Phải lên tiếng dù đã quá muộn màng

Lê Nguyễn

5-9-2023

Tin tỉnh Bình Thuận được phép phá hủy hơn 600ha rừng để làm hồ thủy lợi là một quả bom tấn có sức công phá dữ dội trong một xã hội vốn đã có quá nhiều điều bất cập.

Sự chấn động của nguồn tin có đủ sức mạnh để những ai đang cố tình quên đi nhiều ký ức bi thương về cuộc sống đã qua cũng phải bật dậy, ôm lấy đầu mình. Sao lại có thể như vậy được nhỉ?

Chúng ta sống trong sự ngột ngạt của một thành phố mà mật độ dân cư lên đến mức cao nhất, có những buổi tan sở, cầm trong tay một giò lan hay một chậu hồng tỉ muội mua ở ven đường, lòng khấp khởi nỗi vui mừng, mang chút quà tặng của thiên nhiên về để trước balcon, chăm sóc, ngắm nghía mỗi buổi chiều về. Chỉ một bụi cây nhỏ xíu đủ mang lại niềm vui, thế mà ở không xa chúng ta là mấy, đang có toan tính hủy hoại những rừng cây bạt ngàn đã sinh trưởng từ nhiều trăm năm trước, đã che chở, bảo vệ chúng ta khỏi những cơn lũ giữa đại ngàn, hấp thu cho chúng ta hàng triệu tấn khí độc hại của môi trường.

Thật là một điều đáng ôm đầu suy nghĩ!

600ha ấy đâu phải chỉ có cây rừng! Đó còn là ngôi nhà chung, nơi nương náu của hàng triệu sinh vật, từ những giống thú móng guốc to lớn đến những loài chim líu lo, những chú bướm khoe màu sắc trong cái thế giới mà bà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho chúng.

Viễn cảnh tàn phá động thực vật còn lại rất ít trên đất nước này khiến không ít người trong chúng ta quặn lòng khi nhớ đến hình ảnh bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường của những đất nước văn minh mà nhiều người trong chúng ta từng có lần đặt chân đến. Ở đó, có những chiếc xe nối đuôi nhau dừng lại, im phăng phắc, nhẫn nại chờ cho mẹ con đàn ngỗng hoang dã chậm rãi đi qua đường; nhiều tiểu bang trên đất Mỹ cho máy bay trực thăng rải hàng chục tấn hạt giống hoa dại trên các thảm cây rừng khắp chốn, để khi mùa Xuân trở về, khách nhàn du có dịp ngây ngất trước vẻ đẹp của đời sống tự nhiên.

Người ta yêu thiên nhiên, chăm sóc và làm đẹp thiên nhiên như thế, vậy mà trên đất nước “rừng vàng biển bạc” này, con người tiếp tục hủy hoại không thương tiếc di sản quý giá đã được cha ông truyền lại từ hàng trăm năm trước. Nhiều thập kỷ qua, thảm họa phát xuất từ hành động phá rừng đã diễn ra dưới thiên hình vạn trạng, từ những trận lũ kinh hồn cuốn phăng nhà cửa, ruộng vườn, đến những trận đất chuồi biến thành mồ chôn cả tài sản lẫn con người…, vậy mà đến nay, chúng vẫn chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn lòng tham của nhiều người!

Những tiếng kêu thống thiết vang lên từ mấy chục năm qua, nay đã quá muộn màng, khi rừng nguyên sinh chỉ còn 0,25%!

Ăn của rừng hơn 99%, bấy lâu nay, ta đã trả lại cho rừng được bao nhiêu?

Song như người xưa từng nói, muộn vẫn còn hơn không, cất lên tiếng nói của lương tri, hành động bằng cách này hay cách khác, để bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá của cha ông, là trách nhiệm chung của mọi người trong xã hội này. Làm ngơ trước những hành vi chưa thể hiện đầy đủ tinh thần vì dân, vì nước, chúng ta đắc tội với tiền nhân, vô cùng có lỗi với những thế hệ cháu con phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thế hệ của mình gây nên.

Related posts