Ukraina tuyên bố đánh bật quân Nga khỏi các vị trí gần Avdiivka
Liên Thành
Các đơn vị Nga ở khu vực Donetsk đã rút khỏi vị trí của họ ở phía nam Avdiivka sau cuộc tấn công thành công của Lực lượng Phòng vệ Ukraina, ông Pavlo Kovalchuk – phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraina cho biết hôm thứ Tư, ngày 2/8.
Theo ông, quân đội Ukraina cũng đang tiếp tục tấn công ở phía nam Bakhmut. Đồng thời, trong ngày 2/8, quân đội Nga đã cố gắng khôi phục các vị trí đã mất ở phía tây bắc Klishchiivka và Kurdyumivka, nhưng không thành công.
Tổng cộng, hơn 40 cuộc giao tranh đã diễn ra dọc theo toàn bộ chiến tuyến trong ngày 2/8, theo tổng kết của Bộ Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraina.
https://twitter.com/explore?ref_src=twsrc%5Etfw%7Ctwcamp%5Etweetembed%7Ctwterm%5E1686644648763396096%7Ctwgr%5Ef13b24aa22a97401486880aebb13051d43fba090%7Ctwcon%5Es1_&ref_url=https%3A%2F%2Fwww.dkn.tv%2Fthe-gioi%2Fukraina-tuyen-bo-danh-bat-quan-nga-khoi-cac-vi-tri-gan-avdiivka.html
Theo hướng Melitopol và Berdyansk, các đơn vị của quân Ukraina đang cố thủ tại các ranh giới đã đạt được, và quân Nga đã đáp trả bằng cách tiến hành một cuộc không kích vào khu vực Orikhiv. Hơn 15 khu định cư ở Zaporizhzhia đang bị pháo kích.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ giúp xuất khẩu ngũ cốc sang châu Phi
Liên Thành
Tổng thống Vladimir Putin ngày 2/8, đề nghị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giúp Nga xuất khẩu ngũ cốc sang các nước châu Phi.
Điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố rằng, ông Putin đã nêu rõ Nga sẵn sàng hợp tác cùng Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác quan tâm vấn đề này.
Văn phòng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày (2/8) cho biết, ông Erdogan trong cuộc điện đàm đã nhấn mạnh rằng cần tránh những động thái có thể tổn hại tới khả năng nối lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về chuyến thăm của ông Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không nêu ngày cụ thể. Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chuyến thăm dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8.
Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hôm 17/7, nhưng nhiều lần cho biết sẵn sàng nối lại thỏa thuận nếu các quyền lợi của chính quyền Matxcova được thực hiện.
Đây là thỏa thuận được Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán vào tháng 7/2022, cho phép Ukraina tiếp tục xuất khẩu ngô, lúa mì và các loại nông sản từ các cảng ở Biển Đen. Đổi lại, phương Tây loại bỏ rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.
Ba Lan kiên quyết phản đối việc máy bay Belarus xâm phạm không phận nước này
Liên Thành
Chính phủ Ba Lan ngày 2/8 triệu tập đại biện lâm thời của Belarus đến để bày tỏ sự phản đối quyết liệt sau khi 2 chiếc máy bay trực thăng quân sự của Belarus được cho là đã đi vào không phận Ba Lan hôm 1/8.
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Paweł Jabłoński nói: “Chúng tôi đã đưa ra lời phản đối rất kiên quyết đối với các hành động của Belarus mà chúng tôi coi là hành động khiêu khích”. Ông cho biết thêm rằng, có thể có nhiều hành động khiêu khích hơn từ phía Belarus và Nga trong tương lai. Belarus đã phủ nhận mọi hành vi vi phạm đã diễn ra.
Bộ Quốc phòng Ba Lan hôm 1/8 cho biết, nước này cũng đã thông báo cho NATO về sự việc nói trên.
Căng thẳng giữa chính quyền Vac-sa-va và Minsk ngày càng gia tăng, và Ba Lan tuyên bố sẽ tăng số lượng binh sĩ dọc biên giới với Belarus.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, hơn 100 lính đánh thuê Wagner đã tiến về hành lang Suwałki. Ông cáo buộc rằng, đây là một bước tiến tới một cuộc tấn công hỗn hợp hơn nữa vào lãnh thổ Ba Lan.
Hoa Kỳ di tản nhân viên đại sứ quán ở Niger trong bối cảnh đảo chính quân sự
Minh Ngọc biên dịch
Hoa Kỳ đã ra lệnh di tản một số nhân viên và gia đình khỏi đại sứ quán nước này ở thủ đô Niamey của Niger, trong bối cảnh một cuộc đảo chính quân sự đã lật đổ ông Mohamed Bazoum, vị tổng thống được bầu cử dân chủ của quốc gia Tây Phi này.“Hôm nay, chúng tôi đã ra lệnh tạm thời cho các nhân viên không khẩn cấp và các thành viên gia đình đủ điều kiện rời khỏi Niger,” Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố hôm 02/08.
“Hoa Kỳ cam kết duy trì mối bang giao của chúng tôi với người dân Niger. Đại sứ quán vẫn mở, và các lãnh đạo của chúng tôi đang can dự ngoại giao ở cấp cao nhất.”
Thông cáo báo chí vào ngày 02/08 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Đại sứ quán tại Niamey “đã tạm thời cắt giảm nhân sự, đình chỉ các dịch vụ thông thường, và chỉ có thể cung cấp viện trợ khẩn cấp cho công dân Hoa Kỳ tại Niger.”
Bộ đã nâng khuyến nghị đi lại lên “Cấp độ 4: Không Nên Đi Du Lịch” và cảnh báo người Mỹ không đến Niger, lưu ý rằng công dân Hoa Kỳ trước đây đã được khuyên “cân nhắc lại việc đi đến Niger do tội phạm, khủng bố, và bắt cóc.”
Hành động này diễn ra trong bối cảnh tổng thống Niger bị quản thúc tại gia vào ngày 26/07, đánh dấu cuộc đảo chính quân sự thứ bảy trong vòng chưa đầy ba năm ở khu vực Tây và Trung Phi.
Hôm 28/07, một vị quan chức quân đội — Tướng Abdourahmane Tchiani, người đứng đầu đơn vị cảnh vệ của tổng thống — đã tuyên bố mình là người cai trị mới của Niger.
Niger là một đồng minh chủ chốt của phương Tây trong cuộc chiến chống quân nổi dậy Hồi Giáo trong khu vực. Các cường quốc bên ngoài đã lên án cuộc đảo chính, lo ngại diễn biến này có thể tạo thuận lợi cho những kẻ cực đoan tiến bước.
Pháp, Hoa Kỳ, Đức, và Ý có quân đội đóng ở Niger trong các nhiệm vụ huấn luyện và chống nổi dậy, giúp quân đội chống lại các nhóm có liên hệ với các nhóm khủng bố như al-Qaeda và ISIS ở khu vực Sahel của châu Phi.
Hoa Kỳ hoạt động từ hai căn cứ ở Niger với khoảng 1,100 binh lính.
Pháp, Ý, và Tây Ban Nha đã tuyên bố di tản công dân của họ và các công dân Âu Châu khác ở Niamey, trong bối cảnh lo ngại họ có thể bị mắc kẹt. Bộ Ngoại giao Pháp cho biết gần 1,000 người đã rời đi trên bốn chuyến bay và đợt di tản thứ năm đang được tiến hành.
Cuối ngày 02/08, lãnh đạo quân sự mới của Niger, ông Tchiani đã cảnh báo chống lại sự can thiệp của ngoại quốc và can thiệp quân sự nhắm vào cuộc đảo chính.
Ông Tchiani nói: “Do đó, chúng tôi kêu gọi toàn thể người dân Niger cũng như sự đoàn kết của họ để đánh bại tất cả những kẻ muốn gây ra những đau khổ khôn tả cho những người dân làm việc chăm chỉ của chúng ta và gây bất ổn cho đất nước của chúng ta.”
Ông Tchiani cũng hứa sẽ tạo hoàn cảnh thuận lợi để chuyển tiếp sang bầu cử một cách hòa bình sau khi ông truất phế ông Bazoum.
Khối khu vực của vùng Tây Phi, Cộng đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), đã đe dọa sẽ sử dụng vũ lực nếu ông Bazoum không được trả tự do khỏi quản thúc tại gia và được phục chức trước ngày 06/08. Khối này đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và đi lại nghiêm ngặt.
Ông Tchiani đã mô tả các biện pháp trừng phạt mà ECOWAS áp đặt là bất hợp pháp, không công bằng, vô nhân đạo, và chưa từng có. Ông nói rằng Niger đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn phía trước, đồng thời thái độ “thù địch và cực đoan” của những người phản đối sự thống trị của ông không mang lại thêm chút giá trị nào.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Blinken đã nói chuyện với ông Bazoum trong một cuộc điện đàm hôm 01/08 và truyền đạt “sự ủng hộ không lay chuyển” của Hoa Kỳ đối với ông Bazoum và nền dân chủ của Niger.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng “nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ bác bỏ những nỗ lực lật ngược trật tự Hiến Pháp, và sát cánh với người dân Niger, [ECOWAS], Liên minh Phi Châu và các đối tác quốc tế nhằm ủng hộ nền quản trị dân chủ cũng như sự tôn trọng dành cho pháp quyền và nhân quyền.”
Ba Lan cảnh báo về hiện trạng quan hệ với Ukraine
Vy An (Theo RT)
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan, ông Pawel Jablonski, tuyên bố hôm 2/8 rằng khả năng hòa giải giữa nước này và Ukraine là “không thể” nếu phía Kyiv không công nhận vụ sát hại hàng loạt người dân tộc Ba Lan trong Thế chiến II ở Volhynia bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine là một tội ác diệt chủng.
Ông Jablonski trả lời phóng vấn với đài truyền hình Ba Lan RMF24 rằng thật không may mối quan hệ giữa hai nước láng giềng “không phải là tốt nhất” vào lúc này, “do những tuyên bố gần đây của một số nhà chức trách Ukraine”. Ông nói thêm rằng Ba Lan hiểu “những cảm xúc” nảy sinh vì Ukraine “đang bị tấn công”, “tuy nhiên nước này cũng không nên công kích các đồng minh của mình.”
“Chúng tôi hỗ trợ Ukraine trong phạm vi phù hợp với lợi ích quốc gia của Ba Lan. Do đó, nó đã luôn như vậy và sẽ luôn như vậy,” ông Jablonski nói.
Giữa Ba Lan và Ukraine vẫn luôn có nhiều bất đồng, tuy nhiên vụ thảm sát thời Thế chiến II cho đến nay là vấn đề lớn nhất. Chính phủ Ba Lan nhận định việc Quân đội nổi dậy Ukraine (UPA) của ông Stepan Banderasát hại tới 60.000 người dân tộc nước này vào những năm 1943-44 là một tội ác diệt chủng. Ba Lan đã gây áp lực yêu cầu Ukraine cho phép tìm kiếm thi thể, tưởng niệm các nạn nhân và truy tố những người chịu trách nhiệm. Tuy nhiên tại Ukraine, ông Bandera lại là một anh hùng dân tộc.
Ông Jablonski nhấn mạnh: “Không có khả năng hòa giải thực sự giữa Ba Lan và Ukraine nếu không giải quyết vấn đề này.”
Ba Lan đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực cung cấp vũ khí, đạn dược và trang thiết bị cho Ukraine của NATO. Tuy nhiên, nước này cũng tham gia thúc đẩy 6 thành viên thuộc khu vực phía đông EU ngăn chặn việc bán nông sản xuất khẩu của Ukraine với giá thấp hơn giá thị trường, dưới áp lực từ sự bất mãn của những người nông dân.
Đáp lại những chỉ trích của Ukraine về lệnh cấm nhập khẩu vào đầu tuần này, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Ba Lan, ông Marcin Przydacz, nói rằng thay vào đó, Kyiv nên “bắt đầu cảm kích vai trò mà Ba Lan đã thể hiện đối với Ukraine trong những tháng năm gần đây”.
Bộ Ngoại giao Ukraine đã phản ứng bằng cách triệu tập Đại sứ Ba Lan để khẳng định rằng tuyên bố của ông Przydacz là “không đúng sự thật và không thể chấp nhận được”. Phó chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, ông Andrey Sibiga, đăng trên mạng xã hội rằng: “Không có gì tồi tệ hơn việc người cứu bạn yêu cầu bạn trả chi phí cứu trợ, ngay cả khi bạn đang chảy máu.”
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki gọi động thái của Ukraine là một sai lầm nghiêm trọng và tuyên bố rằng “không có lợi ích của quốc gia nào cao hơn lợi ích của Ba Lan”. Ông Zelensky đã tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, nói rằng hai quốc gia là “một lá chắn thực sự của châu Âu từ bờ biển này sang bờ biển khác” và lá chắn này không thể có “một vết nứt nào”.