Trân Văn (VOA)
5-9-2023
Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt Nam, lại nói về nét đẹp văn hóa, về truyền thống, về tinh thần, về khát vọng Việt Nam (1). Tại “Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc 2023” vừa được tổ chức ở Hà Nội, ông Chính lập lại lời ông Hồ Chí Minh: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ… Văn hóa soi đường cho quốc dân đi…
Bởi đảng của ông Chính đột nhiên quan tâm đến truyền thống văn hóa, lôi “Đề cương văn hóa Việt Nam” do ông Trường Chinh soạn thảo và công bố năm 1943 ra… phủi bụi, rồi tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (11/2021), cách Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (11/1946) tới… 75 năm và khẳng định văn hóa là “nền tảng tinh thần”, là đuốc “soi đường” nên cần ngẫm nghĩ xem vì sao lại thế…
***
Vài tuần qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội chỉ trích kịch liệt việc các cơ quan truyền thông tiếp tục khai thác những đề tài kiểu như… “Hoa hậu Diễm Hương bị rắn bò ngang bụng lúc đang ngủ, rùng mình nghe dân tình ‘phán’ điều đáng sợ” (2), “Xôn xao clip người đàn ông dòm váy cô gái chụp ảnh trên phố Phan Đình Phùng” (3), “Khánh Thi khó ngủ, mệt mỏi ở tháng cuối thai kỳ, Phan Hiển xoa bụng vợ cực đáng yêu” (4)…
Bất kể kinh tế suy thoái chưa thấy điểm dừng, xã hội hỗn loạn, tất cả các giới bi quan vì bế tắc về đủ mọi khía cạnh,… hệ thống truyền thông chính thức vẫn tiếp tục né tránh, không những không chạm vào những vấn đề nóng nhất, gây bức bối nhất mà còn tiếp tục dẫn dắt công chúng, đặc biệt là giới trẻ chú tâm vào phần mà một số chuyên gia tâm lý từng khái quát là “đóng hộp những chuyện tầm phào” để “đánh từ thắt lưng trở xuống”.
Hiểu biết về môi trường sống quanh mình vốn là một nhu cầu mang tính bản năng. Nếu khuyến khích các yếu tố tích cực, nhu cầu này sẽ tạo thêm động lực cho sự phát triển của các cá nhân và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Vì nhiều lý do, thiên hạ có thể tìm – biết những sự kiện rất lớn, ở rất xa, phạm vi tác động trên bình diện rất rộng song lại không rành những chuyện rất nhỏ, rất lặt vặt, thậm chí tầm phào, xảy ra quanh họ. Truyền thông kiểu “lá cải” ra đời nhằm “đóng hộp những chuyện tầm phào” để bù đắp khiếm khuyết này.
“Đóng hộp những chuyện tầm phào” có thể được khai thác như một chiến thuật trong tâm lý chiến để “đánh từ thắt lưng trở xuống”. Xưa nay, phần dưới thắt lưng vẫn thường được dùng để ám chỉ những nhu cầu thuần túy bản năng. Trong tâm lý chiến, “đánh từ thắt lưng trở xuống” là cách gọi việc khai thác tối đa những “chuyện tầm phào” để tạo ra sự hoang mang, nghi ngại, tâm trạng bất an, sự bất bình với thực tại, kể cả sự sợ hãi, trốn chạy thực tại.
“Đánh từ thắt lưng trở xuống” còn có thể sử dụng để thủ tiêu những khát vọng, nỗ lực hướng thượng, sự quan tâm và mong muốn đóng góp, thay đổi môi trường sống, không gian sống theo hướng tích cực hơn so với hiện tại, khiến đối tượng chỉ còn quan tâm đến việc tìm kiếm, tự thỏa mãn những nhu cầu cá nhân (ăn, ở, hưởng lạc…). Khi nhiều cá nhân chỉ còn quan tâm đến việc thỏa mãn các nhu cầu của riêng họ, tinh thần của một cộng đồng sẽ lệch lạc, tương lai của một xứ sở sẽ sụp đổ.
***
Hoạt động nghề nghiệp của hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam như đã biết và đang thấy là hệ quả của “quy hoạch báo chí”, sắp đặt nhân sự lãnh đạo báo chí để bảo đảm sự “ổn định chính trị”. Không chỉ báo chí, cung cách quản trị – điều hành xã hội cùng với nỗ lực chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” để duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN đã tạo ra những thế hệ mà đa số thành viên không còn bận tâm đến thời cuộc, xem bất công, bất toàn như điều đương nhiên, xem phản biện hay vận động để tạo ra những thay đổi theo hướng tích cực hơn là… “phản động” và “phản bội”. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đang ra sức quảng bá cho việc đang soạn thảo “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm “xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh với trọng tâm là bảo tồn, phát huy và nhân lên các giá trị văn hóa, truyền thống quý báu của dân tộc”.
Làm sao có thể đạt được mục tiêu đó khi cung cách – quản trị điều hành xã hội vẫn chỉ nhằm thủ tiêu các ý kiến khác biệt và những đề nghị trái với chủ trương, đường lối vốn đầy dẫy sai lầm bằng luật hình sự, thay vì thừa nhận “tự diễn biến, tự chuyển hóa” là quy luật sinh tồn, nhờ vậy nhân loại mới tồn tại và phát triển thì lại liên tục khẳng định đó là nguy cơ phải chống đến cùng? Làm sao có thể đạt được mục tiêu đó khi hệ thống truyền thông chính thức được sắp đặt theo hướng chỉ cổ xúy để các cá nhân, đặc biệt là giới trẻ xem việc làm sao để có thể… “ăn ngon, mặc đẹp”, có thể chứng minh mình… “sành điệu” là lý tưởng của cuộc đời?
Việc lôi “Đề cương văn hóa Việt Nam” ra… phủi bụi, tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra trong bối cảnh “đạo đức cách mạng” không những đã hết… thiêng mà còn đang làm cho công chúng nôn thốc, nôn tháo. Suy tôn “truyền thống văn hóa”, nâng lên thành “nền tảng tinh thần”, thành đuốc “soi đường” không phải vì truyền thống cũng chẳng phải vì văn hóa mà vì cần dùng cả hai để ghép vào, tạo ra… “văn hóa góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực; truyền cảm hứng, cổ vũ, lan tỏa các giá trị cao đẹp của dân tộc, của con người trong xã hội”. Lôi “truyền thống văn hóa” ra xài với tâm thế đó, nhào nặn “nền tảng tinh thần” của dân tộc theo kiểu đó, “soi đường” với tham vọng vô lối đó, bất chấp nguy hại thế nào đối với dân trí, dân khí, dân sinh là có công hay phạm tội “đại nghịch bất đạo”?
Chú thích