ĐCSTQ kích động lòng dân và khơi dậy thù hận khi Nhật Bản xả nước thải hạt nhân

Thái Tư Vân

Khẩu hiệu chống Nhật xuất hiện ở thành cổ Lệ Giang, tỉnh Vân Nam – Trung Quốc vào năm 2013. (Nguồn: Wikipedia)

Hơn 10.000 tấn nước thải hạt nhân do Nhà máy điện hạt nhân Fukushima tạo ra sau trận động đất 3/11/2011 ở Nhật Bản đã chính thức được thải ra biển vào trưa ngày 24/8 sau khi đã xử lý, dự kiến ​​sẽ tiếp tục xả trong 30 năm. Trong khi Viện Hành chính Đài Loan tuyên bố rằng những vùng nước thải hạt nhân này có rất ít ảnh hưởng đến an toàn bức xạ của Đài Loan, thì ĐCSTQ đã nhân cơ hội này để kích động dư luận và phóng đại tình cảm dân tộc chủ nghĩa.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa tin hôm thứ Bảy (ngày 26/8) theo giờ địa phương rằng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra cá bơn đánh bắt ở vùng biển gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima và không tìm thấy đồng vị phóng xạ tritium. Đồng thời, trong tương lai, Chính phủ Nhật Bản sẽ công bố kết quả kết quả kiểm tra mỗi ngày.

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đã bắt đầu xả nước hạt nhân đã qua xử lý ra Thái Bình Dương vào ngày 24/8. Sau đó một ngày,Bộ Môi trường Nhật Bản đã tiến hành lấy mẫu nước biển tại các vùng biển xung quanh để kiểm tra nồng độ hoạt độ của chất phóng xạ tritium. TEPCO chịu trách nhiệm phân tích mẫu nước biển sau khi bắt đầu xả nước biển và kết quả được công bố vào chiều tối.

Ngày 25/8, TEPCO cho biết mức độ đồng vị phóng xạ tritium trong nước biển gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima chưa đến 10 Bq/lít, không chỉ thấp hơn tiêu chuẩn 700 Bq do công ty tự đặt ra, mà còn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 10.000 Bq cho nước uống của Tổ chức Y tế (WHO).

Ông Tony Hooker, giám đốc Trung tâm Giáo dục và Đổi mới Nghiên cứu Phóng xạ tại Đại học Adelaide ở Úc, nói với Đài truyền hình Al Jazeera rằng nước thải hạt nhân thải ra từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima là an toàn.

Ông Hooker nói: “Rõ ràng là nó thấp hơn nhiều so với hướng dẫn của WHO về nước uống”.

Ông nói: “Việc xả thải chất phóng xạ ra biển là một vấn đề mang tính phi chính trị. Tôi hiểu mối lo ngại của mọi người, đây là vì chúng tôi, với tư cách là các nhà khoa học, vẫn chưa giải thích rõ ràng về vấn đề này, cho nên chúng tôi cần phải làm nhiều công việc phổ cập khoa học hơn nữa.”

Trong 12 năm qua, nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã tích tụ 1,343 tỷ mét khối nước thải và vẫn đang tăng với tốc độ 170 mét khối mỗi ngày. Vì vậy, nhà điều hành TEPCO trước đó đã được Chính phủ Nhật Bản và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế chấp thuận cho phép lọc và xả nước biển nhiễm hạt nhân ra Thái Bình Dương từ ngày 24/8.

Viện Hành chính Đài Loan: Ảnh hưởng của nước thải hạt nhân đến Đài Loan là không đáng kể

Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, rằng liên quan đến việc Nhật Bản xả nước đã qua xử lý hạt nhân, ông Lâm Tử Luân, người phát ngôn của Viện Hành chính, cho biết hôm 24/8 rằng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã mời một nhóm gồm 11 quốc gia thành viên bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, và Mỹ điều tra và xác nhận kế hoạch xả thải của Nhật Bản, tuân thủ các tiêu chuẩn xả thải quốc tế.

Ông Lâm Tử Luân nói rằng theo sơ đồ phân tích mô hình khuếch tán do Hội đồng Năng lượng Quốc gia và Cục Khí tượng hợp tác hoàn thành, một phần nước thải sẽ đến vùng lân cận eo biển Đài Loan sau 1 đến 2 năm xả thải ở Nhật Bản, dự kiến ​​sẽ đạt nồng độ lớn nhất sau 4 năm, các giá trị đều thấp hơn giá trị trung bình của môi trường tritium ban đầu ở vùng biển Đài Loan và tác động đến an toàn bức xạ gần Đài Loan ở mức độ “có thể bỏ qua”.

Ông cho biết, trên thực tế, để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân trong năm 2020, Chính phủ Đài Loan đã triển khai và thiết lập trước một nền tảng liên bộ, tuân thủ theo dõi, đánh giá khoa học và chuyên môn, tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế, giám sát và thực hiện nghiêm ngặt thông tin về nguồn xả thải, tăng cường giám sát bức xạ ở các vùng biển và hải sản, đồng thời thiết lập mô hình đánh giá khuếch tán đại dương và các biện pháp khác để duy trì sức khỏe cộng đồng và sự an toàn của các vùng biển xung quanh Đài Loan.

Ông cũng cho biết, Chính phủ Đài Loan cũng đã đến thăm Nhật Bản 3 lần để khảo sát thực địa, lấy mẫu và xét nghiệm nước biển Nhật Bản, các sản phẩm thủy sản, mẫu môi trường và sinh thái cũng như thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản.

Ông Lý Tử Luân mong người dân yên tâm rằng Chính phủ sẽ tiếp tục sử dụng nền tảng thông tin và các thông báo thông tin liên quan, đồng thời sử dụng các tiêu chuẩn an ninh quốc gia để kiểm tra và đánh giá dữ liệu liên quan, đảm bảo an toàn cho vùng biển Đài Loan và người dân.

Ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9,0 độ richter đã xảy ra ở Tohoku, Nhật Bản, gây ra thảm họa nghiêm trọng trên đất liền và còn gây ra sóng thần, khiến lõi của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I gần biển tan chảy. Để làm mát những thanh nhiên liệu không thể làm mát được, Chính phủ Nhật Bản buộc phải bơm khẩn cấp một lượng lớn nước biển để làm mát.

Ban đầu, Chính phủ Nhật Bản dự kiến ​​sẽ tái sử dụng nước thải hạt nhân để làm mát các thanh nhiên liệu, nhưng sự xâm nhập của nước ngầm khiến khoảng 130 tấn nước thải hạt nhân được sản sinh ra mỗi ngày. Để lưu trữ lượng nước thải hạt nhân này, Chính phủ Nhật Bản đã phát quang các khu rừng xung quanh nhà máy điện hạt nhân và xây dựng hàng ngàn bể chứa nước thải với sức chứa khoảng 1,37 triệu tấn, đến nay sức chứa khoảng 1,34 triệu tấn đã đạt mức bão hòa (tương đương lượng nước chứa đầy 500 bể bơi tiêu chuẩn Olympic).

Công ty Điện lực Tokyo cho biết, mặc dù nước làm mát của các thanh nhiên liệu hạt nhân này có chứa nhiều loại chất phóng xạ có nồng độ cao, nhưng nồng độ các chất phóng xạ khác ngoài “tritium” trong nước thải có thể giảm đi sau khi tinh chế thông qua xử lý làm sạch bằng thiết bị lọc cực mạnh mang tên ALPS (Advanced Liquid Processing System).

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ chỉ ra rằng do tritium được phân bố rộng rãi trong môi trường và chuỗi thức ăn nên con người có thể nuốt hoặc hít phải một lượng nhỏ tritium mỗi ngày. Tritium khuếch tán nhanh chóng sau khi vào cơ thể, nhưng nó được bài tiết qua nước tiểu sau khoảng một tháng uống vào.

Để xác minh tác động của nước đã qua xử lý chứa tritium đến môi trường, Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đã tiến hành các mô phỏng liên quan và nhận thấy rằng chỉ có nồng độ tritium trong biển cách nhà máy điện hạt nhân 2 đến 3 km mới vượt quá nồng độ tritium trong môi trường (0,1 đến 1 Bq mỗi lít); còn ở khu vực cách đó 3 km, nồng độ không khác biệt so với môi trường. TEPCO đã đặt mức chỉ tiêu, chỉ cần nồng độ tritium trên một lít nước trong bán kính 3 km tính từ nhà máy điện hạt nhân đạt 700 Bq thì sẽ ngừng xả thải.

Nhiều nơi ở Trung Quốc xuất hiện làn sóng tranh nhau mua muối

Như đã đưa tin, vào ngày đầu tiên Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra biển, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) đã tuyên bố tạm ngừng việc nhập khẩu hoàn toàn các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản. Theo phân tích của chuyên gia, điều này có liên quan đến việc ĐCSTQ cố tình kích động chủ nghĩa dân tộc.

Chiều ngày 23/8, Cục Giám sát thị trường quận Kim Sơn, thành phố Thượng Hải đã phát động cuộc kiểm tra đột xuất thực phẩm nhập khẩu tại một số siêu thị và nhà hàng. Nội dung kiểm tra bao gồm việc có bán thực phẩm từ 10 quận của Nhật Bản, trong đó có Fukushima, vốn bị hải quan Trung Quốc cấm, bao gồm đồ uống có cồn, bánh kẹo và bánh ngọt hay không.

Theo đó, những lời chỉ trích từ truyền thông nhà nước xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc. Tờ Nhân dân Nhật báo trực tuyến cáo buộc chính quyền Nhật Bản “tự chỉ đạo và tự diễn ‘chứng nhận có thẩm quyền’”. Tờ Tin tức Bắc Kinh trực thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy Bắc Kinh đã phát động một cuộc khảo sát dư luận, đặt câu hỏi “Bạn vẫn sẽ ăn đồ ăn Nhật chứ?” và nhiều phương tiện truyền thông khác đã cũng noi theo tiến hành khảo sát. Trong số 116.000 cư dân mạng đã tham gia khảo sát của trang Tin tức Hồng tinh, có 107.000 người chọn trả lời “sẽ không ăn”. Ngược lại, một nửa dân số Nhật Bản bày tỏ hiểu việc xả nước đã qua xử lý hạt nhân.

Ngoài ra, người dân ở nhiều nơi như Bắc Kinh, Thượng Hải, Phúc Châu còn xuất hiện hiện tượng tranh nhau mua muối. Trang mạng của Thời báo Hoàn cầu đưa tin vào chiều ngày 24/8, trên nền tảng trực tuyến của chuỗi siêu thị thực phẩm tươi sống ở Bắc Kinh, ban đầu có đủ lượng muối ăn nhưng sau đó lại hiển thị là “hết hàng” chỉ sau một giờ. Đài phát thanh tin tức Dương Châu đưa tin, số người mua muối tại các siêu thị như RT-Mart ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô đã tăng lên đáng kể vào sáng 24/8, và một số nhãn hiệu muối lần lượt hết sạch. Một số nhóm WeChat bắt đầu chia sẻ tin nhắn về việc “tích trữ muối”.

Tập đoàn Công nghiệp Muối Trung Quốc (China National Salt Industry Group), doanh nghiệp nhà nước duy nhất trong ngành muối của Trung Quốc, đã đưa ra tuyên bố vào ngày 24/8 trước hiện tượng hoảng loạn mua muối. Theo đó, tập đoàn này cho biết họ đang tăng cường sản xuất và phân phối, đồng thời nhắc nhở các giới trong xã hội tiêu dùng một cách lý tính, không mua sắm một cách mù quáng. Đồng thời nói rằng “mỏ muối và hồ muối sản xuất muối đều không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm hạt nhân của Nhật Bản”.

ĐCSTQ lợi dụng nước thải hạt nhân của Nhật Bản để kích động tình cảm của người dân

Ông Hồ Bình (Hu Ping), tổng biên tập danh dự của tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng những lời chỉ trích mạnh mẽ của ĐCSTQ đối với việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra biển rõ ràng có yếu tố kích động chống Nhật Bản. Ông nói: “Nước thải hạt nhân của Nhật Bản đã được xử lý và được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế kiểm tra và phê duyệt. Cần phải nói rằng nó không có hại. Nếu nói về khoa học và tôn trọng khoa học, chúng ta nên biết rằng đây không phải là một vấn đề. Nhưng ĐCSTQ vẫn đang gây ồn ào về vấn đề này, kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và bài ngoài.”

Ông Hồ Bình nói rằng: “Trong một thời gian tới, vấn đề Đài Loan sẽ là tâm điểm xung đột giữa Chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản. Các vấn đề khác như vấn đề quần đảo Điếu Ngư đã bị gác lại, phía Trung Quốc cũng biết rằng xào lại vấn đề này không có ý vị gì. Vấn đề Đài Loan vẫn sẽ trở thành một vấn đề quan trọng mà ĐCSTQ lợi dụng để chơi lá bài chủ nghĩa dân tộc.”

Ngoài ra, ĐCSTQ còn tung tin ngư dân Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về sinh kế trong tương lai của họ. Ngày 24/8, chủ đề “Nhiều chợ hải sản ở Hàn Quốc gần như vắng khách” được đẩy lên danh sách tìm kiếm nóng trên mạng xã hội Weibo. Tuy nhiên, Thủ tướng Hàn Quốc Han Deok-soo đã có bài phát biểu trước người dân vào ngày 24/8, nói rằng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cộng đồng năng lượng hạt nhân quốc tế và các chuyên gia Hàn Quốc tin rằng chỉ cần Chính phủ Nhật Bản xả nước thải hạt nhân theo các biện pháp đã được công bố, Hàn Quốc không có lý do gì đặc biệt để lo lắng.

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất cho biết, một số kênh truyền thông lớn ở Hàn Quốc hầu như không đưa tin về người dân đổ xô đi mua muối mà chỉ nói rằng thị trường thủy sản tương đối vắng vẻ. Ông nói: “Một mặt ĐCSTQ nói rằng người Hàn Quốc cũng đang tranh nhau mua muối, mặt khác họ lại truyền thông tin về vấn đề này của nhau, cho nên Trung Quốc cũng đã hình thành làn sóng tranh nhau mua muối. Nếu xu hướng tranh nhau mua muối này xảy ra được lan rộng sang các lĩnh vực khác, có thể có một số tác động đến sự ổn định của chế độ ĐCSTQ.”

Ông Lý Lâm Nhất cho rằng chủ nghĩa dân tộc là một con dao hai lưỡi, và ĐCSTQ sẽ dần dần nhận ra rằng cái được nhiều hơn cái mất. Nếu cứ tiếp tục theo logic hiện tại sẽ rất bất lợi cho nó và sẽ gây ra những rủi ro không lường trước khác. Ông ước tính ĐCSTQ sẽ dần dần hạ nhiệt về những vấn đề này, nhưng thái độ thù địch của họ đối với Nhật Bản sẽ không thay đổi.

Theo dữ liệu công bố trên trang web chính thức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, hàm lượng tritium trong nước thải hạt nhân thải ra từ các cơ sở hạt nhân ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada và Pháp theo quy định quốc gia của họ là cao hơn nhiều so với ở Nhật Bản.

Nhà báo Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai) cho rằng, ĐCSTQ đã phóng đại một cách ác ý tác hại của việc xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản, trên thực tế, độ an toàn trong việc xả nước thải hạt nhân của ĐCSTQ cũng không tốt hơn Nhật Bản. Theo thông tin từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, lượng phát thải tritium của nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn (Qinshan) số 3 của Trung Quốc là khoảng 143 MBq, gấp 6,5 lần lượng phát thải theo kế hoạch của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.

Ông cho rằng lệnh cấm nhập khẩu hải sản liên quan đến Nhật Bản của ĐCSTQ là do mối quan hệ giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đang được nâng cấp lên thành một cộng đồng chiến lược mới, điều này đã hình thành trở lực rất lớn đối với việc ĐCSTQ thống nhất Đài Loan.

Trí Đạt biên dịch

Related posts