Trân Văn (VOA)
8-9-2023
Có lẽ chỉ người Việt mới phải bận tâm đến những vấn nạn được xem là lưu cữu trong hoạt động khai giảng tại Việt Nam để năm nào việc buộc trẻ con tập dượt, xếp hàng chào đón viên chức đến trường…
Hơn 22 triệu đứa trẻ là con cháu của hàng chục triệu gia đình tại Việt Nam vừa vào niên khóa mới. Có thể đó là lý do khiến trước, trong và sau ngày tựu trường, khai giảng luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhiều giới trên mạng xã hội…
***
Một trong những tệ nạn bị chỉ trích kịch liệt vào dịp khai giảng niên khóa mới là trẻ con và thầy cô của chúng phải tập dượt để chào đón viên chức chính quyền đến ban huấn từ, đánh trống khai trường.
Năm nay, dường như sự chỉ trích đã có tác dụng… Không chỉ có Bộ Giáo dục chỉ thị hoạt động khai giảng phải “ngắn gọn, trang nghiêm” (1) mà chính quyền một số địa phương cũng yêu cầu các viên chức không “phát biểu chỉ đạo” và “đánh trống khai trường”…
Thái Hạo xem đó là “tin tốt nhưng chưa đủ”. Hôm 4/9/2023, Thái Hạo viết: Có lẽ hôm nay cả nước đang tập dượt và tổng duyệt nghi thức cùng các tiết mục cho ngày khai giảng. Đây là “sản phẩm” mới mà thời chúng tôi đi học, cách đây dưới 20 năm chưa hề có. Tập khai giảng, “trường nhỏ” cũng vài ngày, “trường lớn” như trường tôi trước đây, kéo dài cả tháng... Tập tành như thế đã vô hình trung hủy hoại mất cảm giác háo hức, tươi mới của học sinh ngày đầu đến trường, biến buổi lễ thành một buổi diễn vô hồn, xơ cứng, lạnh lùng. Thêm nữa, còn hành tất cả học sinh và giáo viên trong những ngày nắng nôi nhễ nhại. Chưa vào năm học đã phải sống trong sự giả dối của các trò diễn. Mà diễn cho ai xem? Khai giảng/khai học/tựu trường là ngày hội của thầy cô và học trò, bây giờ lại biến họ thành diễn viên biểu diễn cho nhân vật chính là lãnh đạo địa phương thưởng thức, thế hóa ra lại thành ngày của lãnh đạo ư? Học trò và thầy cô bị bỏ quên giữa sân trường… Việc tập khai giảng, với sự vô lý và phản giáo dục ấy, nên bỏ.
Cũng theo Thái Hạo: Đọc diễn văn và phát biểu chỉ đạo cũng là một nỗi ám ảnh của các buổi lễ khai giảng. Những bài viết rập khuôn, văn mẫu, cứ đọc từ năm này qua năm khác. Đến nỗi, sau ba năm, gần như giáo viên thuộc luôn bài phát biểu của hiệu trưởng trường mình. Lời nói đáng ra cần thật lòng, thiết thực thì nay biến thành một thứ ngôn ngữ gỗ. Trong những phát biểu ấy, phần dài nhất có lẽ là báo cáo thành tích, đọc gần như y nguyên bảng thành tích của cuối năm học trước… Học sinh ngồi dưới thứ nắng muốn bể đầu, thầy cô thì đứng trên bục đọc như đọc báo cáo. Ngày đầu đi học mà đã bị dội một gáo nước lạnh của căn bệnh thành tích và sự trống rỗng vô hồn, thì còn khí thế nào trong nhà giáo và học trò nữa? Thái Hạo đề nghị: Hiệu trưởng nên nói ngắn gọn, chia sẻ thật lòng và thiết thực cho học trò, đừng cầm giấy đọc nữa. Chẳng lẽ nói mấy lời về công việc mình đã làm suốt đời mà cũng không tự tin ư, sao phải dán chặt vào giấy? Đó là hình ảnh không đẹp và cả không truyền đến cho học sinh sự tự tin cũng như sự chân thành.
Thái Hạo cũng đề nghị: Đừng trồng cây lưu niệm “khổng lồ” nữa. Những cây cổ thụ vài chục năm tuổi phải thuê cẩu lớn mới đưa vào được và đã trồng từ lúc nào không hay, nay lãnh đạo đến thì cầm cây xẻng cuốn giấy xanh đỏ, giả vờ hất mấy xẻng đất rồi gắn cái biển tên lên, nó hình thức và giả dối lắm, không giáo dục được ai với những việc làm như thế cả. Nếu vẫn muốn thì chỉ trồng cây nhỏ, giao cho học sinh trồng và chăm sóc, để các em biết yêu quý cây cối và thiên nhiên, cũng tập cho các em thói quen lao động lành mạnh. Đừng làm ra những hình ảnh không mang tính giáo dục. Tổ chức ăn uống trong trường cũng không nên. Hình ảnh “ăn nhậu” ấy không phù hợp trong môi trường giáo dục. Khai giảng là “ngày đầu tiên đi học” sau mùa hè nghỉ ngơi, là ngày hội của thầy và trò, điều cần nhất là tâm thế vui tươi, thật lòng, ấm áp để để xua đi sự lười biếng, hàn gắn lại cảm xúc học tập, để kết nối tình cảm, để khơi dậy hứng thú… Xin đừng hành nhau, đừng giả vờ, đừng hình thức. Và nhất là đừng bỏ quên thầy trò (2).
***
Bởi buộc trẻ con tập dượt, chào đón viên chức đến ban huấn từ, đánh trống khai trường chỉ giảm nhưng vẫn phổ biến chứ chưa chấm dứt hoàn toàn nên Thái Lâm Phạm mới bỡn cợt, thử đem “thịt chó” ra so với “trống khai giảng”:
Khi bạn nuôi chó, bạn đã có một kết nối tình cảm. Bạn yêu chúng. Chúng cũng yêu bạn và xả thân bảo vệ bạn. Khi bạn ngủ, chúng thức để bảo vệ bạn. Và rồi khi không hề đói, chúng ta mang chúng ra…thịt. Chúng ta là loại động vật gì? Và phong trào bài ăn thịt chó ngày càng mạnh mẽ. Đến giờ mười quán thịt chó, cả Nam chí Bắc, đã đóng cửa tới chín. Nghĩa là đại đa số đã không còn ăn thịt chó nữa. Đến đây hẳn mọi người sẽ thắc mắc thịt chó có liên quan gì tới trống khai giảng. Thực ra chúng rất giống nhau về bản chất. Ai cũng thấy gần thế kỷ nay, kể từ ngày bọn họ tràn về, ngày khai giảng là một tội ác. Cũng như ăn thịt chó, ai cũng thấy tội lỗi khi tĩnh trí, khai giảng ai cũng thấy là một ngày hành hạ trẻ. Nắng cũng như mưa, bắt những đứa trẻ tuyệt đẹp ngồi đó nghe những thứ nhảm nhí, giáo điều mà phần lớn chúng chẳng hiểu gì cả. Để rồi có trẻ đã ngất lịm vì say nắng, cảm lạnh vì mưa. Nhưng không ai dám bỏ. Chúng ta là loài động vật gì? Thế rồi mạng xã hội ra đời, người ta bắt đầu chửi.
Kết quả của việc… đăng những bức ảnh trẻ đổ gục khi nghe “lời vàng ngọc” của lãnh đạo ngày khai giảng là “khai giảng cũng bắt đầu phải đóng cửa. Và cũng như bao sự việc khác, khi ta thực sự cố gắng, luật tương hỗ sẽ hỗ trợ chúng ta: Ông trời có mắt. Những quan chức đánh trống khai giảng lần lượt bị bắt. Tất nhiên quan chức nào mà chả tham nhũng, nhưng hễ “oánh trống” thì như đánh thức thiên hoàng vậy. Mày chết với ông… Cho nên Thái Lâm Phạm dự đoán: Giờ, cũng như ăn thịt chó, người ta dẹp đánh trống khai giảng và sẽ chẳng quan chức nào còn dám bén mảng tới nữa. Thế là con cháu ta bớt được cái phần “chó” nặng nề ấy. Chỉ còn thầy cô với trẻ. Tất cả vui vẻ, thực chất với nhau (3)… Theo Thái Lâm Phạm, người Việt ta như ngàn xưa, chuyển biến về nhận thức luôn chậm chạp (Le Bon gọi là cố kết tâm lý). Cái gì cũng nói, cũng bàn nhưng chẳng ai làm, nói là để cho đứa khác (một dạng chửi đổng) và mọi thứ chỉ thay đổi khi ý thức trưởng thành…
Cũng nhân dịp khai giảng niên khóa mới, qua mạng xã hội, ông Mạc Van Trang “nhắc mấy hiệu trưởng”: Sắp khai giảng năm học mới rồi đấy. Các hiệu trưởng nhớ, đừng có ngu dại mời mấy tay quan chức đến đánh trống khai trường. Gương tầy liếp đầy như rác đó. Nếu có quan chức nào có con học ở trường, đến dự khai giảng thì hãy để ngồi như phụ huynh bình thường, đừng có xun xoe xấu hổ lắm, mất tư cách lắm. Việc đánh trống khai trường hiệu trưởng hãy thực hiện một cách thiêng liêng và trách nhiệm đạo đức. Nếu không đủ tin vào nhân cách của mình, thì tốt nhất mời một thầy giáo, hay cô giáo có uy tín nhất trong trường, được các giáo viên và học sinh yêu quý tin cậy để đánh trống khai trường. Như vậy mới đúng tiếng trống trường mang giá trị giáo dục Chân Thiện Mỹ, chứ không dành cho những kẻ đạo đức giả làm ô uế nhà trường, tác hại đến niềm tin, tâm hồn trong trắng của con trẻ (4).
Từ việc viên chức thi nhau đánh trống khai trường, ông Nguyễn Khắc Mai liên tưởng đến câu “đánh trống bỏ dùi”: Chưa bao giờ câu tục ngữ ấy lại có được sự minh họa hết sức cụ thể, rất rõ ràng như trong trường hợp những người đi đánh trống khai giảng. Tôi dám đoán với tất các bạn rằng, họ đánh xong bỏ dùi và không hề nghĩ tới giáo dục nữa. Họ quên giáo dục ngay lập tức, quên chuyện lương không đủ sống của giáo viên, quên chuyện phải đóng góp méo mặt của phụ huynh học sinh, quên luôn chuyện sách giáo khoa bất hợp lý, quên cả trường lớp trên vùng cao nơi đồng bào các dân tộc ít người đang sinh sống. Đặc biệt họ cũng quên luôn việc học hành của họ. Nên nhiều người chẳng những viết không thành câu, nói năng kém văn hóa, mà việc tu thân, tề gia của họ rất bê bối. Chưa bao giờ tôi thấy họ minh họa một cách sinh động, đầy ấn tượng như thế về câu tục ngữ “đánh trống bỏ dùi” (5)!
***
Có lẽ chỉ người Việt mới phải bận tâm đến những vấn nạn được xem là lưu cữu trong hoạt động khai giảng tại Việt Nam để năm nào việc buộc trẻ con tập dượt, xếp hàng chào đón viên chức đến trường ban huấn từ, đánh trống khai trường cũng trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội. Đó dường như cũng là lý do để Nguyễn Thông cám cảnh và bình: Chỉ có mỗi việc đánh trống khai trường năm học mới mà cả xã hội cũng phải bàn tới bàn lui thì đủ hiểu tại sao xứ này không lớn lên được. Quan lớn thì trồng cây cổ thụ (thực ra là phá rừng, hại cây) nhưng không biết ngượng, nhà sư thì diễn trò phóng sinh (thực ra là tiếp tay cho giết hại động vật) cũng không hề xấu hổ, đường sá quảng trường thì treo đặc cờ xí băng rôn vừa nhức mắt vừa tốn kém, quan to thì nhâng nháo thơ phú con cóc rởm đời không coi thiên hạ ra gì… Cả một xã hội chẳng biết đâu là giá trị thực, trong khi cái xấu cái ác ngang ngược mọi lúc mọi nơi mọi tầng lớp. Đó là “bức tranh vân cẩu, con người tang thương” ở xứ này. Pháo hoa cũng chả làm mờ được (6).
Chú thích