Khi cuộc khủng hoảng kinh tế dần trở nên rõ ràng, Bắc Kinh đang quay trở lại với chiến thuật cũ: chôn vùi những dữ liệu tiêu cực.
Lĩnh vực tiêu dùng của Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát vào tháng 7, lần đầu tiên sau hai năm. Nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm của Trung Quốc đã suy yếu, khiến xuất nhập khẩu sụt giảm. Hàng triệu thanh niên thất nghiệp. Lĩnh vực bất động sản khổng lồ, từng là trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đang trên bờ vực sụp đổ.
Với một cuộc khủng hoảng đang dần trở nên rõ ràng, cùng với việc các quỹ phòng hộ của Mỹ đang ráo riết bán phá giá cổ phiếu Trung Quốc, Bắc Kinh đang quay trở lại với chiến thuật cũ của mình: chôn vùi những dữ liệu không mấy khả quan.
Vào ngày 15/08, với việc số lượng thanh niên thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục từ tháng này qua tháng khác – hiện cho thấy cứ 5 người trong độ tuổi từ 16 đến 24 thì có 1 người không có việc làm, các nhà chức trách cho biết họ sẽ tạm dừng cung cấp các cập nhật về mảng tin tức này, với lý do cần phải đánh giá lại phương pháp thống kê của họ.
Bà Lucia Dunn, giáo sư kinh tế học tại Đại học Bang Ohio, nói với The Epoch Times: “Trung Quốc không đưa ra dữ liệu trung thực mà bạn có thể tin tưởng. Ngay khi có thông tin nào đó bất lợi cho kế hoạch chính trị của ĐCSTQ, họ lập tức loại bỏ nó”.
Đó là một mô hình tương tự như những gì bà Dunn đã quan sát thấy trong cách xử lý COVID-19 của Trung Quốc. Sau khi Bắc Kinh áp đặt lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới ở tâm chấn virus, Vũ Hán, vào tháng 01/2020, bà Dunn và một số nhà nghiên cứu khác đã nghiên cứu số ca nhiễm bệnh và tử vong ở Trung Quốc bằng cách lấy cả dữ liệu chính thức từ Trung Quốc và thông tin của công nhân từ các lò hỏa táng quá tải trong thành phố.
Bà ấy nói với The Epoch Times vào thời điểm đó rằng các con số của Trung Quốc dường như “nhỏ gấp mười lần [thực tế]”.
Điều tương tự có thể đã xảy ra một lần nữa vào cuối năm 2022, khi một làn sóng COVID-19 khổng lồ khác tàn phá Trung Quốc và làm tê liệt các nhà tang lễ cũng như bệnh viện. Ngay cả khi những người thuộc tầng lớp đặc quyền chết với tốc độ đáng báo động, nhiều trường hợp tử vong không được tính vào số liệu thống kê về COVID-19. Các nhà chức trách đã áp đặt một định nghĩa hẹp về các trường hợp tử vong do COVID-19, loại trừ các bệnh nền, trong khi các bác sĩ, trong các cuộc phỏng vấn, nói với The Epoch Times rằng họ đã nhận được cảnh báo không được nhắc đến COVID-19 trong giấy chứng tử.
Dữ liệu thất nghiệp của thanh niên không phải là lĩnh vực duy nhất mà chính quyền Trung Quốc che giấu. Các quan chức của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc gần đây đã ra lệnh cho các công ty luật trong nước trong một cuộc họp kín phải giảm nhẹ từ ngữ trong việc mô tả các rủi ro kinh doanh liên quan đến Trung Quốc. Các quan chức khuyên họ nên tránh ngôn ngữ làm mất uy tín đối với chính sách của Trung Quốc cũng như môi trường kinh doanh và pháp lý của nước này, đồng thời từ bỏ việc công bố thông tin tiêu chuẩn về những thay đổi bất lợi trong điều kiện kinh tế của Trung Quốc, ám chỉ rằng việc không tuân thủ có thể khiến đơn đăng ký niêm yết ở nước ngoài của họ không được phê chuẩn.
Theo bà Dunn, đó là một phần trong nỗ lực của chính quyền trong nhiều năm nhằm tạo nên ảo tưởng rằng “nền kinh tế của ĐCSTQ đang vững mạnh”.
Bà lưu ý rằng, Bắc Kinh cũng thao túng giá trị đồng tiền của đất nước và biến nó trở thành “bất cứ thứ gì họ muốn”, khiến các nhà quan sát bên ngoài mất đi một công cụ khác để đánh giá sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.
Thao túng tiền tệ cho phép Trung Quốc bán hàng ra nước ngoài với giá rẻ hơn. Bộ Tài chính Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Trump vào tháng 08/2019 đã chính thức gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ để đáp trả các mức thuế mới từ Hoa Kỳ; tuy nhiên, bộ đã loại bỏ nhãn vào tháng 1 năm sau trước thời điểm dự kiến ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Vào tháng 6, Bộ Tài chính đã liệt kê Trung Quốc là một trong bảy nền kinh tế trong “danh sách giám sát” về các hoạt động tiền tệ, nói rằng “sự thiếu minh bạch của Trung Quốc và việc sử dụng một loạt các công cụ làm phức tạp khả năng của Bộ Tài chính trong việc đánh giá mức độ mà các hành động chính thức được thiết kế để tác động đến tỷ giá hối đoái”.
Bà Dunn cho biết bà đã gặp nhiều sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc trong thập kỷ qua và rằng “họ luôn nói với tôi rằng hãy lấy bất kỳ con số tăng trưởng nào mà Trung Quốc đưa ra và chia nó ra làm đôi”, bởi vì “những con số đó chỉ là sự phóng đại quá mức”.
“Những người thực sự hiểu cách thức hoạt động của Trung Quốc đã nghi ngờ điều đó ngay từ đầu, nhưng bây giờ tôi nghĩ điều đó đang trở nên rõ ràng với thế giới”, bà nói.
Bắc Kinh liệu có thể cứu vớt nền kinh tế?
Evergrande, gã khổng lồ bất động sản vỡ nợ vào năm 2021 và châm ngòi cho một đợt vỡ bong bóng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, đã nộp đơn xin phá sản ở New York vào ngày 17/08 trong lúc đang tham gia vào các cuộc đàm phán tái cơ cấu để trả nợ cho các chủ nợ nước ngoài.
Hai nhà phát triển khác nổi tiếng trong nước là Country Garden và Sino–Ocean Group Holding (do nhà nước hậu thuẫn) cũng đã bỏ lỡ các cam kết nợ của họ. Zhongrong International Trust, một công ty ủy thác lớn của Trung Quốc với tài sản được quản lý trị giá 108 tỷ USD vào cuối năm 2022, đã không thể thanh toán cho hàng chục sản phẩm tài chính liên quan đến gần 30.000 nhà đầu tư.
Với việc lĩnh vực bất động sản Trung Quốc là trụ cột cốt lõi của nền kinh tế quốc gia, những rắc rối ngày càng sâu sắc của nó đã khiến ít nhất bốn nhà môi giới lớn cắt giảm triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.
Ông Ray Dalio, người sáng lập quỹ phòng hộ trị giá 125 tỷ USD Bridgewater Associates, đồng thời là một nhà đầu tư có đam mê với Trung Quốc từ lâu, cho biết vào ngày 17/08 rằng Trung Quốc đáng lẽ phải tiến hành “tái cơ cấu nợ quy mô lớn” từ lâu.
Trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, ngân hàng trung ương Trung Quốc (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) vào ngày 15/08 đã bất ngờ cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong ba tháng. Việc giảm 15 điểm cơ bản đối với các khoản cho vay cơ sở cho vay trung hạn một năm xuống 2,5% là mức lớn nhất kể từ năm 2020 và khiến đồng nhân dân tệ xuống mức yếu nhất trong năm nay. Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đã tuyên bố vào ngày 18/08 rằng họ có thể cắt giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ mua lại cổ phiếu và khuyến khích đầu tư dài hạn.
Nhưng các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu Bắc Kinh có thể cứu nền kinh tế khỏi bị lao dốc hơn nữa hay không.
“Họ đã nói một cách hùng biện rằng, ‘Vâng, chúng tôi muốn làm cho thị trường Trung Quốc trở nên hấp dẫn, chúng tôi muốn đầu tư nước ngoài, và chúng tôi muốn tất cả các nhà đầu tư này đến và làm Trung Quốc sôi động trở lại’, nhưng hành động của họ lại đi ngược lại với điều đó”, ông Riley Walters, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson, chuyên về kinh tế quốc tế và an ninh quốc gia, nói với The Epoch Times.
Theo ông, các quy định mới không rõ ràng trong luật chống gián điệp có hiệu lực vào tháng 7 nhằm hạn chế việc chuyển giao thông tin liên quan đến an ninh quốc gia đang “thực sự khiến các nhà đầu tư sợ hãi”, ngoài ra còn có “hoạt động đối xử ưu đãi chống lại các công ty nước ngoài”, theo ông Walters.
Ông nói: “Tương lai sẽ là một con đường khó khăn cho Bắc Kinh”.
Bà Dunn cũng chỉ ra các vấn đề về cấu trúc của đất nước như mất cân bằng giới tính do chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ, rủi ro hối lộ thương mại và hành vi vi phạm nhân quyền “lạc lõng so với phần còn lại của thế giới”.
Bà nói: “Các nhà chức trách Trung Quốc có một bộ các ưu tiên khác, đó là giữ cho đảng nắm quyền kiểm soát”.
“Họ không hành động vì các động cơ chủ yếu kinh tế – họ có động cơ chính trị – và điều đó chỉ khiến mọi thứ trở nên khó lường”.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch