Los Angeles khánh thành Bảo tàng Điện ảnh

Tuấn Thảo

Bảo tàng điện ảnh Los Angeles trước giờ mở cửa đón công chúng. Ảnh ngày 21/09/2021 REUTERS – MARIO ANZUONI

Los Angeles là nơi tọa lạc nhiều hãng phim Mỹ từng làm nên huyền thoại của Hollywood. Ngay ở trong thành phố Los Angeles cũng có hơn 40 viện bảo tàng và phòng triển lãm, nhưng cho tới giờ Hollywood vẫn chưa có một bảo tàng thật sự xứng đáng dành riêng cho nghệ thuật thứ 7. Bù đắp thiếu sót này, Los Angeles sẽ khánh thành một viện bảo tàng lớn do Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ điều hành.

Sau một thời gian dài trùng tu xây cất, viện bảo tàng này đáng lẽ phải được khai trương từ hồi năm ngoái, nhưng vì đại dịch Covid-19, ngày khánh thành đã hai lần bị trì hoãn. Mãi đến giữa tuần sau, vào ngày 30/09/2021, Bảo tàng Điện ảnh tại Los Angeles mới chính thức mở cửa đón khách tham quan. Đây sẽ là viện bảo tàng dành riêng cho nghệ thuật thứ 7 thuộc vào hàng lớn nhất khu vực Bắc Mỹ. Cơ sở này sẽ do Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) quản lý, cho nên mới có tên gọi chính thức là ”Academy Museum of Motion Pictures”.

390 triệu đô la để biến đổi toà nhà lớn thành bảo tàng

Hôm 22/09/2021, nam diễn viên hai lần đoạt giải Oscar Tom Hanks và cũng là thành viên hội đồng quản trị Bảo tàng điện ảnh đã giới thiệu với giới truyền thông báo chí về tầm quan trọng của việc xây dựng viện bảo tàng đầu tiên dành cho ngành điện ảnh ngay tại thành phố Los Angeles. Trong tâm thức của hàng tỷ khán giả trên thế giới, đây chính là nơi đóng đô của Hollywood. Có lẽ cũng vì thế, theo Tom Hanks, tuy nhiều nơi khác trên thế giới cũng có lập bảo tàng điện ảnh, nhưng trong trường hợp của Los Angeles, bảo tàng này lại càng có thêm ý nghĩa sâu sắc, một ngôi đền dành cho những thành tựu trong làng nghệ thuật thứ 7.

Đằng sau công trình xây dựng Bảo tàng Điện ảnh nằm ở phía tây thành phố Los Angeles là kiến trúc sư nổi tiếng người Ý Renzo Piano. Ông đã từng đoạt giải Priztker vào năm 1998 (tương đương với giải Nobel kiến trúc) và trong số các công trình nổi tiếng do ông thiết kế có Quỹ nghệ thuật Beyeler tại Basel, dự án mở rộng bảo tàng High Museum of Art tại Atlanta, cũng như Trung tâm văn hóa Pompidou tại Paris (đồng thực hiện với kiến trúc sư người Anh Richard Rogers). Lần này, ông Renzo Piano đã sử dụng một tòa nhà trước kia là một cửa hàng lớn, có từ những năm 1930. Sau nhiều năm sửa chữa trùng tu, toà nhà này đã được tái tạo thành viện bảo tàng, nơi thiết lập không gian trưng bày chính.

Ngay trong khuôn viên, kiến trúc sư Ý đã sắp đặt thêm một cấu trúc giống như một quả cầu khổng lồ lơ lửng. Ở bên trong là rạp chiếu phim (mang tên David Geffen) với một ngàn chỗ ngồi. Hình dáng của rạp chiếu phim làm cho nhiều người liên tưởng ngay đến bộ phim ”Star Wars” (Chiến tranh giữa các vì sao). Trả lời báo chí, ông Renzo Piano nói rằng đây không phải là ”Death Star” (Ngôi sao Tử thần), một loại vũ khí siêu phàm có khả năng hủy diệt cả một hành tinh. Ông gọi đó là một chiếc khí cầu, một chiếc tàu bay ”Zeppelin” đưa khách đến một thế giới khác. Chi phí xây cất thêm các cơ sở với trang bị tối tân hiện đại cũng như tái tạo một toà nhà cổ thành viện bảo tàng, lên đến hơn 390 triệu đô la. Nguồn tài trợ chủ yếu đến từ các tập đoàn sản xuất phim ảnh nổi tiếng tại Hollywood, trong đó có Disney, Warner, cũng như nền tảng trực tuyến Netflix.

Triển lãm chuyên đề và bộ sưu tập thường trực

Về nội dung, viện bảo tàng sẽ có hai khu vực chính. Không gian thứ nhất dành cho các cuộc triển lãm theo chuyên đề. Đạo diễn Nhật Bản Hayao Miyazaki là gương mặt quan trọng đầu tiên được vinh danh. Cuộc triển lãm Mizayaki sẽ diễn ra trong nhiều tháng, trưng bày các tác phẩm có liên quan tới thế giới của các bộ phim hoạt hình của ông như ”Người bạn hàng xóm Totoro”, ”Phù thủy tí hon Kiki”, ”Công chúa Mononoke”, ”Lâu đài bay của pháp sư Howl” hay ”Chihiro ở thế giới thần bí”, đa số đều là những tác phẩm quan trọng của hãng phim hoạt hình Ghibli.

Còn trong không gian triển lãm thường trực, bộ sưu tập của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ phác họa một bức tranh tổng thể về nền điện ảnh trong suốt một thế kỷ. Trong số các hiện vật được trưng bày có cả xưa và nay, chẳng hạn như bộ áo choàng của Dracula theo nhà văn Bram Stoker, Chiến binh Orc trong bộ trường thiên ”Lord of the Rings” (Chúa tể các chiếc nhẫn), nhân vật thủy quái trong phim ”Shape of the Water” (Dáng hình của nước), bộ đồ phi hành gia trong bộ phim “2001, A Space Odyssey” của đạo diễn bậc thầy Stanley Kubrick, hay là hai người máy cực kỳ nổi tiếng C-3PO và R2-D2 trong loạt phim ăn khách ”Star Wars”.

Xưa hơn nữa, có đôi hài hồng ngọc trong ”The Wizard of Oz” (Phù thủy xứ Oz), với Judy Garland trong vai chính vào năm 1939. Bộ trang phục lộng lẫy thêu chỉ vàng và vương miện rắn hổ mang của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra, nhưng không phải là phiên bản với Elizabeth Taylor vào năm 1963, mà là với nữ diễn viên Claudette Colbert vào năm 1934 trong bộ phim sử thi cùng tên của đạo diễn Cecil B. DeMille. Ngoài xa còn có chiếc xe gỗ trượt tuyết tên là Rosebud (bị thiêu rụi) trong kiệt tác ”Citizen Kane”, phim của đạo diễn Orson Welles thường được giới phê bình quốc tế chọn là tác phẩm điện ảnh hay nhất mọi thời đại. Trong số ba chiếc xe trượt tuyết bằng gỗ được tạo cho bộ phim này, chỉ còn lại một chiếc duy nhất, được trưng bày tại bảo tàng Los Angeles.

“Ngôi đền điện ảnh” đầu tiên tại kinh đô Hollywood

Những hiện vật, trang phục, đạo cụ, hay hình ảnh cực kỳ tiêu biểu, khiến cho đại đa số khán giả chỉ cần lướt nhìn là hình dung được ngay thế giới của từng bộ phim, Bảo tàng điện ảnh tại Los Angeles muốn cho khách tham quan có một tầm nhìn rộng về nền điện ảnh trên thế giới, kể từ lúc khai sinh vào cuối thế kỷ XIX cho đến tận ngày nay, khi hầu như bất cứ ý tưởng ngoạn mục nào cũng đều có thể được tái tạo nhờ công nghệ kỹ xảo. Bảo tàng Los Angeles chỉ chính thức mở cửa cho công chúng vào ngày 30/09, nhưng vào cuối tuần này, ngày 25/09, không khí tại Hollywood sẽ náo nhiệt hẳn lên, khi hàng loạt ngôi sao và nhân vật nổi tiếng sẽ tề tựu đông đủ để tham gia lễ khai trương chính thức trước ống kính truyền hình.

Sau nhiều thập niên ấp ủ, cuối cùng thành phố Los Angeles cũng đã biến giấc mơ thành hiện thực khi khai sinh một viện bảo tàng dành riêng cho các ”thước phim” được chiếu trên màn ảnh rộng. Sự kiện này càng đáng ghi nhận vì kế hoạch được hoàn tất trong một bối cảnh không mấy thuận lợi, ngành công nghiệp sản xuất vẫn chưa phục hồi, doanh thu phim chiếu ở rạp vẫn chưa thật sự ổn định, ít ra chưa đủ để trấn an giới sản xuất cũng như các nhà phân phối. Nhưng thà trễ còn hơn không, vì Hollywood, kinh đô của nghệ thuật thứ 7, mà không lập một Bảo tàng Điện ảnh thì chẳng khác gì thủ đô Paris mà không có Bảo tàng thời trang. 

Related posts