Trung Quốc “âm mưu” gì khi xây đường băng ở đảo Tri Tôn?

Trương Nhân Tuấn

19-8-2023

Báo chí VN loan tải tin tức TQ đã xây đường băng trên đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN. Có học giả thì nói đường băng quá ngắn và quá hẹp để gọi đó là phi đạo. Nhưng lại có học giả khác quả quyết đó là đường băng, các phi cơ nhỏ hay các drones có thể sử dụng.

Theo tôi, nếu ta quan sát thường xuyên những gì xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa nói chung và đảo Tri Tôn nói riêng, ta có thể nói rằng cái gọi là “đường băng” dài khoảng 600 mét chỉ mới được xây dựng trong 5 tháng, từ tháng 3 đến trung tuần tháng 8 năm 2023.

Điều quan trọng là đảo Tri Tôn, từ vị thế là một cồn cát nhỏ bé nổi thường trực trên biển trước năm 2013, nay trở thành một “đảo”, có diện tích vài chục ngàn mét vuông, tương tự các công trình đảo nhân tạo mà TQ đã xây dựng (từ 2013 đến 2017) trên các bãi đá đã chiếm của VN (1988) ở Trường Sa.

Theo tôi là quá sớm để kết luận con đường mới được xây dựng theo hướng Đông-Tây, chiều dài khoảng 600 mét (2.000 feet), bề rộng khoảng 14 mét (45 feet) là “phi đạo” hay không phải là phi đạo.

Theo tôi, có thể đây chỉ là con đường tạm thời, được xây dựng để chuẩn bị cho một phi đạo thực sự, theo hướng Đông-Bắc, có chiều dài lên tới gấp 3 lần (3×600=1.800 mét).

Vài nét về đảo Tri Tôn

Đảo này thuộc quần đảo Hoàng sa của VN, cách bờ biển VN khoảng 134 hải lý, cách đảo Lý sơn của VN khoảng 121 hải lý. Về địa lý thực thể này không phải là “đảo” mà chỉ là một cồn cát nhỏ nổi thường trực trên mặt nước. Trên cồn cát không có nước ngọt, cũng không có cây cỏ, vì vậy không thích hợp cho con người sinh sống. Đồng thời đảo này không thể có một “nền kinh tế tự tại”. Tức là “đảo” Tri Tôn thực tế chỉ là một “đá”, theo định nghĩa của điều 121 khoản 3 của Công ước LHQ về Biển 1982.

Về lịch sử, quần đảo Hoàng Sa được nhà nước bảo hộ Pháp sáp nhập vào VN đầu thập niên 30 thế kỷ trước. Quần đảo này sau đó được Pháp trao trả lại cho Quốc gia Việt Nam, sau đó chuyển qua hai nền Đệ nhứt và đệ nhị VNCH. Đến ngày 17 tháng 4 năm 1974 TQ cử hạm đội cùng lực lượng không quân hỗ trợ để chiếm HS. Quân VNCH trấn đóng trên các đảo phải rút lui. Từ đó TQ chiếm trọn vẹn quần đảo HS của VN.

Như vậy TQ “thụ đắc lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực”, đi ngược lại tinh thần nền tảng của hiến chương LHQ. Tức là, trên phương diện pháp lý, danh nghĩa chủ quyền của TQ ở HS thì không được xác lập và không được nhìn nhận.

Mục đích xây dựng đảo Tri Tôn của TQ thành một “tiền đồn” trên biển hiển nhiên bổ túc hệ thống quân sự của họ ở quần đảo Hoàng Sa. Nhưng với vị trí gần VN như vậy, mục tiêu của nó là đe dọa VN.

Theo tôi, TQ có nhiều lý do để bồi đắp và xây dựng đảo Tri Tôn

Thứ nhứt, việc gấp gáp xây dựng và quân sự hóa đảo Tri Tôn, cho thấy có lẽ TQ lo ngại việc Campuchia cũng áp dụng “ngoại giao cây tre” của Thái Lan. Việc xứ chùa tháp thay đổi lãnh đạo, mặc dầu là con trai của thủ tướng Hun Sen, ông Hun Manet. Nhưng Hun Manet là người được đào tạo tại Mỹ, xuất thân từ trường võ bị danh tiếng West Point của Mỹ. Tức là Campuchia sắp tới có thể thay đổi chính sách để cân bằng với TQ, hoặc có thể nghiêng hẳn về phía Mỹ.

Thứ hai, việc bồi đắp, xây dựng cồn cát Tri Tôn thành một “đảo” còn có mục đích củng cố yêu sách Tứ Sa của TQ.

Từ khi yêu sách “đường chín đoạn” bị phán quyết 13-7-2016 của tòa CPA bác bỏ, TQ tập trung vào yêu sách “Tứ Sa”, theo đó TQ lập luận “Trung Quốc được hưởng chủ quyền đối với vùng Nam Hải Chư Đảo bao gồm các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa. Nam Hải Chư Đảo của Trung Quốc có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.

Ta thấy từ khi có phán quyết PCA 13-7-2016, TQ ít khi nhắc tới “quyền lịch sử” hay “đường chín đoạn” nữa. Bởi vì việc này không thuyết phục được người dân TQ, huống chi dư luận quốc tế. Vì vậy họ đặt nặng yêu sách Tứ Sa, thông qua cách diễn giải (quá lố) hiệu lực của UNCLOS, TQ nghĩ rằng họ không gặp phản đối khi yêu sách toàn bộ lãnh thổ HS và TS cũng như 80% Biển Đông.

Thứ ba, mục tiêu khác của TQ khi xây dựng đảo Tri Tôn, là nhằm khẳng định hệ thống đường “cơ bản quần đảo”, giành cho TQ “vùng nội thủy” của quần đảo HS.

Điều này TQ cũng gặp khó khăn để thuyết phục dư luận trong và ngoài nước. Vì theo UNCLOS, “vùng nước quần đảo” chỉ áp dụng cho “quốc gia quần đảo” mà thôi. Mặt khác, vùng nước quần đảo, theo UNCLOS, bị giới hạn theo tỉ lệ tỉ lệ đất/biển từ 1/1 đến 1/10.

Ta thấy toàn bộ diện tích các đảo Hoàng Sa chưa tới 10 cây số vông đất (không tính đất bồi thêm). Tức vùng biển “nội hải”, nếu có, của quần đảo HS (và TS) không quá 100 cây số vuông nội hải.

Cuối cùng điều cần biết là VN phải có thái độ nào? Sự im lặng thường trực của VN trước những động thái đe dọa an ninh cũng như bành trướng về lãnh thổ của TQ là không bình thường. Điều này hàm ý rằng VN đồng thuận với các hành vi của TQ.

Theo tôi VN cần phải có phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự đe dọa của TQ. Cho đến Campuchia còn có nhận thức phải “xoay trục về Mỹ”, trong khi VN luôn đề cao chính sách “ngoại giao cây tre” của mình.

Về chuyện “ngoại giao cây tre”. Theo tôi đã đến lúc “cái gì của Cesar thì trả lại cho Cesar”.

Chính sách ngoại giao cây tre thực tế đến từ Thái Lan, từ thập niên 40 thế kỷ trước.

Khoảng năm 1932, thấy Nhật đang lên, Thái Lan gia nhập khối “Đại Đông Á” của Nhật. Dựa vào thế lực của Nhật, Thái Lan ép Pháp phải nhượng bộ về lãnh thổ (ranh giới từ Lào đến Campuchia). Gần như 1/2 lãnh thổ Campuchia, phía hữu ngạn sông Cửu Long, đều thuộc về Thái. Nhưng đến năm 1943, khi thấy Nhật yếu thế, nhiều khả năng sẽ thua Mỹ, vị thủ tướng thân Nhật bèn giao quyền cho một thủ tướng mới, thân Mỹ. Vì vậy trong Thế giới đại chiến lần hai Thái Lan luôn đứng về phe chiến thắng. Điều này tôi đã nhiều lần viết trên mạng, từ hơn hai thập niên. Ta thấy việc thủ tướng Hun Sen trao quyền cho con trai Hun Manet, thân Mỹ, cũng có hơi hướng “ngoại giao cây tre” của Thái Lan.

Theo tôi, đảng CSVN cần đặt lợi ích của VN lên trên hết, thay vì đặt chủ nghĩa hay lợi ích phe phái lên trên. VN cần nâng cấp quan hệ với Mỹ đồng thời chuẩn bị một thế hệ lãnh đạo mới, sáng suốt, có tinh thần quốc gia dân tộc “yêu nước như yêu nhà, thương dân như thương thân”.

Nếu thực sự đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên hết, thì không có chuyện lãnh đạo “lạc đường”, đưa đất nước vào ba cuộc chiến tranh mà các cuộc chiến này có thể tránh. Hay đưa đất nước vào tư thế mà người dân “ngó vào đâu cũng phải ghìm cơn nôn mửa” (Bùi Minh Quốc) như hiện tại.

Related posts