văng cả giày ra khỏi chân. Trải qua màn tra tấn “ghế cọp”, anh kể: “Tôi không dám nhúc nhích vì rất đau.”

Ghế cọp là một trong những hình thức tra tấn thường được công an cộng sản sử dụng. Hai chân của nạn nhân bị trói chặt vào ghế cọp bằng dây da, sau đó họ dùng gạch hoặc một số vật cứng để kê cổ chân của nạn nhân cao dần lên cho đến khi dây da căng ra, gây ra những cơn đau thống thiết.

“Tôi phản đối việc hạn chế quyền tự do ngôn luận của tôi,” anh Lâm nói với công an. “Tôi đã hỏi một viên công an tại sao anh ta đánh tôi, và anh ta nói: ‘Ai chứng minh được là tôi đã đánh anh chứ?’”

Mãi đến sáng ngày 28/11 anh Lâm mới được thả ra.

Công an nói với lý do anh bị bắt là anh đã “gây gổ và kích động gây rối,” và anh “bị triệu tập bằng miệng” (không cần văn bản nào cả).

Anh Lâm nói rằng anh đã tranh biện với công an. Anh nói khi một đất nước tạo ra bầu không khí sợ hãi đối với người dân của họ, rằng một người bình thường có thể bị bắt vì đi ngang qua bằng xe đạp, chụp vài tấm hình, rồi quay phim mấy tòa nhà xung quanh và cảnh đường phố, thì đất nước đó đã chẳng còn chút hy vọng nào nữa.

Anh đề nghị công an ghi lại chấn thương thể xác mà họ đã gây ra cho anh vào một biên bản bổ sung. Tuy nhiên, công an từ chối ban hành lệnh triệu tập cho hành động bắt giữ anh. Họ nói với anh Lâm rằng phải có một lệnh triệu tập bằng văn bản thì họ mới lập biên bản.

Anh Lâm cho biết sau khi trở về nhà, anh thấy gia đình được thông báo rằng anh bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng. Anh nói: “Điều đó hoàn toàn khác với những gì họ nói với tôi ở đồn công an. Chuyện này thật quá hoang đường.”

Chàng trai trẻ quyết không đầu hàng

Anh Lâm thừa nhận rằng vụ việc này đã khiến anh bị tổn thương. “Nếu như tôi ở đồn công an thêm vài giây nữa thôi, tinh thần của tôi có thể sẽ hoàn toàn suy sụp. Thật khó để tưởng tượng làm thế nào mà tôi có thể trải qua chuyện này,” anh chia sẻ.

Kể từ đó, những cơn ác mộng đã tìm đến anh và thường khiến anh bật dậy giữa đêm.

Anh cảm thấy rất bất an trong lòng, sợ rằng một ngày nào đó chính quyền sẽ trả đũa anh, và công an sẽ lại đến và bắt anh đi một lần nữa.

“Tôi vô cùng thất vọng với hệ thống chính trị, tư pháp, và mức độ tự do ở Trung Quốc ngày nay,” anh nói.

Tuy nhiên, anh nói, không gì có thể ngăn cản quyết tâm theo đuổi tự do dân chủ của anh. Anh nói: “Tôi nghĩ mọi người nên dũng cảm đứng lên và cùng nhau tạo ra một bầu không khí tốt để đẩy nhanh sự sụp đổ của ĐCSTQ.”

Anh nhấn mạnh rằng chính vụ hỏa hoạn ở Ô Lỗ Mộc Tề đã thổi bùng ngọn lửa phẫn nộ bị kìm nén lâu nay.

Anh Lâm nói, nếu có cơ hội, anh hy vọng có thể “thoát khỏi Trung Quốc càng sớm càng tốt”.

Bản tin có sự đóng góp của Triệu Phượng Hoa và Hồng Ninh
Hồng Ân biên dịch

Related posts